TS. Nguyễn Thị Kim Hồng, ThS. Hoàng Bích Thủy

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

TÓM TẮT:

Kinh tế tri thức là thuật ngữ dùng để chỉ một giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế thế giới. Đó là một giai đoạn, mà tri thức, thông tin trở thành yếu tố quyết định nhất đối với sự phát triển của sản xuất; khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và đóng vai trò quyết định hàng đầu. Chuyển sang nền kinh tế tri thức là một xu hướng tất yếu đang diễn ra trên toàn cầu. Nếu bỏ lỡ thời cơ với đoàn tàu kinh tế tri thức, Việt Nam sẽ tụt hậu xa hơn so với các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, việc tìm hiểu kinh nghiệm phát triển kinh tế tri thức ở một số nước tiên tiến trên thế giới, như Nhật Bản và Hàn Quốc là cần thiết đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Từ khóa: kinh tế tri thức, xu hướng, lực lượng sản xuất trực tiếp

KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRI THỨC Ở NHẬT BẢN

(1) Quan điểm bắt chước có tính sáng tạo

Hiện nay, Nhật Bản là một trong những nước dẫn đầu về phát triển kinh tế tri thức. Để có được vị thế như vậy, Nhật Bản đã phải nỗ lực rất nhiều. Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một kế hoạch cải tổ nền kinh tế, mà nền tảng của nó là sự bắt chước có tính sáng tạo những công nghệ được nhập từ nước ngoài. Nhật Bản đã tiến hành hàng loạt các hoạt động tìm kiếm, săn lùng và nhập về nước các công nghệ trên thế giới. Từ cương vị nước bị coi là “bắt chước”, “cải tiến”..., Nhật Bản đã có những bước tiến đại nhảy vọt từ một quốc gia yếu kém trở thành một trong những siêu cường quốc. Kinh nghiệm của Nhật Bản nhanh chóng được nêu lên thành bài học chung cho các nước đang phát triển.

Ngay từ cuối thế kỷ XX, Nhật Bản đã xây dựng một chiến lược quốc gia hoàn chỉnh để phát triển công nghệ cao. Con đường phát triển của Nhật Bản đã từng gắn liền với việc học tập các thành tựu của các nước tiên tiến trên thế giới. Quan điểm của người Nhật Bản là không cam chịu thụ động, chấp nhận những gì sẵn có, trái hẳn với tính bắt chước mang tính sao chép, Nhật Bản thể hiện rất rõ đường lối bắt chước mang tính sáng tạo.

Nhờ nỗ lực sáng tạo trong sử dụng công nghệ nhập ngoại, từ một nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Nhật Bản đã tiến thẳng vào kỷ nguyên công nghệ cao (trở thành nước độc lập về công nghệ từ năm 1980). Cũng nhờ thông qua nỗ lực sáng tạo, các công nghệ nhập ngoại được cải tiến vượt trội hơn so với trình độ của chính nước xuất khẩu công nghệ.

Khai thác những tác dụng mới của công nghệ sẵn có trên thế giới, Nhật Bản không ngần ngại thay đổi mục tiêu sử dụng công nghệ để phát triển kinh tế. Hàng loạt công nghệ vốn được sử dụng trong quân sự của Mỹ đã được Nhật Bản mau chóng đổi hướng dùng trong kinh tế dân dụng, như: máy công cụ điều khiển bằng số, công nghệ vi điện tử, công nghệ hạt nhân, công nghệ vũ trụ...

(2) Quan điểm gắn chặt nghiên cứu khoa học với thực tế

Ở Nhật Bản, đã tồn tại một quan điểm từ rất lâu, đó là nghiên cứu khoa học phải có tính thực dụng, nghĩa là nó phải được áp dụng vào sản xuất để tạo ra một sản phẩm mang tính cạnh tranh cao trên thị trường. Chính phủ Nhật Bản đã không chú trọng nhiều vào nghiên cứu cơ bản mà hầu hết chỉ quan tâm đến những sáng tạo công nghệ mang tính thương mại. Các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản thường chuyển từ phòng thí nghiệm sang dây chuyền sản xuất. Ở đấy, họ áp dụng những kinh nghiệm vào hoạt động sản xuất và tiếp sau đó họ lại quay trở lại phòng thí nghiệm để nghiên cứu những vấn đề của sản xuất, mà họ đúc kết được...

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng vậy, họ chỉ chú trọng đầu tư cho nghiên cứu công nghệ đối với những ngành có hiệu quả thiết thực. Do đó, các doanh nghiệp Nhật Bản không quan tâm nhiều đến vấn đề cần bao nhiêu kinh phí để xây dựng nhà máy, mà là phải xây dựng bao nhiêu nhà máy để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

(3) Quan điểm chú trọng áp dụng công nghệ cao vào sản xuất

Chủ trương của các doanh nghiệp Nhật Bản là phải phát triển các ngành sản xuất có hàm lượng khoa học cao. Họ tập trung nguồn vốn vào nghiên cứu khoa học và thiết kế thực nghiệm với tỷ lệ lớn hơn nhiều so với đầu tư mở rộng sản xuất. Nhờ vào quan điểm liên tục áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, Nhật Bản đã tạo được vị thế vượt trội trong kỹ thuật viễn thông và vi điện tử. Các chuyên gia và kỹ sư Nhật Bản có tài và khéo léo, nhưng họ không bao giờ thỏa mãn. Hàng loạt công ty Nhật Bản, như: Toshiba, Hitachi, Mitsubishi, FuJi, Nec, Toyota, Nissan... đã trở thành những người khổng lồ nổi tiếng trên thế giới về sản xuất hàng hóa, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới.

Quan điểm của Nhật Bản là phải nhanh chóng áp dụng những công nghệ cao trong sản xuất để tung ra thị trường những hàng hóa tốt nhất, mới nhất, nhanh nhất và giảm giá thành ở mức thấp nhất. Chính vì vậy, Nhật Bản không dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu thị trường, thay vào đó họ đề cao sự năng động, nhạy bén trong sản xuất và khuyến khích thỏa đáng cho sáng tạo. Từ đó, góp phần nhanh chóng đưa công nghệ mới vào sản xuất.

(4) Quan điểm phát huy và khuyến khích nhân tài

Nhật Bản khuyến khích các nhân tài xuất sắc về khoa học, công nghệ. Để thu hút nhân tài người nước ngoài, Nhật Bản đã chuyển hướng sang xây dựng mô hình “Xã hội trí tuệ” hướng tới thế kỷ XXI. Mục đích là nhằm bổ sung 1/3 số lượng nhân tài bị thiếu hụt của nước này.

Năm 1949, Nhật Bản có công dân đầu tiên được trao giải Nobel Vật lý. Cho tới cuối năm 2000, nước này đã có 9 chủ nhân giải Nobel (6 giải Khoa học), nhiều nhất châu Á. Chỉ trong 15 năm 2000-2014, đã có 13 người Nhật được trao giải Nobel. Và, tính từ năm 1949 cho tới năm 2016, đã có 25 người Nhật được trao giải Nobel, gồm 22 người giành giải Nobel Khoa học (11 người giải Vật lý, 7 người giải Hóa học, 4 người giải Y học), 2 người giải Văn học và 1 giải Hòa bình. Tuy rằng, trong số đó, có 2 người quốc tịch Mỹ (Yoichiro Nambu, Nobel Vật lý 2008, và Shuji Nakamura, Nobel Vật lý 2014), nhưng thành tựu khoa học họ được khen thưởng là do họ làm ra khi còn ở Nhật (Nguyễn Hải Hoành, 2017).

Bên cạnh việc thu hút các nhân tài nước ngoài, Chính phủ Nhật Bản đã có những chính sách nhằm khuyến khích công tác đào tạo trong các trường đại học trong nước. Kết quả, trong những năm đầu tiên qua, tổng số các nhà khoa học và kỹ sư trong lực lượng lao động của Nhật Bản tăng rất nhanh, vượt trội hơn tất cả các nước công nghiệp khác, kể cả Mỹ.

(5) Quan điểm thúc đẩy khoa học, công nghệ

Quan điểm trên của Chính phủ Nhật Bản được thể hiện rõ trong các "Kế hoạch cơ bản về khoa học, công nghệ". Kể từ lần đầu tiên vào năm 1996, căn cứ theo Luật Cơ sở về Khoa học và Công nghệ ban hành năm 1995. Đến nay, Nhật Bản đã có Kế hoạch Khoa học Công nghệ lần thứ 5.

Căn cứ trên các Kế hoạch Khoa học Công nghệ, suốt 20 năm qua, chính phủ Nhật Bản đã có những chính sách đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, cải tổ cơ chế tổ chức thực hiện nghiên cứu và phát triển, xây dựng và trang bị các cơ sở nghiên cứu hiện đại, mở rộng hoạt động trao đổi và hợp tác quốc tế…

Trong Kế hoạch Khoa học và Công nghệ lần thứ 5, ngay từ năm 2016, khái niệm Xã hội 5.0 được Nhật Bản định nghĩa là “một xã hội lấy con người là trung tâm; là xã hội cân bằng giữa phát triển về kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội bằng hệ thống tích hợp cao giữa không gian ảo và không gian thực”. Trong bản Kế hoạch này Nhật Bản đã đề xuất khái niệm Xã hội 5.0 và các định hướng, các chính sách về khoa học và công nghệ để tiến đến Xã hội 5.0, một mặt, khẳng định vị thế của Nhật Bản trong quá trình cạnh tranh toàn cầu; mặt khác, đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề chung của nhân loại và giải quyết những vấn đề riêng của Nhật Bản, hướng đến một sự phát triển bền vững.

KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRI THỨC CỦA HÀN QUỐC

Một là, chú trọng phát triển khoa học, công nghệ

Để đạt được những thành tựu như ngày nay, trọng tâm trong chính sách của Hàn Quốc là đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ. Nội dung của chính sách quốc gia về khoa học, công nghệ Hàn Quốc là xác định những mục tiêu, phân bổ ngân sách và xác định những ưu tiên. Chính phủ Hàn Quốc luôn dành một tỷ lệ ngân sách cao cho nghiên cứu khoa học. Năm 2017, tổng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) của Hàn Quốc đạt 78.789,2 tỷ Won (69,64 tỷ USD), tăng 13,5% so với năm 2016, cao thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Chính phủ cũng tạo ra những biện pháp khuyến khích đặc biệt, như: trao giải thưởng khuyến khích nghiên cứu khoa học cơ bản cho những công trình lớn hoặc thành lập trung tâm nghiên cứu ở trình độ cao ở một số trường đại học được chọn lọc (Hữu Tuyên, 2018).

Nhờ vào những chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, Hàn Quốc đạt được thành tựu đáng kể trong lĩnh vực sáng chế và chuyển giao công nghệ. Năm 1990, ứng với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ Ba, với việc gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc bước vào đội ngũ các nước phát triển. Các chính sách khoa học, công nghệ chuyển trọng tâm sang phát triển kỹ thuật, công nghệ mới. Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra Dự án phát triển công nghệ hàng đầu (Dự án G7) với sự tham gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Giao thông xây dựng, Bộ Môi trường, Bộ Y tế. Đây là dự án đầu tiên lên kế hoạch hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân, tập trung vào các lĩnh vực, như công nghiệp IT, chất bán dẫn, thông tin truyền thông, năng lượng hạt nhân, công nghệ vũ trụ, hải dương...

Hiện nay, Hàn Quốc bước vào cuộc CMCN lần thứ Tư như một sự tiếp nối những thành quả của cuộc CMCN lần thứ Ba. Đây là cuộc cách mạng về tích hợp ngành chế tạo với công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

Để thực hiện CMCN lần thứ Tư, năm 2016, Hàn Quốc thành lập “Hội đồng Chính phủ và tư nhân về ngành công nghiệp mới”, do Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM) và Bộ trưởng Công nghiệp, thương mại và tài nguyên làm đồng Chủ tịch. Mục tiêu của Hội đồng này là chuẩn bị một lộ trình sẵn sàng cho ngành công nghiệp Hàn Quốc để có thể bắt kịp xu thế công nghiệp mới. Căn cứ đề xuất của Hội đồng, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ công bố “Phương hướng, đối sách cho thời đại CMCN lần thứ Tư” vào cuối năm 2017.

Hai là, chú trọng đào tạo nhân tài

Hàn Quốc đã có những kế hoạch xây dựng các cơ sở đào tạo nhân tài từ rất sớm. Điều này được thể hiện ngay từ kế hoạch phát triển kinh tế lần thứ nhất, năm 1967. Trong kế hoạch này, Hàn Quốc đã thành lập viện khoa học, công nghệ - đây là cơ quan đầu não của khoa học, công nghệ Hàn Quốc. Tiếp theo, Viện Đại học Hàn Quốc đã được thành lập vào năm 1971 nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ khoa học, đánh dấu cột mốc cho sự ra đời của hàng loạt các viện công nghệ trong các lĩnh vực điện tử, hạt nhân, hóa học, viễn thông.

Khoản đầu tư của chính phủ Hàn Quốc vào giáo dục được chi mạnh tay cho lương giáo viên. Theo dữ liệu công bố năm 2018 của OECD, lương giáo viên tiểu học Hàn Quốc xếp thứ 3 thế giới với mức khởi điểm là 28.352 USD mỗi năm. Lương giáo viên trung học xếp thứ 4, trong đó kinh nghiệm và thâm niên ảnh hưởng rất lớn đến mức thu nhập. Năm đầu tiên, giáo viên chỉ kiếm được 27.702 USD, nhưng con số tăng lên thành 41.875 USD sau 10 năm và có thể đạt mức cao nhất là 77.979 USD (Thùy Linh, 2018).

Văn hóa Hàn Quốc đặt trọng tâm vào thành tích học tập, đó là một niềm tin văn hóa sâu sắc và khó có thể áp dụng cho mọi quốc gia khác. Tuy nhiên, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, đào tạo giáo viên nghiêm ngặt hơn và cung cấp đãi ngộ hấp dẫn cho nghề giáo là cách “sao chép” phù hợp.

MỘT SỐ GỢI Ý CHO VIỆT NAM

Qua việc tìm hiểu sự phát triển kinh tế tri thức ở Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể rút ra một số gợi ý cho Việt Nam trong quá trình hình thành và phát triển kinh tế tri thức, như sau:

Thứ nhất, phát triển kinh tế tri thức rất cần một tư duy đổi mới để nhận thức được tính kế thừa và sự khác biệt của nền kinh tế này so với các nền kinh tế hàng hoá thông thường đã và đang tồn tại trong lịch sử. Đặc trưng của nền kinh tế tri thức không những đòi hỏi môi trường phát triển khác hẳn so với trước, mà dù chỉ mới manh nha, nó cũng sẽ đào thải theo đúng quy luật những điều kiện lỗi thời, không phù hợp để tạo không gian cho sự ra đời của cái mới. Bởi, cuộc cách mạng thông tin đang trên đường tiến tới, đó không đơn thuần chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ, về máy móc, về kỹ thuật, về phần mềm hay tốc độ, mà trước hết đó phải là cuộc cách mạng về quan niệm, về đổi mới tư duy.

Thứ hai, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời đại kinh tế tri thức thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải hình thành nguồn vốn nhân lực, khuyến khích và bồi dưỡng nhân tài, lấy con người làm trung tâm của mọi sự phát triển. Trong nền kinh tế tri thức, khả năng sáng tạo tri thức, trình độ tiếp cận và vận sự kiến thức tiến tiến để sản xuất các giá trị vật chất và tinh thần mang ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế. Tất cả những thứ đó đều gắn chặt với con người, do con người quyết định. Vì thế, nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực là phải hướng vào mục tiêu biến tri thức thành kỹ năng, tri thức thành trí lực. Dân trí phải trở thành nhân lực. Đây cũng chính là hướng đi chung của tất cả các nước để tiến vào thời đại của khoa học, công nghệ.

Thứ ba, ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin và coi chúng là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế. Đây là hướng đi mà hầu hết các nước đều tuân thủ nhằm tạo dựng cơ sở khoa học cho nền kinh tế tri thức.

Thứ tư, tiến hành cải tổ và cải cách kinh tế - xã hội theo hướng tự do hoá hơn và cởi mở hơn. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, nền kinh tế tri thức không chỉ đòi hỏi phải được đầu tư thích đáng, mà còn phải tạo dựng được một nhà nước pháp quyền, một môi trường chính trị - xã hội dân chủ cho phép mọi người dân có thể bày tỏ được quan điểm và chính kiến, cũng như các ý tưởng sáng tạo của mình; môi trường pháp lý minh bạch, ổn định không bị thay đổi một cách tùy tiện. Để phát triển kinh tế kỹ thuật số, vốn (capital) là một nhân tố quyết định, nhưng cũng không thể thiếu được điều kiện tiên quyết là nhà nước pháp quyền thực sự dân chủ và một nền kinh tế thị trường cạnh tranh lành mạnh, cùng tri thức và công nghệ.

Thứ năm, lấy doanh nghiệp làm chủ thể của các chương trình đầu tư nghiên cứu và triển khai. Khác với những thập kỷ trước, những phát minh khoa học ứng dụng ngày nay do các công ty thực hiện là chủ yếu. Các tập đoàn lớn thường có các phòng thí nghiệm, các viện nghiên cứu để phục vụ cho nhu cầu đổi mới sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới nhằm thu được lợi ích kinh doanh.

Thứ sáu, muốn tiến nhanh đến nền kinh tế tri thức, phải nhanh chóng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, sẵn sàng đương đầu với những thách thức, tận dụng lợi thế so sánh tương đối về các nguồn lực để thực hiện chiến lược đuổi kịp và phát triển bền vững. Do toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới ngày nay đang là một xu thế tất yếu, nên mọi nền kinh tế đều tồn tại trong sự ràng buộc lẫn nhau, các dòng di chuyển thông tin, tài chính, hàng hóa, dịch vụ... đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Trong hoàn cảnh đó, sự phát triển của tất cả các nước, các khu vực không thể không tính đến tác động của các nhân tố khách quan bên ngoài.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh khoa học, công nghệ tiến nhanh như vũ bão hiện nay, cần phải có một chiến lược phát triển đúng đắn để tranh thủ được mọi thời cơ do thời đại mang lại, khơi dậy được những tiềm năng đang ẩn khuất và tập trung được mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cho phát triển.

Qua việc nghiên cứu kinh nghiệm hình thành và phát triển kinh tế tri thức ở các nước phát triển, có thể thấy rằng, các nước phát triển đã chủ động phát triển kinh tế tri thức từ cuối thế kỷ XX và qua đó có thể khẳng định thế kỷ XXI là thế kỷ của kinh tế tri thức. Vì vậy, nước ta không thể chần chừ bỏ lỡ cơ hội lớn, mà phải đi thẳng vào nền kinh tế tri thức, phải nâng cao năng lực khoa học, công nghệ nội sinh, phải bắt kịp tri thức mới của thời đại, đi thẳng vào những ngành kinh tế dựa vào tri thức và công nghệ cao. Đó chính là con đường vừa phát triển tuần tự, vừa nhảy vọt “đi tắt, đón đầu”, có như vậy mới có thể rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và trên thế giới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vũ Đình Cự, Trần Văn Sầm (chủ biên) ( 2006). Lực lượng sản xuất mới và kinh tế tri thức, Nxb Chính trị Quốc gia

2. Nguyễn Hải Hoành (2017). Vì sao người Nhật giành nhiều giải Nobel khoa học, truy cập từ http://nghiencuuquocte.org/2017/02/20/vi-sao-nguoi-nhat-gianh-nhieu-giai-nobel-khoa-hoc/

3. Thùy Linh (2018). Quá trình vươn lên top đầu thế giới của nền giáo dục Hàn Quốc, truy cập từ https://amp.vnexpress.net/giao-duc/qua-trinh-vuon-len-top-dau-the-gioi-cua-nen-giao-duc-han-quoc-3837252.html/

4. Hữu Tuyên (2018). Hàn Quốc đứng thứ 5 về đầu tư cho R&D, truy cập từ https://baomoi.com/han-quoc-dung-thu-5-ve-dau-tu-cho-r d/r/28765163.epi/

Đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 01+02 tháng 01/2020)