Kinh tế nền tảng và câu chuyện ứng xử thế nào?
Ngày 1/8, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Tọa đàm “Xu hướng chính sách đối với kinh tế nền tảng”.
Toàn cảnh cuộc Tọa đàm
Lợi thì có lợi…
Kinh tế nền tảng là hoạt động kinh tế và xã hội tạo nên dựa trên các hạ tầng nhất định mà mặc định được hiểu là các hạ tầng kỹ thuật số. Các nền tảng như vậy thường là những người kết nối trực tuyến hoặc các khung công nghệ.
Trong thập kỷ qua mô hình kinh tế nền tảng (Digital Platform Economy) phát triển mạnh mẽ trên thế giới và thâm nhập sâu rộng vào Việt Nam. Trong giai đoạn đầu mô hình này nhận được sự ủng hộ tích cực của nhiều bên liên quan, các chính phủ cũng ít can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số
Theo ông Trần Trọng Tuyến, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, mô hình kinh tế nền tảng đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và trên thế giới, mang lại nhiều lợi ích như, tăng năng suất, giảm chi phí, tạo ra các thị trường mới cũng như gia tăng sự linh hoạt của thị trường lao động.
…nhưng không biết quản lý thế nào?
Sau một thời gian hoạt động, theo ông Tuyến mô hình kinh tế nền tảng đã dần bộc lộ một số khiếm khuyết cần đến sự can thiệp của Nhà nước để bảo vệ người tiêu dùng, người lao động, chống thất thu thuế với các nền tảng hoạt động xuyên biên giới.
Tuy nhiên, do có một số sản phẩm, dịch vụ, phương thức kinh doanh mới ra đời, nên cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt các cơ quan thuế chưa bắt kịp để có thể kiểm soát nhằm khai thác nguồn thuế cho Nhà nước một cách tối ưu.
Dẫn kinh nghiệm quốc tế, PGS, TS. Ngô Trí Long cho biết, phần lớn các nước trong khu vực không coi nền tảng kết nối xe là dịch vụ vận tải. Việc coi nền tảng kết nối là dịch vụ vận tải sẽ gây tác động tiêu cực tới kinh tế nền tảng, làm giảm thế mạnh của các đơn vị xử lý công nghệ là xử lý hệ thống dữ liệu lớn và kết hợp với trí tuệ nhân tạo để đề xuất phương tiện và giá.
“Việc buộc các doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng toàn bộ điều kiện của toàn bộ quá trình kinh doanh vận tải là một sự bất công, không hợp lý. Quy định này không những làm biến đổi bản chất hoạt động của nền tảng, mà còn triệt tiêu phần lớn những ưu điểm của công nghệ mang lại, biến nền tảng thành một công nghệ đơn thuần”, ông Long nói.
Ông Long cho rằng, quy định như vậy sẽ tác động tiêu cực tới cả các nền tảng trong nước như Vato, Emmi, Gonow ( của Viettle) và T.Ney (của FPT), lẫn các nền tảng ngoại như (Grab...)
Còn ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, thì nhận định, sự lúng túng trong quản lý Uber, Grab cho thấy cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang loay hoay "nhét" mô hình mới vào cách quản lý cũ, hệ thống hành chính cũ đang phải đối mặt với sự phát triển quá nhanh của công nghệ.
Điều đáng quan ngại là hiện nay, Việt Nam chưa có sự tiếp cận chính sách cũng như đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc xây dựng các quy định đối với mô hình kinh tế mới này.
Cụ thể, theo ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Viện Nhà nước và Pháp luật, ứng xử của các quốc gia đối với các dịch vụ mới trên Internet còn khác biệt, thậm chí trái ngược nhau, do việc tiếp cận dịch vụ trong khuôn khổ WTO còn mơ hồ, chưa hoàn thiện và phụ thuộc nhiều vào các cuộc đàm phán thương mại cũng như bối cảnh tại từng quốc gia.
Trong khi các doanh nghiệp không nhất thiết phải thực hiện tất cả các công đoạn của một chuỗi cung ứng dịch vụ mà có thể lựa chọn một hoặc một số công đoạn để đầu tư.
“Đây cũng là lý do để kinh tế nền tảng có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua trên phạm vi toàn cầu”, ông Dương chỉ rõ.
Cần thay đổi công nghệ ban hành chính sách
TS. Vũ Tú Thành (Hội đồng Kinh doanh US-ASEAN) cho biết, việc phân biệt nền tảng trong nước và nền tảng nước ngoài không còn phù hợp nữa> Bởi, hiện nay Việt Nam đã hội nhập rất sâu. Vì thế, cần thay đổi cách tiếp cận.
“Vấn đề là làm thế nào để tận dụng được thành quả của người đi trước và tạo lợi ích cho mình. Cách tiếp cận đó thực dụng hơn, hiệu quả hơn thay vì cách tiếp cận của Đông Ki sốt, kiểu tự hào dân tộc khiến nguồn lực bị lãng phí”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Một trong những đặc thù của nền kinh tế nền tảng là phải xây dựng được những đối tác, quan hệ trên lợi ích chung để xây dựng hệ sinh thái phát triển.
“Nhưng, ở Việt Nam chưa có tư duy đó. Chưa có tư duy chúng ta cùng sống trên một con thuyền”, ông Thành quan ngại.
Chỉ rõ, những thách thức trong chính sách quản lý đối với những hoạt động kinh tế nền tảng đã diễn ra ở phạm vi toàn cầu, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương lưu ý, trong quá trình quản lý các nền tảng, Nhà nước cần chú trọng xem xét các điều kiện giao dịch chung, đặc biệt trong việc phân định trách nhiệm các bên để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo vệ các đối tác yếu thế trong giao dịch.
Xoay quanh việc ứng xử thế nào với mô hình mới như Grab, quan điểm chung của nhiều vị tham gia toạ đàm là bên cạnh tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thúc đẩy cạnh tranh cũng cần quan tâm giảm "gánh nặng" cho khu vực taxi truyền thống về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, đó là những điều nằm trong tầm tay của nhà nước.
Đồng tình với quan điểm của nhiều diễn giả tại Tọa đàm, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, Nhà nước nên tập trung chú ý bảo vệ lợi ích công, ví dụ chính sách thuế. Đồng thời, có kịch bản, lường trước các tác động đến lợi ích công.
Vị chuyên gia này đề xuất, Nhà nước cần cung cấp thông tin, dự báo rủi để giảm bớt tác động có thể có tiêu cực của các dịch vụ này.
“Nên thử nghiệm chính sách mới, cũng như thay đổi công nghệ ban hành chính sách đối với những loại hình kinh tế mới. Bởi, nếu chưa thử nghiệm kỹ càng, chưa đánh giá tác động thì khi thu hồi sẽ khó và gây hậu quả lâu dài”, ông Đậu Anh Tuấn phân tích./.
Bình luận