Ngày 11/03/2015 tại TP. Buôn Ma Thuột, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) và Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với các nội dung quan trọng liên quan đến việc tập trung phát triển các giải pháp KHCN, xây dựng mô hình tái canh cà phê theo hướng hữu cơ, sinh học cho chuỗi giá trị cà phê bền vững, giúp người nông dân trồng cây cà phê tháo gỡ những khó khăn.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, Tây Nguyên cần phải tái canh 120 ngàn ha cà phê. Đối với nông dân, quá trình này là cả một quãng đường gian nan, nhất là các vấn đề về kỹ thuật và nguồn vốn. Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp chung tay tháo gỡ là một tín hiệu đáng mừng cho nông dân.

Trước thực trạng diện tích cà phê già cỗi tăng cao, chất lượng giống cây trồng thấp và nguồn nước ngày càng khan hiếm. Năm 2013, AGPPS và WASI đã bắt tay xây dựng mô hình tái canh cà phê với quy mô lớn trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, công nghệ tưới hiện đại trên 5 ha cà phê tại Công ty cà phê Tháng 10, huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk. Với việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, hai đơn vị đặt mục tiêu rút ngắn thời gian luân canh và chăm sóc đầu tư thời kỳ kiến thiết cơ bản trong tái canh cà phê từ 5 năm xuống còn 3 năm.

Mô hình này cũng tăng cường sử dụng các biện pháp hữu cơ, sinh học giúp cải thiện đất và môi trường. Với hệ thống tưới nước hiện đại, mô hình này giúp tiết kiệm nước tưới từ 15-20%.

Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Wasi cho biết: “Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác và tưới nước tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả sản xuất của các vườn tái canh, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cà phê trên thị trường thế giới. Về môi trường, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, phân bón góp phần cải thiện môi trường sinh thái của các vùng chuyên canh cà phê ở Tây Nguyên. Những mô hình hiện đại như thế này sẽ là phương tiện hữu ích để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam.”

Hiện tại, vườn cà phê tái canh đang phát triển khoẻ mạnh, hứa hẹn sẽ cho năng suất cao, phẩm chất tốt vào năm 2016 với hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15-20% so với sản xuất đại trà./.