TÌNH HÌNH SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ TRÁI CÂY TẠI TỈNH BẾN TRE

Tình hình sản xuất

Bến Tre có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, trong đó cây ăn trái là một trong những sản phẩm chính góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Số liệu ở Hình 1 cho thấy, năm 2005, tổng diện tích cây ăn trái toàn Tỉnh gần 40 ngàn ha, đến năm 2010, diện tích này giảm xuống còn 32.050 ha, năm 2015 còn 27.657 ha do khoảng thời gian này, ngành nghề nuôi thủy sản phát triển mạnh, tạo nguồn thu nhập cao cho các hộ gia đình, vì vậy nhiều hộ đã chuyển đổi một số diện tích cây ăn trái sang nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, những năm sau đó, tình hình nuôi thủy sản chưa được như kỳ vọng của người dân, dịch bệnh trên thủy sản nhiều, năng suất sản lượng không cao, giá cả lên xuống thất thường, nhiều hộ gia đình không dám chuyển đổi đất ồ ạt, bên cạnh đó, ngành hàng trái cây đang có xu hướng phát triển. Vì vậy, diện tích trồng cây ăn trái những năm gần đây không có nhiều biến động. Năm 2020, diện tích cây ăn trái toàn Tỉnh đạt 26.641 ha, giảm 1.344 ha so với năm 2019, nguyên nhân chủ yếu do tác động của đợt hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 đã làm giảm diện tích gieo trồng, một số diện tích cây ăn trái bị chết hoặc giảm sản lượng do ảnh hưởng của hạn mặn đã được người dân chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.

Liên kết sản xuất phát triển ngành hàng trái cây tại tỉnh Bến Tre trước thách thức biến đổi khí hậu

Tại Bến Tre, ngoài cây dừa vừa là cây ăn trái vừa là cây công nghiệp còn có 5 loại cây ăn trái chủ lực khác là: nhãn, bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng và măng cụt; trong đó có 3 loại cây chủ lực chính là: nhãn, bưởi da xanh và chôm chôm (Tỉnh ủy Bến Tre, 2016). Các loại cây ăn trái trên phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của Tỉnh, có giá trị kinh tế cao, có nhiều tiềm năng xuất khẩu. Cây ăn trái tại tỉnh Bến Tre chủ yếu tập trung tại 3 huyện là: Chợ Lách, Châu Thành và Giồng Trôm với các loại cây ăn trái chủ lực mang hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2017 trở về trước, huyện Chợ Lách có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất trong Tỉnh, với các loại trái cây chủ lực, như: chôm chôm, nhãn, sầu riêng, măng cụt. Trong 3 năm trở lại đây, huyện Châu Thành đã vươn lên dẫn đầu toàn Tỉnh về diện tích trồng cây ăn trái. Năm 2020, diện tích trồng cây ăn trái tại huyện Châu Thành đạt 7.822 ha, với loại cây chủ lực là bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng và măng cụt (Hình 2).

Liên kết sản xuất phát triển ngành hàng trái cây tại tỉnh Bến Tre trước thách thức biến đổi khí hậu

Tình hình tiêu thụ trái cây tại tỉnh Bến Tre

Thời gian qua, trái cây của Bến Tre được tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa do chất lượng trái cây của Bến Tre ngon và được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu vẫn dựa vào thương lái, vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm đã và đang diễn ra, nhưng mức độ chưa nhiều. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Vân (2018) cho thấy, hoạt động tiêu thụ trái cây của tỉnh Bến Tre được diễn ra trên cả 4 kênh chính:

Kênh 1: Người sản xuất - người bán lẻ - người tiêu dùng: kênh tiêu thụ này diễn ra tại địa phương gần vùng sản xuất.

Kênh 2: Người sản xuất - người thu gom/thương lái - chợ đầu mối/vựa - Bán buôn/bán lẻ - tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu bằng con đường tiểu ngạch. Đây là kênh phân phối truyền thống trong việc tiêu thụ nông sản đặc điểm sản xuất nhỏ lẻ, phân tán.

Kênh 3: Người sản xuất - người thu gom/thương lái - chợ đầu mối/vựa - Doanh nghiệp/ cơ sở chế biến - tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu. Đây là kênh tiêu thụ phục vụ lĩnh vực chế biến nông sản.

Kênh 4: Người sản xuất - Doanh nghiệp/cơ sở chế biến - Sản xuất chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Kênh tiêu thụ này được thực hiện qua các mô hình liên kết, chủ yếu tiêu thụ sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm, được sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), sản phẩm thường tiêu thụ ở các siêu thị có thương hiệu nổi tiếng, như: Co.opMart, MaxiMart, CitiMart, Metro, BigC… trong cả nước và xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Hà Lan, Canada…

THỰC TRẠNG LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ TRÁI CÂY TẠI TỈNH BẾN TRE

Kết quả đạt được

Liên kết sản xuất trong nông nghiệp nói chung và đối với ngành hàng trái cây nói riêng thường được phân chia thành liên kết dọc và liên kết ngang. Liên kết dọc là liên kết giữa các tác nhân theo đường đi của sản phẩm (từ người sản xuất đến người tiêu dùng), trong khi liên kết ngang là liên kết các tác nhân, các đối tượng cùng tham gia vào các hoạt động tương tự nhau, như: liên kết các hộ nông dân với nhau, liên kết các hợp tác xã (HTX), liên kết các doanh nghiệp... Hiện nay, đa số các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây tại Bến Tre đều liên kết với nhau theo cả chiều ngang (giữa các hộ nông dân với nhau) tạo nên các tổ hợp tác (THT), HTX và theo chiều dọc (các cơ sở cung ứng dịch vụ đầu vào đến tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm…). Để các mô hình liên kết và tiêu thụ trái cây hoạt động hiệu quả, cần sự phát triển phối hợp đồng bộ cả hai loại hình liên kết này.

Liên kết sản xuất phát triển ngành hàng trái cây tại tỉnh Bến Tre trước thách thức biến đổi khí hậu
Bưởi da xanh là một trong những loại cây ăn trái đặc sản của tỉnh Bến Tre.

Trước thách thức của biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích, sản lượng trái cây cùng với việc sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới, Bến Tre đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển ngành hàng trái cây trong Tỉnh phát triển, trong đó chú trọng phát triển các mô hình liên kết, đặc biệt là liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP giữa người sản xuất với doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm. Để phát triển vùng nguyên liệu góp phần thúc đẩy các mô hình liên kết phục vụ sản xuất và xuất khẩu, tỉnh Bến Tre đã xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị gồm 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo tinh thần của Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 05/8/2016 của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, trong đó có 4 sản phẩm trái cây chủ lực chính là: bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, dừa (vừa là cây ăn trái, vừa là cây công nghiệp). Thực hiện Nghị quyết này, Tỉnh ủy cùng chính quyền đoàn thể các cấp đã triển khai nhiều giải pháp phát triển mô hình liên kết THT, HTX. Theo UBND tỉnh Bến Tre, năm 2020, toàn Tỉnh có 109 THT, 48 HTX tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có thể kể đến các chuỗi giá trị sau:

(i) Chuỗi giá trị dừa với 52 THT, 18 HTX quy mô 3.152,22 ha có 4.348 thành viên, cùng với diện tích liên kết xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ do các doanh nghiệp triển khai thực hiện thì quy mô liên kết hiện nay là 11.768,3 ha, trong đó 10.947,87 ha dừa công nghiệp.

(ii) Chuỗi giá trị bưởi da xanh với 32 THT, 9 HTX có 1.467 hộ tham gia, tổng diện tích 542,65 ha, trong đó có 18 liên kết tiêu thụ sản phẩm của các THT/HTX với các doanh nghiệp tiêu thụ có tổng số diện tích liên kết tiêu thụ bưởi da xanh của Tỉnh trên 330 ha. Hiện nay, chuỗi giá trị gia tăng bưởi da xanh có 14 THT, HTX liên kết với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hương Miền Tây, 3 HTX liên kết với cơ sở Hoàng Quý 868, 1 HTX liên kết với Công ty VinEco) (Đặng Văn Cử, 2020). Thị trường tiêu thụ bưởi da xanh tại Bến Tre hiện nay chủ yếu vẫn là xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong hơn một năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ bưởi da xanh sang thị trường này. Tuy vậy, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP của các THT, HTX liên kết với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hương Miền Tây vẫn đang hoạt động hiệu quả, thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hương Miền Tây đang ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ bưởi da xanh với 30 THT, HTX trên địa bàn tỉnh Bến Tre với diện tích bao tiêu khoảng 300 ha (Minh Đảm – Hữu Đức, 2020).

(iii) Chuỗi chôm chôm với 22 THT, 5 HTX có 778 hộ tham gia với tổng diện tích 372,69 ha. Các THT, HTX sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu và một số công ty, đối tác khác để tiêu thụ sản phẩm. Điển hình là: HTX Chôm chôm Tiên Long (huyện Châu Thành) có diện tích gần 34 ha đã liên kết với Công ty Nông sản sạch Đại Thuận Thiên để ký hợp đồng đầu ra và ký hợp đồng vào với Đại lý phân bón Út Sang, sản xuất theo tiêu chuẩn nông sản sạch. HTX cũng được cấp mã code vùng trồng ở xã Long Tiên (huyện Châu Thành) để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ (Cẩm Trúc, 2021).

(iv) Chuỗi nhãn có 3 HTX gồm 260 thành viên với diện tích 98,5 ha. Trong đó, có 2 HTX ở xã Long Hòa và xã Tam Hiệp (huyện Bình Đại) với quy mô 65 ha, thu hút 151 hộ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, HTX Long Hòa đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu với sản lượng 300 tấn/năm. Đợt hạn mặn 2019-2020 khiến sản lượng nhãn bị suy giảm, nhờ liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, sản lượng nhãn của nông dân sản xuất ra được tiêu thụ hết, doanh nghiệp đã thu mua được nguồn nguyên liệu nhãn có số lượng lớn, chất lượng cao, đồng đều và an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu (Cẩm Trúc, 2021).

Bên cạnh các mô hình liên kết tiêu biểu trên, tỉnh Bến Tre còn một số mô hình liên kết các trái cây khác cũng hoạt động hiệu quả, như: mô hình sản xuất sầu riêng của THT Hàm Luông ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành do các chị em trong Hội phụ nữ địa phương liên kết thực hiện; THT Sầu riêng Hưng Khánh B, THT Sầu riêng Phú Phụng huyện Chợ Lách; THT măng cụt Long Thới huyện Chợ Lách… Hầu hết các THT hoạt động tương đối ổn định hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm sau thu hoạch.

Một số khó khăn, hạn chế

Tuy nhiên, liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây tại tỉnh Bến Tre cũng đặt ra một số khó khăn, hạn chế như sau:

Thứ nhất, nhiều người dân chưa mặn mà với việc tiêu thụ nông sản theo hợp đồng liên kết, vì một phần do tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự do có từ lâu đời; mặt khác, do đã chứng kiến một số trường hợp doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc hợp đồng. Thực tế, có những trường hợp, khi thị trường tiêu thụ biến động và khách hàng của doanh nghiệp từ chối hợp đồng, thì doanh nghiệp đã bỏ rơi nông dân, nên chưa tạo được lòng tin nơi người dân muốn hợp tác.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc tiêu thụ nông sản theo hợp đồng. Nguyên nhân là do: (i) Sự ràng buộc về mặt pháp lý giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; (ii) Quy cách, chất lượng sản phẩm nông dân cung cấp cho doanh nghiệp không đồng đều do sản xuất nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ trong quy trình sản xuất, thu hoạch và bảo quản…; (iii) Tình trạng nông dân bán sản phẩm cho thương lái vì giá cao hơn, khiến doanh nghiệp bị mất nguồn nguyên liệu, không đáp ứng sản lượng đã ký với khách hàng diễn ra khá nhiều.

Thứ ba, việc sản xuất trái cây đạt các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP còn hạn chế về số lượng, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu, nhất là các thị trường cao cấp. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp không có nguồn cung ổn định, ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường thế giới.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây tại tỉnh Bến Tre trước thách thức của biến đổi khí hậu, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, trước diễn biến của tình trạng xâm nhập mặn ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến các loại cây trồng, người sản xuất cây ăn trái cần chuyển đổi trồng cây ăn trái cho phù hợp với địa chất của từng địa phương. Trong các loại cây chủ lực, bưởi da xanh là loại cây ăn trái có giá trị kinh tế lớn, chất lượng cao, khả năng chịu được hạn mặn tốt. Vì vậy, chính quyền, ban, ngành các cấp của Tỉnh cần quan tâm hơn nữa để xây dựng các mô hình liên kết lớn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh xuất khẩu.

Hai là, chính quyền, đoàn thể địa phương cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của người dân về vai trò của hoạt động liên kết, thay đổi thói quen, phương thức sản xuất cũ chuyển sang hướng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, khoa học để thích ứng với biến đổi khí hậu. Vận động người dân liên kết tạo vùng sản xuất lớn để tham gia sản xuất mô hình VietGAP, GlobalGAP, thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm, tiết kiệm được các khoản chi phí để đat chứng nhận và tái chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần có những ưu đãi đối với các doanh nghiệp chế biến, chế biến sâu hoạt động tại địa bàn tỉnh có liên kết bao tiêu sản phẩm với các THT, HTX sản xuất trái cây trong Tỉnh.

Ba là, trong việc hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua hợp đồng, Nhà nước cần có cơ quan theo dõi, giám sát việc thực thi hợp đồng, có thể đóng vai trò trung gian trong việc đàm phán để đảm bảo lợi ích giữa hai bên và qua đó hai bên có cơ sở để tạo niềm tin lẫn nhau.

Bốn là, giữa nông dân và doanh nghiệp khi thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng, nên tăng cường tính ràng buộc lẫn nhau và cũng như nâng cao mức bồi thường nếu một trong hai bên vi phạm cam kết. Trong điều khoản hợp đồng nên áp dụng mức giá sàn trong điều khoản hợp đồng đối với những sản phẩm trái cây ít có sự biến động về giá hoặc doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ ổn định, áp dụng mức giá thị trường đối với những loại nông sản có giá thường xuyên biến động và doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ kém. Bên cạnh đó, 2 bên cần áp dụng hình thức thưởng và phạt nhằm hạn chế việc phá vỡ hợp đồng của nhau. Nhà nước cần hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp thông tin về giá cả thị trường để họ có đủ thông tin khi quyết định về giá cả ký kết hợp đồng.

Năm là, các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung triển khai thực hiện tốt hệ thống chính sách hỗ trợ mô hình liên kết sản xuất của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương. Các vùng sản xuất trái cây tập trung quy mô lớn có chính sách khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà kho, cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện cho người trồng, THT, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay lãi suất ưu đãi, vốn hỗ trợ đáp ứng được nhu cầu tái sản xuất và mở rộng quy mô đầu tư thông qua việc thực hiện lồng ghép các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp của Trung ương và của Tỉnh để tác động tích cực đến liên kết sản xuất./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tỉnh ủy Bến Tre (2016). Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 05/8/2016 về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025

2. Cục Thống kê tỉnh Bến Tre (2011, 2016, 2021). Niên giám Thống kê tỉnh Bến Tre, các năm 2010, 2015, 2020

3. Nguyễn Thị Vân (2018). Một số mô hình sản xuất và tiêu thụ trái cây tại tỉnh Bến Tre: Hiện trạng và đề xuất phát triển, Tạp chí Khoa học xã hội, số 8

4. Đặng Văn Cử (2020). Các hình thức tổ chức liên kết đang tồn tại tại Bến Tre, truy cập từ http://dost-bentre.gov.vn/tin-tuc/2490/cac-hinh-thuc-to-chuc-lien-ket-dang-ton-tai-tai-ben-tre

5. Minh Đảm - Hữu Đức (2020). Bưởi da xanh vượt qua đại dịch, truy cập từ https://nongnghiep.vn/buoi-da-xanh-vuot-qua-dai-dich-d294674.html

6. Kỳ Quan (2020). Bến Tre “báo động đỏ” hạn mặn mùa khô 2019-2020, truy cập từ https://laodong.vn/xa-hoi/ben-tre-bao-dong-do-han-man-mua-kho-2019--2020-773052.ldo

7. Cẩm Trúc (2021). Phát triển các chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực, truy cập từ https://baodongkhoi.vn/phat-trien-cac-chuoi-san-pham-nong-san-chu-luc-15032021-a84007.html

8. Công Trí (2019). Hoàn thiện và nâng cấp chuỗi giá trị trái cây đặc sản Bến Tre, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/hoan-thien-va-nang-cap-chuoi-gia-tri-trai-cay-dac-san-ben-tre/594482.vnp

ThS. Nguyễn Thị Vân

Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)