Đây là nhận định của nhiều diễn giả tham dự Hội thảo “Liên kết trong phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức sáng ngày 28/11/2017 tại Hà Nội.

Đạt mức tăng trưởng cao

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cơ quan đầu mối tổ công tác thực hiện chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng tới năm 2020, tầm nhìn 2030 cho biết, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang có vị trí quan trọng và đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Trong giai đoạn 2005-2014, số lượng doanh nghiệp điện tử tăng nhanh từ 256 lên 1.021 doanh nghiệp. Số lượng việc làm trong ngành công nghiệp điện tử tăng 7 lần trong vòng 8 năm, từ 46.000 lao động năm 2005 lên 327.000 lao động vào năm 2013 và 500.000 lao động vào năm 2016.

TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM chủ trì hội thảo

“Từ năm 2015, Việt Nam là nước xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và lớn thứ 3 trong khu vực ASEAN. Theo dự kiến, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu điện tử của Việt Nam vượt ngưỡng 70 tỷ USD”, Bà Tuệ Anh cho biết.

Theo bà Tuệ Anh, so với mục tiêu đề ra của Chiến lược, ngành công điện tử đã đạt được thậm chí là một trong ngành có mức tăng trưởng ấn tượng nhất. Cụ thể là việc thu hút được những tập đoàn hàng đầu thế giới đến đầu tư. Trong đó, Tập đoàn Sam sung đầu tư tại Việt Nam là một thành công lớn đối với ngành công nghiệp điện tử nói riêng và của Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nơi sản xuất nhiều sản phẩm trọng điểm của ngành công nghiệp điện tử trên thế giới, qua đó mở phát triển mở rộng xuất khẩu.

“Theo Chiến lược, đến năm 2020, giá trị sản xuất của 6 ngành công nghiệp ưu tiên của Chiến lược tăng tối thiểu 20%/năm. Với chỉ tiêu này, tính trung bình trong 6 ngành này đều đạt. Nhưng tính riêng đối với ngành công nghiệp điện tử cao hơn mức này rất nhiều. Đối với mục tiêu là, mức đóng góp tối thiểu của các ngành này vào tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp là 35%, thì chỉ riêng 2 ngành là nghiệp chế biến nông thủy sản và công nghiệp điện tử hiện nay có khả năng đạt xấp xỉ mức này”, bà Tuệ Anh cho biết.

Đồng tình với quan điểm của bà Tuệ Anh, ông Bùi Bài Cường, Vụ Công nghệ Thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, trong những năm qua, ngành công nghiệp điện tử đã có nhiều đóng góp cho ngành công nghiệp, cũng như góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam.

Năm 2015, doanh thu công nghệ thông tin đạt 60.715 triệu USD, sang năm 2016, tăng lên 67.693 triệu USD. Năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu công nghệ thông tin đạt 52.954 triệu USD, sang năm 2016 là 60.789 triệu USD. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp điện tử cũng đang tạo ra một số lượng việc làm đáng kể, riêng năm 2016, ngành này đã tạo việc làm cho 780.926 lao động”, ông Cường dẫn chứng.

Ông Cao Bảo Anh đến từ Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cũng cho rằng, ngành công nghiệp điện tử hiện nay đang có mức tăng trưởng nhanh, số lượng các doanh nghiệp tăng nhanh chóng ở cả 2 thành phần kinh tế quan trọng là khu vực doanh nghiệp tư nhân và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cùng với đó, chủng loại sản phẩm cũng ngày càng đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế, tỷ lệ nội địa hóa ngày càng tăng, khả năng tự chủ của doanh nghiệp Việt Nam được cải thiện đáng kể.

“Hiện đã có những sản phẩm thương hiệu Việt được thị trường chấp nhận và đang có sức cạnh tranh tốt trên thị trường nội địa và một số thị trường các nước trong khu vực”, ông Bảo Anh cho biết.

Nhưng, vẫn dừng ở khâu gia công

Cùng với những đóng góp lớn của ngành công nghiệp điện tử, các diễn giả tham dự hội thảo đều cho rằng, ngành này đang tạo ra giá trị xuất khẩu lớn, nhưng lại tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt mới chỉ dừng ở khâu gia công là chủ yếu. Chính vì vậy, giá trị gia tăng mang lại là không cao.

Theo bà Tuệ Anh, kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử cũng đạt những kết quả ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành một trong những xuất khẩu công nghiệp điện tử lớn của thế giới, nhưng đáng tiếc là chủ lực xuất khẩu điện tử vẫn là các doanh nghiệp ngoại, còn các doanh nghiệp nội chỉ đang dùng ở khâu lắp ráp, gia công.

“95% kim ngạch xuất khẩu đến từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, trong tổng số điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu năm 2016 với trị giá hơn 34,3 tỷ USD thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 99,8%, với giá trị là 34,2%. Trong tổng số điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu năm 2016 với trị giá hơn 34 tỷ USD thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 99,8%”, bà Tuệ Anh cho biết.

Trong khi đó, ông Cao Bảo Anh, Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương nhấn mạnh, quá trình phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang mất cân đối nghiêm trọng. Trong cơ cấu sản xuất, sản phẩm được lắp ráp hoặc sản xuất tại Việt Nam, thì điện tử dân dụng chiếm khoảng 80% với doanh số chiếm khoảng 30% tổng doanh thu toàn ngành. Hiệu suất đầu tư toàn ngành thấp, hệ số ICOR cao hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển ngành công nghiệp điện tử như: Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc…

“Công tác nghiên cứu, thiết kế phát triển sản phẩm (R&D) của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Do vậy, hầu hết cá doanh nghiệp Việt Nam chỉ thực hiện gia công sản phẩm mà chưa thực hiện được các công đoạn “chế biến sâu” trong chuỗi giá trị ngành”, ông Bảo Anh nói.

Cùng chung nhận định này, ông Bùi Bài Cường cho rằng, hiện nay giá trị của công nghiệp điện tử Việt Nam đang nằm ở điểm đáy trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu ngành công nghiệp điện tử. Ngành này đang chủ yếu là gia công lắp ráp, đây là khâu thấp nhất (chỉ mang lại khoảng 20% giá trị) trong biểu đồ đường cong giá trị Stand Shih.

“Trong biểu đồ đường cong giá trị Stand Shih, thì khâu nghiên cứu và phát triển (R&D), khâu phát triển thương hiệu và phát triển dịch vụ chiếm 80% giá trị sản phẩm, còn lại 20% là thuộc về khâu gia công, lắp ráp”, ông Cường phân tích.

Để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp điện tử

Theo ông Bùi Bài Cường, Vụ Công nghệ Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), để nâng cao hiệu quả ngành công nghiệp điện tử, thời gian tới, cần ưu tiên bố trí vốn cho các chương trình, dự án dài hạn phát triển công nghiệp điện tử đã được phê duyệt. Bên cạnh đó cần duy động tối đa sự tham gia của Chính phủ - Doanh nghiệp – Nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế vào toàn bộ quá trình xây dựng, thực hiện và phát triển sản phẩm ngành công nghiệp điện tử. Đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ thông tin nói chung và công nghiệp điện tử nói riêng, đặc biệt là doanh nghiệp start-up.

Cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp start - up

“Cần tập trung nghiên cứu, xây dựng các dự án cấp quốc gia, nhằm xác định rõ chiến lược phát triển của ngành. Trong đó, chú trọng tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp cũng cần xác định phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp cũng như tính đến khả năng đón lõng xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới...”, ông Cường đề xuất.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Cao Bảo Anh cho biết, Chính phủ cần xác định công nghiệp điện tử là ngành công nghiệp trọng yếu trong nền kinh tế quốc dân để có kế hoạch dài hạn phát triển ngành hàng, có sự quan tâm đầu tư thích đáng. Xe xét ưu đãi hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho các công đoạn R&D, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại, các hỗ trợ đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp tập trung.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và đào tạo một đội ngũ nghiên cứu thiết kế và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, có hàm lượng trí tuệ cao, tận dụng lợi thế về thiết kế, tích hợp hệ thống và khả năng lập trình để có những sản phẩm giá trị gia tăng cao. Đồng thời, nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn quốc gia/quy chuẩn ký thuật tương thích, hài hòa với các chuẩn quốc tế trong lĩnh vực điện tử, tạo điều kiện cho việc tiếp thu, phát triển và tương thích hóa các công nghệ và hệ thống thiết bị điện tử trong điều kiện Việt Nam.

“Xây dựng và ban hành nghị định riêng về phát triển công nghiệp điện tử, trong đó quy định các biện pháp tổng hợp, như: phát triển kỹ thuật, đào tạo nhân lực, hỗ trợ tài chính, đảm bảo vị trí, khai thác thị trường...”, ông Bảo Anh kiến nghị.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho rằng, để nâng cao giá trị gia tăng ngành công nghiệp điện tử, thì vấn đề mấu chốt là các doanh nghiệp Việt tham gia được vào chuỗi cung ứng sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như chuỗi toàn cầu.

“Chính phủ cần khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nội liên kết với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ngay khi họ xây dựng kế hoạch hoạt động ở Việt Nam. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất các sản phẩm điện tử trong chương trình sản phẩm trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội cũng cần chủ động đầu tư các công nghệ phù hợp, chọn lộ trình phát triển thích hợp để chủ động liên kết được với các đối tác phù hợp, tạo cơ hội sản xuất ở những lợi thế so sánh và giái trị gia tăng cao hơn”, bà Hương nói./.