Lương tối thiểu: Cần cái nhìn đa chiều trong hội nhập
1. Thế nào là lương tối thiểu?
Theo quy định tại Điều 56 BộLuật Lao động, lương tối thiểu là số tiền trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong xã hội với điều kiện làm việc và cường độ lao động bình thường, lao động chưa qua đào tạo nghề. Số tiền đó đủ để người lao động tái sản xuất giản đơn sức lao động, đóng bảo hiểm tuổi già và nuôi con. Mức lương tối thiểu này được dùng làm cơ sở để tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương, mức phụ cấp lương và thực hiện một số chế độ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, có thể hiểu lương tối thiểu là mức lương thấp nhất, dành cho người lao động chưa qua đào tạo với công việc giản đơn nhất. Tức là với mức lương đó, tương ứng với đòi hỏi công việc ở mức độ giản đơn. Mức tăng lương tối thiểu xảy ra khi mặt bằng đời sống xã hội nâng lên, những chi phí cơ bản nhất tăng theo, chứ không tính theo chu kỳ khó khăn hay phát triển của doanh nghiệp.
2. Mức lương tối thiểu của Việt Nam có cao so với thế giới?
“Mọi sự so sánh là khập khiễng”, tuy nhiên để biết lương lao động Việt Nam cao hay thấp, có thể lấy hệ số chi phí lao động 1 giờ so với GDP bình quân đầu người.
Trong bài viết của Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên Báo Lao Động có tên “Chi phí lao động: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam” cho biết, hiện nay trên thế giới, tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội của từng nước, mà Hệ số chi phí lao động 1 giờ là khác nhau, song đều nằm trong khoảng 0,04% đến 0,08% GDP bình quân đầu người; GDP đầu người tăng thì chi phí lao động 1 giờ sẽ tăng. Công thức tính chi phí lao động trong 1 giờ = (0,04 - 0,08)% x GDP đầu người = Hệ số chi phí lao động 1 giờ x GDP đầu người.
Nhìn chung, tuyệt đại đa số các nước có thu nhập cao thì có Hệ số chi phí lao động 1 giờ cao (0,08%) hoặc trung bình (0,06%); Các nền kinh tế có thu nhập trung bình có Hệ số chi phí lao động 1 giờ thấp (0,04%).
Tuy nhiên, Việt Nam với GDP đầu người năm 2012 là 1.753USD, còn thấp hơn cả Philippines (2.612USD). Vì vậy, nếu ta duy trì Hệ số chi phí lao động 1 giờ ở mức 0,04% thì tiền lương của người lao động sẽ rất thấp, không thể đảm bảo đời sống của người lao động. Nhưng nếu chọn Hệ số chi phí lao động ở mức cao 0,08% như Philippines thì có thể quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Vì vậy, duy trì Hệ số chi phí lao động 1 giờ ở mức trung bình (0,06%) có lẽ là hợp lý nhất.
Như vậy, tương ứng chi phí lao động của Việt Nam trong 1 giờ = 0,06% x GDP đầu người.
Nếu bình quân 1 tháng người lao động làm việc 24 ngày thì lương bình quân tháng năm 2015 sẽ là:
Lương bình quân tháng năm 2015 = 29.748 đồng/1,24 x 8 x 24 = 4,606 triệu đồng/tháng.
Đối chiếu với tiền lương thực tế (không tính làm thêm giờ, thưởng, phụ cấp và phúc lợi khác) của người lao động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân là 3.757.000 đồng/tháng (theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý I/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thì mức lương thực tế các chủ doanh nghiệp trong ngành chế tạo trả cho người lao động trong quý I năm 2015 mới chỉ bằng 80% mức lương đáng lẽ ra phải trả theo cách tính toán trên.
Theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP, ngày 11/11/2014 thì năm 2015 lương tối thiểu vùng 1 là 3,1 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 2,75 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 2,4 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 2,15 triệu đồng/tháng. Như vậy, đối chiếu với tính toán trên thì mức lương tối thiểu theo quy định cho vùng 3 và 4 là rất thấp.
Theo Dự thảo tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp được chia làm 4 mức: Mức 3,5 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với vùng I; mức 3,1 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với vùng II; mức 2,7 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với vùng III và mức 2,4 triệu đồng/tháng áp dụng đối với vùng IV. Mức lương tối thiểu này tăng từ 250.000 đồng - 400.000 đồng so với hiện hành năm 2015, tương ứng tăng 11,6%-12,9% tùy theo từng vùng.
Ứng với công thức ở trên thì mức lương tăng dự kiến cũng chưa thể đáp ứng cuộc sống cho người lao động.
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
3. Lương tối thiểu có phải con đường duy nhất nâng lương cho người lao động?
Hiện nay, quản lý đối với khu vực ngoài quốc doanh, các cơ quan quản lý lao động luôn gắn mức lương ghi trong các thang bảng lương của doanh nghiệp với mức lương tối thiểu, nên mỗi lần lương tối thiểu được điều chỉnh, các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh lại tất cả các thang bảng lương đã đăng ký tại cơ quan lao động, dù rằng trong các thang bảng lương đó, không có bậc lương nào thấp hơn lương tối thiểu mới điều chỉnh. Cho nên, điều chỉnh lương tối thiểu đồng nghĩa với việc đồng loạt nâng lương tại các doanh nghiệp.
Mặc dù đó là cách để Nhà nước chắc chắn rằng, không có doanh nghiệp nào trả lương cho người lao động dưới mức lương tối thiểu, nhưng điều quan trọng là cách hiểu này dẫn tới ngộ nhận, coi điều chỉnh lương tối thiểu là con đường duy nhất nâng lương cho người lao động,
Cần hiểu bản chất lương tại các doanh nghiệp, đó vốn là quan hệ kinh tế - dân sự giữa chủ và thợ. Chính xác hơn là sự cạnh tranh giữa người mua và người bán sức lao động, cạnh tranh giữa đội quân thất nghiệp với người đang có việc làm. Trong bối cảnh nguồn lao động - cung sức lao động cho xã hội dồi dào, vừa thừa (lao động tay nghề thấp), vừa thiếu (lao động tay nghề cao), thì các cuộc mặc cả thường lợi thế thuộc về giới chủ. Hơn thế nữa, trong bối cảnh hội nhập, nhất là việc Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 sẽ mở ra thị trường lao động tự do giữa các nước trong khu vực. Lúc đó, tiền lương sẽ là yếu tố cạnh tranh trên thị trường, lao động chất lượng cao sẽ di chuyển đến doanh nghiệp trả lương cao hơn. Cuộc cạnh tranh đó của các doanh nghiệp không chỉ là với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (đại diện cho người lao động), mà còn là cuộc cạnh tranh với các nước trong AEC.
Không những vậy, với quan niệm lương tối thiểu là lương sàn, kể cả trong điều kiện lương tối thiểu không thay đổi, người lao động vẫn có quyền đòi hỏi nâng lương khi điều kiện kinh tế - kỹ thuật của doanh nghiệp đã có thay đổi.
Thiết nghĩ, câu chuyện không nên chỉ bàn cãi ở lương tối thiểu, mà vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh về mua sức lao động chưa? Cuộc cạnh tranh này sẽ là thách thức lớn cho những khu vực vẫn còn lối tư duy sử dụng cách thức cào bằng với mọi lao động.
4. Phát triển hay là chết - Câu hỏi dành cho cả người lao động và doanh nghiệp
Đứng từ cả hai phương diện, người lao động cần mức lương đủ sống, chủ doanh nghiệp cần lao động giỏi; người lao động không có lương tốt thì không thể nâng cao năng suất, chủ doanh nghiệp không có lao động giỏi thì không thể phát triển doanh nghiệp, từ đó có tiền tăng lương… Vậy, tháo gỡ ở đâu? Nếu không có biện pháp tháo gỡ, hài hòa hai phía thì cả hai bên sẽ “cùng chìm” trong xu thế hội nhập.
Do vậy, để phát triển và phát triển bền vững, doanh nghiệp có chính sách lương tốt để thu hút được lao động giỏi – linh hồn của mọi tổ chức. Đó không phải là chính sách ngắn hạn, trung hạn mà phải là chiến lược dài hạn, là yếu tố cạnh tranh, cùng với các yếu tố môi trường, văn hóa tổ chức.
Tại cuộc hội thảo quốc gia về “Chính sách tiền lương tại Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập”, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội đồng tiền lương Quốc gia phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức trong hai ngày 25 và 26/11/2014, Phó tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khẳng định, lương tối thiểu có vai trò rất quan trọng trong việc tăng năng suất lao động. Nghiên cứu mới nhất cho thấy tăng tiền lương khiến người sử dụng lao động tìm cách tăng năng suất lao động thông qua đầu tư kỹ thuật, quá trình làm việc hiệu quả hơn... Tiền lương là một chỉ số quan trọng cho thấy một xã hội sẽ trở lên bình đẳng hơn - hay bất bình đẳng hơn.
Bên cạnh đó, người lao động, để trở thành “miếng kim loại” cho các “nam châm” doanh nghiệp hút vào, thì phải bằng mọi hình thức nâng cao tay nghề. Hội nhập không chỉ là cuộc cạnh tranh của các doanh nghiệp, mà còn của người lao động. Xu hướng công việc giản đơn, gia công sẽ dần chuyển dịch về những khu vực lạc hậu (trên thế giới có nhiều nước còn lạc hậu hơn Việt Nam) và đó không phải là mục tiêu tiến lên của Việt Nam. Do vậy, chính bản thân người lao động cũng cần phải có sự vận động theo hướng đi lên về tay nghề, kỹ năng để phát triển, từ đó mới có lợi thế “mặc cả” với giới chủ và chiến thắng trong cạnh tranh thị trường./.
Tham khảo:
1. Quốc hội (2012). Luật Lao động, số 10/2012/QH13, ngày 18/06/2012
2. Nguyễn Thiện Nhân (2015). Chi phí lao động: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam, truy cập từ http://laodong.com.vn/chinh-tri/chi-phi-lao-dong-kinh-nghiem-quoc-te-va-de-xuat-cho-viet-nam-369528.bld
Bình luận