Mô hình KCN sinh thái góp phần cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội ngành công nghiệp
Tiếp nối thành công của Hội thảo tập huấn trực tuyến "Nâng cao năng lực hiệu quả tài nguyên Sản xuất sạch hơn và Cộng sinh công nghiệp” (phần 1), ngày 24/11/2021, tại Hà Nội, Ban Quản lý Dự án KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội thảo này (phần 2) với tên gọi “Tập huấn Nâng cao năng lực hiệu quả tài nguyên Sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp”.
Ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) chủ trì Hội thảo.
Ông Lê Xuân Thịnh - Giám đốc Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam chủ trì Hội thảo |
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” (Dự án) do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ và thực hiện bởi Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI). Dự án được thực hiện trong 36 tháng tại Hà Nội và 05 tỉnh/thành phố, gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng.
Hiện nay, Dự án đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động đào tạo tập huấn nâng cao nhận thức cho các bên về mô hình KCN sinh thái trên thế giới và những giải pháp thực hiện chuyển đổi KCN sinh thái theo quy định của Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Alessandro - Điều phối viên Dự án UNIDO phát biểu tại Hội thảo trực tuyến |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Alessandro - Điều phối viên Dự án UNIDO đánh giá cao vai trò của khu công nghiệp (KCN) sinh thái trong các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Ông Alessandro nhấn mạnh, triển khai mô hình KCN sinh thái sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội trong các hoạt động công nghiệp tại Việt Nam; đồng thời là tiền đề cho việc xây dựng cơ chế, chính sách về KCN sinh thái, cũng như lồng ghép trong các quy định của pháp luật về môi trường, công nghiệp và các chính sách có liên quan tại Việt Nam.
RECP có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm hơn 10% điện, nước, nhiên liệu
Thay mặt Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), ông Đinh Mạnh Thắng cho biết, tập huấn về hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp nhằm mục đích nâng cao năng lực về Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) cho cán bộ quản lý KCN và cán bộ kỹ thuật, quản lý sản xuất của các doanh nghiệp trong KCN để hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả và giảm ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng, phát triển KCN sinh thái điển hình của địa phương.
Thông qua đánh giá RECP tại các công ty đã nâng cao được năng lực về RECP cho các cán bộ kỹ thuật và quản lý của công ty để có thể duy trì kết quả dự án sau khi hỗ trợ kỹ thuật kết thúc.
Ông Ankit Kapasi, Chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái, Sofies cho rằng, cộng sinh công nghiệp là sự phối hợp giữa các ngành, các doanh nghiệp khác nhau nhằm sử dụng tài nguyên hiệu quả, cùng chia sẻ tài sản chung (điện, nước, hiệp đồng nguồn cung, khách hàng, sản phẩm phụ) với mục tiêu là tối đa hóa nguồn lực, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho các bên, cộng đồng, đô thị.
"Nói cách khác, cộng sinh công nghiệp là tối đa hóa việc bảo tồn tài nguyên và giảm phát thải thông qua quản lý bền vững chất thải và các sản phẩm phụ giữa các ngành/công ty; cộng sinh giữa các công ty giúp hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội", ông Ankit Kapasi cho hay và dẫn chứng một số KCN điển hình trên thế giới đã triển khai tốt cộng sinh công nghiệp, như: mô hình KCN Kwinana (Úc); KCN Map Ta Phut (Thái Lan); cộng sinh công nghiệp- đô thị ở Kalundborg (Đan Mạch), KCN Cabazon, California, Mỹ…
Bà Nguyễn Thị Truyền - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội thảo trực tuyến |
Còn bà Nguyễn Thị Truyền, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài nguyên và Môi trường (NREC) đã trình bày về phương pháp tiếp cận RECP trong công nghiệp (bao gồm tổng quan về RECP; phương pháp luận RECP và áp dụng triển khai trong thực tế; các bước trong đánh giá RECP tại hiện trường; các tiềm năng RECP về tiết kiệm nguyên vật liệu, điện nước… trong công nghiệp).
Bà Nguyễn Thị Truyền cho rằng, nhằm nâng cao việc sử dụng hiệu quả năng tài nguyên tại doanh nghiệp, thì phương pháp tiếp cận RECP là một hướng đi cần thiết. RECP đòi hỏi việc áp dụng liên tục các chiến lược môi trường phòng ngừa vào các quá trình, sản phẩm và dịch vụ nhằm tăng hiệu quả và giảm thiểu rủi ro đối với con người và môi trường.
RECP giải quyết ba khía cạnh bền vững riêng lẻ và đồng bộ, bao gồm: Nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả; bảo vệ môi trường bằng cách bảo tồn tài nguyên và giảm thiểu tác môi; nâng cao đời sống xã hội bằng cách cung cấp việc làm và bảo vệ cuộc sống của người lao động và cộng đồng địa phương.
Bà Truyền tiếp tục chia sẻ, thực trạng hiện nay tại một số doanh nghiệp còn thiếu sự quan tâm đến quản lý các định mức tiêu thụ nhiên liệu, điện, nước; chưa kiểm soát tốt các quá trình sản xuất, các thiết bị phụ trợ, như: lò hơi, máy nén khí dẫn đến việc quản lý nội vi cũng chưa đạt hiệu quả; chưa thiết lập tốt các hệ thống giám sát số liệu tiêu thụ dẫn đến việc quản lý, kiểm soát và cải tiến gặp nhiều khó khăn.
“Cơ hội của RECP tại các doanh nghiệp là khá lớn, tiềm năng tiết kiệm điện, nước, nhiên liệu có thể lên đến hơn 10% và hơn thế nữa”- bà Truyền lạc quan.
Triển khai RECP - “Đòn bẩy” phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam
Ông Đinh Mạnh Thắng - Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam phát biểu tại Hội thảo trực tuyến |
Chia sẻ về kết quả đánh giá RECP tại các KCN được thí điểm chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái từ pha trước của Dự án, cụ thể là KCN Khánh Phú, Gián Khẩu (Ninh Bình); Hòa Khánh (Đà Nẵng), Trà Nóc 1+2 (Cần Thơ), ông Đinh Mạnh Thắng cho biết, năm 2019, kết quả thực hiện dự án, Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam đã đào tạo lớp tập trung cho 220 người; đào tạo tại công ty cho 257 người; tiến hành đánh giá RECP tại doanh nghiệp tham gia dự án cho 73 công ty.
Một kết quả đáng khích lệ khác là Dự án đã nhận được sự tham gia tích cực và chủ động của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cải tiến quy trình quản lý và vận hành, đổi mới và ứng dụng công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, giảm các nguồn gây ô nhiễm, tái sử dụng chất thải và phế liệu, sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Kết quả thực hiện, lợi ích kinh tế hàng năm của cả 3 tỉnh có các KCN thí điểm nêu trên đạt 75,84 tỷ đồng.
Bên cạnh lợi ích về kinh tế, về lợi ích về môi trường, các doanh nghiệp tham gia áp dụng các biện pháp kỹ thuật sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong khuôn khổ thí điểm đã hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm trên 22.000 Mwh điện mỗi năm, 600.000 m3 nước sạch, 140 TJ (Têrajun) nhiên liệu hóa thạch, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải, giảm được 32 Kt khí CO2 hàng năm.
Sau khi thực hiện chương trình đánh giá RECP, cán bộ của Ban Quản lý các KCN và các ban ,ngành đã có năng lực để cung cấp các dịch vụ về RECP tại, địa phương, giúp thực hiện tốt “Chiến lược Sản xuất Sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” và duy trì kết quả Dự án; Cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp đã nắm vững phương pháp luận đánh giá RECP và tự duy trì RECP; các doanh nghiệp đã có danh mục các giải pháp RECP; các doanh nghiệp đã thực hiện các giải pháp RECP; thu được lợi nhuận từ việc thực hiện các giải pháp RECP; cải thiện được điều kiện làm việc cho công nhân; Giảm thiểu được phát thải có hại cho môi trường.
Về hợp phần cộng sinh công nghiệp nhằm ánh giá tiềm năng chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái. Các hoạt động bao gồm: Khảo sát, đánh giá, nghiên cứu khả thi các giải pháp công sinh công nghiệp; thực hiện các giải pháp cộng sinh ưu tiên; đào tạo kiến thức về cộng sinh công nghiệp.
Theo đó, kết quả quá trình thực hiện đạt được: Tại Ninh Bình, đã khảo sát 22 doanh nghiệp, phát hiện 14 cơ hội cộng sinh, lựa chọn nghiên cứu chuyên sâu 04 cơ hội; Tại Đà Nẵng, đã khảo sát 57 doanh nghiệp, phát hiện 22 cơ hội cộng sinh, lựa chọn nghiên cứu chuyên sâu 07 cơ hội; Tại Cần Thơ đã khảo sát được 58 doanh nghiệp; phát hiện 24 cơ hội cộng sinh; lựa chọn, nghiên cứu 08 cơ hội.
Những kết quả tích cực trên đã góp phần lan tỏa và thúc đẩy các doanh nghiệp KCN và các Công ty hạ tầng KCN mong muốn được tham gia vào Dự án KCN sinh thái để chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, cùng hiệp đồng công nghiệp, tạo nên nhiều giá trị to lớn về lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội.
Để chuyển đổi thành KCN sinh thái, các doanh nghiệp cũng phải là doanh nghiệp sinh thái
Ông Giang Ngọc Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần KCN Hiệp Phước |
Đại diện cho KCN đang tham gia thí điểm vào Dự án, ông Giang Ngọc Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần KCN Hiệp Phước, TP. Hồ Chí Minh phát biểu đánh giá cao vai trò cuả KCN sinh thái, đồng thời cho rằng phát triển KCN sinh thái là một xu hướng tất yếu, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cho xã hội và cộng đồng địa phương. Ông Phương nhấn mạnh, KCN Hiệp Phước nhận thấy, để chuyển đổi thành KCN sinh thái thì các doanh nghiệp trong KCN cũng phải là doanh nghiệp sinh thái.
Giới thiệu về KCN Hiệp Phước, theo ông Phương, KCN Hiệp Phước hiện nay đã phát triển giai đoạn 1 và giai đoạn 2 với diện tích gần 1000 ha, đến thời điểm hiện tại, đây là KCN có diện tích lớn nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh, có vị trí chiến lược với cơ sở hạ tầng đồng bộ, có một cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững và mong muốn ngày càng phát triển và hội nhập sâu hơn, đưa hàng hóa đến các thị trường trên thế giới.
Ông Phương nhấn mạnh: “KCN Hiệp Phước nhận thấy, để chuyển đổi thành KCN sinh thái thì các doanh nghiệp trong KCN cũng phải là doanh nghiệp sinh thái”. Đồng thời cho biết, KCN Hiệp Phước cũng như các doanh nghiệp KCN đã nhận thực rõ được lợi ích kinh tế, lợi ích môi trường và những lợi ích khác.
"Bên cạnh trách nhiệm tham gia, KCN Hiệp Phước nhận thấy đây là một cơ hội để Công ty cùng tham gia chuyển đổi KCN sinh thái của mình. Công ty sẽ cử nhân sự tham gia, hoàn thành tốt trách nhiệm vào Dự án KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái; tạo điều kiện phối hợp với đơn vị tư vấn từ Chương trình để thực hiện công tác khảo sát, đánh giá tìm kiếm cơ hội sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp trong các doanh nghiệp trong KCN; tạo điều kiện để các doanh nghiệp có tiềm năng cộng sinh công nghiệp có thể hợp tác với cơ chế WIN-WIN , giúp cho tất cả cộng đồng đều hướng đến doanh nghiệp sinh thái", ông Phương cho biết.
Nâng cao vai trò đồng hành của Dự án trong chuyển đổi KCN sinh thái
Với mong muốn nhận được sự hợp tác của Dự án và các bên liên quan để việc chuyển đổi KCN sinh thái diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và đạt hiệu quả cao, ông Phương đề nghị Dự án và các bên liên quan thực hiện tốt vai trò cụ thể.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức liên kết, hỗ trợ thực hiện KCN sinh thái, ông Phương cho rằng, cần tăng cường truyền thông về KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái, qua đó giúp cho cộng đồng dân cư cũng như doanh nghiệp dễ dàng thuận lợi tiếp cận thị trường, khách hàng; cần có cơ chế quy định rõ ràng và có tính khả thi đối với việc tái chế, tái sử dụng chất thải, biến chất thải của doanh nghiệp này thành nguồn nguyên liệu của các ngành sản xuất khác, và tốt nhất là trong các doanh nghiệp trong cùng một KCN; có cơ chế ưu đãi hơn về thuế đất, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, thay đổi công nghệ, phục vụ việc chuyển đôi thành KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái đối với các doanh nghiệp tham gia vào Dự án.
Đối với các tổ chức tư vấn, chuyên gia, ông Phương mong được các đơn vị hỗ trợ công tác khảo sát, kiểm toán năng lượng, đánh giá quy trình công nghệ để qua đó giúp cho các doanh nghiệp phát hiện được các cơ hội sản xuất sạch hơn, có khả năng cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong cùng một KCN; tư vấn, đào tạo cho doanh nghiệp về nhận thức lợi ích của việc chuyển đổi sang KCN sinh thái.
Chia sẻ về kế hoạch và những hoạt động hỗ trợ tiếp theo của Dự án, ông Alessandro cho biết, Dự án sẽ xây dựng và triển khai các can thiệp về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn của các KCN thí điểm trong Dự án, tiến hành đánh giá các hiệu suất, các công năng của KCN và xác định những cơ hội để có thể xây dựng các KCN sinh thái tại Việt Nam; tổ chức cho các Công ty tham gia vào các hội thảo chuyên sâu về RECP, tiến hành đánh giá, thảo luận về RECP. Về mặt cơ bản là “lắp ghép” vào Công ty để thảo luận RECP và cộng sinh công nghiệp. từ đó xác định các can thiệp về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn với các chi phí thấp. Tiếp theo là xây dựng và triển khai các can thiệp; có những hội thảo tập huấn nhằm xây dựng các phương án cộng sinh công nghiệp khác nhau.
"Dự án sẽ hỗ trợ hiệu quả cho các Ban Quản lý các KCN để thực hiện đáp ứng các tiêu chí của RECP. Sang năm 2022, Dự án sẽ triển khai và can thiệp RECP với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ tiến hành theo dõi các tác động của các can thiêp, cũng như những can thiệp đã thực hiện, sau đó xây dựng một kế hoạch khả thi cho RECP để triển khai thực hiện. Tất cả các hoạt động này phải được thực hiện với sự tham gia tích cực của các Công ty", ông Alessandro nhấn mạnh.
Ông Alessandro cũng khẳng định, Dự án cam kết sẽ giúp các công ty hỗ trợ kỹ thuật (chuyển đổi phương thức sản xuất) và có các cơ hội được tiếp cận được với các nguồn tài chính, các quỹ tài chính xanh ở Việt Nam nhằm thực hiện các giải pháp này, góp phần mang lại cơ hội và lợi ích cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội.
Về mặt chính sách về KCN sinh thái, Dự án cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ hiệu quả trong việc triển khai xây dựng Nghị định 82 sửa đổi, xây dựng các quy định về RECP và cộng sinh công nghiệp, xây dựng các chỉ số của KCN sinh thái làm cơ sở đánh giá chất lượng hoạt động cuả các KCN (các thông tin này sẽ được thu thập vào một cơ sở dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
"Mặt khác, Dự án cũng sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông cho các cơ quan liên quan, các tổ chức, hiệp hội, báo chí, truyền thông…bằng việc tổ chức các sự kiện (hội nghị, hội thảo, viết bài tuyên truyền…) nhằm nâng cao nhận thức hơn nữa về KCN sinh thái", Điều phối viên Dự án UNIDO cho biết thêm./.
Bình luận