Tóm tắt

Trong những năm qua, tình hình quốc tế có nhiều biến động lớn, như: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, hay xung đột Nga - Ucraina đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới trong đó có vấn đề đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, nhờ có nền kinh tế - chính trị ổn định, Chính phủ đưa ra những chính sách kịp thời nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh đi đôi với phục hồi kinh tế mà Việt Nam vẫn trở thành điểm đến thu hút vốn FDI. Bài viết đánh giá thực trạng thu hút FDI tại Việt Nam, từ đó khuyến nghị một số giải pháp trong thời gian tới.

Từ khóa: đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam

Summary

In recent years, the global big changes such as the US-China trade war, the outbreak of the Covid-19 pandemic and the Russia-Ukraine conflict have negatively affected the world economy, including foreign direct investment (FDI) flows. However, thanks to the political-economic stabilization, timely and appropriate policies issued by the Government to control the epidemic, and along with the economic recovery process, Vietnam has still been a destination of FDI flows. The article assesses the current situation of attracting FDI in Vietnam, thereby recommending some solutions in the coming time.

Keywords: foreign direct investment, Vietnam

GIỚI THIỆU

FDI đã và đang đóng góp vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Vốn FDI góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập; chuyển giao khoa học - công nghệ… Việt Nam trong hơn 35 năm đổi mới đất nước với những chính sách đúng đắn, phù hợp đã thu hút nguồn vốn FDI khá lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi nhanh chóng, đã tác động không nhỏ tới việc thu hút FDI vào Việt Nam. Trong khi, ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam vốn FDI đóng vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, việc nghiên cứu tình hình thu hút FDI vào Việt Nam, từ đó đưa ra những giải pháp là một vấn đề rất cấp thiết.

THỰC TRẠNG THU HÚT FDI VÀO VIỆT NAM

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm (2017-2022). Tính đến ngày 20/12/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm, song số dự án đầu tư mới tăng lên, vốn đầu tư điều chỉnh cũng tăng so với cùng kỳ. Cụ thể:

- Vốn đăng ký mới: Có 2.036 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 17,1% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 12,45 tỷ USD (giảm 18,4% so với cùng kỳ). Mặc dù vốn đăng ký cấp mới giảm, song vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021 và số dự án đầu tư mới tăng lên (tăng 17,1%, đạt 2.036 dự án) so với cùng kỳ năm 2021. Mức giải ngân tăng cao là tín hiệu tốt cho thấy, các doanh nghiệp đang dần phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Thêm nữa, một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang nghiên cứu, tìm hiểu và dự kiến sẽ triển khai các dự án đầu tư trong thời gian tới.

Một số giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam
Ảnh minh họa

- Vốn điều chỉnh: Có 1.107 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 12,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 10,12 tỷ USD (tăng 12,2% so với cùng kỳ). Điều này khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Nhờ vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đã quyết định đầu tư mở rộng nhiều dự án hiện hữu.

Tính lũy kế đến ngày 20/12/2022, cả nước có 36.278 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 438,69 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt gần 274 tỷ USD, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Một số dự án được khởi công mới với số vốn lớn, như: Nhà máy bia Heineken được khánh thành tháng 9/2022 tại Vũng Tàu, với tổng đầu tư sau khi tăng vốn là 9.151 tỷ đồng, công suất 1,1 tỷ lít/năm, cao gấp 36 lần so với trước; Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh của Nhật Bản được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD, được khởi động tháng 10/2022.

Về quy mô đầu tư: Năm 2022, nhiều dự án được tăng vốn đầu tư từ đầu năm, như: dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn; Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng vốn hai lần: Tăng 920 triệu USD (lần 1) và tăng 267 triệu USD (lần 2); Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex tăng vốn trên 841 triệu USD; Dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Bắc Ninh (tăng 306 triệu USD), tại Nghệ An (tăng 260 triệu USD) và tại Hải Phòng (tăng 127 triệu USD).

Về đối tác đầu tư: Trong bối cảnh mới, có rất nhiều các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó tiêu biểu dẫn đầu bảng xếp hạng đầu tư là các quốc gia và vùng lãnh thổ: Hàn Quốc, Singarpore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan… Trong xu thế phân tán FDI ra khỏi Trung Quốc và sự điều chỉnh chính sách đầu tư của các nền kinh tế lớn, năm 2022, có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, Hàn Quốc đứng thứ 2 với gần 4,88 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc (2,52 tỷ USD), Hồng Kông (2,22 tỷ USD). Năm 2022, Hàn Quốc vẫn là đối tác đầu tư đưa ra các quyết định đầu tư mới, cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn, mua cổ phần nhiều nhất (chiếm 20,4% số dự án mới, 32,6% số lượt điều chỉnh và 34,1% số lượt góp vốn, mua cổ phần).

Về lĩnh vực đầu tư: Trong bối cảnh mới hiện nay, FDI đầu tư vào Việt Nam phân bố không đồng đều giữa các ngành nghề, trong đó tập trung chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư nước ngoài muốn tận dụng nhân công giá rẻ tại Việt Nam và tăng cường thị trường nội địa. Năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký năm 2022; ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện (với vốn đầu tư đăng ký 2,26 tỷ USD), hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ với vốn đăng ký đạt gần 1,29 tỷ USD; còn lại là các ngành khác.

Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn và bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt là 30%, 25,1% và 16,3% tổng số dự án. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và đang đứng trước cơ hội vàng để thu hút lượng vốn đầu tư lớn vào các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Về địa bàn đầu tư: Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,94 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Bình Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 3,14 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm 2021. Quảng Ninh xếp thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,37 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn và tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Các nhà đầu tư nước ngoài tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (43,9%), số lượt góp vốn mua cổ phần (67,6%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (17,3%) sau Hà Nội (18,6%).

Có thể thấy, xu hướng vốn FDI vào Việt Nam sau khủng hoảng đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế có nhiều kỳ vọng và cơ sở để tiếp tục duy trì và tăng trưởng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, hoạt động thu hút FDI hiện nay vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, như: Thủ tục hành chính rườm rà, vẫn còn quá nhiều loại hình giấy phép con, tình trạng sách nhiễu của bộ máy quản lý nhà nước làm giảm niềm tin đầu tư vào Việt Nam; Thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI chưa đạt được hiệu quả mong đợi. Việc tiếp thu công nghệ nguồn từ các tập đoàn đa quốc gia, các nước công nghiệp phát triển hàng đầu chưa đạt được; Chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI; Mức đóng góp của các doanh nghiệp FDI cho việc nâng cao năng lực công nghiệp Việt Nam vẫn còn rất thấp, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm chưa cao; Thiếu vắng dự án quy mô lớn, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia; Chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao từ doanh nghiệp FDI đến nay vẫn còn hạn chế, chưa đạt kỳ vọng…

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Một là, Việt Nam cần tích cực xây dựng hệ tiêu chuẩn quốc gia về thu hút FDI như: quy mô vốn; lĩnh vực đầu tư có thuộc nhóm ưu tiên thu hút hay không; mức độ sử dụng lao động, công nghệ, môi trường, giá trị gia tăng nội địa, khả năng liên kết lan toả và tham gia các chuỗi giá trị; mức độ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.

Hai là, Chính phủ cần phải đẩy mạnh cải cách thể chế, chính sách trong đó tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, minh bạch, hạn chế thay đổi, sửa đổi luật và phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời, chỉ đạo chuyển đổi mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác điều hành và cung cấp dịch vụ công; thúc đẩy việc xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc trên môi trường điện tử, phi giấy tờ; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, sản phẩm hàng hoá kiểm tra chuyên ngành.

Ba là, tiếp tục quảng bá, thu hút các tập đoàn đa quốc gia, công ty có thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kĩ năng quản lý, như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản. Tiếp tục chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp cận trực tiếp với các chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam mà không thụ động chờ các nhà đầu tư tìm đến.

Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp nhận FDI thế hệ mới. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, để đáp ứng được thời kỳ “chuyển đổi số” cũng như đáp ứng những yêu cầu thu hút FDI chất lượng cao, nguồn nhân lực cần phải được cải thiện, không thể mãi phụ thuộc vào gia công giá rẻ. Theo đó, các nhà quản lý cần sớm triển khai các giải pháp để một mặt thu hút lao động có kỹ năng vào khu vực FDI, mặt khác nhanh chóng đào tạo lại cho đội ngũ công nhân tay nghề thấp để thích ứng với các thay đổi của công nghệ, phù hợp với xu thế của thời kỳ công nghiệp 4.0./.

ThS. Trần Thị Thu Hà

Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Hải Phòng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 17, tháng 6/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2022, định hướng năm 2023.

2. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2021), Kỷ yếu hội thảo quốc tế: FDI toàn cầu và ứng biến của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong bối cảnh mới.