Chiều ngày 23/11, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì Hội nghị về triển khai xây dựng các trung tâm nghề cá lớn.

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho biết, để thực hiện xây dựng 06 trung tâm nghề cá lớn theo quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú báo cho tàu cá đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, dự toán kinh phí cần khoảng 14.595 tỷ đồng, trong đó, 5.245 tỷ đồng từ vốn nhà nước, 1.620 tỷ đồng từ vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và 7.730 tỷ đồng đầu tư từ doanh nghiệp.

Nguồn vốn từ ngân sách hiện đang rất khó khăn để triển khai thực hiện xây dựng trung tâm nghề cá lớn

Song hiện nay, nguồn vốn từ ngân sách hiện đang rất khó khăn để triển khai thực hiện xây dựng trung tâm nghề cá lớn, chưa có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào quá trình xây dựng.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch, việc thi công xây dựng 06 trung tâm nghề cá lớn trên cả nước sẽ bắt đầu từ năm 2017. Tuy nhiên, mới chỉ có duy nhất tỉnh Khánh Hòa đã xác định được địa điểm đầu tư và quy hoạch tại cảng cá Đá Bạc, các địa phương còn lại vẫn chưa xác định được rõ địa điểm.

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, để gỡ khó về nguồn vốn, cần nghiên cứu đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung đầu tư một số dự án bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ hoặc cho phép địa phương được phát hành trái phiếu của địa phương để đầu tư; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào quá trình xây dựng, bởi có doanh nghiệp tham gia họ sẽ đảm bảo dịch vụ hậu cần và thị trường.

Với UBND các tỉnh, thành phố đặt Trung tâm nghề cá lớn, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch Tổng thể ngành thủy sản ở địa phương; chú trọng bổ sung hạng mục dự án ưu tiên đầu tư hình thành Trung tâm nghề cá lớn làm cơ sở để bố trí vốn cho việc Quy hoạch tổng thể và chi tiết các Trung tâm nghề cá lớn.

Đại biểu các địa phương cũng cam kết sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ, sớm xác định được địa điểm đầu tư và quy hoạch các trung tâm nghề cá để bắt đầu thi công từ năm 2016-2017 và sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ vào năm 2019-2020.

Chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng đầu tư xây dựng các Trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm cả nước là nhu cầu tất yếu phù hợp với nguyện vọng của ngư dân, nhằm cơ cấu lại nghề cá theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ, hợp lý hóa khai thác ven bờ...

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sớm có dự thảo quyết định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nhằm tạo cơ sở vững chắc về hạ tầng cho chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam, quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, thực hiện đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác thủy hải sản, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc triển khai xây dựng 06 trung tâm nghề cá lớn tại Việt Nam. Trong đó, có 05 trung tâm gắn với ngư trường trọng điểm khai thác, gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang và 01 trung tâm nghề cá đặt tại TP. Cần Thơ.