Năm 2017, Việt Nam đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch
Năm 2017, ngành du lịch tăng trưởng vượt bậc
Trình bày Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đã nêu những thành tích, những khó khăn, tồn tại của ngành. Theo đó, năm 2017, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, công tác cải cách hành chính được Bộ thực hiện đạt hiệu quả tốt. Cùng với đó, ngành Du lịch đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của đất nước.
Năm 2017 Việt Nam đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch
Cụ thể, các chỉ tiêu về lượng khách du lịch quốc tế, nội địa và tổng thu từ khách du lịch đều tăng trưởng vượt mức kế hoạch đề ra, ngành du lịch hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng được giao.
Cụ thể, trong năm 2017, du lịch Việt Nam đã đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế (tăng hơn 2,9 triệu lượt khách), tương đương 29,1%; phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 510.900 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ đô la Mỹ, tăng 25% so với năm 2016.
Đây là kỳ tích tăng trưởng về tổng số khách quốc tế, mức tăng trưởng số lượng khách quốc tế trong một năm đạt 3 triệu lượt khách so với năm 2016. Du lịch Việt Nam nhận được nhiều danh hiệu danh giá của giải thưởng du lịch toàn cầu, đứng thứ 6 trong 10 nước có tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới, đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch.
Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch tiếp tục phát triển mạnh theo hướng chuyên nghiệp hiện đại. Năm 2017, đã có 106 cơ sở lưu trú trong phân khúc từ 3-5 sao được công nhận. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cả nước tiếp tục tăng trưởng so với năm 2016.
Ngoài ra, trong năm 2017, ngành Du lịch cũng đã triển khai thành công các hoạt động trong khuôn khổ Năm APEC 2017; Công tác xúc tiến quảng bá trong năm qua đã có bước tiến mới, đổi mới cả về nội dung và hình thức. Năm Du lịch Quốc gia 2017 – Lào Cai mang chủ đề “Sắc màu Tây Bắc” với 20 hoạt động tổ chức tại các địa phương đã giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc của Lào Cai và khu vực Tây Bắc. Nhờ đó, tổng lượng khách du lịch đến 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng trong năm 2017 đạt 24 triệu lượt, tăng 33,3% so với năm 2016, tổng thu đạt 18 ngàn tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016..
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đưa ra mục tiêu, trong năm 2018 sẽ phấn đấu đón khoảng 94 triệu lượt khách. Trong đó, khoảng từ 15-17 triệu lượt khách du lịch quốc tế, khoảng 78 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng.
Chấn chỉnh những bất cập trong tổ chức lễ hội, tình trạng suy thoái đạo đức
Bên cạnh những thành tựu như đã được bình chọn, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Chẳng hạn, như: nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ. Một số địa phương thực hiện chưa tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội, còn biểu hiện thương mại hóa, vi phạm các quy định về tổ chức lễ hội. Sân khấu truyền thống đang bị khủng hoảng lực lượng. Hoạt động lý luận phê bình các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn còn yếu. Việc quản lý, cấp phép hoạt động nghệ thuật biểu diễn còn bất cập…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục khắc phục hạn chế, chấn chỉnh những bất cập trong quản lý lễ hội trong năm 2018
Cùng với đó, nhiều bảo tàng, cơ sở vật chất, kỹ thuật trong tình trạng xuống cấp hoặc chưa đảm bảo công năng sử dụng. Hệ thống thiết chế văn hóa hiện có ở một số địa phương, từ cấp tỉnh đến cơ sở thiếu kinh phí hoạt động, hiệu quả chưa cao, một số bị sử dụng sai mục đích, bị bỏ hoang, xuống cấp. Văn hóa truyền thống của một số dân tộc thiểu số có nguy mai một, biến dạng...
Cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục thể thao hàng ngày cho người dân ở các địa phương còn hạn chế; Đội ngũ cán bộ hướng dẫn viên thể dục, thể thao ở cơ sở còn thiếu, đặc biệt là vùng sâu, xa, nông thôn, miền núi, hải đảo và đồng bào dân tộc. Kinh phí mua sắm trang thiết bị tập luyện, thi đấu cho vận động viên đội tuyển, tuyển trẻ quốc gia còn nhiều khó khăn. Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt giai đoạn 2011–2030 gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí thực hiện.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những thành tích của ngành đã đạt được trong năm qua. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã nỗ lực, cố gắng, sáng tạo, góp thành tích chung cho cả nước. Riêng ngành du lịch, những thành quả đã đạt được trong năm qua là nhờ sự nỗ lực, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong nhiều năm qua, như: cải thiện visa, cải thiện môi trường du lịch… Vì vậy, trong năm 2018, ngành du lịch cần phải nỗ lực hơn.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, văn hóa là lĩnh vực rộng, thành tựu văn hóa cũng không phải một sớm, một chiều mà có được. Vì thế, ngành nhận thức được điểm yếu và tập trung làm. Công tác văn hóa là lâu dài, liên tục nhưng cần quyết tâm hơn, làm sao để ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội, phát huy giá trị tốt đẹp.
Riêng đối với công tác quản lý lễ hội, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các đoàn kiểm tra đến các điểm nóng để đôn đốc, nhắc nhở. Làm sao để không còn tồn tại của năm 2017 diễn ra trong năm 2018, kiên quyết với những hành vi làm sai lệch giá trị, bản chất của lễ hội.
Phó Thủ tướng cho rằng, văn hóa là cái gốc của dân tộc. Bởi vậy, làm văn hóa là nhiệm vụ khó. Mặc dù, giữ gìn văn hóa là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, xã hội, nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là nòng cốt. Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý cần hài hòa giữa bảo tồn văn hóa truyền thống và tiếp thu các yếu tố hiện đại. Điều này đòi hỏi những người làm văn hóa phải kiên trì, tỉ mỉ, vừa có lý trí, vừa có tình cảm.
Phó Thủ tướng cũng đặt vấn đề, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương cũng cần quan tâm, chú trọng đến công tác quản lý văn hóa, gia đình. Đặc biệt, cần chấn chỉnh những bất cập trong tổ chức lễ hội, tình trạng suy thoái đạo đức…/.
Bình luận