Tại cuộc họp báo triển khai hoạt động ngành ngân hàng năm 2021, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, kinh tế toàn cầu suy thoái, thị trường thế giới biến động mạnh do dịch bệnh Covid-19, buộc Chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều nước nới lỏng chính sách tiền tệ chưa từng có, thực thi các giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ tài khóa quy mô lớn để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, dự báo mất nhiều năm mới phục hồi lại trạng thái trước dịch. Trong nước, tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai và dịch bệnh, mặc dù Việt Nam thuộc số ít quốc gia có tăng trưởng dương. Lạm phát bình quân 11 tháng năm 2020 là 3,51% (dưới mức mục tiêu 4%), ước năm 2020 là 3,2%; lạm phát cơ bản 11 tháng năm 2020 là 2,43%; ước năm 2020 là 2,3%.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, nếu không xảy ra đại dịch, mục tiêu nợ xấu dưới 3% giai đoạn 2016-2020 của ngành ngân hàng sẽ được thực thi trọn vẹn

Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, NHNN đã sớm chủ động, khẩn trương, quyết liệt và kịp thời triển khai các giải pháp chính sách tiền tệ, tín dụng hỗ trợ nền kinh tế ứng phó đại dịch. NHNN là một trong những ngân hàng trung ương có phản ứng chính sách nhanh nhạy, sớm và mạnh nhất trong khu vực. Cụ thể NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ đảm bảo thanh khoản thông suốt cho hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung, ổn định vững chắc thị trường tiền tệ, ngoại hối, tạo nền tảng cơ bản để tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất thị trường. Đến 18/12/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 12,83% so với cuối năm 2019.

Trong năm 2020, NHNN giảm 3 lần đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn 1,5-2,0%/năm, là một trong số các nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất khu vực ASEAN, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện giảm về còn 4,5%/năm). Đây là mức thấp trong các nước có điều kiện tương đồng Việt Nam và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Liên quan đến điều hành tỷ giá, năm 2020, công tác điều hành thực hiện linh hoạt, đảm bảo thị trường ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Đến sáng ngày 23/12/2020, tỷ giá trung tâm ở mức 23.167 VND/USD, tăng 0.05% so với cuối năm 2019; tỷ giá bình quân liên ngân hàng giảm 0,16% so với cuối năm 2019.

Liên quan đến tăng trưởng tín dụng, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm 2020 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo đó, NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng, đồng thời xem xét điều chỉnh chỉ tiêu cho các tổ chức có yêu cầu và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, an toàn. Đến 21/12/2020, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019, tăng 11,62% so cùng kỳ 2019. Trên cơ sở thực tế này, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ báo cáo Chính phủ về dự kiến định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2021 ở mức 12%.

Liên quan đến thực trạng xử lý nợ xấu trong thời gian qua và có hay không việc nợ xấu tăng lên khi các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch, Phó thống đốc cho biết, nếu đại dịch không xảy ra thì mục tiêu Quốc hội đặt ra trong việc giảm nợ xấu của ngành về dưới 3% giai đoạn 2016-2020 sẽ hoàn tất trong tầm tay. Tuy nhiên, đại dịch là biến cố bất ngờ, gây ra những khó khăn chưa từng có cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xử lý nợ xấu của ngành. “Đại dịch là rủi ro khách quan, NHNN quan điểm rằng, nợ xấu phát sinh thêm từ biến cố đại dịch không phải do lỗi của doanh nghiệp, hay của các ngân hàng. Tuy nhiên, công tác xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục là trọng tâm của NHNN trong năm 2021”, Phó Thống đốc cho biết.

Trong một diễn biến khác, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam mới đây công bố báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2021 với kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 11-12% trong năm 2021. Tuy nhiên, Công ty này cho rằng, việc nợ xấu tăng lên sẽ tác động lên chi phí trích lập của các ngân hàng trong năm 2021, 2022. do dư nợ có quy trình 360 ngày chậm trả tính từ hạn trả nợ mới để chuyển từ nợ nhóm 1 sang nợ nhóm 5./.