Nền kinh tế phải sớm chuyển sang trạng thái mới để phát triển ở trình độ cao hơn
Trong không khí vui chung của cả nước, khép lại một năm phấn đấu với kết quả tích cực, đón Tết Đinh Dậu năm 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã dành cho phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo cuộc trao đổi cởi mở về những cơ hội và thách thức trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Năm 2016: Dấu ấn cải cách thể chế
PV: Kính thưa Bộ trưởng, năm 2016 đầy khó khăn đã khép lại với tăng trưởng GDP đạt mức 6,21%, CPI bình quân năm 2016 tăng 2,66% so với bình quân năm 2015. Bộ trưởng có thể cho một vài nhận định khi nhìn lại một năm qua là chặng đầu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đúng vậy, 2016 là một năm đầy khó khăn, thách thức của Chính phủ, Quốc hội trong quản lý, điều hành đất nước. Có những thử thách mà trước đây chúng ta chưa từng gặp phải, có cả thiên tai và nhân tai, như: thiên tai khốc liệt diễn ra dồn dập, biến đổi khí hậu, sự cố môi trường, cũng có những vấn đề như thị trường thế giới chao đảo mạnh, xu hướng cực đoan bùng nổ trên thế giới… trực tiếp tác động đến nền kinh tế Việt Nam – một nền kinh tế có độ mở cao và đang hội nhập toàn cầu sâu, rộng.
Tuy nhiên, cần thấy rằng, điểm nổi bật của năm 2016 là sự điều hành năng động, hiệu quả của Chính phủ ngay sau khi được kiện toàn và thành lập mới. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quyết tâm, tạo ra chuyển biến ngay từ những ngày đầu, từ đổi mới thể chế, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm để xử lý thỏa đáng các diễn biến phức tạp của tình hình năm 2016.
Theo phương hướng xây dựng Chính phủ phục vụ, liêm chính và kiến tạo, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian thích đáng để hoàn thiện các dự thảo Luật trình Quốc hội, kiên quyết xử lý nhanh các "điểm nóng" gây ách tắc sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, những vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội, những khó khăn của doanh nghiệp đã được quan tâm tháo gỡ kịp thời; những vấn đề mới, phức tạp phát sinh được xử lý dứt điểm.
Các bộ, ngành Trung ương đã tập trung xây dựng thể chế, quản lý điều hành bằng luật pháp, cơ chế chính sách, công cụ kinh tế; hạn chế tối đa sự can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào các hoạt động kinh tế. Kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường.
Nhờ đó, năm 2016, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,21% là mức tăng trưởng hợp lý và tích cực trong bối cảnh khó khăn; chính trị, xã hội ổn định; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện…
PV: Trong thành quả đó, sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành Kế hoạch và Đầu tư như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Phải nói rằng, những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ đã có sự phối hợp tốt với các cơ quan của Chính phủ, tham mưu cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phấn đấu hoàn thành phần lớn các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016, giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội...
Một lĩnh vực ghi dấu ấn nổi bật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm qua chính là công tác hoàn thiện thể chế và xây dựng các đề án phát triển để tham mưu cho Đảng và Nhà nước.
Trong năm đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, các đơn vị trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ, chủ trì phối hợp với các ngành liên quan triển khai việc nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Sửa đổi các luật có liên quan đến đầu tư và doanh nghiệp; hoàn thiện các dự án Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để trình Chính phủ, Quốc hội theo đúng tiến độ.
Và, tại Kỳ họp thứ 2, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 của Luật Đầu tư (chỉnh sửa từ dự thảo Luật sửa đổi các luật có liên quan đến đầu tư và doanh nghiệp) đã được Quốc hội khóa XIV thông qua.
Cũng trong năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng các đề án rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, gồm: Đề án Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2026-2020; Đề án Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; Đề án thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp... Những đề án này được đánh giá là đã được soạn thảo công phu, khá chi tiết, đánh giá khá sát với thực tiễn.
Điểm sáng của nền kinh tế trong năm qua có sự đóng góp không nhỏ của ngành Kế hoạch và Đầu tư chính là việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.
Việt Nam đã có bước cải thiện tích cực vị trí trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của thế giới. Đồng thời, năm 2016 cũng chứng kiến hai kỷ lục về số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là kết quả sau nhiều năm phát động cải thiện môi trường kinh doanh theo tinh thần của các Nghị quyết 19.
Chặng đường phía trước còn nhiều thách thức
PV: Năm 2017 đã mở ra, dự báo nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn. Trong không khí đầu xuân năm mới, xin Bộ trưởng cho một vài dự cảm về tình hình kinh tế đất nước năm 2017?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2017 được dự báo là sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh quốc tế dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta.
Cục diện quốc tế dự kiến có nhiều thay đổi, chúng ta cần phải nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội, chủ động, linh hoạt, một mặt tránh cho đất nước rơi vào thế kẹt, thế bị động trước những dàn xếp của các nước lớn. Mặt khác, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tiềm lực kinh tế trong nước để đứng vững trước những thay đổi của thế giới và phát triển nhanh, bền vững.
Nền kinh tế đã bộc lộ nhiều yếu kém cả về chất lượng tăng trưởng cũng như năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Kết quả của sự đổi mới về thể chế, pháp luật, chính sách mới chỉ ở tầm cao mà chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa đi sâu xuống cấp dưới, xuống từng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp được khai sinh, nhưng còn cả một chặng đường lớn mạnh.
Trong khi đó, những vấn đề về tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính... vẫn còn là trở ngại chính làm cho chi phí trung gian còn rất cao, và khiến các doanh nghiệp chưa thể “sống”, tồn tại chứ chưa nói gì đến phát triển lớn mạnh và có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Những khó khăn bên ngoài và nội tại của nền kinh tế đã tồn tại trong thời gian dài. Nếu không được khắc phục một cách toàn diện, sẽ dẫn tới nguy cơ khó thực hiện được mục tiêu lớn là “đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp, theo hướng hiện đại vào năm 2020” mà Đảng đã đề ra.
PV: Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 cũng vừa được thông qua. Kế hoạch này đã nhận được rất nhiều kỳ vọng, nhưng cũng không ít quan ngại khi kết quả của Kế hoạch tái cơ cấu 2011-2015 không như mong đợi. Vậy, theo Bộ trưởng, trong năm 2017, chúng ta cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp gì để Kế hoạch này đạt kết quả cao?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế và giao nhiệm vụ cụ thể đối với Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Cơ cấu lại nền kinh tế chủ yếu được thực hiện thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn lực, trên cơ sở giảm dần, xóa bỏ cách tiếp cận hành chính xin - cho, chuyển sang áp dụng nguyên tắc thị trường. Lấy khu vực kinh tế tư nhân làm động lực để tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Cơ cấu lại nền kinh tế là một nhiệm vụ lớn, quan trọng đòi hỏi phải có thời gian và phải sự chuẩn bị thực sự cụ thể, kỹ lưỡng. Có vậy mới thực hiện thành công.
Bên cạnh đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế là một kế hoạch khung, để thực hiện phải cụ thể hóa bằng các đề án gắn với các nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch.
Căn cứ nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết, thì năm 2017 được coi là năm “mở đường”. Đường được mở tốt, thì chúng ta mới có thể đi nhanh được.
Cũng cần lưu ý rằng, những giải pháp quyết liệt trong việc cơ cấu lại nền kinh tế có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích cục bộ của một số bộ ngành, địa phương liên quan nên nguy cơ bị trì hoãn, không quyết liệt, không thực chất là rất lớn, làm chậm quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế.
Do đó, đòi hỏi phải đổi mới tư duy. Lãnh đạo các ngành, các cấp cần phải vượt qua được chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, không ngại khó khăn vượt qua lợi ích cục bộ để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhiệm vụ của năm 2017 là khá nhiều, từ việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành đến công tác xây dựng đề án cụ thể, thiết lập cơ chế thực hiện, theo dõi, giám sát, đánh giá và tuyên truyền... Tất cả các nhiệm vụ này đều rất quan trọng và đều phải được tập trung thực hiện.
Tuy nhiên, với ý nghĩa “mở đường”, thì nhiệm vụ rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật là quan trọng nhất và là điều kiện tiên quyết. Bởi lẽ, cơ cấu lại nền kinh tế chắc chắn sẽ vấp phải một số quy định pháp luật đã không còn phù hợp, phải điều chỉnh hoặc bãi bỏ.
Nếu không làm được điều này, chắc chắn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế sẽ gặp nhiều trở ngại.
PV: Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua. Với vai trò và chức năng của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm gì để thúc đẩy triển khai Nghị quyết này trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Về triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đóng vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vừa thực hiện chức năng cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công.
Với mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công gắn với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của giai đoạn 2016-2020; trong điều kiện nguồn vốn công, nhất là ngân sách nhà nước hạn hẹp, áp lực trần nợ công...
Nhiệm vụ của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn là hết sức khó khăn. Một mặt, vừa phải đáp ứng mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng phục vụ tăng trưởng kinh tế như đường cao tốc Bắc – Nam, vừa phải giải quyết nhu cầu đầu tư phục vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mặt khác, Kế hoạch phải dành một phần vốn đáng kể để xử lý những tồn đọng của giai đoạn trước như hoàn vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng...
Tôi cho rằng, trong bối cảnh như vậy, cần phải có sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn công, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phân bổ nguồn vốn cũng như phê duyệt và thực hiện các dự án có sử dụng nguồn vốn công.
Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thực hiện đúng quy định, đảm bảo ngăn ngừa tình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí ngay từ khâu đầu tiên của giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục thắp sáng ngọn lửa đổi mới, sáng tạo và cũng mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ các ngành, các cấp để cùng hướng tới mục tiêu thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn một cách tiết kiệm, hiệu quả, không dàn trải, lãng phí... góp phần thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn 2016-2020.
Nhân đây, tôi xin gửi lời cảm ơn và đánh giá cao công sức, sự cố gắng của cán bộ, công chức toàn Ngành Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực cùng tôi trên chặng đường đầu tiên của nhiệm kỳ, để đạt được những thành tích lớn trong năm 2016. Nhân dịp năm mới, chúc các đồng chí an khang, sức khỏe và thịnh vượng!
PV: Trân trọng cám ơn Bộ trưởng về những chia sẻ đầu năm mới. Chúc Bộ trưởng một năm mới an khang, thịnh vượng!
Bình luận