NEP phát triển biện chứng cùng với thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

NEP và ý nghĩa thời đại của nó

Tháng 3-1921, V.I. Lênin đã đề xuất NEP thay cho “Chính sách cộng sản thời chiến” và được trình bày lần đầu tiên trong tác phẩm “Bàn về thuế lương thực”. NEP không chỉ là một chính sách quản lý vĩ mô về kinh tế, mà còn là một cuộc cải cách có tính tổng thể về cách thức thực hiện quá độ lên CNXH, gồm những nội dung chủ yếu:

Một là, nhà nước bãi bỏ chế độ “trưng thu lương thực thừa” tồn tại trong Chính sách cộng sản thời chiến, chuyển sang thực hiện “thuế lương thực” để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Theo đó, ngư­ời nông dân có quyền tự do trao đổi sản phẩm của họ và tích lũy thành quả lao động do họ tạo sau khi đã đóng thuế lương thực theo quy định. Điều này là một bước tiến trong việc thừa nhận sở hữu tư nhân trong xây dựng CNXH.

Hai là, sử dụng các hình thức của “chủ nghĩa tư­ bản nhà nư­ớc” như: chế độ tô nhượng, chế độ hợp tác, chế độ đại lý thu mua, đại lý tiêu thụ, chế độ cho thuê… để tích lũy cho phát triển lực lượng sản xuất. Với lập luận cần phải “lợi dụng chủ nghĩa tư bản (nhất là bằng cách hướng nó vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước) làm mắt xích trung gian giữa nền tiểu sản xuất và chủ nghĩa xã hội, làm phương tiện, con đường, phương pháp, phương thức để tăng cường lực lượng sản xuất lên”.

Ba là, lấy thương nghiệp làm “đòn bẩy” kinh tế. Phục hồi hoạt động trao đổi hàng hóa trên cơ sở của nguyên tắc thị trường, tôn trọng quan hệ hàng hóa - tiền tệ, thúc đẩy các mối liên hệ giữa công nghiệp với nông nghiệp, giữa thành thị với nông thôn. Theo V.I. Lênin: chính sách duy nhất đúng để ngăn ngừa phục hồi chủ nghĩa tư bản và bảo đảm con đường tới CNXH là thông qua thương nghiệp và trao đổi hàng hóa với nông dân để khôi phục nông nghiệp và trên cơ sở đó khôi phục công nghiệp lớn. Điều này có nghĩa là trong điều kiện sản xuất nhỏ còn phổ biến thì việc “chấp nhận nông dân là thương nhân” và coi trọng nguyên tắc thương nghiệp tự do là một tất yếu của hiện thực.

Bốn là, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Ở một nước có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa còn yếu kém, chưa có nền đại công nghiệp (như nước Nga), thì phải quá độ gián tiếp lên CNXH. Theo đó, thời kỳ quá độ phải trải qua nhiều bước quá độ nhỏ, và nền kinh tế trong thời kỳ quá độ là nền kinh tế quá độ với đặc trưng cơ bản là nền kinh tế nhiều thành phần. V.I. Lênin chỉ ra, những thành phần kinh tế ở nước Nga lúc bấy giờ gồm: (i) Kinh tế nông dân kiểu gia trưởng (nghĩa là một phần lớn nền kinh tế có tính chất tự nhiên); (ii) Sản xuất hàng hóa nhỏ (gồm đại đa số nông dân bán lúa mì); (iii) Chủ nghĩa tư bản tư nhân; (iv) Chủ nghĩa tư bản nhà nước; (v) Chủ nghĩa xã hội. Nghĩa là “trong nền kinh tế ở thời kỳ quá độ lên CNXH tồn tại và phát triển nhiều hình thức sở hữu, do đó, tất yếu tồn tại và phát triển nhiều thành phần kinh tế” vận hành theo các quy luật cơ bản của kinh tế hàng hóa. V.I. Lênin chủ trương: phát triển sản xuất và lưu thông, trao đổi hàng hóa trên mọi phương diện và phải “làm cho bằng được, không sợ chủ nghĩa tư bản”. Phải nâng dần trình độ tổ chức quản lý nền kinh tế để tạo ra năng suất lao động xã hội cao hơn. “Chúng ta không nên sợ thú nhận rằng ở đây chúng ta có thể và phải học tập nhiều nữa ở bọn tư bản”, “có thể sử dụng chủ nghĩa tư bản tư nhân để xúc tiến chủ nghĩa xã hội”. Như vậy, vấn đề cốt lõi có tính quy luật của nền kinh tế quá độ trong thời kỳ quá độ lên CNXH tất yếu là nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo các quy luật kinh tế khách quan của nền kinh tế hàng hóa.

Năm là, thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa (XHCN). Phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền đại công nghiệp để tạo ra năng suất lao động xã hội cao làm nền tảng kinh tế của CNXH. Bởi “xét đến cùng thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho sự thắng lợi của xã hội mới. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra năng suất lao động chưa từng thấy dưới chế độ nông nô. Chủ nghĩa tư bản có thể bị đánh bại hẳn vì chủ nghĩa xã hội sẽ tạo ra năng suất lao động mới cao hơn nhiều”. Vì vậy, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, mà trọng tâm của trọng tâm là xây dựng, phát triển nền đại công nghiệp - thước đo sự phát triển của CNXH. Muốn có nền đại công nghiệp thì phải tiến hành công nghiệp hóa XHCN.

Sáu là, học tập và sử dụng những giá trị văn minh nhân loại được tạo ra từ chủ nghĩa tư bản. Tiếp thu khoa học, kỹ thuật tiên tiến và kinh nghiệm tổ chức quản lý hiện đại của chủ nghĩa tư bản vào tạo dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật xây dựng CNXH. Theo V.I. Lênin, ở một nước kinh tế lạc hậu thì giải pháp hiện thực để có được kinh nghiệm, tri thức quản lý hiện đại là học hỏi bằng việc thuê và trả lương cao cho chuyên gia tư sản; bởi không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm tổ chức quản lý, thì không thể nào chuyển lên xây dựng CNXH được.

Những quan niệm mới mẻ và đúng đắn của NEP đã được thực tiễn xác nhận. Nước Nga Xô-viết chỉ trong một thời gian ngắn đã có nhiều chuyển biến tích cực: Từ năm 1922, thành thị đã có đủ lương thực - thực phẩm, năm 1925 sản xuất nông nghiệp đạt 87%; công nghiệp đạt 75% sản lượng của năm 1913; đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt, chính trị ổn định, khối liên minh công nông được củng cố, phát triển... Tinh thần khoa học và cách mạng của NEP chính là về con đường phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH, với các giá trị mang ý nghĩa thời đại sâu sắc:

(i) Tùy theo điểm xuất phát của thời kỳ quá độ lên CNXH là đại sản xuất hay sản xuất nhỏ chiếm ưu thế mà lựa chọn phương thức tiến hành cách mạng XHCN cho phù hợp, để có thể giành thắng lợi.

(ii) Việc phân định các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ từ kinh tế tiểu nông lên CNXH phải phản ánh đúng tình hình kinh tế khách quan trong nước, phải tổ chức các thành phần kinh tế từ thấp đến cao theo quá trình lịch sử - tự nhiên của sự phát triển lực lượng sản xuất và tiêu thức quan trọng nhất của mỗi thành phần kinh tế là quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

(iii) Sự vận động, tác động biện chứng và phát triển của các thành phần kinh tế trong các bước đi, các giai đoạn phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn, thể thiện khách quan xu hướng vận động tiến lên CNXH.

(iv) Tôn trọng quy luật của sự phát triển, đẩy nhanh sự phát triển của kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản nhà nước để làm điều kiện chiến thắng chủ nghĩa tư bản. Dưới sự quản lý của nhà nước do giai cấp công nhân và nhân dân lao động làm chủ thì có thể sử dụng kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước để xây dựng CNXH, tạo điều kiện và thúc đẩy kinh tế tư bản tư nhân đóng vai trò trợ thủ cho phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ quá độ đi lên CNXH - không thể nóng vội xóa bỏ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa khi lực lượng sản xuất của nền kinh tế còn bé nhỏ, khi trình độ phát triển của xã hội đang chỉ ở giai đoạn tiền tư bản.

NEP phát triển trong hiện thực đổi mới kinh tế Việt Nam

Nh­ững quan điểm của V.I. Lênin trong NEP về phát triển kinh tế nhiều thành phần, phát triển quan hệ hàng hoá - tiền tệ, kinh tế thị tr­ường và sử dụng chủ nghĩa tư­ bản nhà n­ước đã phác họa những đ­­ường nét cơ bản của sự quá độ lên CNXH ở những n­­ước kinh tế chậm phát triển. Biện chứng lịch sử của NEP là ở chỗ để thủ tiêu chế độ tư hữu, thì phải phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, kinh tế hàng hoá, kinh tế thị trường và như vậy, phải trải qua chế độ tư hữu trong một thời gian dài. Đây là quy luật khách quan, biện chứng của sự phát triển đã được V.I. Lênin vận dụng sáng tạo trong NEP. Chính vì Việt Nam nhận thức và vận dụng quy luật này nên nước ta đã vượt qua được khúc quanh của khủng hoảng kinh tế - xã hội những thập niên 70-80 của thế kỷ XX, tiếp tục phát triển sáng tạo NEP phù hợp với điều kiện, bối cảnh trong nước và quốc tế, để vững bước thực hiện quá độ lên CNXH.

Bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986), Đảng ta với quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” đã có được bước ngoặt lớn trong lãnh đạo phát triển đất nước, tiến hành Đổi mới diện, nhất là đổi mới tư duy chính trị trong tổ chức xây dựng nền kinh tế mới. Đảng ta xác định quá trình chuyển từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn của nước ta là quá trình chuyển hoá nền kinh tế còn mang nhiều tính tự túc cấp thành nền kinh tế hàng hoá; khẳng định sự cần thiết của việc sử dụng quan hệ hàng hoá - tiền tệ là đặc trưng của cơ chế quản lý kinh tế mới. Trong hơn 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới, tư tưởng bao trùm của NEP về cách thức thực hiện quá độ lên CNXH đã được Đảng ta vận dụng, sáng tạo và phát triển biện chứng trong tư duy phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật CNXH, có thể khái quát một số bước chuyển đổi mới tư duy đặc trưng ở nước ta giai đoạn này như sau:

- Chuyển đổi từ tư duy sản xuất theo mô hình kinh tế hiện vật, phi thị trường sang tư duy sản xuất theo mô hình kinh tế hàng hoá, kinh tế thị trường định hướng XHCN, gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách. Trong đó, tư duy kinh tế về bản chất kinh tế thị trường và những nội hàm mang tính định hướng XHCN, được xác định và ngày càng cụ thể hóa trong các kỳ đại hội Đảng, đã thực sự trở thành tư duy lý luận có sức sáng tạo, không chỉ làm sáng rõ con đường quá độ lên CNXH ở Việt Nam mà còn là sự bổ sung giá trị cho kho tàng lý luận về CNXH.

- Từ tư duy đơn sở hữu sang tư duy đa sở hữu, đa thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế được tự do kinh doanh, bình đẳng trước pháp luật. Có thể nói, bước chuyển đổi mới tư duy này thực sự là khâu đột phá trong nhận thức lý luận kinh tế, cởi trói tư duy và tạo động lực cho công cuộc đổi mới thực hiện thuận lợi, có hiệu quả.

- Từ tư duy quản lý theo cơ chế tập trung bao cấp, làm cho con người ỷ lại, thụ động, sang tư duy quản lý theo cơ chế thị trường, đòi hỏi tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của con người. Chuyển từ tư duy Nhà nước đóng vai trò phân bổ các nguồn lực là chủ yếu, sang thị trường đóng vai trò phân bổ các nguồn lực là chủ yếu.

- Từ tư duy không chấp nhận bóc lột, không chấp nhận phân hoá giàu nghèo, sang tư duy chấp nhận bóc lột và phân hoá giàu nghèo ở mức độ nhất định.

- Từ tư duy đảng viên không làm kinh tế tư nhân sang đảng viên được làm kinh tế tư nhân.

- Từ tư duy kinh tế “khép kín” sang tư duy mở, chủ động hội nhập quốc tế, chấp nhận kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

- Từ tư duy xây dựng các tập đoàn kinh tế nhà nước làm “quả đấm thép” trực tiếp sản xuất, kinh doanh sang hoạt động gián tiếp làm “trụ đỡ” cho nền kinh tế, tạo môi trường cho các thành phần kinh tế khác phát triển. Theo đó, bộ phận “doanh nghiệp” trong thành phần kinh tế nhà nước phải đảm nhận những ngành có ý nghĩa chính trị - xã hội ở những địa bàn khó khăn mà khu vực kinh tế tư nhân không muốn đầu tư, đảm nhận các ngành sản xuất hàng hóa công cộng thiết yếu, thực hiện sự bảo đảm cân bằng về đầu tư phát triển theo vùng, miền, đóng vai trò “mũi chủ công” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa XHCN.

- Từ tư duy “Nhà nước làm thay thị trường”, “Nhà nước làm tất cả”, “Nhà nước độc quyền” sang tư duy Nhà nước chủ yếu thực hiện vai trò kiến tạo phát triển, khắc phục các khuyết tật của thị trường, đa dạng hóa các chủ thể làm kinh tế, giảm tối đa độc quyền nhà nước, xoá bỏ độc quyền doanh nghiệp...

- Từ tư duy công nghiệp hóa bằng con đường “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ”, sử dụng vốn của nhà nước sang tư duy công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với kinh tế tri thức và phát triển rút ngắn, sử dụng nguồn vốn xã hội hoá theo cơ chế thị trường.

- Từ tư duy mô hình kinh tế tăng trưởng theo chiều rộng với năng suất, chất lượng và hiệu quả thấp, sang mô hình kinh tế tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Những đặc trưng đổi mới tư duy kinh tế nêu trên là thành quả của việc vận dụng, phát triển sáng tạo NEP của V.I. Lênin phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta; nền tảng tiền đề nhận thức lý luận của tư duy đổi mới hiện nay trên các lĩnh khác về chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại… để Đảng ta lãnh đạo nhân dân đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tạo ra các tiền đề quan trọng để tiếp tục phát triển đất nước quá độ lên CNXH./.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2012). Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI), Nxb Chính trị Quốc gia

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật

4. V.I. Lênin (1978). Toàn tập, tập 43, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva

TS. Trần Đình Bích
Đại học Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội