Ý kiến nêu trên của vị chuyên gia đến từ Đại học Kinh tế và Luật Berlin được đưa ra tại Hội thảo kinh nghiệm cải cách thị trường điện cạnh tranh ở CHLB Đức và bài học đối với Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 08/12/2015.

Tự do hóa ở Đức: Hai tác nhân trong cuộc chơi

Theo đó, GS, TS. Andreas Polk cho hay, kinh nghiệm của Đức cho thấy, tự do hóa thị trường năng lượng và chuyển dần sang năng lượng tái tạo là hai quá trình cần diễn ra song song.

Chuyên gia đến từ Đại học Kinh tế và Luật Berlin nhận định, Việt Nam có nhiều nắng, gió nên việc phát triển năng lượng tái tạo sẽ rất thuận lợi, giúp nguồn điện bền vững, giá thành rẻ đi và góp phần bảo vệ môi trường. Giá điện ở các nước áp dụng song song việc phát triển năng lượng tái tạo và giảm sự tập trung thị trường điện đang càng ngày càng rẻ đi.

“Ở Đức, từ năm 2007 đến nay giá thành điện đã giảm đi rất nhiều. Có thời điểm giá điện bằng 0, tuy nhiên giai đoạn này cũng ngắn và thuộc những trường hợp đặc biệt”, GS, TS. Andreas Polk dẫn chứng.

GS, TS. Andreas Polk cho biết, vào năm 1998, Đức bắt đầu tự do hóa thị trường năng lượng. Lúc đó trên thị trường có 4 công ty hoạt động rất mạnh đó là: E.ON, RWE, Váttenfall, EnBW. 4 công ty lớn này đều là công ty nhà nước và thống lĩnh hầu hết thị trường điện ở Đức.

Chính vì vậy, quá trình tự do hóa được đưa ra với mục đích giảm sự độc quyền của các công ty này và tăng sự cạnh tranh cho thị trường. Khi thị trường cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ có lợi hơn. Điều đó cũng khuyến khích các công ty tăng cường chất lượng sản phẩm của họ và giảm được giá thành.

Tuy nhiên, đối với thị trường điện, khâu vận chuyển điện từ nơi sản xuất đến nơi có người sử dụng cần phải có hệ thống truyền dẫn điện và đó chính là sự độc quyền rõ nhất. Làm thế nào để tự do hóa ở đầu sản xuất và bán lẻ trong khi vẫn độc quyền trong khâu vận chuyển là điều gây tranh cãi khá nhiều. Vai trò và sự can thiệp của Nhà nước rất cần thiết.

Ở Đức đã diễn ra một cuộc tranh cãi rất gay gắt, gồm 2 luồng ý kiến chính. Cụ thể là:

Ý kiến đầu tiên cho rằng, các hệ thống truyền dẫn điện cần được tích hợp vào công ty bán điện, tất cả các khâu đều thuộc về 1 công ty. “Đó là ý tưởng rất tồi liên quan đến việc cạnh tranh. Bởi vì nếu tích hợp tất cả các mảng như thế thì sẽ tạo ra một thị trường đóng. Các công ty sẽ không mở cửa thị trường cho các đối thủ cạnh tranh”, GS, TS. Andreas Polk nhấn mạnh.

Đó là lý do mà các nhà kinh tế học cho rằng cần tách rời khâu vận chuyển điện khỏi các công ty bán lẻ điện. Bên cạnh đó cũng cần một cơ quan độc lập của Nhà nước đứng ra điều tiết, quản lý việc cạnh tranh này.

Ý kiến thứ hai là việc chuyển sang năng lượng tái tạo. Theo đó, Đức ưu đãi đầu vào năng lượng tái tạo thông qua Luật tái tạo. Giảm nguyên liệu sơ cấp để sản xuất điện, chấm dứt dần điện hạt nhân.

Ở đây có sự tác động của quá trình tự do hóa thị trường năng lượng và 1 bên là “xanh” hóa thị trường năng lượng. Hai quá trình này phải diễn ra song song và không tách rời nhau.

“Cần phải đưa cạnh tranh vào sản xuất, mua bán và bán lẻ điện. Ưu đãi đầu tư vào xây dựng công suất mạng lưới, năng lượng tái tạo”, GS, TS. Andreas Polk cho hay.

Vị giáo sư đến từ Đại học Kinh tế và Luật Berlin nói thêm, thị trường bán buôn điện song song cùng với thị trường bán lẻ. Điều đó sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh của thị trường. Khi đã bắt đầu tự do hóa thị trường thì phải tính đến đầy đủ các khía cạnh như trên.

Theo chuyên gia Andreas Polk, việc tự do hóa thị trường có những tác động nhất định. Trong việc sản xuất điện, tự do hóa sẽ giúp gia nhập thị trường và tăng thị phần của các đối thủ cạnh tranh mới và làm giảm thị trường tập trung. Tổng thị phần của 4 công ty lớn của Đức khi tự do hóa thị phần đã giảm xuống mất 2/3.

Bên cạnh đó, liên kết khu vực ngày càng được củng cố, ví dụ như việc mở cửa của thị trường (Áo) đã củng cố thêm các ảnh hưởng này. Ở khâu phân phối điện, việc tự do hóa thị trường cũng có những tác động rất lớn trong việc thay đổi cơ cấu mạng lưới.

Còn theo TS. Michael Krakowwski, Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh GIZ, giá điện được điều chỉnh theo nhu cầu và biến động của thị trường nên giá điện mà người tiêu dùng trả sẽ phụ thuộc vào chính hành vi của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn và thay đổi nhà cung cấp điện của mình sao cho hài lòng nhất.

Vị cố vấn trưởng này cũng nói thêm, ở khía cạnh quốc tế, thị trường đang có xu hướng phát triển theo quy mô quốc gia, lớn nhất là quy mô khu vực; không tính thuế và phụ phí, giá bán điện cho các hộ gia đình và khách hàng công nghiệp ở Đức nằm trên mức trung bình.

Theo đó, vai trò của năng lượng tái tạo sẽ ngày càng tăng và hỗ trợ cho các cơ cấu sản xuất phi tập trung. Sự độc lập của các cơ quan hành chính quốc gia cũng sẽ được nâng cao. Giữa các cơ quan quản lý cạnh tranh thị trường điện sẽ độc lập với nhau trong việc ra quyết định, hạn chế lạm quyền, có trọng tâm rõ ràng trong quyết định được đưa ra.

Việt Nam cần làm gì?

Cũng như các loại hàng hóa khác, thị trường điện ở Việt Nam đã hình thành và hoạt động ngay khi có điện. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của hàng hóa điện và tính chất kinh tế kỹ thuật của ngành điện, thị trường điện Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều được hình thành, phát triển từng bước phù hợp với trình độ phát triển của ngành điện, trình độ phát triển của nền kinh tế trong từng giai đoạn.

Tuy nhiên, việc đầu tư cho phát triển thị trường điện ở Việt Nam còn thiếu sự phối hợp, liên kết giữa các ngành, cơ chế, chính sách quản lý; sự tập trung thị trường còn rất lớn, nên giá điện vẫn cao và sự cạnh tranh còn hạn chế.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, xây dựng thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam là một chủ trương nhất quán của Việt Nam.

Tương tự như ngành điện các nước khác trên thế giới, hoạt động kinh doanh của ngành điện Việt Nam cũng được phân chia thành các khâu: phát điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh bán buôn, bán lẻ điện. Để nâng cao sức cạnh tranh của thị trường điện, ông Cung cho rằng, cần quan tâm đến chính sách quản lý điện bên cạnh thị trường.

“Phần chính sách cần được đưa về các đơn vị kinh doanh. Chúng ta cần xem giá điện, phân phối, bán lẻ... là bao nhiêu, chúng ta cần biết cơ cấu chi phí của hệ thống… Từ đó, từng bước hoàn thiện và nâng cao sức cạnh tranh của toàn thị trường”, người đứng đầu Viện CIEM nói.

Về lộ trình phát triển của thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam, chuyên gia thị trường điện Lê Hồng Hải đến từ Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động chính thức, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam đã thu được những thành công, nổi bật là việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã tăng tính minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn điện.

Hệ thống điện đã được vận hành an toàn tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, không có sự cố có nguyên nhân từ việc vận hành thị trường điện đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

Tuy nhiên, khi tỷ lệ các nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện cạnh tranh tăng nhanh, thì thị phần các nhà máy điện gián tiếp tham gia thị trường điện vẫn còn cao. Khoảng 50% công suất lắp đặt không tham gia thị trường và không tham gia xác định giá thị trường. Do vậy, giá thị trường chưa phản ánh chính xác chi phí biên của toàn hệ thống điện…

Để nâng cao thị phần các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện, ông Hải cho rằng, ngành điện cần quyết liệt hơn nữa trong việc đôn đốc các nhà máy điện mới chuẩn bị các điều kiện để tham gia thị trường điện và nghiên cứu phương án tham gia thị trường điện của các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và nhà mát điện BOT.

Đặc biệt, hệ thống quản lý thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ cần được đầu tư, phát triển đáp ứng yêu cầu thiết kế của thị trường. Quá trình các hệ thống này theo kinh nghiệm quốc tế sẽ cần khoảng 3-4 năm để hoàn thiện.

Trong khi đó, chuyên gia Cao Đạt Khoa, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần xem xét luật hóa quá trình tái cơ cấu ngành điện, thể hiện cam kết nhất quán, kiên định về định hướng thị trường điện, từng bước ngành điện hoạt động đúng theo quy luật cơ bản thị trường về quan hệ cung - cầu, giá cả.

Đồng thời, thay đổi hành vi tiêu dùng điện theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và chấp nhận cơ chế thị trường trong ngành điện. Các vấn đề công ích, xã hội sẽ được Nhà nước giải quyết trực tiếp đến đối tương ưu tiên, không thực hiện qua doanh nghiệp như hiện nay.

Ngoài ra, ông Nguyễn Gia Hảo, chuyên gia thị trường điện cho rằng: “Phải có tự do hóa trong ngành điện, nếu không giải quyết vấn đề tự do hóa trong ngành điện, không giảm được giá thành điện năng thì tất cả chi phí sản xuất ở tất cả các ngành cho đến sinh hoạt đều tăng rất cao".

Ông Hảo cũng nói thêm: "bên cạnh việc tự do hóa ngành điện hiện có, cần tập trung vào năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo chi phí đầu tư rất lớn nhưng chi phí sản xuất bằng không. Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển năng lượng tái tạo: có nhiều gió, nhiều nắng, chưa nói đến là trong dòng hải lưu, dòng nước chảy trong biển với tốc độ 8 m/giây là có thể đặt tuốc bin mà cái đó còn nhẹ hơn là xây dựng nhà máy thủy điện”.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam cần xem xét luật hóa quá trình tái cơ cấu ngành điện, thể hiện cam kết nhất quán, kiên định về định hướng thị trường điện, từng bước ngành điện hoạt động đúng theo quy luật cơ bản thị trường về quan hệ cung – cầu, giá cả. Đồng thời, thay đổi hành vi tiêu dùng điện theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và chấp nhận cơ chế thị trường trong ngành điện. Các vấn đề công ích, xã hội sẽ được Nhà nước giải quyết trực tiếp đến đối tượng ưu tiên, không thực hiện qua doanh nghiệp như hiện nay…/.