Nguy cơ trước giá dầu giảm sâu

Venezuela, một đồng minh của Nga bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu lao dốc. Mới đây, chính phủ nước này đã đề nghị triệu tập một cuộc họp khẩn cấp giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC.

Năm 2014, nền kinh tế Venezuela suy giảm 4% trong khi lạm phát ở ngưỡng trung bình 62%. “Giá dầu giảm sâu càng khiến tình hình kinh tế của Venezuela thêm bi đát. Nhiều khả năng nước này sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ”, ông David Rees đến từ công ty nghiên cứu Capital Economics nhận xét.

Venezuela sắp bước vào giai đoạn trả nợ bận rộn nhất trong năm giữa lúc dự trữ ngoại hối cạn dần. Trong tháng 10-11 năm nay, nước này sẽ phải trả 4 tỷ USD nợ đáo hạn, bao gồm cả nợ của Chính phủ và nợ của công ty dầu lửa quốc doanh Petróleos de Venezuela (PDVSA).

Không chỉ riêng Venezuela, mà nhiều nước xuất khẩu dầu lửa khác cũng đang phải đối mặt với áp lực tài chính. Tuy vậy, nền kinh tế kém đa dạng và bất ổn chính trị ở Venezuela khiến nước này trở thành quốc gia dễ tổn thương nhất. Doanh thu từ dầu chiếm khoảng 95% kim ngạch xuất khẩu và ngành dầu khí chiếm khoảng GDP của Venezuela.

Ông Nicholas Watson, Phó chủ tịch Công ty nghiên cứu Teneo Intelligence, nhận định: “Chính phủ Venezuela không muốn rơi vào cảnh vỡ nợ. Đó sẽ là một thảm họa đối với họ”.

Cuộc bầu cử vào cuối năm nay là lý do khiến Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đặc biệt không muốn xảy ra vỡ nợ, bởi họ muốn bảo vệ quyền lực của mình trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ của cử tri xuống thấp. Tuy vậy, việc đẩy mạnh chi tiêu công trước thềm bầu cử có thể khiến tình hình tài chính của Venezuela xấu đi trong năm tới.

“Năm 2016 sẽ là một vấn đề khác. Xét tới tình trạng bi đát hiện nay của nền kinh tế Venezuela, rất khó để đưa ra bất kỳ dự báo dài hạn nào. Chính phủ nước này luôn chỉ nghĩ trước mắt”, ông Watson nhận định.

Venezuela vỡ nợ lần gần đây nhất vào tháng 7/1998 đối với một khoản nợ trái phiếu nội địa trị giá 270 triệu USD. Trước đó, vào năm 1997, giá dầu thế giới giảm mạnh đã khiến lĩnh vực xuất khẩu của Venezuela thất thu. Tương tự, giá dầu sụt giảm cũng khiến Nga lâm cảnh vỡ nợ vào năm 1998.

Theo ông Watson, lần này, Venezuela có khả năng vỡ nợ cao hơn bất kỳ quốc gia Nam Mỹ nào xét trong ngắn và trung hạn, thậm chí so với quốc gia “liên tục vỡ nợ” Ecuador hay Argentina. Ecuador, một nước phụ thuộc vào dầu lửa khác, đã vỡ nợ vào năm 1998 và 2008. Argentina thì vỡ nợ lần gần đây nhất vào đầu năm 2014.

Trong khi đó, Nga cũng gánh thiệt hại lớn do dầu thô mất giá bởi dầu, khí đốt chiếm tới một nửa ngân sách của liên bang. Tuy nhiên, Nga cũng như Ả rập Xê út nhiều lần tuyên bố sẽ không cắt giảm sản lượng bất chấp giá giảm nhằm duy trì thị phần.

Kinh tế Nga đã rơi vào suy thoái, nhưng chính phủ nước này đã hạn chế tác động của giá dầu bằng cách làm suy yếu đồng Rúp, bảo vệ ngân sách liên bang khi giá dầu vốn định giá bằng USD đã giảm một nửa trong vòng 1 năm qua.

Bắt tay hợp tác

Tổng thống Venezuela và Nga cùng có mặt tại Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 3/9 để tham dự Lễ diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít. Hai bên đã đưa ra một số "sáng kiến" để bình ổn giá dầu, nhưng không nói cụ thể về kế hoạch này.

Tổng thống Nga và người đồng cấp Venezuela

Tổng thống Vladimir Putin nói với người đồng cấp Venezuela, ông Nicolas Maduro hôm thứ 5 rằng, Nga và Venezuela cần phải kết hợp các nỗ lực để nâng giá dầu. Tuy nhiên, ông Putin không tiết lộ bất kỳ chiến thuật cụ thể nào, bao gồm cả cắt giảm sản lượng dầu.

Giá dầu đã giảm một nửa kể từ tháng 6/2014 và tiếp tục dao động ở mức này. Hôm thứ 5, dầu thô Brent được giao dịch khoảng 51 USD/thùng.

Nền kinh tế của cả Nga và Venezuela đều phụ thuộc nhiều bán dầu. Tuy nhiên, cả hai đều đang chao đảo khi giá dầu đã giảm đi một nửa từ năm ngoái do cung vượt quá cầu và quyết định không cắt giảm sản lượng của OPEC.

"Hai nước đều nhận thấy, giá dầu không ổn định là nằm ngoài mong muốn, và do đó, cần nỗ lực phối hợp để nâng giá dầu lên", phát ngôn viên Kremlin Dmitry Peskov nói các phóng viên.

"Tuy nhiên, Tổng thống Putin hướng đến một khả năng rằng sẽ không có hành động trực tiếp, mà đây sẽ đơn giản là quy luật thị trường. Có rất nhiều yếu tố tác động và cần phải được xem xét rất cẩn thận."

"Các sáng kiến sẽ được biết đến ngay khi chúng được thực thi," hãng tin nhà nước AVN dẫn lời Maduro nói với mạng truyền hình Nga RT và không cung cấp thêm bất cứ chi tiết nào.

Venezuela là một thành viên của OPEC. Năm ngoái, OPEC đã thay đổi chiến lược và cho phép giá dầu giảm để bảo vệ thị phần của mình. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái nghiêm trọng tại Venezuela đã thúc đẩy chính phủ phải có biện pháp để khiến dầu tăng giá. Nước này đã nhiều lần đề xuất OPEC giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên nhưng không được chấp nhận. Hiện Venezuela đang thúc đẩy một thỏa thuận mới giữa OPEC và các nước sản xuất dầu để bình ổn giá.

Về phía Nga, Moscow muốn tăng sản xuất để bảo vệ thị phần, bởi nếu cắt giảm sản lượng sẽ làm mất nguồn doanh thu cho ngân sách trong ngắn hạn. Một nguồn tin cao cấp Nga tiết lộ với Reuters hôm thứ 4 rằng, Moscow cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu thô để hỗ trợ giá, và cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Putin và Maduro sẽ không mang lại kết quả./.

Tham khảo từ nguồn:

http://uk.reuters.com/article/2015/09/03/uk-russia-venezuela-oil-idUKKCN0R30SV20150903

http://www.ibtimes.com/opecs-falling-oil-prices-russias-putin-tells-venezuelas-maduro-their-countries-must-2081559