Nghị định 83: Liệu có phải “bình mới, rượu cũ”?
Quy định mới hạn chế giá xăng tăng vọt
Sau một thời gian dài chờ đợi, qua nhiều lần dự thảo, Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP chính thức được Chính phủ ban hành vào đầu tháng 9/2014 và có hiệu lực từ ngày 1/11/2014.
Trong một hội nghị phổ biến Nghị định 83 của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam gần đây, theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đánh giá, Nghị định 83 vẫn đảm bảo giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Nhưng lại có những điểm mới căn bản, nhằm đưa thị trường xăng dầu phát triển tiệm cận thị trường xăng dầu thế giới.
Theo Nghị định cũ, nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 7% trở xuống so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp được điều chỉnh giá tương ứng.
Còn theo Nghị định 83 quy định, doanh nghiệp đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn. Doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá bán lẻ theo nguyên tắc, trình tự quy định tại Điều 38 về giá bán xăng dầu của Nghị định 83.
Theo đó, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa 15 ngày đối với trường hợp giảm giá. Liên quan đến vấn đề điều chỉnh giá, được cho là nhạy cảm với người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả nền kinh tế, Nghị định 83 nêu rõ, nếu giá cơ sở tăng 0%-3%, thì doanh nghiệp tự quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở tại thời điểm điều chỉnh giá.
Trường hợp giá cơ sở tăng 3%-7%, việc điều chỉnh giá có sự chỉ đạo của các bộ Công thương, Tài chính. Nếu giá cơ sở tăng trên 7% là do Chính phủ quyết định.
Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng giảm liên tục thì giá xăng dầu trong nước cũng phải theo sát. Thậm chí một ngày xăng dầu có thay đổi 3-4 lần là chuyện bình thường. Thời gian sắp tới Nghị định 83 có hiệu lực, người dân sẽ phải tập làm quen với việc một ngày giá xăng có thể tăng 30 đồng, 40 đồng hay chỉ giảm 20 đồng… Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam |
Ông Ruệ cho rằng, đây là một thay đổi lớn so với quyền tự quyết 7% của Nghị định 84 cũ. Như vậy, mỗi lần tăng giá tối đa doanh nghiệp cũng chỉ được tăng từ 400-500 đồng/lít sẽ không gây sốc cho người dân và nền kinh tế. Đặc biệt, với cơ chế này người dân sẽ là đối tượng được lợi lớn nhất. Cụ thể, người dân được hưởng giá xăng dầu điều hành theo cơ chế mới, lên xuống theo thị trường xăng dầu thế giới.
Đồng thời, ông Ruệ cũng khẳng định, sẽ không có chuyện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cùng bắt tay làm giá xăng dầu ép người dân bởi Nghị định 83 đã quy định rất rõ khi giá cơ sở tức giá xăng dầu thế giới tăng thì doanh nghiệp mới có quyền nâng giá. Trong trường hợp, giá thế giới không tăng mà doanh nghiệp tăng tức là đã vi phạm và phải xử phạt thật nặng.
Một điểm khác cũng được cho là tích cực là Nghị định 83 bổ sung 2 thành phần tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu, đó là doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp nhận quyền. Đối với doanh nghiệp phân phối, quyền và nghĩa vụ sẽ ngang với đầu mối kinh doanh xăng dầu, được mua xăng dầu từ nhiều đầu mối và quyết định giá, nhưng không được quyền nhập khẩu xăng dầu. doanh nghiệp nhận quyền là doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo phương thức nhượng quyền thương mại từ doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp phân phối.
Trong một lần trả lời trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ mới đây, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, nếu như vẫn áp dụng biên độ điều chỉnh giá quy định tại Nghị định 84 quy về con số tuyệt đối sẽ rất lớn.
Ví dụ, giá bán lẻ xăng RON 92 hiện nay là 23.746 đồng/lít, ứng với mức 7% là xấp xỉ 1.700 đồng/lít, với mức 12% là khoảng trên 2.800 đồng/lít… “Nếu thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ theo các biên độ này, mức điều chỉnh sẽ gây “sốc” cho nền kinh tế và tâm lý người tiêu dùng. Nhưng nếu áp dụng biên độ quy định tại dự thảo Nghị định (thời điểm ông Tú trả lời dự thảo, Nghị định chưa được ban hành) là 3%, tương ứng khoảng trên 700 đồng/lít sẽ ít tác động tới tâm lý người tiêu dùng hơn”, ông Tú cho biết.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá và tối đa 15 ngày với trường hợp giảm giá.
Còn dưới góc độ của chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Minh Phong, Phó Vụ trưởng Báo Nhân dân cũng có những đồng tình và cho rằng, Nghị định mới đã tạo môi trường cạnh tranh hơn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Chẳng hạn, nếu như trước đây chỉ có DN đầu mối được quy định giá bán xăng dầu trong hệ thống của mình, thì nay Nghị định mới cho phép DN phân phối xăng dầu cũng được quy định giá bán xăng dầu trong hệ thống của mình, đồng thời DN phân phối xăng dầu được mua hàng từ nhiều đầu mối, từ đó tạo ra mức giá bán lẻ khác nhau để bớt đi chế độ một giá trên toàn quốc và giữa các đơn vị.
Song, không ít hạn chế, bất cập
Tại Hội nghị phổ biến về Nghị định 83 của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nói trên, bên cạnh những ý kiến tích cực, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các DN cũng đã chỉ ra không ít vấn đề vướng mắc của Nghị định 83.
Ông Phan Thế Ruệ cũng cho rằng, ngay quy định về “Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập và sử dụng liên tục, thường xuyên” tại Nghị định 83 là không hợp lý, bởi nếu trích quỹ liên tục, người tiêu dùng sẽ thiệt, còn nếu xả quỹ liên tục, thì gánh nặng sẽ đè lên vai doanh nghiệp.
Ông Ruệ cũng cho hay, Nghị định 83 dùng nhiều tính từ như: tối thiểu, tối đa, thường xuyên, liên tục… “Tôi lấy ví dụ thế nào là tối đa 15 ngày và thế nào là tối thiểu 15 ngày. Cái này doanh nghiệp rất khó hiểu”.
Đứng về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xăng dầu Tự Lực 1 (Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, tổng đại lý của Công ty cổ phần Xăng dầu Khu vực 1 cho rằng, về cơ bản, nội dung của Nghị định 83 là ổn, “nhưng nếu không có thông tư hướng dẫn cụ thể, thì rất khó đi vào cuộc sống”.
Theo ông Tiu, theo Điều 18 về quyền và nghĩa vụ của tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, được kinh doanh theo hình thức là bên đại lý cho một doanh nghiệp đầu mối và được hưởng thù lao đại lý. Thế nhưng, từ trước đến nay, mang danh là tổng đại lý, nhưng thực chất đều là “mua đứt, bán đoạn”. Bởi vậy, thông tư hướng dẫn không cụ thể, thì chẳng khác gì Nghị định 84!
Chưa kể, nếu hướng dẫn không rõ ràng, sẽ dẫn đến việc thực hiện chế độ ghi chép chứng từ phù hợp với hình thức kinh doanh là đại lý trong các khâu kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định của Bộ Tài chính là “bất khả thi” với doanh nghiệp.
Còn theo đại diện Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro), Nghị định 83 đã được ban hành và chỉ một thời gian ngắn nữa chính thức có hiệu lực. Với 4 chương, 9 mục và 43 điều, nhưng hoàn toàn không có nội dung về chế tài xử phạt, chỉ quy trách nhiệm của từng bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố…
Vậy là, một nghị định được thừa nhận có nhiều điểm mới hơn hẳn nghị định cũ, nhưng xem ra, trách nhiệm của cơ quan trong ban hành thông tư hướng dẫn còn khá nặng nề.
Ở một góc nhìn khác, trao đổi với báo giới mới đây, tS. Nguyễn Minh Phong cho hay, sự điều chỉnh trong Nghị định 83 không đáng kể bởi hai điểm “mấu chốt” vẫn không được điều chỉnh.
Trước tiên, giá cơ sở vẫn không thay đổi. “Mặc dù biên độ điều chỉnh giá đã giảm xuống 3% nhưng điều này không nói lên điều gì bởi Nghị định chưa ghi rõ mức lên xuống phải phù hợp với xu hướng thị trường chứ không phải doanh nghiệp được quyền tự quyết “lên 3 hay xuống 3” thoải mái”, ông Phong nói.
Thêm nữa, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vẫn không có gì thay đổi, không đạt mục tiêu đặt ra, thậm chí còn gây nhiễu cho thị trường mỗi khi trích lập, xả Quỹ đều làm biến dạng, “méo mó” giá thị trường. Chưa kể, loại quỹ ghi sổ tại các đơn vị rất dễ bị lạm dụng, khó kiểm soát, kiểm toán.
Vậy, cần bổ sung những gì?
Theo đề xuất của ông Ruệ, “Nghị định mà rõ ràng thì không cần hướng dẫn, còn Nghị định 83 nhiều chỗ mơ hồ. Vì vậy, cần có một thông tư hay một văn bản hướng dẫn cụ thể chứ không nên chỉ quy định chung chung ai muốn hiểu sao cũng được dẫn đến việc mỗi người làm một kiểu”, ông Ruệ nói.
Bên cạnh đó, ông Ruệ cho rằng, thiếu sót nhất của Nghị định 83 đó là về việc xử phạt. Vì vậy, đối với các doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện theo Nghị định cần phải có quy chế, hình thức xử phạt thật nặng. Cụ thể là phải thêm một chương riêng hoặc một Nghị định mới bổ sung chế tài xử phạt các đơn vị vi phạm những quy định trong Nghị định.
Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng khẳng định, “sẽ tiếp thu mọi ý kiến của doanh nghiệp để trình lên Liên Bộ Tài Chính - Bộ Công Thương xin sửa đổi, bổ sung để Nghị định 83 được hoàn thiện khi có hiệu lực vào ngày 1/11/2014 tới”.
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để ngăn chặn được việc lạm dụng trong điều chỉnh giá, cần phải bổ sung vào thông tư hướng dẫn rõ ràng hơn và có chế tài phạt những khoản thu bất chính (kể cả chế tài về tài chính và hành chính).
Đặc biệt, nhiều chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, thị trường xăng dầu hiện nay vẫn là độc quyền nhóm. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc điều hành giá xăng dầu vẫn chưa thực sự vì lợi ích người tiêu dùng. Khi gốc vấn đề là thị trường xăng dầu cạnh tranh chưa được hình thành, chưa có, thì Nghị định 83 dù mới, vẫn không thể thoát được tư duy điều hành phi thị trường.
Trên thực tế, mặc dù thị trường xăng dầu có đến 21 doanh nghiệp tham gia kinh doanh nhưng khoảng 50% thị phần xăng dầu hiện nay vẫn thuộc về Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), có bộ chủ quản là Bộ Công Thương.
Nếu để Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại doanh nghiệp quản lý như hiện nay, khi quyền điều hành giá xăng dầu thuộc về Bộ Công Thương thì sẽ khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Bởi vậy, theo ông Nguyễn Minh Phong, phải tách Quỹ Bình ổn giá ra khỏi quỹ kinh doanh của doanh nghiệp, trở thành quỹ an ninh năng lượng quốc gia chứ không phải là quỹ bình ổn giá. Để điều hành giá xăng dầu theo thị trường một cách đúng nghĩa, các chuyên gia cho rằng, nên giảm vai trò thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp thị phần lớn. Bởi chỉ khi nào thị trường xăng dầu thực sự có cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp, thì giá xăng dầu mới được điều hành bám sát thị trường./.
Bình luận