Tại phiên họp toàn thể tại Hội trường thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020, ngày 01/04/2016, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại về những thách thức trong giai đoạn tới.

Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thấp

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá), bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra cho Quốc hội và Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016-2021.

Trước hết là tốc độ tăng trưởng đạt thấp hơn so với giai đoạn trước, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thấp, trong khi tiền lương thực tế tăng bình quân 8%/năm, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Tiền lương khu vực làm công ăn lương tăng bình quân 12,2%/năm, nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động, đây là một nghịch lý.

“Tăng trưởng kinh tế chậm và chưa bền vững do chủ yếu chúng ta vẫn dựa vào vốn và lao động, chi phí nhân công trong giá thành sản phẩm chiếm 18,3%, cao hơn các nước trong khu vực. Điều này cho thấy, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế của chúng ta là rất thấp”, đại biểu Lợi chỉ rõ.

Chất lượng nguồn nhân lực có tăng nhưng không đáng kể, đến nay số lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có bằng cấp chứng chỉ mới đạt hơn 20%. Trong khi kỹ năng ngoại ngữ lại hạn chế là một trở ngại khi Việt Nam gia nhập cộng đồng các nước ASEAN và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

Hộ nghèo giảm nhanh, nhưng không bền vững, tái nghèo, cận nghèo có xu hướng tăng nhanh trong khi vấn đề nghèo đói của Việt Nam phải chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,5% là con số chưa thuyết phục.

“Nếu theo chuẩn nghèo đa chiều thì con số hộ nghèo mới hiện tại của chúng ta hiện nay sẽ tăng lên gấp 3 lần là tác nhân ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cân đối ngân sách nhà nước”, vị đại biểu của Thanh Hóa chỉ rõ.

Mục tiêu đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và bảo đảm mức tối thiểu về nhu cầu xã hội, y tế giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và thông tin khó có thể đạt được.

Bên cạnh đó, quá trình hội nhập quốc tế với các FTA thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đòi hỏi phải nghiên cứu, đánh giá sự tương thích về cam kết lao động của hệ thống pháp luật để sửa đổi, bổ sung, chuẩn bị bộ máy, nguồn nhân lực, cơ chế, thiết chế để tổ chức và triển khai thực hiện.

Ngoài ra, TPP còn đặt ra thách thức về nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đặc biệt Việt Nam phải tham gia ký kết 2 Công ước 87, 98 về quyền tự do lập hội và bảo vệ quyền lập hội và công ước về tổ chức và thương lượng tập thể, sức ép của cơ chế giám sát thực hiện các công ước của tổ chức lao động quốc tế và điều kiện thực hiện các thiết chế theo hiệp định.

Đây là những thách thức không nhỏ để Việt Nam hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình hội nhập sâu rộng.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu tại hội trường

Nền kinh tế đang dần phụ thuộc vào khu vực FDI

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho biết, tính đến cuối năm 2015, doanh nghiệp FDI chiếm chưa đến 5% tổng số doanh nghiệp hoạt động, chỉ sử dụng hơn 2 triệu lao động nhưng đóng góp tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 60% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Đây cũng là khối có xuất siêu lớn nhất, gần 14 tỷ đô la.

Các con số này chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng mạnh trong tương lai gần do tác động của lộ trình TPP có hiệu lực kể từ năm 2018. Các rủi ro mới xuất hiện cũng như giá nhân công tại Trung Quốc đang tăng cao đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ các chuyển biến này.

Tuy nhiên, với nhiều lợi thế về vốn và công nghệ thị trường, trình độ và kinh nghiệm quản trị khu vực các doanh nghiệp FPI chắc chắn sẽ khai thác tốt nhất các cơ hội này, tạo ra cách biệt tỷ trọng đóng góp GDP ngày càng lớn hơn so với các khu vực kinh tế còn lại.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân lý giải sự khác biệt trong tác động cuối cùng vào nền kinh tế giữa nội lực và ngoại lực là ở chỗ, khi mức thuế thu nhập doanh nghiệp Việt Nam từ năm 2016 là 20%, thì khi cùng làm ra lợi nhuận 100 đồng thì doanh nghiệp FDI có quyền mang ra khỏi Việt Nam 80 đồng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ giữ lại 80 đồng còn lại ở Việt Nam, chắc chắn 80 đồng lợi nhuận sau thuế còn lại đó của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục có tác động lan tỏa tích cực vào nền kinh tế Việt Nam.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân bày tỏ lo ngại, nếu tiến trình này liên tục diễn ra thì việc nền kinh tế tiến dần phụ thuộc vào khu vực này chỉ là vấn đề thời gian.

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế- xã hội sáng 24/3, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho biết, hiện nay doang nghiệp FDI chiếm tỷ lệ lớn nhưng nguồn thu từ khối này lại rất thấp.

Theo số liệu đánh giá thuế thu nhập doanh nghiệp khu vực FDI chiếm tới 75% nhưng trong tổng thu ngân sách, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ đạt 37%. Đây là nghịch lý đã được phản ánh rõ.

Bên cạnh đó, còn tình trạng chuyển giá giữa công ty mẹ với công ty con; mua bán ẩn giá hết đến khâu thuế là hết...

Thực tế, hiệu quả và tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư các doanh nghiệp, hay tình trạng các giải pháp kiểm soát chống chuyển giá trong thời gian qua hoàn toàn bị vô hiệu, trong khi hiện tượng dòng vốn đầu tư tiếp tục gia tăng ngay cả khi lạm phát đang ở mức thấp nhất.

Nền kinh tế thực sự đang phải đối diện với cạnh tranh gay gắt. Các các nhân tố được xem là động lực, là thành tố trung tâm của năng lực cạnh tranh quốc gia đang bị đe dọa nghiêm trọng khi hội nhập toàn diện đến gần.

Khắc phục yếu kém thế nào?

Đánh giá cao Báo cáo tổng kết của Chính phủ về 9 kết quả đạt được kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2011-2015, nhất là trong kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo được các cân đối lớn, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) đã chỉ ra 3 điểm cần khắc phục.

Đó là bội chi ngân sách luôn ở điểm cao, nợ công tăng nhanh và áp lực trả nợ ngày càng khó khăn. Chỉ riêng năm 2015, kế hoạch vay nợ đã lên đến 436 ngàn tỷ đồng. Trong đó kế hoạch phát hành trái phiếu là 250 ngàn tỷ đồng, ngân sách nhà nước đã trở thành đối thủ cạnh tranh với doanh nghiệp trong việc huy động vốn. Việc giảm lãi suất ngân hàng lại càng khó khăn thêm.

“Vấn đề về nợ chính phủ 50,3% vượt trần, tôi nghĩ Chính phủ cần giải thích rõ hơn cho cử tri”, đại biểu Ngân yêu cầu.

Tiếp đó là hiệu quả trong quản lý nhà nước về xã hội, tài nguyên, môi trường, quản lý quy hoạch đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều tồn tại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân và môi trường kinh doanh.

Ngoài ra là việc số doanh nghiệp trong nước giải thể, ngừng hoạt động với số lượng ngày càng tăng, mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký cũng nhiều. Năm 2010 chúng ta có 40.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, đến cuối năm 2015 có đến 71.391 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.

Với những hạn chế đó, để thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2016 và những năm tiếp theo, theo đại biểu Ngân, Chính phủ cần đặt các giải pháp trong 2 bối cảnh, đó là hội nhập ngày càng sâu rộng và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Đặc biệt, với vấn đề nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài cần tiếp tục giám sát thận trọng kết hợp với chính sách tài khóa thắt chặt, bội chi ngân sách kéo về dưới 4% tổng sản phẩm quốc nội.

Hiện nay, do tính chất hội nhập sâu rộng nên cạnh tranh giữa các quốc gia hết sức khốc liệt. Các nước cũng đang tích cực cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tốt nhất nên việc thăng hạng ở nước ta là hết sức khó khăn. Chính phủ cần chú ý giải pháp góp phần tăng năng suất lao động.

Bên cạnh yếu tố môi trường đầu tư kinh doanh, tổ chức sản xuất quản trị nhân lực thì yếu tố đổi mới, máy móc thiết bị công nghệ hiện đại là rất quan trọng.

“Nhưng doanh nghiệp nước ta đầu tư cho khoa học - công nghệ còn hạn chế. Vì vậy, Chính phủ trong thời gian tới cần có gói hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn này”, đại biểu Ngân đề xuất.

Còn đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước rất cần xây dựng ở Việt Nam một hệ sinh thái thuận lợi cho khởi nghiệp và một chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp.

Với mục tiêu có được ít nhất 1,5 - 2 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020, nếu tính bình quân 1 doanh nghiệp có thể tạo ra 20 chỗ làm việc cho nền kinh tế, thì với 1,5 - 2 triệu doanh nghiệp chúng ta có thể tạo ra 30-40 triệu việc làm bền vững ở Việt Nam.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị, kế hoạch 5 năm 2016-2020 nên là kế hoạch 5 năm khởi nghiệp quốc gia, 5 năm cả nước tập trung sức phát triển doanh nghiệp.

Nhiệm vụ của nhà nước trong kế hoạch 5 năm khởi nghiệp quốc gia là xây dựng và thực hiện chương trình hành động đáp ứng được yêu cầu, được nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã khẳng định dứt khoát đến năm 2020 chúng ta phải phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ở góc độ khác, đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị, Quốc hội, Chính phủ phải đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, phải coi bản chất của kinh tế thị trường là chế độ sở hữu và vai trò của các thành phần kinh tế./.