Kinh tế Anh tăng trưởng đạt mức cao nhất bất chấp Brexit

Kết quả cuộc khảo sát mới công bố của Markit cho biết nền kinh tế Vương quốc Anh đã khép lại năm 2016 với kết quả khá tích cực, khi nhịp độ tăng trưởng đạt mức cao nhất kể từ giữa năm 2015.

Tuy nhiên, giá cả hàng hóa tăng cao có thể sẽ sớm tác động tới người tiêu dùng trong bối cảnh chi phí của các doanh nghiệp bị đội lên sau cuộc trưng cầu ý dân diễn ra hồi tháng 6/2016.

Markit cho rằng nền kinh tế Anh chắc sẽ tăng trưởng 0,5% trong quý IV/2016, thấp hơn so với mức tăng trưởng của quý 3 trước đó.

Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, một trong những trụ cột của nền kinh tế Anh, trong tháng 12/2016 cũng tăng với tốc độ cao nhất 17 tháng, với chỉ số dịch vụ đạt 56,2 điểm.

Iraq giảm sản lượng 200.000 thùng dầu mỗi ngày theo thỏa thuận

Theo người ngôn viên của Bộ Dầu mỏ Iraq Assem Jihad, quốc gia Trung Đông này đã cắt giảm sản lượng 200.000 thùng dầu/ngày theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Hiện sản lượng dầu của Iraq đã giảm từ mức trên 4,8 triệu thùng/ngày xuống khoảng 4,6 triệu thùng/ngày.

Nguồn thu từ dầu mỏ đóng góp tới 90% ngân sách của Iraq. Tuy nhiên việc giá dầu lao dốc và cuộc chiến đầy tốn kém chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã để lại một “lỗ hổng lớn” trong ngân sách nước này.

Trung Quốc phải hứng chịu sự trả đũa thương mại kỷ lục trong 2016

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 5/1 cho biết nước này đã phải hứng chịu một con số kỷ lục các biện pháp trả đũa thương mại trong năm 2016, với việc các quốc gia trên thế giới cáo buộc Bắc Kinh làm "ngập lụt" thị trường toàn cầu với sản phẩm thép giá rẻ và các loại sản phẩm khác.

Trong năm 2016, 27 quốc gia và khu vực đã đưa ra 119 biện pháp phòng vệ thương mại, với các vụ tương ứng trị giá 14,34 tỷ USD, tăng 76% so với năm 2015. Các biện pháp trã đũa thương mại nhằm vào sản phẩm thép, tấm pin mặt trời, cũng như ngành công nghiệp gốm sứ và lốp xe của nước này.

Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang tỏ ra thận trọng về quan điểm theo chủ nghĩa bảo vệ nền công nghiệp trong nước của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đối với thương mại toàn cầu, khi mà ông Trump cam kết có đường lối cứng rắn với Bắc Kinh, đe dọa nâng thuế vào các mặt hàng xuất khẩu của Bắc Kinh đến Mỹ một khi ông lên nắm quyền vào ngày 20/1.

Cuba lần đầu tiên xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ sau nửa thế kỷ

Sau một thời gian dài đàm phán, ngày 5/1 tại thủ đô La Habana (Cuba), đại diện của hai công ty CubaExport (Cuba) và Coabana Trading LLC (Mỹ) đã ký thỏa thuận về việc xuất khẩu than củi marabú từ Cuba sang Mỹ.

Theo Bộ Ngoại thương và đầu tư nước ngoài Cuba, chuyến hàng đầu tiên của hợp đồng này gồm 40 tấn than dự kiến sẽ cập cảng Mỹ vào ngày 18/1 tới và đây cũng là hoạt động xuất khẩu trực tiếp đầu tiên từ Cuba sang Mỹ sau hơn nửa thế kỷ.

Giá mỗi tấn than malabú Cuba xuất khẩu vào Mỹ là 420 USD. Đây là mức giá cao hơn mức giá thông thường (từ 340-380 USD/tấn) mà Cuba xuất khẩu cho các nước khác và đại diện Mỹ bày tỏ hy vọng hợp đồng đầu tiên này sẽ mở cánh cửa xuất khẩu các hàng hóa khác của Cuba sang Mỹ như mật ong và cà phê./.