Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 21-27/5
Kinh tế Anh tăng trưởng chậm nhất trong 5 năm trở lại đây
Kinh tế Anh đang tăng trưởng ở mức chậm nhất trong hơn 5 năm trở lại đây, trong khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này Mark Carney cảnh báo nguy cơ từ một quá trình chuyển giao Brexit "thiếu trật tự”.
Theo tuyên bố ngày 25/5 của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), GDP tăng trưởng ở mức yếu 0,1% trong quý 1 năm nay.
Pablo Shah, chuyên gia kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh, cho rằng kết quả này một phần do tình hình thị trường khó khăn, bên cạnh đó là tác động từ một số nhân tố ngắn hạn như đầu tư và chi tiêu người tiêu dùng giảm.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cảnh báo viễn cảnh kinh tế ảm đạm hoặc nguy cơ về một Brexit nhiều bất ổn có thể sẽ trì hoãn việc bình thường hóa chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).
Colombia trở thành thành viên thứ 37 của Tổ chức OECD
Ngày 25/5, OECD đã thông qua việc Colombia trở thành thành viên thứ 37.
Việc gia nhập OECD của Colombia được thông qua sau 5 năm mà 23 ủy ban thuộc tổ chức này tiến hành đánh giá các lĩnh vực lao động, hệ thống tư pháp, quản lý doanh nghiệp, thương mại và đầu tư tại quốc gia Nam Mỹ.
Đây cũng là lý do buộc nền kinh tế đứng thứ 4 Mỹ Latinh này phải cải cách để điều chỉnh các chính sách và pháp luật tương ứng với các tiêu chuẩn của OECD.
Theo thông cáo của OECD, Hiệp ước gia nhập chính thức của Colombia sẽ được ký kết vào ngày 30/5 tới tại trụ sở của tổ chức ở Paris (Pháp).
Ngân hàng Phát triển liên Mỹ dừng cấp tín dụng cho Venezuela
Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID) mới đây đã quyết định ngừng ngay lập tức các khoản cho vay dành cho Venezuela do nước này chưa thực hiện các khoản thanh toán chậm trị giá 88 triệu USD đã đáo hạn.
Thông báo của BID cho biết, thời hạn 180 ngày phải thanh toán đã kết thúc từ hôm 14/5 vừa qua, song phía Venezuela vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ của mình và vì vậy, theo quy định về các khoản trả chậm, BID không thể tiếp tục thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan tới việc cấp cho Venezuela những khoản cho vay mới cho đến khi nước này thanh toán hết số nợ trên.
Tổng số nợ của Venezuela đối với thể chế tài chính khu vực này đang là 2,01 tỷ USD, trong đó có 212 triệu USD là khoản nợ trả chậm, song chỉ một phần là đã vượt qua thời hạn thanh toán 180 ngày. Số nợ của Venezuela chiếm khoảng 1,6% tổng tài sản của BID.
Hạ viện Nhật Bản thông qua dự luật hướng tới thực thi CPTPP
Ngày 24/5, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua một dự luật triển khai các biện pháp trong nước liên quan đến Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), theo đó hỗ trợ nông dân sẽ chịu tác động cạnh tranh khi hiệp định này có hiệu lực.
Với dự luật được thông qua nói trên, Chính phủ Nhật Bản có thể mở rộng các khoản trợ cấp cho các chủ trang trại chăn nuôi để tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành này, qua đó giảm thiểu những tác động từ chính sách thuế quan đối với các sản phẩm thịt bò và thịt lợn.
Ngoài ra, dự luật này cũng bao gồm các biện pháp hoàn thiện hệ thống thương mại trong nước hướng tới thực hiện CPTPP, bao gồm tăng cường các quy định về quyền sở hữu trí tuệ.
Tổng thống Mỹ ký dự luật nới lỏng quy định cho ngân hàng
Ngày 24/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thành luật một dự luật nới lỏng lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 các quy định đối với hầu hết các ngân hàng theo Đạo luật Dodd-Frank năm 2010.
Luật mới sẽ giảm áp lực cho hầu hết các ngân hàng, trừ một số ít các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Luật này đánh dấu một chiến thắng quan trọng trong nỗ lực cắt giảm quy định để kích thích tăng trưởng kinh tế của Tổng thống Trump.
Theo luật mới, các ngân hàng có tài sản dưới 250 tỷ USD sẽ không còn bị giám sát nghiêm ngặt như trước đây và một số ngân hàng nhỏ phục vụ cộng đồng sẽ được miễn trừ một loạt quy định khắt khe trong Đạo luật Dodd-Frank.
Luật trên sẽ "giải thoát" hàng nghìn thể chế tài chính khỏi nhiều quy định ngặt nghèo của Đạo luật Dodd-Frank, đồng thời thúc đẩy hoạt động cho vay và tăng trưởng kinh tế mà không gây ra những rủi ro cho hệ thống tài chính./.
Bình luận