Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 7-13/9
Khai mạc Hội nghị bộ trưởng tài chính APEC
Ngày 10/9, Hội nghị bộ trưởng tài chính Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã diễn ra tại đảo nghỉ dưỡng Cebu của Philippines.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC diễn ra trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu rơi vào bất ổn sau khi Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ hồi tháng trước.
Sau hai ngày nhóm họp tại Cebu, miền Trung Philippines, bộ trưởng các nước APEC đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không khơi mào chiến tranh tiền tệ, đồng thời chống lại mọi hình thức bảo hộ nền công nghiệp trong nước; cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như duy trì sự ổn định tài chính của khu vực APEC.”
Trung Quốc điều chỉnh hạ mức tăng trưởng GDP năm 2014 xuống 7,3%
Ngày 7/9, Trung Quốc đã hạ mức tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2014 xuống còn 7,3% trên cơ sở điều chính những số liệu tính toán sơ bộ trước đó.
Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của Trung Quốc kể từ năm 1990 (tăng trưởng 3,9%), trong bối cảnh nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu ở mức thấp và thị trường bất động sản trì trệ.
Trong một thông báo trên website, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2014 của nước này ở mức 63.613 tỷ nhân dân tệ (tương đương 10.000 tỷ USD), giảm 32,4 tỷ nhân dân tệ so với số liệu tính toán sơ bộ được công bố hồi đầu năm. Theo đó, mức tăng trưởng GDP hàng năm được điều chỉnh giảm từ 7,4% xuống 7,3%.
G20 cam kết hành động quyết đoán kiềm chế động thái bất ổn tiền tệ
Ngày 5/9, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ra tuyên bố chung cam kết hành động quyết đoán để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kiềm chế các động thái tiền tệ bất ổn sau khi Trung Quốc phá giá đồng nội tệ hồi tháng trước.
Theo tuyên bố được đưa ra sau hội nghị kéo dài 2 ngày ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ thấp hơn so với kỳ vọng bất chấp tăng trưởng tại một số nền kinh tế.
Tuyên bố không đề cập tới Trung Quốc, song đưa ra cam kết rõ ràng về việc không viện tới các biện pháp phá giá tiền tệ "cạnh tranh" nhằm có được lợi thế không công bằng đối với hàng xuất khẩu.
Mỹ tiến gần hơn đến mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách
Theo Bộ Tài chính Mỹ, thâm hụt ngân sách trong tháng Tám vừa qua tại nước này đã giảm xuống, qua đó cho thấy nền kinh tế “đầu tàu” thế giới này đang tiến gần hơn đến mục tiêu cắt giảm thâm hụt.
Cụ thể, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tháng Tám hiện ở mức 64,4 tỷ USD, giảm 50% so với mức ghi nhận được trong cùng kỳ năm trước.
Trong 11 tháng đầu tài khóa 2015, kết thúc ngày 30/9/2015, mức thâm hụt ngân sách đang thấp hơn 10% so với mức của cùng kỳ tài khóa trước.
Tuần trước, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự đoán rằng, thâm hụt ngân sách trong tài khóa 2015 sẽ vào khoảng 426 tỷ USD, giảm gần 12% so với dự báo thâm hụt 486 tỷ USD đưa ra trước đó, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vững giúp mang lại nguồn thu thuế cao hơn./.
Bình luận