Tóm tắt

Trong những năm qua, cùng với tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở Việt Nam đã có những bước tiến nhất định, song vẫn là ngành chậm phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước và các yêu cầu khắt khe của hội nhập quốc tế. Thực tế đó đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đồng bộ, khả thi để thúc đẩy CNHT ở Việt Nam phát triển bền vững trong tiến trình hội nhập. Bài viết đánh giá thực trạng ngành CNHT Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp phát triển trong thời gian tới.

Từ khóa: công nghiệp hỗ trợ, phát triển bền vững, Việt Nam

Summary

Over the past years, along with the process of deep integration into the world economy, the supporting industry in Vietnam has made certain progress, but it is still a slow-growing industry that failed to meet the needs of domestic production and the strict requirements of the international integration. That fact requires synchronous and feasible solutions to promote the sustainable development of the supporting industry in Vietnam during the integration process. The article assesses the current situation of Vietnam's supporting industry, thereby proposing some solutions to develop this sector in the coming time.

Keywords: supporting industry, sustainable development, Vietnam

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÀNH CNHT

Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi được ban hành

Ngày 31/7/2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ban hành Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Đây được cho là văn bản đầu tiên về định hướng phát triển trong CNHT ở Việt Nam. Cho đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển ngành CNHT trong nước, điển hình như:

- Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư; trong đó sản xuất sản phẩm CNHT được đưa vào danh mục lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi đầu tư;

- Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, đã bổ sung các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển;

- Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, ngày 03/11/2015 về phát triển CNHT; trong đó, quy định 6 ngành nghề được hỗ trợ, ưu đãi bao gồm: dệt - may, da - giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, các sản phẩm CNHT cho công nghệ cao;

- Quyết định số 68/QĐ-TTg, ngày 18/01/2017 phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025;

- Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg, ngày 03/4/2017 ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển CNHT. Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã dành riêng Điều 19 về hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị với nhiều nội dung hỗ trợ cụ thể, xác lập khung khổ pháp lý cao nhất mang tính liên tục, nhất quán, toàn diện trong hỗ trợ DNNVV sản xuất sản phẩm CNHT.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến các ngành sản xuất chế biến, chế tạo và CNHT chịu ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng. Trong bối cảnh này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 06/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy CNHT. Tiếp đến là Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, ngày 25/5/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/ NĐ-CP, ngày 01/9/2016 và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, ngày 16/11/2017 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, ngoài Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô được áp dụng từ năm 2017, Nghị định số 57 nêu trên đã bổ sung thêm Chương trình ưu đãi thuế CNHT ô tô quy định nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất, gia công các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Thời gian thực hiện của Chương trình là 5 năm (2020-2024). Ngày 26/3/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký Quyết định số 337/ QĐ-BTTTT phê duyệt Chương trình hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số, trong đó bao gồm các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1643/QĐ- TTg, ngày 29/12/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Một số kết quả đạt được

Việc triển khai đồng bộ các chương trình, giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đã thúc đẩy ngành CNHT phát triển. Theo đó, số lượng doanh nghiệp CNHT Việt Nam có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước và 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, khoảng 30% doanh nghiệp CNHT đã tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể theo từng ngành hàng như sau: Dệt may da giày: 64% doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 3% cung cấp cho doanh nghiệp FDI), 9% xuất khẩu và 27% cung cấp cho cả hai thị trường; Cao su, nhựa, hóa chất, số doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước chiếm 52% và hoàn toàn cho xuất khẩu là 4%, 44% còn lại cung cấp cho cả 2 thị trường; Điện tử có 44% doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 22% cung cấp hoàn toàn cho FDI), 16% cung cấp cho thị trường xuất khẩu và 40% số doanh nghiệp CNHT của ngành cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu; Cơ khí, ô tô: 83% doanh nghiệp hoàn toàn cung cấp cho thị trường nội địa, chỉ có 3% doanh nghiệp có doanh thu hoàn toàn từ xuất khẩu và 14% doanh nghiệp có doanh thu từ cả hai thị trường [4].

Có thể kể tới một thành công rõ nét của ngành CNHT Việt Nam nhìn từ trường hợp Samsung. Năm 2014, Tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng cho sản phẩm GalaxyS4 và Tab, nhưng các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam đã không thể đáp ứng được dù chỉ là linh kiện đơn giản nhất và phải chấp nhận thất bại ngay trên sân nhà. Một năm sau, để không bỏ lỡ cơ hội, 4 doanh nghiệp CNHT Việt Nam đã đạt cấp độ nhà cung ứng cấp 1 của Samsung và tiếp tục gia tăng số lượng nhà cung ứng cho Samsung trong những năm sau đó. Theo đó, số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp năm 2020. Số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp. Hiện nay, có 240 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới cung ứng của Samsung. Tính đến năm 2022, danh sách các nhà cung cấp của Toyota lên tới con số 58, trong đó có 12 nhà cung cấp thuần Việt. Tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt 1.000 sản phẩm các loại. Riêng trong năm 2022, đã có 4 nhà cung cấp được lựa chọn, gồm: Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật Nhật Minh, Công ty TNHH một thành viên Cao su 75, Công ty cổ phần Công nghiệp Kim Sen [5].

Cùng với đó, các hoạt động thu hút đầu tư với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn và công ty đa quốc gia hàng đầu tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cũng đã có bước phát triển, vươn lên mạnh mẽ. Đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo..., như: Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát..., tạo nền tảng cho CNHT, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, các bộ, ngành đã phối hợp đẩy mạnh triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNHT để mở rộng thị trường và nâng cao trình độ các doanh nghiệp CNHT Việt Nam. Cụ thể như: Dự án hợp tác với Samsung trong Chương trình phát triển nhà cung cấp; Chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng; Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp… Bộ Công Thương đã triển khai thành lập 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và CNHT đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và CNHT Việt Nam.

Tồn tại, hạn chế

Thứ nhất, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm CNHT trong nước vẫn còn thấp. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phụ tùng linh kiện ô tô, phần lớn doanh nghiệp CNHT mới chỉ cung ứng sản phẩm cho lắp ráp ô tô trong nước. Báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII lĩnh vực Công Thương của Chính phủ cho biết, tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành công nghiệp còn thấp. Điển hình như đối với ngành dệt may: Hiện tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp dệt may mới đạt khoảng 40%-45%. Tương tự với ngành da giày, nguyên phụ liệu chiếm tới 68%-75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40%-45%. Thậm chí, với ngành điện tử tin học, viễn thông; điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp hơn nhiều, cụ thể lần lượt là 15% và 5%. Ngành điện tử của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là SamSung. Hầu hết các linh kiện nội địa hóa đều do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu cung cấp vật tư tiêu hao, bao bì, in ấn... với giá trị cung ứng rất nhỏ so với nhu cầu linh kiện và phụ tùng của Samsung [6].

Thứ hai, năng lực của doanh nghiệp CNHT của Việt Nam còn khá thấp cả về năng lực quản lý sản xuất và trình độ công nghệ. Việt Nam chưa có các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi sản xuất tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt phát triển và lan tỏa trong ngành công nghiệp. Đáng chú ý, khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa còn rất lớn. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia cung ứng sản phẩm CNHT, tuy nhiên rất ít doanh nghiệp có chiến lược phát triển dài hạn để có thể đầu tư chiều sâu về thiết bị, công nghệ, quản lý, cũng như nhân lực. Theo báo cáo khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2021, về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% doanh nghiệp cho biết, hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hóa và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất. Xét theo chuỗi giá trị, tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động ở các phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị khá thấp, chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp dệt may da giày và 33% doanh nghiệp điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất. Phần lớn doanh nghiệp CNHT chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng. Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9000 (quản lý chất lượng), 9% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14000 (quản lý môi trường), cũng khoảng hơn 20% doanh nghiệp cho biết có thực hiện 5S tại doanh nghiệp, trong khi các công cụ khác, như: Lean, 6 Sigma, hay TQM, TPM thì số doanh nghiệp áp dụng chỉ khoảng từ 1%-2% [7].

Thứ ba, việc thiếu vốn đầu tư, mở rộng quy mô cũng là vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT của Việt Nam, vốn chủ yếu là các DNNVV, đòi hỏi các cơ quan quản lý khi xây dựng và thực thi các chính sách cần tập trung gỡ các nút thắt để doanh nghiệp được tiếp sức vươn lên. Khảo sát của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, phần lớn doanh nghiệp CNHT là doanh nghiệp nhỏ và vừa (88%). Tỷ lệ doanh nghiệp CNHT tiếp cận được các ưu đãi, hỗ trợ từ các chương trình của Nhà nước vẫn còn khá thấp (17%), điều này cho thấy độ bao phủ của các chính sách, chương trình phát triển CNHT trong nước còn hạn chế.

Thứ tư, thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp CNHT. Điều này đã cũng đang kìm hãm sự phát triển của CNHT. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài. Theo tổng hợp, trong số doanh nghiệp cung cấp cho các công ty của Nhật Bản tại Việt Nam, có 58,9% các doanh nghiệp là doanh nghiệp FDI có trụ sở tại Việt Nam và chỉ khoảng 13% nguồn dịch vụ, sản phẩm đầu mua tại địa phương được cung cấp bởi các doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với đó, mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, giữa các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp lớn vẫn còn hạn chế. Cụ thể, trong ngành công nghiệp ô tô có 20 doanh nghiệp lắp ráp ô tô lớn đang hoạt động, chỉ có 81 nhà cung cấp cấp 1 và 145 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3. Trong khi đó tại Thái Lan chỉ có 16 nhà lắp ráp ô tô lớn nhưng quốc gia này có tới 690 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3 [6].

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Một là, hoàn thiện chính sách phát triển CNHT. Cụ thể, trước mắt, cần điều chỉnh, sửa đổi những quy định còn vướng mắc trong Nghị định số 111/2015/NĐ- CP, ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển CNHT liên quan đến phạm vi CNHT; làm rõ tiêu chí xác định đối tượng ưu đãi; rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Đồng thời, nghiên cứu ban hành chính sách thúc đẩy một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, như: cơ khí, ô-tô, dệt may, da - giày, điện tử; nghiên cứu chiến lược hỗ trợ xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp trọng điểm… nhằm tạo thị trường cho các ngành CNHT phát triển. Đồng thời, xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và trình Quốc hội để ban hành trong thời gian sớm nhất. Việc xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ sẽ tạo lập công cụ phát triển ngành đồng bộ, tạo hành lang pháp lý để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng, thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực tiễn cho thấy, hiện vẫn chưa có định hướng phát triển cụ thể với các ngành chế biến, chế tạo, ngành nào là mũi nhọn, kim chỉ nam để hướng nguồn lực nhà nước, tư nhân vào lĩnh vực đó.

Hai là, nâng cao năng lực doanh nghiệp CNHT: Xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng và địa phương từ vốn đầu tư trung hạn của Trung ương và địa phương trên cơ sở nhu cầu, mục tiêu phát triển và nguồn lực sẵn có nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành CNHT. Để thực hiện được điều này, cần mở rộng sự liên kết trong đào tạo giữa các trường đại học trong nước và các trường đại học có uy tín trên thế giới. Do vậy, cần có sự đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo từ các trường đại học cho đến các trường dạy nghề để nâng cao dần chất lượng của những người lao động trong tương lai.

Ba là, đẩy mạnh công tác truyền thông để các doanh nghiệp có thông tin và tiếp cận dễ dàng hơn với các chương trình ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ, từ đó, dần dần thay đổi nhận thức và đồng hành cùng các mục tiêu chung của đất nước. Tiến tới cho phép các doanh nghiệp tư nhân thuộc ngành CNHT và CNHT cho công nghệ cao được tiếp cận vay vốn ODA để đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài (đặc biệt chú trọng vào Nhật Bản, Hoa Kỳ cùng các nước công nghiệp phát triển) để có khả năng sản xuất, liên kết tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

Bốn là, cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế (Bắc - Trung - Nam) để phát triển các ngành CNHT, tránh tình trạng “nhà nhà” phát triển - “tỉnh tỉnh, thành phố” phát triển CNHT nhằm hạn chế tối đa lãng phí nguồn lực của đất nước và cạnh tranh không cần thiết. Phải làm rõ vùng nào sản xuất linh kiện cho ngành gì, như: ô tô, điện tử, công nghiệp đóng tàu, nông ngư nghiệp, da giày, dệt may...

Năm là, phát triển chuỗi giá trị trong nước. Tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài. Xây dựng các khu CNHT tập trung để tạo cụm liên kết ngành, phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu./.

PGS, TS. Phạm Văn Minh
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 07 - Tháng 3/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. An Nhiên (2022), Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những bước chuyển mình tích cực, truy cập từ https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/cong-nghiep-ho-tro-viet-nam-da-co-nhung-buoc-chuyen-minh-tich-cuc.html.

2. Chính phủ (2020), Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 08/6/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT.

3. Nguyễn Ngân (2022), Những điểm sáng về công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, truy cập từ https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/bai-1-nhung-diem-sang-ve-cong-nghiep-ho-tro-viet-nam-i303122/.

4. Nhật Huy (2022), 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, truy cập từ https://baochinhphu.vn/30-doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-da-tham-gia-chuoi-gia-tri-toan-cau-102220815145229498.htm.

5. Thanh Minh (2023), Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ô tô, công nghiệp hỗ trợ có cơ hội phát triển, truy cập từ https://baodautu.vn/nang-cao-ty-le-noi-dia-hoa-o-to-cong-nghiep-ho-tro-co-co-hoi-phat-trien-d183731.html.

6. Thu Hòa (2021), CNHT Việt Nam trong bối cảnh mới: Thành tựu và thách thức, truy cập từ https://consosukien.vn/cong-nghiep-ho-tro-viet-nam-trong-boi-canh-moi-tha-nh-tu-u-va-tha-ch-thu-c.htm.

7. Trương Thanh Hoài (2022), Phát triển CNHT: Cần có cách tiếp cận mới, truy cập từ https:// www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/825433/phat-trien-cong-nghiep-ho-tro--can-co-cach-tiep-can-moi.aspx.