Quốc hội sẽ tăng cường giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật
“Điểm yếu vừa qua là khâu tổ chức thực thi pháp luật. Vì vậy, công tác hướng dẫn, tổ chức, triển khai thực thi pháp luật được đặc biệt chú trọng. Muốn vậy, văn bản hướng dẫn phải bám sát quy định của luật, khắc phục tình trạng văn bản dưới luật chồng chéo, mâu thuẫn. Quốc hội sẽ tăng cường giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cho biết khi tiếp xúc cử tri quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, theo Văn phòng Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sát sao lắng nghe ý kiến của cử tri (ảnh: Quốc hội) |
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, nếu như trước đây chủ yếu giám sát về thời hạn ban hành có đáp ứng yêu cầu của luật hay không, thì bây giờ sẽ tập trung giám sát cả nội dung, chất lượng của các văn bản hướng dẫn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Hội đồng nhân dân các địa phương phải có chương trình xây dựng nghị quyết 5 năm không chờ UBND trình cái gì xem xét cái đó, đồng thời, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề xuất của cử tri về việc thiết lập cơ chế phòng, chống tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật. Hệ thống pháp luật phải tiếp tục hoàn thiện để cá nhân, tổ chức “không thể, không muốn và không dám tham nhũng”. Trong đó, "không thể” thì hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, không có sơ hở. “Không muốn” thì chế độ, chính sách đãi ngộ, tiền lương phải thoả đáng. “Không dám” thì chế tài phải đủ mạnh, tính răn đe, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm. |
Ông Vương Đình Huệ cho biết, vừa qua, Trung ương đã chỉ đạo, triển khai xây dựng và đang khẩn trương hoàn thiện Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, trong đó có Đề án “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đây là những giải pháp vừa ngắn hạn vừa dài hạn, căn cơ để nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật, nâng cao hơn nữa chất lượng luật pháp cả về hình thức thể hiện và nội dung, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và hiệu quả của hệ thống pháp luật.
“Phân bổ vốn đầu tư công quá chậm, đến nay vẫn còn đến 11 bộ, ngành và 3 địa phương chưa phân bổ vốn đầu tư công; 3 tháng đầu năm mới giải ngân được khoảng 11%. Mấu chốt là do khâu chuẩn bị đầu tư còn yếu, không kỹ lưỡng, chưa đáp ứng yêu cầu. Đây cũng sẽ là một nội dung trọng tâm được xem xét trong chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, vì chúng ta có tiền mà không tiêu được thì lãng phí rất lớn…”, ông Vương Đình Huệ chia sẻ với cử tri./.
Bình luận