Nhận xét này được TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh tại hội thảo “Xây dựng và thực hiện chính sách cạnh tranh toàn diện: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam ” được tổ chức ngày 15/4/2016.

Toàn cảnh Hội thảo/ Ảnh: Thanh Huyền/ phapluatplus.vn

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam thấp nhất trong TPP

Khẳng định rằng, cạnh tranh là câu chuyện rất lớn của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu thực tế, trong TPP thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam là thấp nhất, cả về năng lực thể chế hay năng lực của doanh nghiệp.

“Sau 25 năm tham gia ASEAN Việt Nam vẫn ở vị trí thứ 7, kể cả các nước ở thứ hạng thấp hơn như Lào, Campuchia, Myanmar có mặt nào đó đều hơn Việt Nam, họ đang vượt lên để chuyển đổi về thể chế, nên thách thức của Việt Nam là rất lớn” bà Chi Lan nhấn mạnh.

Theo quan sát của vị chuyên gia này, ở Việt Nam lâu nay ưu tiên số 1 là doanh nghệp nhà nước và hai là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn doanh nghiệp tư nhân trong nước thì bị hai lực lượng kia chèn ép.

Làm rõ hơn những điểm hạn chế trong môi trường cạnh tranh của Việt Nam, TS. Đặng Quang Vinh (Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh – CIEM) cho biết, Việt Nam hiện đang có nhiều hạn chế về cạnh tranh, thể hiện qua 4 điểm sau: (i) Hạn chế số lượng nhà cung cấp thể hiện qua việc trao quyền kinh doanh độc quyền cho một nhà cung cấp (EVN độc quyền bán lẻ điện, hay TKV độc quyền khai thác than mà liên tục kêu lỗ và xin hỗ trợ); ban hành giấy phép và quy trình hoạt động (thể hiện qua việc 267 ngành nghề có điều kiện, rất nhiều lợi giấy phép “con”)…; (ii) Hạn chế khả năng cạnh tranh của nhà cung cấp; (iii) Giảm động lực cạnh tranh của nhà cung cấp thông qua việc tạo cơ chế tự điều tiết hoặc đồng điều tiết (cùng Nhà nước), như việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam tự phân chia hợp đồng xuất khẩu gạo, không cần cạnh tranh…; (iv) Hạn chế lựa chọn hoặc thông tin cho người tiêu dùng.

Nguyên nhân là bởi, hiện bộ máy nhà nước Việt Nam chưa có tư duy thị trường, tư duy cạnh tranh. Các biện pháp quản lý phản cạnh tranh xuất hiện tràn lan. Hệ thống thể chế thiếu tôn trọng cạnh tranh, cũng như thiếu tôn trọng quy luật thị trường.

“Hậu quả là một nền kinh tế hiệu quả thấp, thiếu năng động, sáng tạo, sức cạnh tranh thấp. Đã vậy, do còn quá nhiều rào cản gia nhập thị trường, do đó hạn chế cạnh tranh, hạn chế phát triển”, ông Vinh kết luận.

Đồng tình với những dẫn chứng cụ thể được đồng nghiệp của mình đưa ra, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) mở đầu bằng một câu hỏi, cũng là nỗi trăn trở của ông trong nhiều năm: Nền kinh tế thị trường của Việt Nam đang ở đâu sau 30 năm đổi mới.

Tại Việt Nam, hành chính vẫn đang chiếm chi phối nền kinh tế. Trong khi ở một thị trường cạnh tranh, cần có thể chế đảm bảo thực thi cạnh tranh lành mạnh, công bằng.

“Lúc đó thị trường mới vận hành tốt, mà không méo méo”, ông dí dỏm.

Theo ông Cung, ở Việt Nam đầy rẫy những quy định phản cạnh tranh, phi cạnh tranh mà rất nhiều năm, chúng ta kêu gọi bỏ, cắt. Nhưng bỏ chỗ này thì ở chỗ kia, bộ ngành kia lại mọc lên.

Ông Cung ví dụ, Chính phủ trong 2 năm qua liên tục đưa ra Nghị Quyết 19 về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh với rất nhiều ý tưởng "phá rào". Quốc hội cũng yêu cầu các bộ đưa ra các điều kiện kinh doanh đối với các ngành, lĩnh vực đặc thù nhưng đến nay vẫn còn nhiều lĩnh vực còn chậm ban hành.

TS. Nguyễn Đình Cung: "Tư duy của chúng ta vẫn “sợ” cạnh tranh"/ Ảnh:Thanh Huyền/phapluatplus.vn

“Tư duy của chúng ta vẫn “sợ” cạnh tranh"

Ở Việt Nam, tuy đã trải qua 30 năm cải cách, chuyển sang kinh tế thị trường, nhưng tư duy của chúng ta vẫn “sợ” cạnh tranh.

“Đáng ra phải thúc đẩy cạnh tranh, nhưng chúng ta lại sợ cạnh tranh, ngay trong quản lý nhà nước vẫn có cảm giác “sợ” cạnh tranh. Ở đâu đấy có sự cạnh tranh quá mức hay quá gay gắt thì lại lo, trong khi kinh tế thị trường phải bàn đến là cạnh tranh có lành mạnh, công bằng hay không?”, ông Cung đặt vấn đề.

“Ở kinh tế thị trường, khi đặt ra một chính sách, phải hỏi là quy định có hạn chế cạnh tranh không, nếu có thì hệ qua ra sao? Nhưng, ở nước ta thì chưa. Ta vẫn đặt ra làm thế nào để quản lý, là một nhà nước kiểm soát và quản lý. Nhiều khi không lý giải hết tại sao để biện minh cho sự can thiệp của nhà nước”, ông Cung trăn trở.

Theo ông Cung, giai đoạn 2011-2015, cải cách thể chế đã đạt được bước đầu, tích cực, nhưng vẫn còn nhiều yếu kém.
Thể chế còn nhiều vướng mắc, còn rất nhiều hạn chế yếu kém, so với yêu cầu thì còn xa, còn khoảng cách rất lớn giữa mong muốn và thực tế, ông Cung bình luận.
Những yếu kém được Viện trưởng CIEM đề cập, như: kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu, chất lượng chưa được cải thiện. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, chưa tạo được đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội…
Trong số các nguyên nhân chủ quan dẫn đến những yếu kém nói trên có nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đủ rõ, còn khác nhau, cũng như chưa theo kịp yêu cầu đổi mới về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Vì thế, ông Cung cho rằng, trong nhiệm kỳ tới đây, một trong những nhiệm vụ trọng tâm để chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế thị trường, thì cần một chính sách cạnh tranh toàn diện. Theo đó, cần thay đổi tư duy, phải có tư duy thị trường đầy đủ.

Chính phủ không nên làm gì cả, mà chỉ đảm bảo cho cạnh tranh được thực hiện

Là một vị chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực cạnh tranh, GS. Micheal Wood, từng là Phó Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia của Úc, khẳng định, những quy định trong chính sách được nhà nước ban hành ra không hợp lý có thể sẽ trở thành gánh nặng, cản trở cạnh tranh. Chẳng hạn, quy định cụ thể đối với doanh nghiệp được sản xuất gì, sản xuất với số lượng bao nhiêu, sản xuất như thế nào, chất lượng thế nào… Hay bản thân các quy định cũng tạo ra gánh nặng do tăng thêm chi phí quản lý và tuân thủ, bóp méo giá thị trường, giảm hiệu quả các quyết định phân bổ của các công ty.

Do đó, theo GS. Michael Woods, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ không nên làm gì cả, mà chỉ đảm bảo cho cạnh tranh được thực hiện, tạo môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, các nhà hoạch định chính sách phải dưa ra những chính sách chủ đạo mang đến lợi ích lâu dài cho người tiêu dùng; bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp bằng cơ chế cạnh tranh linh hoạt, công bằng, chứ không phải bảo vệ từng doanh nghiệp đơn lẻ.

“Đó là bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng chứ không đảm bảo cho bất cứ doanh nghiệp nào”, giáo sư Micheal Wood nhấn mạnh.

GS. Michael Woods cho rằng, để tiến tới một nền kinh tế thị trường, Việt Nam cần có sự rà soát tổng thể các quy định chính sách hiện hành để có đánh giá, đề xuất cải thiện, giảm bớt quy định không cần thiết. Tất nhiên, việc này cần được thực hiện bởi cơ quan nghiên cứu kinh tế độc lập với các bộ, ngành quản lý liên quan thực hiện và phải có sự tham vấn của các bên liên quan.

Chỉ rõ rằng, mô hình quản hiện nay của Việt Nam là giống nước Pháp 10 năm trước, nhưng giờ Pháp cũng đã bỏ mô hình này, theo GS. Micheal Wood, cần tách bạch chức năng của hội đồng cạnh tranh và Cục Quản lý Cạnh tranh. Thành viên hội đồng cạnh tranh nên là ng độc lập với chính phủ, có cơ cấu cho thông tin phản hồi và khiếu nại, loại bỏ cạnh tranh không công bằng. Hoạt động của Cục Quản lý Cạnh tranh cũng cần phải rà soát để hoạt động hiệu quả hơn.

Đồng tình với quan điểm của GS. Michael Woods, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần phải thay đổi, không để các bộ thực hiện 3 chức năng: hoạch định chính sách, điều tiết thị trường, chủ sở hữu, mà phải tách ra, phải độc lập. Các bộ phải tách ra, gộp lại các bộ phận tương ứng... có như vậy mới không có xung đột lợi ích trong quản lý nhà nước.

Ví dụ, Cục Quản lý Cạnh tranh để thực thi được Luật Cạnh tranh, thì ngoài năng lực phải tách ra khỏi Bộ Công Thương để trở thành cơ quan độc lập hơn, chuyên trách hơn, chuyên nghiệp hơn.../.