“Số liệu sai lệch sẽ “giết chết” các quyết định”
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, thống kê là một ngành có vị trí quan trọng/ Ảnh: Lê Tiên
Vẫn còn nhiều vấn đề trong công tác thống kê bộ, ngành
Dẫn lại lời dạy của một giáo sư: “Số liệu sai lệch sẽ “giết chết” các quyết định”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm tới công tác thống kê. Quốc hội đã ban hành Luật Thống kê, hệ thống pháp luật về thống kê cũng đầy đủ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược về thống kê đến 2030, Đề án tăng cường chất lượng thống kê. Bên cạnh đó công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa thống kê bộ, ngành và Tổng cục Thống kê ngày càng được quan tâm và đi vào thực chất hơn trong các khâu: thu thập, tổng hợp, xử lý, cung cấp, phổ biến thông tin, trao đổi nghiệp vụ thống kê.
“Tuy vậy, chúng ta còn phải nỗ lực rất nhiều”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý. Bởi hiện nay, vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề trong thống kê bộ, ngành.
Lãnh đạo Chính phủ chỉ ra trong Luật Thống kê 2015 quy định 186 chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong đó 79 chỉ tiêu phân công cho 21 bộ, ngành chủ trì thu thập, tổng hợp. Tuy nhiên các bộ, ngành mới thu thập và báo cáo được 34 chỉ tiêu, còn 29 chỉ tiêu đã thu thập nhưng chưa báo cáo và còn 16 chỉ tiêu chưa thực hiện.
“Trong số 16 chỉ tiêu chưa thực hiện này thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có 3 chỉ tiêu, Nội vụ 1 chỉ tiêu, Tư pháp 2 chỉ tiêu, Tài chính 1 chỉ tiêu, Công Thương 1 chỉ tiêu, Văn hóa, Thể thao và Du lịch 1 chỉ tiêu, đặc biệt Thanh tra Chính phủ có tới 6 chỉ tiêu”, Phó Thủ tướng nói.
Ngoài ra, đối với việc ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê, phối hợp chia sẻ theo Luật Thống kê năm 2015, mới chỉ 11/23 bộ, ngành ban hành chế độ thống kê.
Cụ thể hơn Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm đã chỉ rõ hạn chế, bất cập trong công tác thống kê bộ, ngành.
Thứ nhất, theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, hiện nay, việc xây dựng, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê của một số bộ, ngành còn chậm, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với Luật Thống kê 2015. Một số báo cáo của bộ, ngành gửi về Tổng cục Thống kê không bảo đảm phạm vi số liệu và thời gian quy định.
Thứ hai, nhiều bộ, ngành chưa thu thập, tổng hợp đầy đủ thông tin các chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công, thiếu các phân tổ chủ yếu hoặc chưa kịp thời, gây khó khăn trong quá trình biên soạn và phổ biến Niên giám Thống kê quốc gia như: Chỉ tiêu về giáo dục nghề nghiệp, chỉ tiêu về môi trường, chỉ tiêu đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh, khai tử. Một số chỉ tiêu tên gọi giống nhau nhưng do cách thức thu thập thông tin, phạm vi tính toán không thống nhất giữa cơ quan quản lý và Tổng cục Thống kê dẫn đến kết quả khác nhau, gây khó khăn cho người sử dụng như: Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, Tỷ lệ nghèo đa chiều.
Thứ ba, tiến độ thực hiện một số hoạt động trong Chiến lược phát triển Thống kê thuộc lĩnh vực được phân công vẫn chậm so với kế hoạch, như: Hoạt động rà soát, cập nhật, xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê; chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thống kê và phần mềm báo cáo thống kê.
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm đã chỉ rõ hạn chế, bất cập trong công tác thống kê bộ, ngành
Thứ tư, một số bộ, ngành chưa xây dựng, ban hành Quy chế phổ biến thông tin thống kê và Lịch phổ biến thông tin thống kê thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Việc công bố, phổ biến rộng rãi ra công chúng đối với một số chỉ tiêu thống kê còn gặp khó khăn do các quy định về bảo mật.
Thứ năm, hoạt động phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê, nhất là sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn hạn chế, dẫn đến một số bộ, ngành khi tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu được phân công liên quan đến bộ, ngành khác gặp khó khăn về nguồn thông tin. Đến nay vẫn còn trên 50% số bộ, ngành chưa ký Quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin với Tổng cục Thống kê.
Thứ sáu, công tác phân tích và dự báo thống kê của bộ, ngành còn yếu, chưa được tiến hành thường xuyên; số lượng và chất lượng sản phẩm phân tích, dự báo còn hạn chế. Năng lực và nhân lực làm công tác phân tích và dự báo chưa đáp ứng yêu cầu; phương pháp phân tích và dự báo chủ yếu theo một số phương pháp thống kê truyền thống như phân tổ, chỉ số, dãy số biến động theo thời gian, trong khi các phương pháp hiệu quả hơn như sử dụng mô hình hồi quy, phân tích đa nhân tố, phần mềm dự báo ít được sử dụng.
Thứ bảy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê còn thiếu đồng bộ. Các cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành vẫn trong tình trạng rời rạc, ít cập nhật, chưa tích hợp chung thành một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất của Ngành, chưa tương xứng với khối lượng công việc phải thực hiện, gây khó khăn trong khâu thu thập, xử lý và lưu trữ thông tin, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng báo cáo và công tác phổ biến, chia sẻ thông tin thống kê. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê ở địa phương còn hạn chế.
Thứ tám, tổ chức thống kê và công chức làm công tác thống kê của nhiều bộ, ngành chưa được quan tâm đúng mức: Cơ sở vật chất, tài chính dành cho hoạt động thống kê chưa đảm bảo đầy đủ. Nhân lực làm thống kê còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê. Phần lớn công chức làm thống kê kiêm nhiệm, công việc được giao ở nhiều lĩnh vực nên không tập trung vào nghiệp vụ thống kê.
“Bên cạnh đó, lực lượng này lại không ổn định, thường xuyên thuyên chuyển, chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê nên việc thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin thống kê gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chất lượng thông tin thống kê một số ngành, lĩnh vực chưa cao”, người đứng đầu Tổng cục Thống kê báo cáo
Những việc cần làm ngay
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: ““Dữ liệu tốt hơn, cuộc sống tốt hơn”, làm quản lý điều hành mà không có thông tin thì như người mù. Thông tin sai nhiễu loạn còn giết chết quyết định”.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu, nâng cao nhận thức của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, các đối tượng sử dụng thông tin thống kê và bản thân người làm thống kê về công tác thu thập số liệu, phối hợp thông tin thống kê.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, nhiệm vụ tiếp theo là cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo lập đầy đủ cơ chế chính sách, môi trường pháp lý để hệ thống thống kê bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương hoạt động đồng bộ, thống nhất.
Các bộ, ngành cần đẩy nhanh tiến độ ban hành hệ thống chỉ tiêu, chế độ báo cáo thống kê, bảng phân loại thống kê, chương trình điều tra thống kê; cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê phù hợp với quy định của Luật Thống kê 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, các bộ cần triển khai tốt cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở sẽ được thực hiện từ tháng 04/2019, nhất là các bộ có điều tra riêng là Bộ Quốc phòng, bộ Công an và Bộ Ngoại giao.
Do cuộc Tổng điều tra hiện được thực hiện chủ yếu thông qua internet, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cuộc Tổng điều tra.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu sớm xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển của doanh nghiệp, công bố Sách Trắng về doanh nghiệp.
“Phát hành sách cần thống nhất số liệu giữa các bộ, ngành, đưa ra những con số chân thực về bức để nhìn nhận, đánh giá chính xác môi trường đầu tư kinh doanh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, phải hoàn thiện hệ thống dữ liệu về các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong bối cảnh chuyển chủ sở hữu về Ủy ban quản lý vốn nhà nước.
Về báo cáo thống kê kinh tế- xã hội, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng cục Thống kê nên thay đổi cách viết. Bởi, hiện báo cáo mới đưa ra “rừng số liệu”, mà lại không có sự phân tích, dự báo. Phó Thủ tướng yêu cầu cần cải tiến điều này, để ai đọc cũng hiểu và hữu dụng hơn.
Hoạt động phối hợp, theo Phó Thủ tướng cần được đẩy mạnh hơn nữa, như câu slogan được đặt trang trọng tại Hội nghị. Đó là “Thông tin bộ ngành hợp tác, chia sẻ, phát triển”.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu tiếp cục hoàn thiện thống kê của bộ, ngành. Khẩn trương đề xuất trình Chính phủ tái cơ cấu lại hệ thống cán bộ hiện có. Đề nghị Tổng cục Thống kê tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ thống kê bộ, ngành.
“Sau Hội nghị này, Văn phòng Chính phủ kết hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra kết luận về hội nghị. Dự kiến năm 2019 sẽ tổ chức hội nghị thống kê toàn quốc, sau đó, cần sớm trình nghị định nâng cao hiệu lực hiệu quả số liệu thống kê”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ./.
Bình luận