Tình trạng trốn, nợ bảo hiểm đang diễn ra ngày càng nhiều

Mức độ vi phạm ngày càng gia tăng

Ở Việt Nam, Luật BHXH có hiệu lực thi hành (01/01/2007), Luật BHYT có hiệu lực thi hành (01/07/2009) đã góp phần không nhỏ chăm sóc sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, tình trạng trốn đóng, nợ BHXH, BHYT đang là vấn đề nhức nhối và đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

Ông Đỗ Văn Sinh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT xảy ra ở hầu hết các địa phương với mức độ ngày càng nhiều, phổ biến nhất là ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các hộ kinh doanh...”.

Năm 2013, BHXH các tỉnh, thành phố qua kiểm tra đã phát hiện số lao động chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc là 54.372 lao động, số lao động truy đóng không đúng quy định là 1.714 lao động.

Không những vậy, theo báo cáo của BHXH các tỉnh, thành phố, tính đến hết tháng 8/2014, có 47.315 đơn vị, với gần 674.000 lao động tham gia BHXH còn nợ tiền BHXH, BHYT với số tiền nợ là 11.562 tỷ đồng, bằng 6,49% kế hoạch giao thu.

Thậm chí, trong số các đơn vị nợ BHXH, BHYT, có đến trên 8.000 đơn vị đã ngừng hoạt động (trong đó, gần 7000 đơn vị không còn giao dịch với cơ quan BHXH) với số lao động lên đến hơn 30.000.

Đặc biệt, từ sau năm 2008, do biến động của kinh tế và những khó khăn của doanh nghiệp, tỷ lệ tuân thủ đã giảm xuống còn 64,98% (giảm 10,3% so với năm 2007).

Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động, Xã hội – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thêm: “Hiện tại còn khoảng 35% lao động hoặc trốn đóng BHXH, hoặc doanh nghiệp không đóng cho người lao động, chủ yếu là khu vực tư nhân. Trong khi, do tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện đối với lao động phi chính thức chưa cao, dẫn đến tỷ lệ tham gia thấp, tăng chậm, sau 5 năm (2008-2013) mới có khoảng 0,4% lao động trong khu vực phi chính thức tham gia”.

Phải chăng chế tài chưa đủ mạnh?

“Quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng, vô tình khuyến khích doanh nghiệp cố tình nợ BHXH để chiếm dụng quỹ BHXH. Trong khi, cơ quan BHXH không được quyền xử phạt, nên hiệu quả công tác kiểm tra không cao. Việc thanh tra, xử lý vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền không kịp thời”, ông Sinh chỉ rõ.

Bà Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế phân tích: “Chế tài xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về BHYT còn thiếu và chưa đủ mạnh; nhiều đối tượng Luật quy định “có trách nhiệm tham gia”, nhưng không có chế tài xử phạt khi không tuân thủ (như: học sinh, sinh viên, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi). Nhiều doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đóng BHYT do chế tài chưa đủ mạnh, mức xử phạt vi phạm hành chính còn thấp”.

Vậy, đâu là giải pháp?

Để giải quyết vấn nạn trốn đóng bảo hiểm, ông Sinh đề nghị: “Sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH, có chính sách hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện; đảm bảo tính khả thi, ổn định của chính sách và cân đối quỹ BHXH. Đồng thời, bổ sung thẩm quyền thanh tra trong lĩnh vực đóng BHXH cho cơ quan BHXH; quy định chi phí quản lý một cách linh hoạt để phù hợp với hoạt động đặc thù của ngành BHXH trong từng thời kỳ”.

Nhằm tăng tỷ lệ tuân thủ của người lao động trong việc đóng BHXH, bà Nguyễn Thị Lan Hương đề xuất, tăng thời gian hoạt động của quỹ BHXH lên đến 13-15 năm. Đồng thời, việc tăng dần mức tiền lương khai báo so với tổng thu nhập có tác dụng làm cho mức hưu trí nhận được tăng thêm và cũng làm cho thời gian tồn tại của Quỹ BHXH cũng tăng thêm.

Từ kinh nghiệm thành công của Pháp, ông Jean - Yves Hocquet - Quyền Giám đốc Cơ quan Bảo đảm Xã hội và Y tế Quốc tế Pháp (GIP SPPSI) góp ý: “Để ngăn chặn gian lận và sai phạm: Luật phải dễ hiểu đối với khách hàng và dễ dàng thực hiện đối với các dịch vụ; Người dân phải coi đó là lợi ích của họ - hãy là một công dân tốt; IT phải hoạt động hiệu quả bằng cách cho phép tiếp cận thông tin cơ bản hàng ngày; Thanh toán phải được kiểm soát bằng cách sử dụng các hình phạt ngay lập tức./.

Ở Pháp, những người gian lận bị ghi tên trong một hồ sơ quốc gia được quản lý ở mỗi chi nhánh. Việc đăng ký bị hủy bỏ trong khoảng thời gian 3-5 năm nếu không có các vi phạm mới. Trước khi thuê một nhân viên mới, mỗi chủ sử dụng lao động phải gửi một biểu mẫu trên máy tính đến Cơ quan Trung ương của các tổ chức an sinh xã hội (ACOSS). Vì vậy, thông báo này có thể được kiểm tra trên đường dây của thanh tra viên khi họ kiểm tra những người lao động.