S&P dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2022 khoảng 6,9%
Triển vọng "Ổn định" thể hiện dự báo của S&P trong vòng 12-24 tháng tiếp theo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi

Theo Bộ Tài chính, việc Tổ chức S&P nâng định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và thách thức là hết sức tích cực, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam để ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị-xã hội; nỗ lực của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan trong việc truyền tải các chính sách, thành tựu của Việt Nam đến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và tổ chức quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động sâu sắc từ đại dịch dẫn đến 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với S&P, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác để tiếp tục có đánh giá đầy đủ và cập nhật về hồ sơ tín dụng của Việt Nam.

S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trên cơ sở ghi nhận nền kinh tế đang trên đà phục hồi vững chắc trong bối cảnh Chính phủ gỡ bỏ các hạn chế di chuyển trong nước và xuyên biên giới, tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát dịch COVID-19. Sự cải thiện rõ rệt về quy trình, thủ tục hành chính của Chính phủ, đặc biệt liên quan đến chất lượng quản trị các khoản nợ được bảo lãnh, cùng với triển vọng kinh tế mạnh mẽ, vị thế đối ngoại vững vàng và thu hút dòng vốn FDI bất chấp gián đoạn do đại dịch là những yếu tố quan trọng khiến S&P quyết định nâng hạng cho Việt Nam.

Triển vọng "Ổn định" thể hiện dự báo của S&P trong vòng 12-24 tháng tiếp theo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, vượt qua các khó khăn, thách thức do đại dịch trong hai năm qua, góp phần củng cố vị thế đối ngoại và kiềm chế thâm hụt ngân sách.

S&P đánh giá thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng nhanh chóng vài năm gần đây với mức tăng trưởng thực 10 năm là 4,8%, cao hơn rõ rệt so với mức trung bình các quốc gia với mức thu nhập tương đồng.

Ổn định kinh tế vĩ mô cùng với các lợi thế cạnh tranh về lao động, tiêu chuẩn giáo dục được cải thiện và nhân khẩu học thuận lợi là động lực chính tăng cường sức hấp dẫn ở khu vực chế biến, chế tạo đối với các doanh nghiệp toàn cầu, tạo động lực tăng trưởng xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu dùng.

Về mặt xã hội, S&P ghi nhận Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua, góp phần tăng cường mối liên kết bền chặt giữa Chính phủ và nhân dân.

Trong lĩnh vực tài khóa, S&P đánh giá nền tài chính công của Việt Nam vẫn duy trì trạng thái ổn định, kể cả trong bối cảnh tình hình thu, chi của ngân sách gặp áp lực nhất định trước tác động của đại dịch.

Tổ chức này dự báo thâm hụt ngân sách có thể gia tăng tạm thời với việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tuy vậy đánh giá dư địa chính sách vẫn dồi dào trong bối cảnh nợ công giảm mạnh.

Trong nước, tại cuộc Tọa đàm "Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27/5/2022, lãnh đạo nhiều bộ, ngành và các chuyên gia nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng, khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực.

Liên quan đến lĩnh vực tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, cơ cấu thu ngân sách của nước ta ngày càng bền vững hơn. Mặc dù tổng kinh phí miễn, giảm, giãn về thuế, phí, lệ phí năm 2021 trên 123.000 tỷ đồng, trong đó miễn giảm là trên 100.000 tỷ đồng, nhưng kết quả thu năm 2021 đến thời điểm này vượt 16,8% so với dự toán, Trung ương và cơ bản các địa phương đều đạt và vượt dự toán.

Thu nội địa, tức là thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước ngày càng chiếm vị trí chủ đạo. Theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, kết quả thu ngân sách đã phản ánh xu thế chung, đó là trong điều kiện kinh tế khó khăn như vậy, nhưng niền tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, vào nền kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt. Thu hút FDI trong năm 2021 vẫn tăng tới 9% so với 2020 trong bối cảnh chúng ta khó khăn về dịch bệnh./.