Sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng là mốc đổi mới quan trọng trong công tác lâm nghiệp
Hội thảo do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Xuân Dũng cho biết, đến nay, việc xây dựng Dự thảo Luật đã đi được hơn nửa chặng đường, Dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ Ba (5/2017), sau đó được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến tại các hội nghị, hội thảo.
Theo ông Phan Xuân Dũng, việc sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng lần này là mốc đổi mới quan trọng trong công tác lâm nghiệp, nhằm mục tiêu thể chế hóa quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về lâm nghiệp trong tình hình và bối cảnh mới. Trong đó, tập trung vào bảo vệ tốt vốn rừng hiện có trên toàn quốc với trên 14,1 triệu ha, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên và chủ trương đóng cửa rừng; bảo đảm tăng độ che phủ của rừng; phát huy các chức năng của để bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững đất nước. Phát triển kinh tế lâm nghiệp phù hợp với năng lực sản xuất trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế; đẩy mạnh khai thác giá trị môi trường rừng ngoài giá trị lâm sản như: giá trị phòng hộ, bảo vệ nguồn nước, cảnh quan, đa dạng sinh học, hấp thụ và lưu giữ cacbon; bảo đảm ổn định đời sống, tăng thu nhập cho người dân sống bằng nghề rừng, đặc biệt người dân miền núi, khu vực biên giới...
Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) lần này cần có quy định đổi mới căn bản trong nội dung, phương thức quản lý rừng theo hướng bền vững, xác định rõ quyền, trách nhiệm chủ rừng, cơ quan quản lý nhà nước; nâng cao giá trị của rừng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững đất nước.
Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) gồm 12 chương, 108 điều, quy định về về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết việc sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng để phù hợp với chủ trương chính sách mới của Đảng, Nhà nước, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Hiến pháp 2013 và một số Luật được Quốc hội mới thông qua; hài hòa với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
Đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật hiện hành về phân loại rừng, đổi mới việc giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất đối với hộ gia đình cá nhân theo hướng không thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để khuyến khích trồng rừng, bổ sung các quy định về hoạt động chế biến và kinh doanh lâm sản, hoạt động đầu tư tín dụng tài chính trong lâm nghiệp.
Toàn cảnh Hội thảo
Dự thảo Luật lần này đẩy nhanh, sâu sắc hơn chủ trương xã hội hóa trong lâm nghiệp. Tạo khung chính sách để thu hút các nguồn lực để đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững; đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, của chủ rừng và người làm nghề rừng để lâm nghiệp đóng góp ngày càng tăng vào nền kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển lâm nghiệp đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng từ trồng rừng đến khai thác, chế biến, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái và thị trường lâm sản”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết thêm.
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng tham gia góp ý kiến cho các nội dung của Dự thảo Luật cả về quan điểm, định hướng quản lý cũng như các nội dung cụ thể của từng điều khoản trong Dự thảo Luật để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp; khắc phục những tồn tại, bất cập trong thời gian qua.
Các ý kiến thảo luận tập trung vào phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật; chính sách phát triển lâm nghiệp; các vấn đề về sở hữu rừng, giao đất, giao rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng; quyền nghĩa vụ chủ rừng; các vấn đề về tổ chức quản lý rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng, phòng hộ; khai thác, sử dụng rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng; vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước trong lâm nghiệp.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, về các hình thức sở hữu rừng, khoản 2, Điều 6, quy định, rừng sản xuất là rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư; nhận chuyển nhượng, tặng cho, nhận thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật. Trong thực tiễn, hàng nghìn ha rừng được các cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tự phục hồi và quản lý từ nhiều năm nay và được cộng đồng cư dân công nhận tính sở hữu đương nhiên của họ. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) đã không công nhận việc sở hữu này vì coi rừng này là rừng tự nhiên. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm.
Vì vậy, GS Đặng Hùng Võ đề nghị nên thêm loại rừng tự nhiên do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư phục hồi vào loại rừng thuộc sở hữu ngoài Nhà nước để phù hợp với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu phát triển rừng tự nhiên.
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Phan Xuân Dũng đánh giá cao các ý kiến thảo luận, góp ý xây dựng dự thảo Luật. Đồng thời khẳng định, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu đầy đủ các ý kiến, xây dựng Báo cáo thẩm tra và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 8/2017./.
Bình luận