Từ khóa: đầu tư công, phát triển kinh tế, tỉnh Đồng Tháp

Summary

Improving the efficiency of using public investment (PI) and promoting the PI restructuring to achieve quality and sustainable economic growth to make the most of local advantages in both short and long-term are important goals aimed at improving the people's quality of life. The article assesses the impact of the PI on socio-economic development in Dong Thap province, thereby recommending some solutions to improve the efficiency of public investment to promote socio-economic development of the province.

Keywords: public investment, economic development, Dong Thap province

GIỚI THIỆU

Đồng Tháp là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nằm ở vị trí trung bình thấp về quy mô nền kinh tế và phát triển kém hơn 5 tỉnh, thành phố liền kề, cơ cấu kinh tế còn nặng về nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng còn chiếm tỷ trọng thấp, phát triển thương mại - dịch vụ ở mức trung bình so với toàn Vùng. Vì vậy, nguồn lực tài chính dành cho ĐTC là rất ít. Điều này dẫn đến kết cấu hạ tầng của Tỉnh còn thiếu, đòi hỏi phải có nhiều hơn nữa các dự án ĐTC để xây dựng kết cấu hạ tầng KTXH, giúp nâng cao đời sống người dân, từ đó thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững của Tỉnh. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá tác động của ĐTC đến phát triển KTXH của tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011-2020, từ đó đưa một số giải pháp nâng cao hiệu quả vốn ĐTC để thúc đẩy phát triển KTXH Tỉnh trong thời gian tới (Năm 2021, do dịch Covid-19 tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống KTXH của cả nước nói chung và Đồng Tháp nói riêng, nên bài viết ko sử dụng dữ liệu của năm này để phân tích).

THỰC TRẠNG VỐN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2010-2020

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp, vốn ĐTC tăng bình quân 8,02%/năm, từ 1.981 tỷ đồng năm 2010 lên 4.285 tỷ đồng năm 2020, tăng 2,16 lần, cả nước mức tăng là 9,4% và 2,45 lần. Nhìn chung vốn đầu tư giai đoạn này đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, sự biến động qua các năm chủ yếu là do vốn ĐTPT của các công trình giao thông trọng điểm (Bảng).

Bảng: Vốn đầu tư công tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2010-2020

Đơn vị: tỷ đồng

2010

2012

2014

2016

2018

2020

Vốn ĐTC

1.981

2.167

3.821

4.353

3.789

4.285

Tăng (%)

0,71

6,17

70,66

- 6,79

- 34,52

13,03

Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Đồng Tháp

So sánh cơ cấu vốn của Đồng Tháp so với cả nước giai đoạn này cho thấy: (i) lượng vốn khu vực nhà nước bình quân thấp hơn, lượng vốn ĐTC của Đồng Tháp còn hạn chế, mặt khác các DN nhà nước đầu tư nhiều trong sản xuất, kinh doanh, trong khi ở Đồng Tháp chỉ có 4 DN của Tỉnh và đang thực hiện lộ trình cổ phần hóa nên mức đóng góp vào đầu tư thấp; (ii) Tỉnh Đồng Tháp chưa có lợi thế để thút hút vốn FDI, tỷ lệ này chênh lệch rất lớn giữa mức trung bình cả nước là 22,8%, trong khi Đồng Tháp chỉ thu hút được 1,2% (Hình 1).

Hình 1: Cơ cấu phân theo nguồn vốn giai đoạn 2010-2020

Đơn vị: Tỷ đồng

Tác động của đầu tư công đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011-2020
Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Đồng Tháp

TÁC ĐỘNG CỦA ĐTC ĐẾN MỘT SỐ LĨNH VỰC KTXH TỈNH ĐỒNG THÁP

Tác động đến quy mô nền kinh tế

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp, TTKT bình quân của Tỉnh giai đoạn 2011-2020 đạt 6,11%/năm; trong đó, khu vực I tăng 4,51%, khu vực II tăng 8,93%, khu vực III tăng 6,18%; GRDP tăng 2,08 lần sau 10 năm (năm 2011: 41.703 tỷ đồng, năm 2020: 86.554 tỷ đồng). Cùng giai đoạn này, vùng ĐBSCL tăng 6,1% và cả nước là 5,95%.

Số liệu (Hình 2) cho thấy, với lượng vốn ĐTC tăng đã thu hút vốn đầu tư xã hội tăng qua các năm, từ đó đã thúc đẩy TTKT và quy mô nền kinh tế được mở rộng, điều đó được thể hiện ở sự gia tăng tuyến tính cùng chiều của lượng vốn đầu tư xã hội và quy mô nền kinh tế. Phân tích tỷ lệ vốn ĐTC/GRDP và tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2010-2020 cho thấy, có sự tương quan cùng chiều của hai tỷ lệ này. Điều đó cho thấy, vốn đầu tư có tác động tới TTKT. Tuy nhiên, nếu so sánh tốc độ tăng vốn ĐTC với tốc độ tăng GRDP, thì mối tương quan này giảm đi, ngoài sự giao động bất thường của vốn ĐTC, thì cho thấy hiệu quả vốn đầu tư đang có xu hướng giảm.

Hình 2: Vốn ĐTC, đầu tư xã hội, GRDP tỉnh Đồng Tháp Giai Đoạn 2010-2020

Đơn vị: Tỷ đồng

Tác động của đầu tư công đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011-2020
Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Đồng Tháp

Tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp, cơ cấu kinh tế của Tỉnh đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng đóng góp của II và III và giảm dần khu vực I. Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm hơn bình quân chung của vùng ĐBSCL. Giai đoạn 2010-2020, khu vực I giảm 4,8%, khu vực II tăng 1,3% và khu vực III tăng 3,5% so với ĐBSCL tương ứng là: Khu vực I giảm 7,7%; Khu vực II tăng 0,7% và Khu vực III tăng 7,0%. Điều này cho thấy, ĐTC đã có vai trò tác động mạnh mẽ đến TTKT của tỉnh Đồng Tháp, tuy nhiên đối với thúc đẩy chuyển dịch chuyển dịch cơ cấu mặc dù có chuyển biến, nhưng chưa phát huy hiệu quả cao. Với đặt trưng kinh tế nông nghiệp, thì tiềm năng chuyển đổi cơ cấu kinh tế đang gặp khó khăn.

Tác động của ĐTC đến phát triển doanh nghiệp (DN)

Đến năm 2020, qua 16 lần đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thì Đồng Tháp có 14 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 và năm thứ 8 liên tiếp nằm trong nhóm 3 của các tỉnh, thành phố “có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước” và luôn thuộc nhóm dẫn đầu vùng ĐBSCL. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2011-2020, tốc độ phát triển DN đạt bình quân đạt 7,61%/năm và đạt 3.273 DN năm 2020, tăng gấp 2,08 lần năm 2010. Đối với vùng ĐBSCL, tăng bình quân 9,83%, tăng từ 23.284 DN năm 2010 lên 59.452 DN, gấp 2,55 lần; kết quả so sánh này cho thấy, việc tác động của vốn đầu tư đến phát triển DN của Đồng Tháp chưa hiệu quả bằng bình quân của Vùng. Quy mô về vốn sản xuất, kinh doanh của DN tăng 13,85%/năm; Thu nhập tăng 14%, doanh thu tăng 9,09%/năm, tăng số việc làm cho các DN 15.776 người và đạt 71.114 người, đã góp phần quan trọng trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động.

Số lượng DN tư nhân chiếm 98%-99%, trong khi DN nhà nước và DN có vốn FDI chỉ chiếm 1%-2%. Về vốn DN tư nhân chiếm 75%-85% trong tổng cơ cấu vốn. Điều này cho thấy, khu vực này là chủ yếu trong nền kinh tế, bên cạnh đó mặc dù số lượng DN nhà nước không nhiều, nhưng có đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước; trong đó năm 2020, Công ty Xổ số kiến thiết nộp ngân sách nhà nước 1.976 tỷ đồng, Công ty Dầu khí nộp 1.939 tỷ đồng, chỉ 2 DN này đã đóng góp 3.915 tỷ đồng trên tổng số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 8.430 tỷ đồng, chiếm 46,4%.

Tác động đến thu nhập

ĐTC đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện để tăng thu nhập. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2011-2020 thu nhập bình quân đầu người tăng 12,26%, trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng 16,83% cao hơn giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân là 7,87%. Nếu xét về khu vực, thì thu nhập khu vực nông thôn có tốc độ tăng nhanh hơn và đạt 13,71% so với khu vực thành thị đạt 10,71%. Trong giai đoạn này, thu nhập tăng bình quân 12,26% và năm 2020 gấp 3,18 lần năm 2010, cao hơn khu vực ĐBSCL tăng 12% và cả nước tăng 11,85%, tương ứng gấp 3,11 lần và 3,06 lần. Tuy nhiên, mức thu nhập vẫn thấp hơn và bằng 93,9% của vùng ĐBSCL và bằng 90,1% cả nước. Với tốc độ tăng vốn đầu tư cho toàn giai đoạn của Đồng Tháp là 10,02%, ĐBSCL 9,7% và cả nước là 10,06%, nếu xét về yếu tố này, thì vốn đầu tư của Tỉnh hiệu quả hơn cả nước trong việc gia tăng thu nhập. Mặc khác, do xuất phát điểm thu nhập của Tỉnh thấp, nên dù tốc độ có tăng cao hơn nhưng chưa rút ngắn được khoảng cách với vùng và cả nước.

Tác động đến giảm nghèo

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, trong giai đoạn 2016-2020, vốn đầu tư từ nguồn vốn ĐTC là 1.984 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 1.075 tỷ đồng và ngân sách Tỉnh là 909 tỷ đồng, để đầu tư cho hạ tầng nông thôn chủ yếu về thủy lợi, giao thông nông thôn, chợ nông thôn, cơ sở vật chất về văn hóa - xã hội và các chương trình hỗ trợ khác. Trong khi đó, tổng vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 1.083 tỷ đồng (không kể vốn tín dụng), trong đó: ngân sách trung ương 711 tỷ đồng; ngân sách địa phương 75 tỷ đồng; huy động các nguồn vốn hợp pháp khác 297 tỷ đồng, đã đầu tư đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình. Cùng với thực hiện nhiều chương trình, chính sách tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,98% năm đầu năm 2016 giảm còn 4% vào cuối năm 2020, bình quân giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 là 1,2%. Tuy nhiên, do chuẩn nghèo được sửa đổi và áp dụng cho từng giai đoạn, nên tỷ lệ hộ nghèo thay đổi, năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo của Tỉnh là 14,4%, thực hiện đến cuối năm 2015 giảm còn 7,2%, đầu năm 2016 áp dụng chuẩn nghèo mới làm tăng tỷ lệ hộ nghèo lên 9,98%.

Nhìn chung, thực hiện mục tiêu giảm nghèo của Tỉnh đạt kết quả khá tốt và tốc độ giảm nhanh hơn vùng ĐBSCL và cả nước, nếu tính giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân GĐ 2010-2020 có sự thay đổi về chuẩn nghèo thì Đồng Tháp giảm 1,04%, ĐBSCL giảm 0,84% và cả nước giảm 0,94%. Tính đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của Đồng Tháp còn 4%, thấp hơn của vùng ĐBSCL là 4,2% và cả nước là 4,8% (Hình 3).

Hình 3: So sánh tỷ lệ hộ nghèo Đồng Tháp, ĐBSCL, cả nước giai đoạn 2010-2020

Tác động của đầu tư công đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011-2020
Nguồn: Niên giám Thống kê Việt Nam

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thật vững chắc, còn chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, việc làm giữa nhóm dân cư; nguồn lực thực hiện chính sách còn dàn trải, chưa tập trung hỗ trợ để tác động làm chuyển biến thật sự đời sống người nghèo; các chính sách còn mang nặng tính hỗ trợ trực tiếp, các chính sách hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo để phát triển sản xuất chưa nhiều, nên chưa tạo được ý thức chủ động của người dân, chưa tạo động lực về sinh kế cho hộ nghèo tự vươn lên.

Một số hạn chế

Hiệu quả vốn ĐTC thấp, điều này được thể hiện qua hệ số ICOR khu vực kinh tế nhà nước giai đoạn 2011-2018 của tỉnh Đồng Tháp có xu hướng tăng lên và ở mức cao hơn hệ số số ICOR chung của Tỉnh. Năm 2011 là 3,28/2,14, thì đến năm 2018 tăng lên 10,61/4,11. Điều này cho thấy, hiệu quả vốn đầu tư ngày càng thấp, trong đó có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Mặt khác, cũng có thể là do nền kinh tế dịch chuyển theo hướng thâm dụng vốn, thay vì thâm dụng lao động như giai đoạn trước.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, mặc dù có sự chuyển dịch, như: tốc độ rất chậm so vùng ĐBSCL và cả nước, nguyên nhân do đặc thù kinh tế của Tỉnh phát triển trên nền tảng kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, công nghiệp hóa thực hiện chưa đạt mục tiêu.

Số lượng DN ít, quy mô nhỏ, tốc độ tăng chậm, mặc dù PCI khá tốt, nhưng chưa đủ động lực để thu hút đầu tư và phát triển DN. Có nhiều yếu tố tác động, nhưng chủ yếu có 3 nhóm chính, gồm: (i) Cơ sở hạ tầng ; (ii) Quản trị và chính sách của Nhà nước; (iii) Lợi thế tương đối của địa phương. Trong đó, PCI chỉ là một phần trong quản trị, về hạ tầng và lợi thế của địa phương chưa thật sự phát triển và cạnh tranh.

Thu nhập bình quân không cao, giảm nghèo chưa bền vững, do khoảng 80% dân số sống ở khu vực nông thôn, thu nhập chính liên qua đến nông nghiệp, trong khi khu vực này giá trị gia tăng không cao, nhiều rủi ro, do đó người dân dễ bị ảnh hưởng.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐTC NHẰM THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Một là, giải pháp về nâng cao vai trò, hiệu quả trong xây dựng kế hoạch vốn ĐTC. Cần gắn kết chặt chẽ với mục tiêu, chỉ tiêu phát triển của Tỉnh trong từng giai đoạn. Tăng tổng nguồn, cũng như tăng chi đầu tư phát triển trong cơ cấu nguồn chi, tập trung đầu tư các dự án, công trình trọng điểm, rút ngắn thời gian thực hiện, sớm đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ. Lựa chọn mục tiêu phát triển, lĩnh vực đầu tư phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu phát triển và trên cơ sở khoa học.

Hai là, giải pháp về hoàn thiện pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp quản lý nhà nước về vốn ĐTC. Trên cơ sở Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn có liên quan, Tỉnh cần rà soát trình HĐND Tỉnh ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để có khung pháp lý đầy đủ làm cơ sở thực hiện. Tăng cường công tác phối hợp, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và công tác thanh tra trong xây dựng, thực hiện kế hoạch ĐTC.

Ba là, nâng cao vai trò định hướng, kiến tạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút vốn đầu tư và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội. Nâng cao vai trò dẫn dắt của vốn nhà nước, thu hút nguồn vốn đầu tư của các khu vực kinh tế khác và toàn xã hội; ưu tiên bố trí cho đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị, các khu, cụm công nghiệp và các công trình văn hóa, phúc lợi xã hội có vai trò tăng năng lực sản xuất của các ngành, lĩnh vực trọng điểm, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đồng thời, tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngoài nước, cụ thể là FDI và ODA.

Bốn là, tăng cường tính minh bạch; giảm thất thoát, lãng phí trong thực hiện đầu tư. Thực hiện công khai quy hoạch chung của Tỉnh; quy hoạch phát triển giao thông, đô thị; quy hoạch sử dụng đất… và các tầm nhìn, mục tiêu phát triển, các chỉ tiêu kinh tế, kiến trúc, dân số, xã hội, môi trường làm cơ sở cho công tác giám sát, thẩm định, phê duyệt các dự án và xây dựng các kế hoạch ĐTC trung hạn, hằng năm. Thực hiện tốt công tác thẩm định trên cơ sở quy định pháp lý hiện hành, đảm bảo tính khoa học và hiệu quả. Nâng cao khả năng giám sát của cộng đồng, nhất là các đơn vị thụ hưởng.

Năm là, đào tạo nguồn nhân lực. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực kinh tế và liên quan đến đầu tư phát triển cho các bên tham gia, nhất là nhân lực trực tiếp thực hiện hoạch định các quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH và ĐTC của Tỉnh để hình thành nguồn nhân lực có trình độ tiếp cận tiến bộ của khoa học, công nghệ tiên tiến, chủ động đổi mới sáng tạo, đưa ra ý tưởng mới. Để tăng năng suất lao động cần giảm nhanh số lao động giản đơn, gia tăng số lao động có trình độ, tay nghề phù hợp bằng cách đổi mới phương thức, chương trình đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, dạy nghề theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế, trong đó tập trung đào tạo đội ngũ thực hành giỏi.

Sáu là, thúc đẩy nâng cao Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Tỉnh. TFP ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, nhất là trong giai đoạn khoa học và công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, cùng với mục tiêu tiên phong về chuyển đổi số của Tỉnh. Tăng tỷ phần đóng góp của TFP không những thúc đẩy TTKT, mà còn giảm áp lực nhu cầu sử dụng vốn, mặc khác nó tác động tích cực đến nguồn vốn được sử dụng.

Tăng cường đổi mới công nghệ, hỗ trợ các DN xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ; tập trung hỗ trợ DN thực hiện việc đánh giá, định giá công nghệ. Nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm chủ lực của Tỉnh như lúa, cá, xoài, hoa kiểng, sen và các sản phẩm quan trọng khác. Ngoài ra, cần hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh; tổ chức, phối hợp và hỗ trợ các tổ chức/cá nhân trong việc hợp tác với các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ để chuyển giao, làm chủ, giải mã và phát triển công nghệ.

Bảy là, giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế để phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tế, gắn với thị trường và thích nghi biến đổi khí hậu. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, nhất là công nghệ sinh học, phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp; Thu hút DN đầu tư vào địa bàn nông thôn để chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao hơn. Đồng thời, tập trung phát triển sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao, tự động hóa, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, khoáng sản và lao động giản đơn…/.

Trần Văn Hưu - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 19, tháng 7/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp (2010-2021). Niên giám Thống kê tỉnh Đồng Tháp các năm, từ năm 2009 đến năm 2020, Nxb Thống kê.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Tháp (2020), Báo cáo một số nội dung về hiệu quả vốn đầu tư đối với tăng trưởng kinh tế đồng tháp giai đoạn 2011-2020.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Tháp (2020). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, kế hoạch phát triển hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

4. Sở Tài chính tỉnh Đồng Tháp (2020), Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện thu, chi ngân sách giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch tài chính, ngân sách 5 năm (2021-2025).

5. Tổng cục Thống kê (2010-2021). Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2009 đến năm 2020, Nxb Thống kê.