Tăng năng suất lao động, chìa khoá để phát triển
PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược

Theo ông, vì sao tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam phục hồi mạnh mẽ kể từ năm 2013?

Trong suốt 30 năm qua, kể từ năm 1991, tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) bình quân của Việt Nam đạt 4,65%. Giai đoạn đầu (1991-1995), khi đất nước bắt đầu mở cửa, hội nhập, từng bước xoá bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung, mọi năng lực của xã hội được bung ra, tạo đà cho NSLĐ tăng rất cao, tới 5,7%/năm, nhưng rồi bị chững lại và giảm xuống chỉ còn tăng 3,1%/năm vào giai đoạn 2008-2012 và đã phục hồi nhanh chóng trở lại với tốc độ tăng trung bình 5,53% vào giai đoạn 2013-2019. Năm 2020 là năm đặc biệt trước cơn “địa chấn Covid-19” nhưng NSLĐ vẫn tăng 5,4%, đạt 5.081 USD/lao động.

Nếu như sự sụt giảm nghiêm trọng NSLĐ giai đoạn 2008-2012 có nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì sự phục hồi tốc độ tăng trưởng trở lại trong gần 10 năm vừa qua là do Việt Nam đã ký kết, tham gia, thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là 3 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động xuất-nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Động lực thứ hai là Chính phủ đã mạnh mẽ cải cách tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện tối đa cho kinh tế tư nhân phát triển.

Đây cũng là 2 động lực chính để tiếp tục cải thiện NSLĐ để phải đạt tốc độ tăng trưởng ít nhất 6,5% trong giai đoạn tới vì mặc dù tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam cao nhất trong khu vực ASEAN trong suốt nhiều năm qua nhưng về số tuyệt đối thì vẫn còn khoảng cách rất lớn so với các nước ASEAN. Việt Nam đã không tận dụng được cơ hội trong giai đoạn đầu mở cửa để tăng NSLĐ lên rất cao như nhiều nước đã làm được, đặc biệt là Trung Quốc đã duy trì được tốc độ tăng NSLĐ bình quân 8-9% trong nhiều năm liền nên nếu NSLĐ không bứt phá trong giai đoạn tới thì để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” là điều rất khó, bởi NSLĐ là yếu tố quyết định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nếu năng suất lao động của nước ta không bứt phá trong giai đoạn tới thì để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” là điều rất khó bởi năng suất lao động là yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Như vậy, tốc độ tăng năng suất lao động phụ thuộc rất lớn vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp tư nhân. Nhưng thưa ông, có điều rất khó hiểu là NSLĐ của 2 khu vực này lại thấp hơn doanh nghiệp nhà nước?

Trong 20 năm vừa qua, Việt Nam đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước nên rất nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động thấp đã được “chuyển khẩu” sang khu vực tư nhân. Hầu hết doanh nghiệp nhà nước còn lại đều có quy mô vốn lớn, đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực then chốt, có nhiều lợi thế nên năng suất cao hơn. Còn khhu vực tư nhân, số lượng doanh nghiệp chiếm áp đảo nhưng chủ yếu là mới thành lập, quy mô vốn nhỏ nên năng suất thấp, tốc tăng NSLĐ cũng thấp hơn so với khu vực nhà nước.

FDI đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút trên 231 tỷ USD, chiếm 58,5% tổng vốn FDI đáng ra phải là đầu tàu dẫn dắt tốc độ tăng NSLĐ, nhưng rất ngạc nhiên lại tăng rất thấp. So với năm 1991, NSLĐ năm 2019 của khu vực FDI chỉ tăng 1,19 lần thấp hơn cả khu vực ngoài nhà nước (tăng 3,34 lần) và thấp hơn rất nhiều so với khu vực nhà nước (tăng 4,24 lần). Đây có thể coi là điều gây sốc cho nền kinh tế mới bắt đầu bước vào quá trình công nghiệp hoá.

Ông có thể giải thích vì sao?

Thứ nhất, xuất phát điểm NSLĐ của khu vực FDI cao hơn hẳn khu vực nhà nước và ngoài nhà nước nên việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài là điều rất khó cũng tương tự như quy mô nền kinh tế nước ta năm 2020 ước vào khoảng 343 tỷ USD, cao hơn rất nhiều 10-20 năm trước nên duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân 6-6,5%/năm khó hơn rất nhiều so với để đạt được tốc độ tang 7-8%/năm như trước đây.

Nguyên nhân thứ hai rất quan trọng là FDI chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, đúng ra là tập trung vào lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, da giày, điện tử, máy điện thoại, máy tính… nhưng chủ yếu là gia công, lắp ráp thủ công với quy trình đơn giản, không đòi hỏi lao động có tay nghề, năng lực và được đào tạo đến nơi đến chốn. Có lẽ nhiều FDI coi Việt Nam như một xưởng sản xuất không phải là khu vực thực hiện các quy trình thượng nguồn - nơi tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn và vì vậy họ không nhất thiết phải sử dụng kỹ sư giỏi, lao động lành nghề, có kinh nghiệm, thậm chí cảm thấy không nhất thiết phải đào tạo nguồn nhân lực. Chính vì vậy, trong suốt 30 năm qua, NSLĐ của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng khoảng 2%/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trung bình của cả nền kinh tế là 4,65%/năm mặc dù Việt Nam là một trong những nền kinh tế thu hút FDI nhiều nhất trong khu vực và trên thế giới.

Với thực trạng này, để năng suất lao động tăng bình quân ít nhất 6,5% trong giai đoạn 2021-2025 là điều rất khó, thưa ông?

NSLĐ là chìa khoá của sự phát triển kinh tế, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội và luôn là bài toán rất khó với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã vượt qua nước có thu nhập thấp và đã có kế hoạch, chiến lược để bước vào danh sách các quốc gia có thu nhập trung bình và cao hơn. Để đạt được mục tiêu, ước vọng này thì giải quyết bài toán tăng NSLĐ đã được đặt ra. Trong một thập kỷ vừa qua, Việt Nam liên tục cải cách thể chế kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng để phát triển kinh tế tư nhân và quả ngọt chúng ta gặt hái được là Việt Nam đã có những doanh nghiệp tư nhân xứng ngang tầm khu vực và thế giới. Chính phủ tập trung phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng cũng không bỏ quên khu vực hợp tác xã, nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Kết quả chúng ta đạt đươc là nông sản của Việt Nam đã và đang khẳng định trên thị trường thế giới.

Việt Nam đã qua rồi thời thiếu vốn nên Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50-Nghị quyết/TW (ngày 20/8/2019) về định hướng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 để tự mình thoát khỏi vị thế là công xưởng lắp ráp giản đơn của thế giới.

Để nâng cao NSLĐ, lần đầu tiên trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã mạnh dạn đặt chỉ tiêu tăng trưởng NSLĐ là một trong trong những chỉ tiêu quan trọng nhất, trình Quốc hội thông qua. Khi đã có khát vọng, có chính sách, có kế hoạch thì sẽ có các giải pháp để thực hiện.

Tăng năng suất lao động, chìa khoá để phát triển
Năm 2020 là năm đặc biệt trước cơn “địa chấn Covid-19” nhưng NSLĐ vẫn tăng 5,4%, đạt 5.081 USD/lao động

Và ông hy vọng sẽ thực hiện được?

Chúng ta đã và đang thực hiện Chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, và sẽ thực hiện “Make in Vietnam” chứ không phải “Made in Vietnam”… Nhìn chung, các chương trình, rộng hơn là các khẩu hiệu được đưa ra đều thực hiện khá tốt khi có sự đồng lòng của cả chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Với NSLĐ có lẽ đã đến lúc phải đưa ra chương trình/khẩu hiệu để tăng NSLĐ vì trên thực tế, vấn đề tăng NSLĐ hiện vẫn được thực hiện từ trên xuống chứ không thực hiện từ dưới lên nên chưa nhận được sự hưởng ứng của doanh nghiệp và bản thân người lao động./,

Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam

- Là tên hội thảo được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ ...

Cách để phục hồi tăng trưởng Việt Nam khi kinh tế thế giới bất định Cách để phục hồi tăng trưởng Việt Nam khi kinh tế thế giới bất định

- Giai đoạn 2021-2023, Việt Nam cần tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao ...

Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế "hậu" Covid-19: Đề xuất nào cho Việt Nam?

- Những đề xuất này sẽ được công bố vào ngày mai 22/4, tại Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ...