Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án một là điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ 01/01/2021 và theo lộ trình đối với người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường tăng thêm mỗi năm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án hai là điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ 01/01/2021 và theo lộ trình đối với người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường tăng thêm mỗi năm 4 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Tăng tuổi hưu sẽ không phải tránh “vỡ quỹ BHXH” và không là mất cơ hội của người trẻ

5 lý do chính phải tăng tuổi nghỉ hưu

Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo Luật Bình đẳng giới năm 2007, Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014. Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5.2019, tiếp tục đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu với 5 lý do chính. Cụ thể:

Một là, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện đã tăng nhiều so với giai đoạn trước đây (trung bình 73,4 năm, trong đó nam 70,8 năm, nữ là 76,1 năm); trong khi tuổi hưu trung bình của nam là 54,2 tuổi và nữ là 52,6 tuổi, nghĩa là thời gian người lao động sau khi nghỉ hưu vẫn có thể tiếp tục làm việc còn rất dài. Sẽ lãng phí nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội nếu không tận dụng được nguồn nhân lực có kinh nghiệm, có trình độ. Ngoài ra, thực tiễn thị trường lao động cho thấy, nhiều người đã nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, làm việc thêm và họ vẫn có đủ sức khỏe tham gia lao động tiếp.

Hai là, dân số nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số, trong tương lai, lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt. Thời kỳ dân số già của Việt Nam quá ngắn (khoảng 15 năm), đòi hỏi phải có sự điều chỉnh các chính sách phát triển kinh tế xã hội một cách nhanh chóng. Việc nâng tuổi nghỉ hưu là chuẩn bị cho tương lai sau này của lực lượng lao động, góp phần tận dụng được nguồn nhân lực cao tuổi nhưng có trình độ, kinh nghiệm trong bối cảnh sức khỏe người lao động ngày càng được cải thiện.

Ba là, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi hưu để ứng phó với xu hướng già hóa dân số và thiếu hụt lao động, có nước lên tới 67 tuổi.

Bốn là, bảo đảm bình đẳng giới về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, phù hợp với công ước CEDAW về không phân biệt đối xử.

Năm là, đây là 1 giải pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định đóng hưởng BHXH như hiện nay, thì quỹ hưu trí, tử tuất sẽ mất cân đối trong dài hạn.

Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế và Ngân hàng Thế giới đều kết luận rằng, sau năm 2023, thì quỹ hưu trí - tử tuất của Việt Nam sẽ rơi vào trạng thái thu thấp hơn chi, phải dùng kết dư để chi trả; đến năm 2034 phần kết dư sẽ hết và phải dùng ngân sách nhà nước để bù đắp. Do vậy, phải tăng tuổi nghỉ hưu, thực chất là kéo dài thời gian đóng BHXH, rút ngắn thời gian hưởng để đảm cân đối quỹ hưu trí - tử tuất.

Không phải để tránh “vỡ quỹ BHXH”, không lo mất cơ hội của người trẻ

Với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, dư luận có ý kiến cho rằng đây có thể là cách để phòng ngừa việc vỡ quỹ BHXH. Nhưng theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nói tăng tuổi nghỉ hưu để tránh “vỡ quỹ BHXH” là chưa chính xác. Bởi lẽ, để tránh vỡ quỹ BHXH, thì phải sử dụng nhiều giải pháp, chẳng hạn như: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH; chống thất thu quỹ BHXH; tăng cường công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ BHXH; cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công nghệ thông tin, tiết kiệm chi phí quản lý quỹ. Sử dụng các hình thức đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH có hiệu quả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH, giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH.

Còn theo ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, những ý kiến phản đối tăng tuổi nghỉ hưu vì lo người trẻ sẽ mất cơ hội việc làm. Nhưng đây là ý kiến sai lầm. Bởi ông Giang cho rằng, tăng trưởng kinh tế là yếu tố quan trọng nhất giúp việc tăng tuổi hưu không gặp “sốc” về việc làm, giúp cho không chỉ lao động trẻ mà cả lao động cao tuổi cũng có cơ hội việc làm. Do đó, không có chuyện thay thế trong các vị trí công việc (người trẻ thay thế người già).

Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ cho phép người cao tuổi làm việc lâu dài hơn và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế

Bên cạnh đó, xu thế và loại hình việc làm của lao động trẻ có thể rất khác với lao động cao tuổi nên không có tính loại trừ, chưa kể một số ngành thậm chí còn trở nên thiếu hụt lao động khi lao động nghỉ hưu hàng loạt (nhất là trong những ngành cần lao động có trình độ, kỹ năng như giáo dục, y tế, chế tạo…).

Cũng theo ông Phạm Trường Giang, tăng tuổi nghỉ hưu để phù hợp với sự thay đổi về nhân khẩu học khi tỷ lệ sinh ở Việt Nam đang giảm (những năm 1960, một phụ nữ thường sinh 6 con, thì tới năm 2010, một phụ nữ bình quân chỉ sinh 2 con). Do vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu (cùng với các chính sách khác) không chỉ giúp nâng cao chất lượng hưu trí cho người thụ hưởng mà còn giúp chia sẻ gánh nặng đóng góp cho quỹ hưu trí với lực lượng lao động trẻ sau này.

Tăng tuổi hưu cũng phù hợp với tốc độ già hóa dân số của Việt Nam, thuộc nhóm nhanh nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Giang cũng khuyến nghị việc điều chỉnh tuổi hưu phải được thực hiện có lộ trình nhưng phải quyết định mau lẹ, tránh ảnh hưởng tới thị trường lao động trong tương lai.

Tăng tuổi hưu không áp dụng chung với mọi đối tượng

Giữa tuần qua tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 4/2018, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cũng cho biết cơ quan này đang tính toán thời điểm mất cân đối thu chi quỹ hưu trí (nếu không thực hiện cải cách BHXH) và khẳng định không có chuyện đến năm 2025 là mất cân đối quỹ này.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) bắt đầu giảm sâu từ năm 2030 nên cần chọn thời điểm tăng dần tuổi hưu sớm để đảm bảo sự cân đối lực lượng lao động.

Việc tăng tuổi hưu không áp dụng chung với mọi đối tượng mà phải được cân nhắc vấn đề sức khỏe của người lao động, phân loại ngành, nghề và sử dụng tuổi hưu linh hoạt trong một khoảng tuổi nào đó. Nếu lao động không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc thì năng suất lao động có thể thấp hơn mức lương thực tế sẽ gây bất lợi về mặt kinh tế và sức khỏe người lao động.

Còn tại một phiên họp của Hội đồng Lý luận Trung ương hồi tháng 03/2018, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (thành viên Hội đồng) cho rằng, đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam quyết định việc điều chỉnh nâng tuổi hưu. Trong khi đó, TS. Changhee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam cũng cho rằng Việt Nam phải nhanh chóng và quyết đoán điều chỉnh lương hưu ngay lúc này./.

Đề cập đến đề án Cải cách chính sách BHXH trong phát biểu khai mạc Hội nghị TƯ 7 (ngày 07/05/2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, BHXH, bao gồm các chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thất nghiệp... là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, nhạy cảm về chính trị - kinh tế - xã hội.

Tại Hội nghị, Tổng bí thư đề nghị Trung ương trao đổi, thống nhất về chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội trong thời gian tới. Trong đó tập trung xác định, làm rõ những quan điểm, mục tiêu đổi mới; nội dung cải cách, nhất là các vấn đề như: mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Đồng thời, bảo đảm cân đối tài chính BHXH trong dài hạn; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội.

Tham khảo từ nguồn:

https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/de-xuat-tang-tuoi-huu-khong-phai-vi-lo-vo-quy-bao-hiem-xa-hoi-3744937.html

https://vov.vn/xa-hoi/tang-tuoi-nghi-huu-co-tranh-duoc-vo-quy-bhxh-756412.vov

http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tong-bi-thu-dieu-chinh-tuoi-huu-phu-hop-voi-tinh-hinh-moi-449542.html#inner-article

https://laodong.vn/cong-doan/tang-tuoi-nghi-huu-nhieu-lao-dong-se-co-luong-huu-rat-thap-605174.ldo

http://baochinhphu.vn/Bao-hiem-xa-hoi/Da-toi-luc-phai-dieu-chinh-tang-tuoi-huu/335792.vgp