Ngày 16/3, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Thẩm định Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì hội nghị. Ảnh: Moc.gov.vn

Cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Đây là công cụ quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn theo đúng định hướng lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để Hà Nội phát triển tương xứng với vị thế, vai trò của một Thủ đô.

Đến nay, việc tổ chức thực hiện quy hoạch đã được hơn 12 năm, có nhiều yếu tố mới tác động như Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; một số quy định pháp luật có liên quan được sửa đổi, bổ sung; các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp vùng, đô thị có những định hướng phát triển mới… Những yếu tố này đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô sao cho phù hợp.

Trên cơ sở đó, UBND Thành phố Hà Nội đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065 tại Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16/6/2023.

Căn cứ vào quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, Nhiệm vụ được Thủ tướng phê duyệt, UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô theo trình tự, quy định pháp luật. Đồ án đang được Hà Nội triển khai đồng thời với dự án Luật Thủ đô sửa đổi và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về phía Bộ Xây dựng, Bộ đã có Quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ, hướng dẫn trong việc lập các Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội; tham gia đóng góp ý kiến cho Đồ án quy hoạch.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Hồ sơ Đồ án đã được Bộ Xây dựng thực hiện lấy ý kiến các Bộ, ngành, hiệp hội, hội nghề nghiệp, đồng thời tham gia góp ý thẩm định. Các ý kiến đóng góp bằng văn bản cũng như trực tiếp đã được UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Đồ án. Về cơ bản, Đồ án đáp ứng được nội dung theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị.

Mục tiêu là phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và xanh

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trình bày tóm tắt quá trình tổ chức triển khai Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia đã báo cáo nội dung của Đồ án quy hoạch.

Theo đó, phạm vi nghiên cứu là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, với 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 01 thị xã với quy mô khoảng 3.359,84km2.

Mục tiêu điều chỉnh nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và xanh; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Xây dựng Thủ đô Hà Nội có tổng thể không gian phát triển năng động, hòa nhập, khai thác các giá trị tiềm năng của vùng địa lý cảnh quan tự nhiên, tiềm năng về tri thức - công nghệ và lịch sử văn hóa truyền thống. Hiệu quả trong sử dụng đất đai và có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững; Nghiên cứu đề xuất các giải pháp quy hoạch nhằm cụ thể các định phát triển Thủ đô theo mô hình đô thị thông minh, thành phố sáng tạo, phát triển xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Về mô hình, cấu trúc đô thị, cấu trúc không gian xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển theo cấu trúc vùng đô thị lớn, khai thác 5 không gian (không gian xây dựng; không gian sinh thái; không gian văn hóa; không gian số; không gian ngầm), hình thành cấu trúc vành đai và hướng tâm gồm 1 trọng tâm, 3 vành đai, 8 trục hướng tâm, 9 vùng liên huyện.

Hà Nội tập trung phát triển các trục không gian chính, trong đó có trục không gian sông Hồng. Khu vực này sẽ được phát triển theo hướng là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, phát triển đô thị, công viên sinh thái hai bên sông, trị thủy, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông, du lịch hai bên sông. Liên kết vùng dựa trên yếu tố khai thác tối ưu hệ thống giao thông đường thủy, tạo động lực mới về du lịch, kết nối văn hóa, hành trình di sản dọc sông Hồng.

Hà Nội cũng định hướng quy hoạch Cảng hàng không thứ 2 của Thủ đô, công suất dự kiến khoảng 50 triệu hành khách/năm…

Thẩm định Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: moc.gov.vn

Thay mặt lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Đức Tuấn làm rõ thêm các nội dung liên quan đến 5 trục không gian phát triển, trong đó nhấn mạnh trục sông Hồng, sông Đuống; việc quy hoạch sân bay thứ hai để bổ trợ cho sân bay quốc tế Nội Bài; chuẩn hóa các chỉ tiêu sử dụng đất…

Thành phố và đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trên cơ sở tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định để hoàn thiện nội dung Đồ án.

Cần rà soát, bổ sung các chỉ tiêu quy hoạch đô thị cho giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị Thành phố Hà Nội cần làm rõ quan điểm, mục tiêu của việc điều chỉnh quy hoạch, nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị. Đồ án phải đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, Quy hoạch Thủ đô đang được lập đồng thời; thể hiện rõ các cấp độ quy hoạch.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần rà soát, bổ sung các chỉ tiêu quy hoạch đô thị cho giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, phù hợp với định hướng phát triển giai đoạn 2021 – 2030; Thể hiện rõ vai trò, vị thế trong mối liên kết vùng của Thủ đô, trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, trong hệ thống đô thị quốc gia, quốc tế.

Đồ án cần rà soát, đánh giá đầy đủ, nhất là chức năng sử dụng đất, tập trung vào đất xây dựng đô thị; đánh giá việc thực hiện quy hoạch theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg trong triển khai, đầu tư xây dựng đô thị thời gian qua.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Hà Nội phải làm rõ: Cơ sở dự báo, tính toán kỹ quy mô dân số; Định hướng, mô hình cấu trúc đô thị; Định hướng phát triển thành phố thuộc Thủ đô, các đô thị vệ tinh; Định hướng cải tạo, tái thiết đô thị, phát triển không gian, trục cảnh quan; Phục hồi cảnh quan môi trường, hệ thống hồ, nghiên cứu cụ thể trục văn hóa Hồ Tây – Ba Vì; Phát triển hành lang xanh, nêm xanh; Kiểm soát chặt chẽ việc đô thị hóa; Bổ sung định hướng phát triển, quản lý nông thôn.

Hà Nội cần lưu ý thêm về mô hình TOD, cảng hàng không thứ hai, các vấn đề liên quan đến giao thông đô thị, phát triển hạ tầng, xác định cốt nền đô thị…; Làm rõ thêm về đánh giá, triển khai quy hoạch không gian ngầm; định hướng quy hoạch sử dụng đất…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị UBND Thành phố Hà Nội sớm hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền tiếp theo./.