Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đặc biệt là cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã dành rất nhiều tâm huyết và sự hỗ trợ cho các Mạng lưới thành phần tại các nền kinh tế trên thế giới. Việc thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc), theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, là sự kiện có ý nghĩa, đánh dấu bước phát triển mới của cộng đồng trí thức người Việt tại Đài Loan (Trung Quốc) để tham gia đóng góp trực tiếp cho các hoạt động đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. “Tôi đánh giá cao sự tích cực của các chuyên gia, trí thức tại Đài Loan (Trung Quốc) trong việc hình thành tổ chức của Mạng lưới, trở thành một bộ phận của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam”, ông nói.

Thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Đài Loan - VIN Taiwan
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Lễ ra mắt VIN Taiwan

Gợi mở 5 mảng hoạt động cho VIN Taiwan

Thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Đài Loan - VIN Taiwan
Các đại biểu tham dự trực tuyến tại đầu cầu Đài Loan

Chia sẻ tại Lễ ra mắt VIN Taiwan, ông Trần Duy Đông cho biết, hệ thống đổi mới sáng tạo Việt Nam đang từng bước được phát triển, với chủ trương lấy doanh nghiệp là trung tâm, viện-trường là chủ thể nghiên cứu mạnh. Như vậy, còn rất nhiều nhiệm vụ, lĩnh vực và hoạt động đổi mới sáng tạo cần sự tham gia tích cực của các chuyên gia, trí thức người Việt trên thế giới, nhằm huy động, phát huy trí tuệ và năng lực của các bạn trẻ, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Với VIN Taiwan, Thứ trưởng gợi mở một số hoạt động cụ thể để góp sức tích cực vào công cuộc đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Thứ nhất, VIN Taiwan cần đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ của Đài Loan (Trung Quốc), chủ động nắm bắt, cập nhật công nghệ mới, quy trình tiên tiến của doanh nghiệp, tập đoàn, tham gia vào các hoạt động tư vấn, hỗ trợ quá trình chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp Đài Loan.

Thứ hai, đối với nhiệm vụ Bộ đang triển khai, đề nghị Mạng lưới tham gia đề xuất, giới thiệu, đánh giá về công nghệ, kỹ thuật, hạ tầng cho đề án quy hoạch khu cơ sở kỹ thuật, ươm tạo DN tại Hòa Bình, do đối tác Đài Loan (Trung Quốc) là đơn vị tư vấn. Mạng lưới thông qua Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để phối hợp đánh giá, thẩm định và giới thiệu những công nghệ, doanh nghiệp, tập đoàn tham gia đầu tư tại đây.

Thứ ba, Mạng lưới kết nối các chuyên gia chuyển đổi số để tham gia các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổ số giai đoạn 2021-2025.

Thứ tư, Mạng lưới giới thiệu các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ tham gia Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo hàng năm.

Thứ năm, Mạng lưới cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động; báo cáo, phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để triển khai các kết nối thiết thực, tổ chức các hoạt động có chất lượng.

Quả ngọt từ kết nối sức mạnh đổi mới sáng tạo

Thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Đài Loan - VIN Taiwan
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC)

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao về phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Quyết định thành lập số 1269 ngày 02/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã tập trung phát triển, mở rộng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thành lập. Mạng lưới nhằm quy tụ trí thức, chuyên gia người Việt trên thế giới để đóng góp, tham gia thúc đẩy các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Hiện nay, Mạng lưới đã có 05 Mạng lưới thành phần tại Đức, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và Châu Âu với hơn 1000 thành viên từ hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là những trí thức tiêu biểu, hoặc những chuyên gia Việt Nam có nhiều năm làm việc tại các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn các nước. Như vậy, Mạng lưới không chỉ thu hút, quy tụ những người Việt xuất sắc về nghiên cứu học thuật mà còn những chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại các nước phát triển.

Cũng theo ông Huy, trong thời gian qua, nhiều kết quả từ Mạng lưới ngày càng rõ nét như kết nối các kỹ sư hàng đầu về pin điện, điện hóa tại Nhật Bản, Hoa Kỳ tham gia sản xuất pin điện cho Tập đoàn VinFast; hỗ trợ nhóm các chuyên gia về gene, AI là thành viên Mạng lưới thành lập Trung tâm giải mã Gene lớn nhất ĐNA đặt tại Trung tâm NIC; Hỗ trợ anh Hùng Trần, CEO Got It - thành viên Mạng lưới, xây dựng nền tảng đào tạo STEAM trực tuyến và miễn phí cho hàng chục nghìn học sinh cấp 2, cấp 3 tại Việt Nam; Mạng lưới đổi mới sáng tạo tại Nhật Bản VJOIN đã tổng hợp, xây dựng Tuyển tập giới thiệu công nghệ Nhật Bản với hơn 40 đề tài, giải pháp công nghệ mới, có tính thực tiễn cao của Nhật Bản. Trong đợt dịch vừa qua, các thành viên Mạng lưới tại Mỹ, châu Âu đã tổ chức quyên góp hàng trăm nghìn khẩu trang N95 và nhiều thiết bị y tế để tặng cho các bệnh viện tuyến đầu. Ngoài ra còn rất nhiều thành viên Mạng lưới đã và đang tích cực tham gia các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế...

Ông Huy ghi nhận, việc thành lập Mạng lưới Vin Taiwan là một nỗ lực lớn của các bạn trẻ là trí thức, chuyên gia tại đây và sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc trong việc kết nối, quy tụ nhiều chuyên gia, tri thức tham gia Mạng lưới. “NIC tin tưởng rằng đây là những bước đầu tiên vững chắc để chúng ta có thể cùng nhau đóng góp, mang lại những kết quả cụ thể nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong những năm tới. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục là cơ quan bảo trợ, phối hợp và liên kết các hoạt động của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và tri thức Việt Nam tại Đài Loan cũng như các Mạng lưới thành phần khác để quy tụ và phát huy nguồn lực tri thức vô cùng lớn của người Việt trên toàn cầu”, Giám đốc NIC khẳng định.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trên nền tảng khoa học và đổi mới

Thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Đài Loan - VIN Taiwan
Các đại biểu tham dự Lễ ra mắt VIN Taiwan tại đầu cầu Đài Loan (Trung Quốc)

Chia sẻ tầm nhìn dài hạn trong phát triển Đất nước với các đại biểu tham dự Lễ ra mắt VIN Taiwan, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 xác định cần phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mục tiêu phát triển giai đoạn tới là tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai nhiều nội dung, công việc như: Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Đề xuất thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; Thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam...

Thứ trưởng cũng cho biết, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trực tiếp thực hiện các đề án, nhiệm vụ cụ thể về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số như: (1) Triển khai chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp đến năm 2025; (2) Xây dựng trụ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Hoà Lạc và một Khu cơ sở kỹ thuật & ươm tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực phía Bắc tại Hoà Bình; đặc biệt (3) Vận hành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia với chức năng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, xây dựng Mạng lưới ĐMST nhằm quy tụ trí thức, chuyên gia trên toàn cầu tham gia và đề xuất hoạt động đổi mới sáng tạo cho Việt Nam; (4) Tổ chức Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam hàng năm nhằm kết nối, giới thiệu những công nghệ, giải pháp mới, những sản phẩm, quy trình đổi mới sáng tạo tiên tiến của thế giới tại Việt Nam.

Được biết, tại Quyết định số 2289/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã quy định những mục tiêu lớn trong tầm nhìn 5 năm, 10 năm tới. Về đổi mới sáng tạo, Thủ tướng đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ duy trì xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN; kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam duy trì xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của WIPO thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm; hoàn thành xây dựng Chính phủ số… Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những mục tiêu trên đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các bộ, ngành, các chủ thể trong nền kinh tế, cùng quyết tâm thực hiện một cuộc cách mạng công nghiệp thực sự, mang lại sự đổi thay mạnh mẽ cho Đất nước./.

Công bố thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu Công bố thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu

Lễ công bố thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu vừa diễn ra tại Thủ đô Paris, Pháp với ...

Học người Pháp cách Học người Pháp cách "ươm mầm" phát triển các công ty toàn cầu

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng Đoàn công tác ...

Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam

Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030. Báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” ...