Thanh toán điện tử: Tiện lợi sao vẫn chưa được như kỳ vọng?
Thị trường tiềm năng, bước phát triển lớn
Tại Việt Nam hiện nay, với trên 40 triệu người sử dụng dịch vụ 3G, trong đó phần lớn là những người trẻ tiếp cận rất nhiều ứng dụng. Các giải pháp công nghệ đều có thể đáp ứng yêu cầu của người sử dụng cả về độ thuận tiện cũng như mức độ chi phí. Những điều này thực sự là “mảnh đất” thuận lợi cho thanh toán điện tử lớn mạnh. Hiện nay người dân đang có rất nhiều giao dịch, có những giao dịch trực tiếp với Nhà nước, có những giao dịch thông qua những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công, như: điện, nước, khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm…
Thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho thấy, nếu năm 2013, doanh số giao dịch thương mại điện tử chỉ đạt hơn 2 tỷ USD, năm 2014 đạt gần 3 tỷ USD, thì năm 2015, con số này có thể tăng tới 4,13 tỷ USD.
Nếu so sánh trên thị trường bán lẻ, năm 2011, thương mại điện tử chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chưa tới 1% tổng doanh số bán lẻ tại Việt Nam (154 triệu USD/60 tỷ USD). Đến cuối năm 2016, dự kiến tỷ trọng này sẽ tăng gần gấp 3 lần, đạt 0,71% với giá trị vốn hóa tăng gấp 6 lần, đạt trên 900 triệu USD cho thấy thị trường thanh toán trực tuyến nói riêng và thương mại điện tử ở Việt Nam rất tiềm năng.
Mới đây, ngày mua sắm trực tuyến Online Friday (04/12/2015), do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử tổ chức đã thu hút hơn 1,1 triệu lượt truy cập vào website của chương trình; trong đó có trên 8 triệu lượt xem sản phẩm. Hơn 2.000 doanh nghiệp tham gia với trên 63.500 đầu sản phẩm khuyến mãi, đem lại tổng doanh thu khoảng 500 tỷ đồng, gấp 3 lần năm ngoái, cho thấy mua sắm qua mạng và thương mại điện tử đang ngày càng được quan tâm ở Việt Nam.
Rào cản còn nhiều
Tuy nhiên, cũng theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, phần doanh thu đến từ thanh toán trực tuyến lại khá hạn chế chỉ khoảng 5%.
Theo nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015) tổ chức ngày 16/12 vừa qua, dù đã đưa ra nhiều chương trình cải cách hành chính, thương mại điện tử có phát triển nhanh, thanh toán điện tử còn thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng giữa Chính phủ với doanh nghiệp, giữa Chính phủ với người dân hay giữa các doanh nghiệp.
Ông Vũ Đức Đam cũng đặt câu hỏi cho quá trình phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam. Phải chăng thanh toán tiền mặt truyền thống đã trở thành thói quen khiến thanh toán điện tử khó làm thay đổi?
Phó Thủ tướng cho rằng, thói quen thanh toán bằng tiền mặt ảnh hướng rất lớn đến quốc tế dân sinh, nếu chúng ta thay đổi thói quen này thì đất nước sẽ phát triển nhanh hơn, không chỉ về GDP mà còn góp phần làm minh bạch hóa để phòng và chống tham nhũng, lãng phí.
Trong khi đó, dẫn lời bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam trên báo điện tử VOV, con đường đến với thương mại điện tử ở nước ta còn nhiều gập ghềnh, nhiều rào cản và bất cập. Trong đó, thanh toán điện tử là một vấn đề nổi cộm và có lẽ là vấn đề cần quan tâm nhất của kinh doanh thương mại điện tử.
Bà Loan cho rằng, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn là cản trở lớn nhất đối với thương mại điện tử Việt Nam. 90% doanh số thanh toán thẻ hiện nay là giao dịch tại các máy ATM, trong đó doanh số rút tiền mặt chiếm hơn 85%, doanh số chuyển khoản chiếm gần 14%, doanh số thanh toán tại đơn vị chấp nhận thẻ hơn 1,07%. Do đó, mong muốn về một xã hội không tiền mặt, một nền kinh tế phi tiền mặt vẫn còn là ước mơ xa vời.
Cũng theo bà Loan, nhiều người vẫn thiếu lòng tin, tâm lý lo ngại rủi ro khi sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử. Hoạt động thương mại điện tử nói chung và thanh toán trực tuyến nói riêng tại Việt Nam hiện nay còn gặp khá nhiều trở ngại do sự thiếu tin tưởng của người tiêu dùng. Đây là tâm lý khá phổ biến khi khách hàng còn có cảm giác sợ bị lừa, hoặc cảm thấy rủi ro khi mua hàng và đặc biệt khi thanh toán trực tuyến...
Mặt khác, hiện nay vẫn chưa có các chính sách, cơ chế cụ thể, mạnh mẽ nhằm khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ thanh toán điện tử phổ cập và phát triển, nhất là khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp, các hộ và cá nhân kinh doanh bán lẻ trong triển khai thanh toán điện tử, thuyết phục khách hàng/người tiêu dùng.
Đảm bảo quyền lợi, tạo lòng tin của người tiêu dùng
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, muốn đẩy mạnh thanh toán điện tử, “chúng ta dần phải có sự phối hợp và kết nối giữa tất cả các bên, bằng những chính sách hết sức thiết thực và cụ thể từ các cơ quan chức năng tạo cơ sở pháp lý. Một mặt chúng ta hướng đến việc giảm thanh toán bằng tiền mặt, một mặt tạo cơ chế khuyến khích thanh toán điện tử ngày càng rộng rãi hơn”.
“Việc khuyến khích này không phải bắt đầu bằng giải pháp công nghệ, không chỉ bắt đầu bằng giảm phí dịch vụ mà chắc chắn phải bắt đầu từ việc tuyên truyền làm cho mọi người dân biết và thay đổi thói quen”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ.
Trong khi đó, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong thanh toán điện tử, cần nâng cao nhận thức của người dân/người tiêu dùng và các nhà bán lẻ về lợi ích, về hiệu quả của thanh toán điện tử. Qua đó khôi phục lòng tin của khách hàng/người tiêu dùng vào thương mại điện tử và thanh toán điện tử.
Về phía Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, cần có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa khuyến khích doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng làm quen cũng như tiến tới hạn chế tới mức tối đa sử dụng tiền mặt. Các ưu đãi hoạt động thanh toán điện tử như hoàn thuế, khấu trừ thuế cho các giao dịch thanh toán điện tử để thúc đẩy thanh toán qua thẻ cần được khuyến khích
“Cần giảm tối đa phí cho nhà bán lẻ để tạo thuận lợi cho việc thu hút khách hàng thanh toán điện tử, tránh tâm lý e ngại phải trả thêm phí trên doanh số thanh toán cho ngân hàng. Thanh toán điện tử không chỉ tập trung vào hệ thống bán lẻ hiện đại mà cần được quan tâm đẩy mạnh ở hệ thống bán lẻ truyền thống và thị trường bán lẻ nông thôn. Các ngân hàng và các nhà bán lẻ cần hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau để có các giải pháp thanh toán điện tử hỗ trợ cho các nhà bán lẻ ở các phân khúc khác nhau”, bà Loan nêu giải pháp.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh hiến kế, cần có sự kết nối, tích hợp tốt hơn giữa các website thương mại điện tử với các dịch vụ thanh toán trực tuyến của các ngân hàng. Để khi người tiêu dùng có thể trả tiền trực tuyến dễ dàng, thuận lợi và an toàn thì thanh toán điện tử tự khắc sẽ phát triển sâu rộng.
Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc Công ty CP chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn) cho rằng, quan trọng là cần mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ. Bởi hiện thị trường có khoảng 200.000 máy POS được lắp đặt nhưng chỉ khoảng 50.000 - 60.000 điểm chấp nhận thẻ là rất hạn chế để người dân thanh toán qua hình thức này./.
Tham khảo từ các nguồn:
http://vov.vn/kinh-te/thuc-hien-thanh-toan-dien-tu-gdp-quoc-gia-se-tang-ngay-1-460037.vov
http://vov.vn/kinh-te/thanh-toan-dien-tu-van-so-bi-lua-460117.vov
http://baocongthuong.com.vn/tim-giai-phap-thuc-day-thanh-toan-dien-tu-tai-viet-nam.html
Bình luận