Cụ thể là, về nông nghiệp, vụ lúa đông xuân năm 2021 cả nước gieo cấy được 3.007,5 nghìn ha, bằng 99,4% năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.087,1 nghìn ha, bằng 99%; các địa phương phía Nam đạt 1.920,4 nghìn ha, bằng 99,7%. Diện tích lúa đông xuân năm nay giảm 16,8 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước, các địa phương phía Bắc giảm 10,8 nghìn ha, các địa phương phía Nam giảm 6 nghìn ha.

Thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Cùng với thu hoạch lúa đông xuân, đến trung tuần tháng Năm, các địa phương phía Nam gieo trồng được 875 nghìn ha lúa hè thu, bằng 97,2% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 803,3 nghìn ha, bằng 99,7%. Tiến độ gieo trồng lúa hè thu năm nay chậm do vụ lúa đông xuân gieo trồng và thu hoạch theo khung thời vụ muộn hơn năm trước.

Tính đến giữa tháng Năm, cả nước gieo trồng được 451,8 nghìn ha ngô, bằng 99,3% cùng kỳ năm trước; 73,1 nghìn ha khoai lang, bằng 95,4%; 16,3 nghìn ha đậu tương, bằng 87,2%; 121,1 nghìn ha lạc, bằng 96,3%; 649,9 nghìn ha rau đậu các loại, bằng 101,3%.

Về chăn nuôi, Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò đang diễn biến phức tạp, dịch bệnh đã xảy ra tại 28 địa phương. Để công tác kiểm soát dịch bệnh được kịp thời, hiệu quả, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người chăn nuôi, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Ước tính tổng số trâu của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 5/2021 giảm 2,8% so với cùng thời điểm năm 2020; tổng số bò tăng 2%. Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được kiểm soát tốt, chỉ còn phát sinh những ổ dịch nhỏ lẻ. Tính đến ngày 24/5/2021, cả nước không còn dịch tai xanh ở lợn và dịch cúm gia cầm; dịch lở mồm long móng còn ở Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Kon Tum, Phú Yên; dịch tả lợn châu Phi còn ở 30 địa phương và dịch viêm da nổi cục còn ở 27 địa phương chưa qua 21 ngày.

Về lâm nghiệp, tháng 5/2021, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước đạt 26,5 nghìn ha, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,6 triệu cây, tăng 0,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.783,5 nghìn m3, tăng 6,8%; sản lượng củi khai thác đạt 2 triệu ste, bằng cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác cao tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung như: Nghệ An 160,4 nghìn m3, tăng 9,7% so với tháng 5/2020; Bình Định 140,2 nghìn m3, tăng 11,6%; Thừa Thiên - Huế 56,4 nghìn m3, tăng 40,2%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, trên cả nước diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 88,5 nghìn ha, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 41,6 triệu cây, tăng 2,5%; sản lượng gỗ khai thác đạt 5.943,4 nghìn m3, tăng 5,4%; sản lượng củi khai thác đạt 8 triệu ste, giảm 0,1%. Tuy nhiên, trong tháng này, cả nước nghi nhận 107,9 ha rừng bị thiệt hại, giảm 29,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm diện tích rừng bị cháy là 31,6 ha, giảm 37,3%, các địa phương có diện tích rừng bị cháy cao là Đắk Lắk 12 ha, Quảng Ngãi 5 ha, Quảng Bình 4,8 ha, Thừa Thiên - Huế 4,3 ha.

Về thủy sản, sản lượng thủy sản tháng Năm ước tính đạt 782,8 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 570,6 nghìn tấn, tăng 3%; tôm đạt 106 nghìn tấn, tăng 11,2%; thủy sản khác đạt 106,2 nghìn tấn, tăng 4,2%. Ước tính tháng 5/2021, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 417 nghìn tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 279,1 nghìn tấn, tăng 4,6%; tôm đạt 93 nghìn tấn, tăng 12,9%; thủy sản khác đạt 44,9 nghìn tấn, tăng 8,5%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản ước đạt 3.267,7 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 1.686,9 nghìn tấn, tăng 3,7%; sản lượng khai thác đạt 1.580,8 nghìn tấn, tăng 1,4% (sản lượng khai thác biển đạt 1.510,2 nghìn tấn, tăng 1,5%)./.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong điều kiện thuận lợi Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp Quý I/2020: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức