Thị trường 2.200 tỷ USD tiền số

Tiền số năm 2021: Tăng trưởng ấn tượng và nỗi lo “bốc hơi”
Đồng Binance Coin tăng 1.344% trong năm 2021 và chiếm khoảng 4% thị trường tiền số

Những người ủng hộ Bitcoin tiếp tục đánh cược vào khả năng đồng tiền này chạm mức 100.000 USD trong vài năm tới, nhưng các nhà đầu tư tổ chức đang bắt đầu xem bitcoin là một loại tài sản có độ rủi ro cao. Cụ thể, Bitcoin đã tăng 73% trong năm 2021, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 23%, còn giá vàng, vốn được xem là một công cụ truyền thống để phòng trừ rủi ro lạm phát, lại giảm 7%.

Trong khi đó, đồng tiền kỹ thuật số lớn thứ hai thế giới là Ethereum tăng đến 455% giá trị bất chấp sự mới nổi của các đồng tiền số mới đây, từ đó nâng thị phần của Ethereum trên toàn thị trường lên 20% trong năm 2021.

Binance Coin tăng 1.344% trong năm nay và chiếm khoảng 4% thị trường tiền số. Ethereum giảm 2,8% xuống 3.690 USD trong phiên sáng 30/12, trong khi đồng Binance Coin giảm 3,7% xuống 517 USD.

Giá trị vốn hóa toàn cầu của thị trường tiền kỹ thuật số đã có thời điểm giảm 1,54% trong phiên giao dịch ngày 30/12, tức để mất hơn 25% giá trị kể từ khi xác lập mức cao kỷ lục 3.000 tỷ USD vào đầu tháng 11.

IMF: Tiền số có thể mở đường cho hoạt động trái phép

Tiền số năm 2021: Tăng trưởng ấn tượng và nỗi lo “bốc hơi”

Dữ liệu do IMF thu thập cho thấy, từ tháng 9/2021, tổng giá trị thị trường của tất cả các tài sản kỹ thuật số đã vượt trên 2.000 tỷ USD, tăng gấp 10 lần so với mức ghi nhận được hồi đầu năm 2020.

Một trong những vấn đề mà IMF đã nhấn mạnh đó là ngày càng có nhiều nhà đầu tư và các tổ chức tài chính đang giao dịch loại tài sản "thiếu các thông lệ vận hành, quản trị và rủi ro lớn”. Trong bối cảnh đó, IMF cho rằng người tiêu dùng đang gặp rủi ro.

Ngoài ra, IMF tin rằng các tài sản kỹ thuật số đang tạo ra một số "khoảng trống dữ liệu" và "có thể mở đường cho các hoạt động trái phép như rửa tiền hay tài trợ khủng bố".

Các tổ chức khác đang kêu gọi hành động nhiều hơn để giúp cho hoạt động đầu tư này trở nên an toàn. Tiền kỹ thuật số có thể là một chủ đề gây chia rẽ, khi một số người cho rằng chúng là tương lai của tiền tệ, còn một số khác quan ngại về sự rủi ro của nó.

FCA: Tiền số có nguy cơ tự dưng bốc hơi

FCA, Cơ quan quản lý tài chính của Vương quốc Anh, đã cảnh báo về mối liên hệ giữa phương tiện truyền thông xã hội và các khoản đầu tư tiền kỹ thuật số. Trong một bài phát biểu hồi tháng 9/2021, Charles Randell, chủ tịch FCA, cho biết, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội thường được những kẻ lừa đảo trả tiền để giúp họ “bơm và bán” các tài sản kỹ thuật số mới dựa trên sự đầu cơ đơn thuần. Một số người có ảnh hưởng đã quảng bá những đồng xu ảo không có thật.

Một vấn đề khác đối với các nhà hoạch định chính sách là những người trẻ tuổi rất quan tâm đến thị trường này và thường đầu tư lần đầu tiên vào tiền kỹ thuật số thông qua sử dụng các khoản vay và thẻ tín dụng.

Theo số liệu do FCA công bố, khoảng 2,3 triệu người tại Anh sở hữu tiền kỹ thuật số. 14% trong số đó sử dụng thẻ tín dụng để mua chúng và 12% nghĩ rằng, họ sẽ được FCA bảo vệ nếu sự cố xảy ra. Tuy nhiên, FCA cho biết họ không có trách nhiệm làm việc này.

Cuộc thăm dò ý kiến trong tháng 7/2021, có sự tham gia của 1.000 người trong độ tuổi từ 18 đến 29 ở Vương quốc Anh, cho thấy, 27% người trả lời cho biết họ đã sử dụng thẻ tín dụng để đầu tư vào đồng tiền kỹ thuật số Dogecoin, 17% sử dụng khoản vay sinh viên của họ và 12% cho biết họ sử dụng các loại khoản vay khác.

Điều này có thể trở thành một con dao hai lưỡi khi tài sản kỹ thuật số của họ bỗng dưng “bốc hơi” và các nhà đầu tư lúc này sẽ phải cố gắng trả các khoản vay và tín dụng mà họ đã đem đi đầu tư.

Theo IMF, các cơ quan quản lý quốc gia nên hành động để có các quy tắc chung trên toàn cầu, tăng cường giám sát xuyên biên giới và vì đây là một lĩnh vực mới nên cần thúc đẩy việc tiêu chuẩn hóa dữ liệu.

IMF cho rằng sự phối hợp tốt trên toàn cầu sẽ mang lại nhiều lợi ích, đồng thời giải quyết được các lỗ hổng./.