Ngày 22/01/2016, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức Diễn dàn Chính sách thương mại “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU – EVFTA: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”.

Cơ hội song hành cùng thách thức

Phát biểu tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, hiện nay Việt Nam đã và đang ký kết 15 hiệp định tự do, trong đó, TPP và EVFTA là hai hiệp định có những cam kết cao nhất, rộng mở nhất từ trước đến nay, được thể hiện trên 3 nội dung: (1) xóa bỏ hầu hết các dòng thuế; (2) cho phép tự do kinh doanh; (3) hình thành một luật chơi chung, như: sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, người lao động…

Chính vì vậy, TS. Thành cho biết, với những cam kết trên, doanh nghiệp trong những ngành hàng có lợi thế so sánh sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu, như: giày dép, nội thất, gạo, thủy sản, cà phê... Đồng thời mở ra các cơ hội đầu tư mới trong việc phát triển kết cấu hạ tầng, bất động sản, logistics, trong các lĩnh vực mới nổi, như: công nghiệp xanh; IT và thương mại điện tử; ngành công nghiệp sáng tạo...

Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội có được từ TPP, EVFTA, thì không phải là điều dễ dàng, bởi các rào cản về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh và kiểm soát chất lượng.

Theo ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng dự án Mutrap, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức về quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt từ các nước thành viên TPP và EVFTA. Ví dụ đối với mặt hàng dệt may, thì doanh nghiệp Việt Phải đáp ứng quy tắc xuất xứ từ “vải” trong EVFTA, còn với TPP thì phải đáp ứng quy tắc xuất xứ từ “sợi”.

“Ngoài ra, các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng được các nước này đặc biệt chú trọng”, ông Claudi Dordi cho biết.

Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, thị trường xuất khẩu khó khăn là vậy, song ở thị trường nội địa, các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ khó khăn không kém, bởi phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các doanh nghiệp nước ngoài, trong bối cảnh doanh nghiệp nội địa có trình độ quản lý thấp, công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp.

“Đây là thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, vì các cuộc điều tra cho thấy, khối doanh nghiệp này chỉ chủ yếu hoạt động ở thị trường trong nước”, bà Lan lo ngại.

Để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức!

Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, ông Claudi Dordi cho biết, để có thể xuất khẩu được vào các nước thành viên của TPP và EVFTA, thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc xuất xứ, các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, bởi hai hiệp định này đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn, đảm bảo hàng hóa dịch vụ đầu tư có chất lượng hơn các FTA khác.

“Đối với hàng dệt may, các doanh nghiệp Việt có thể tham khảo việc nhập khẩu vải từ Hàn Quốc, bởi EU cũng có FTA với nước này”, ông Claudi Dordi cho biết.

Còn theo bà Phạm Chi Lan, nút thắt cho việc hội nhập của Việt Nam là vấn đề thể chế. Chính vì vậy, bà Lan kiến nghị, Chính phủ cần tăng cường nội lực để hấp thụ và tận dụng hiệu quả ngoại lực, bằng cách nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước; cải cách triệt để doanh nghiệp nhà nước và phát triển mạnh khu vực tư nhân.

Trong đó, đối với khu vực tư nhân trong nước, Chính phủ cần tập trung vào 3 vấn đề: quyền sở hữu trí tuệ; cạnh tranh bình đẳng và cải cách các thị trường nhân tố, như: vốn, đất, công nghệ… từ đó, biến khu vực tư nhân thành động lực chính để hiện đaị hóa nền kinh tế.

Ngoài ra, còn cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy tăng năng suất toàn diện cho doanh nghiệp, như: năng suất lao động, nguồn lực, tài sản, đất đai…./.