Triển khai gói phục hồi kinh tế, cần chú trọng thanh tra để không xảy ra vi phạm
Để xảy ra lãng phí là có lỗi với nhân dân
“Gói chính sách tài khóa, tiền tệ lần này là gói chính sách bổ sung ngoài khung khổ các kế hoạch trung hạn 5 năm mà Quốc hội đã quyết định và ngoài các chính sách đã quyết định trong năm 2020-2021. Do đó, đòi hỏi quyết định một cách thận trọng…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu vấn đề, khi thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các chính sách nếu không được quyết định đúng và trúng, để xảy ra lãng phí là có lỗi với nhân dân. Ảnh: QH |
Ông Vương Đình Huệ lưu ý, các chính sách nếu không được quyết định đúng và trúng, để xảy ra lãng phí là có lỗi với nhân dân, bởi suy cho cùng nguồn lực thực hiện đều từ tiền thuế của nhân dân. Thời gian thực hiện chỉ có 2 năm, nếu không bảo đảm triển khai nhanh, hiệu quả thì không còn là gói hỗ trợ khẩn cấp nữa. Về cơ bản các chính sách phù hợp theo đúng định hướng, kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ, tác động cả phía cung và phía cầu với quy mô đủ lớn.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc quyết định chính sách mới nằm ngoài khung khổ đã có không phải là không có rủi ro, nên bên cạnh huy động được nguồn lực còn phải phân bổ đúng và trúng, sử dụng hiệu quả, tính khả thi cao. |
“Quy mô của gói này theo giá trị danh nghĩa công bố khoảng 5,25% GDP và tính theo giá trị thực sẽ khoảng 4,28%, cộng với 4% của năm trước, thì tổng mức chi cho phục hồi phát triển kinh tế hơn 8,28% GDP. Đây là mức cao hơn trung bình của các nước xếp hạng thứ 2 và gần gấp đôi mức bình quân của các nước có cùng trình độ phát triển như Việt Nam. Như vậy quy mô gói chính sách đủ lớn, thời gian đủ dài, đưa vốn vào những lĩnh vực có thể giải ngân được ngay tạo hiệu quả cho nền kinh tế. Các quan điểm, nguyên tắc thiết kế chính sách cơ bản đảm bảo…”, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận.
Về nội dung chính sách liên quan đến chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, ông Vương Đình Huệ cho rằng chưa nổi bật. Phần chi từ ngân sách để thúc đẩy các lĩnh vực này trong dự thảo Nghị quyết chưa rõ nét, trong khi định hướng về lâu dài là phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là phải rà soát ngay các vướng mắc trong việc thực hiện quy định về Quỹ Phát triển khoa học công nghệ. Nếu vướng mắc về pháp lý, kể cả vướng luật, thì phải tháo gỡ ngay để cho phép sử dụng được nguồn lực rất lớn đang nằm tại Quỹ này, cho phép doanh nghiệp có thể đầu tư cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Phải gỡ chính sách này một cách căn cơ…
Cần chú trọng thanh tra, giám sát
Góp ý cho dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội lưu ý, việc triển khai cần đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng, có các ưu tiên, phân nhóm cụ thể nội dung cần làm ngay, nội dung cần triển khai từng bước để bảo đảm khả thi. Các chính sách hỗ trợ cần rà soát để có sự tiếp nối, kế thừa các chính sách đã triển khai trước đây; cần chú trọng khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để không xảy ra sai sót, vi phạm, nhất là trong bối cảnh bố trí nguồn lực rất lớn trong khoảng thời gian ngắn. Do đó, đề nghị Chính phủ cần có thêm báo cáo giải trình làm rõ một số nội dung, rà soát các dự án trong chương trình để bảo đảm đúng nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Thảo luận tại Tổ 2 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Hải Dương, Quảng Bình, Gia Lai, Vĩnh Long. Ảnh: QH |
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ lần này là rất nặng nề, vì đây là vấn đề hệ trọng liên quan đến sự phục hồi và phát triển bền vững của đất nước. Do đó, trách nhiệm càng lớn thì càng phải thận trọng, kỹ lưỡng. |
Cho rằng phải có các cơ chế, chính sách khác biệt nhằm bảo đảm giải ngân sớm, hấp thụ nhanh nguồn lực hỗ trợ, ông Vương Đình Huệ yêu cầu phải giữ nguyên tắc, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật, trong đó, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; vấn đề nào đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thì mới trình Quốc hội, UBTVQH. Các chính sách đặc thù phải chỉ rõ địa chỉ cụ thể, quy trình thủ tục rõ ràng mới triển khai trong thực tế được chứ không thể nói chung chung. Tinh thần là Quốc hội ủng hộ cao nhất để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cần chủ động rà soát các vấn đề này.
“Các cơ, chế chính sách thí điểm phải rõ địa chỉ để kiểm soát, cái gì cần sửa luật, thì báo cáo Quốc hội để sửa luật. Nếu có ủy quyền, phân cấp, thì chỉ ủy quyền, phân cấp một cấp, đi liền với đó là trách nhiệm…”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.../.
Bình luận