Triển vọng nền kinh tế Việt Nam: Cuối năm sẽ "sáng" hơn nửa đầu năm?
Sáng 23/7, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWOMEN) phối hợp với Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Dịch COVID-19: Ảnh hưởng và triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam”.
Các diễn giả thảo luận triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam
COVID-19 có thể dẫn tới nguy cơ suy thoái lớn nhất trong nhiều thập kỷ
TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp (NCIF) cho biết, đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, nhanh và mạnh tới kinh tế thế giới và Việt Nam; nguy cơ suy thoái lớn nhất trong nhiều thập kỷ, tăng trưởng sụt giảm nghiêm trọng hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008-2009; hoạt động kinh tế bị dừng đột ngột; thương mại và đầu tư suy giảm; thị trường tài chính thế giới bất ổn; nhiều xu hướng mới về kinh tế, địa chính trị thế giới cũng được hình thành và dự báo sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong thời gian tới, đặc biệt là xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Việc kiểm soát dịch trên toàn thế giới vẫn khó khăn, nhiều nước đối mặt với nguy cơ dịch bùng phát trở lại do mở cửa nền kinh tế quá sớm”, ông Thắng nói.
Ở Việt Nam, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ước chỉ đạt 1,81% (thấp hơn rất nhiều so với mức 6,76% của 6 tháng đầu năm 2019) và là mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây.
Hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn cả đầu vào và đầu ra. Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 62 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 29,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, 19,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, gần 7,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Tiêu dùng cuối cùng tăng trưởng ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2019. Tiêu dùng Chính phủ không có sự đột biến, tỷ lệ giải ngân đạt 48,2% dự toán, tương đương cùng kỳ năm 2019 (48,3%).
Tuy nhiên, tiêu dùng dân cư có sự suy giảm mạnh khi 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ ở mức -5,3% (cùng kỳ năm 2019 là 8,5%); doanh thu dịch vụ du lịch ở mức -53,2%; dịch vụ lưu trú, ăn uống: -18,1%...
Thu hút nguồn vốn FDI giảm và dòng vốn ODA gặp nhiều khó khăn trong giải ngân. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 15,7 tỷ USD (bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019); vốn thực hiện ước tính đạt 8,65 tỷ USD (bằng 95% so với cùng kỳ năm 2019). Hoạt động thương mại gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Hoạt động thu ngân sách gặp nhiều khó khăn trong khi chi ngân sách tăng cao nhằm đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy các hoạt động sản xuất trong nước.
Lũy kế thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm ước đạt 663,9 nghìn tỷ đồng, bằng 43,9% dự toán, giảm 11,1% so cùng kỳ năm 2019 và chi NSNN khoảng 730 nghìn tỷ đồng, đạt 41,8% dự toán, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo NCIF, thiếu việc làm trong nền kinh tế thể hiện thông qua tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ước khoảng 2,47% (cao hơn tỷ lệ 2,16% của cùng kỳ năm trước).
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước khoảng 2,58%. Thu nhập bình quân của người lao động làm công ăn lương trong quý II/2020 là 6,3 triệu đồng/tháng, giảm 732 nghìn đồng so với quý I và giảm 180 nghìn đồng so với quý II/2019.
Giải ngân đầu tư công đang chưa phát huy hiệu quả
Số liệu của TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công, đến nay đã đạt 33% so với dự toán năm 2020 là 470.000 tỷ đồng, tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
“Nhưng, nếu so với con số kế hoạch đề ra trong năm là 700.000 tỷ đồng, thì mới đạt hơn 22%. Có thể thấy, giải ngân đầu tư công đang chưa phát huy hiệu quả trong việc kích thích nền kinh tế hồi phục”, ông Tú Anh chỉ rõ.
Còn ông Lưu Quang Khánh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) đánh giá, dư địa tăng trưởng của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm bị thu hẹp đáng kể.
Cụ thể, trong tình hình này, “mở rộng thị trường”, “thúc đẩy đầu tư”, “kích thích tiêu dùng” là những động lực tăng trưởng. Điểm mấu chốt là về dài hạn cần phải có những giải pháp vượt hơn thường lệ cho trạng thái bình thường mới của nền kinh tế.
Về ngắn hạn, cần lấy tốc độ thực hiện chính sách là phương châm hàng đầu mới có thể sớm đưa nền kinh tế vào ổn định và tiếp tục phát triển.
TS. Trần Toàn Thắng lo ngại rằng, dòng FDI sẽ giảm và phục hồi chậm. Dự báo FDI toàn cầu sẽ giảm 40% trong năm 2020, 5%-10% vào năm 2021, trước khi bắt đầu phục hồi vào năm 2022.
Hình thức đầu tư thay đổi. Khi đó, tỷ lệ các dự án đầu tư qua M&A có thể tăng lên. Dự báo M&A sẽ có thể tăng lên. ODA dự báo giảm. Xúc tiến FDI trên cơ sở của hình thành chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng để tăng tính bền vững.
Trên cơ sở nhận định trên, TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, để có thể vượt khó khăn, Việt Nam cần cải thiện những điểm nghẽn trong thu hút FDI (hạ tầng, lao động, chuỗi cung ứng); Thúc đẩy đầu tư công do tỷ lệ giải ngân vốn chưa có chuyển biến rõ nét; số vốn còn lại phải giải ngân còn lớn.
Triển vọng 6 tháng cuối năm tốt hơn nửa đầu năm
Theo NCIF, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2020 được đánh giá có nhiều triển vọng tốt hơn so với những tháng đầu năm nhờ những nỗ lực của Chính phủ và tác động tích cực từ các chính sách do Chính phủ đã thực thi.
Bên cạnh đó, hiệu ứng tác động tích cực từ các hiệp định thương mại và những lợi thế Việt Nam có được là những yếu tố tác động tích cực tới thương mại và sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như nguy cơ về làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19, những khó khăn về đầu vào và đầu ra của sản xuất trong nước, giải ngân vốn đầu tư công, tâm lý tiêu dùng không ổn định, nguy cơ tiềm ẩn lạm phát và sức ép gia tăng tỷ giá.
Bên cạnh đó, xu hướng giảm tín dụng cho thấy quy mô sản xuất nền kinh tế đang chịu áp lực bị thu hẹp sản xuất.
TS. Trần Toàn Thắng cho biết, kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định, lạm phát đang trong xu thế giảm. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp là cơ sở cho chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng. Không gian chính sách tài khóa và tiền tệ còn rộng là cơ hội cho việc gia tăng tổng cầu.
Tiếp đó là cần thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư trong nước. Để làm được điều này cần xem xét giảm mức thuế VAT trong giai đoạn 2020-2022, giảm VAT sẽ thúc đẩy tiêu dùng vốn đã bị suy giảm do Covid.
“Nếu VAT giảm 1%, thì tổng cầu cuối cùng tăng 0,42 điểm %; GDP tăng 0,13 điểm %; Tiêu dùng tăng 0,23 điểm %. Nếu VAT giảm 2%, thì tổng cầu cuối cùng tăng 0,76 điểm %; GDP tăng 0,23 điểm %; Tiêu dùng tăng 0,42 điểm”, thay mặt nhóm nghiên cứu của NCIF, ông Thắng dẫn số liệu dự báo.
Bên cạnh đó là tiếp tục hạ trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn; giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn vay ngắn hạn sang cho vay trung và dài hạn; đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức trong quý IV/2020 và đầu năm 2021.
Đồng thời, thực hiện điều chuyển vốn sang các dự án có tốc độ giải ngân nhanh. Theo tính toán, ở kịch bản giải ngân theo kế hoạch 2020 (470,6 nghìn tỷ đồng), nếu giải ngân được 80% đầu tư công sẽ có thể tạo ra 0,6% GDP trong quý IV; nếu ở kịch bản 470,6 nghìn tỷ đồng cộng với 225,2 nghìn tỷ đồng chuyển từ năm 2019 thì có thể tạo ra 1% GDP.
Còn chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, trong thời gian tới, chỉ cần giải ngân được hơn 90% gói 62 nghìn tỷ đồng đã là thành công. Tuy nhiên, cần phải thúc đẩy các chính sách, tài khoá, tiền tệ đồng bộ, thậm chí nên giãn luôn 2% phí công đoàn cho các doanh nghiệp có khi lên tới cả chục tỷ.
Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao xây dựng chuẩn bị về các chương trình tương tự như “gói kích thích kinh tế ” trong năm 2021, “tư tưởng bên cạnh tiếp tục chống đỡ thì chuẩn bị cho phục hồi gắn với tái cấu trúc cải cách, bám theo chuyển dịch của thế giới về tiêu dùng đầu tư, chuyển đổi số”, ông Võ Trí Thành nói.
Mục tiêu của các chính sách hỗ trợ kinh tế phải là bảo vệ việc làm
Nhận định rằng, các gói chính sách hỗ trợ hiện nay của Chính phủ là khá toàn diện và nhanh chóng, song TS. Nguyễn Tú Anh chỉ rõ, vẫn có một số vấn đề bất cập đã khiến gói hỗ trợ chậm trễ đến tay người dân và doanh nghiệp, làm mất đi tính kịp thời.
Điều đáng lưu ý là mặc dù đã 3 tháng trôi qua, nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp tiếp cận được gói vay trả lương cho người lao động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Mặt khác, đối với gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, mới chỉ 1,6% người lao động bị đình chỉ hợp đồng lao động, nghỉ không lương được nhận hỗ trợ; đối với các hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, con số này chỉ vỏn vẹn 0,9%... Tính đến ngày 29/6, gói 62.000 tỷ đồng chỉ giải ngân được 18,2%, trong khi con số kỳ vọng cao hơn rất nhiều.
"Có thể thấy, qua số liệu trên, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã có sự tiên lượng trước, nhưng có thể đánh giá chưa đúng tình hình. Đồng thời, quan trọng hơn, do công tác giải ngân gặp các rào cản thủ tục khó khăn, dẫn tới việc chậm trễ và làm thất bại tính ứng phó kịp thời", ông Tú Anh nhấn mạnh.
Về kiến nghị đối với các chính sách phát triển thời gian tới, ông Tú Anh nhấn mạnh về mục tiêu hàng đầu, đó là vấn đề việc làm, lao động.
"Ngay từ những báo cáo đầu tiên của Ban Kinh tế Trung ương trình Bộ Chính trị, về những đánh giá và đề xuất liên quan đến đại dịch, Ban đã xác định mục tiêu của các chính sách hỗ trợ kinh tế phải là bảo vệ việc làm", ông Tú Anh cho hay.
Chính vì vậy, các gói hỗ trợ hiện nay hướng đến chủ yếu là người lao động, bao gồm lao động phi chính thức, không có hợp đồng, không có bảo hiểm... Nhưng đáng tiếc, tính đến tháng 6, cả nước vẫn ghi nhận 30,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng thu nhập và 2,6 triệu người thất nghiệp.
Một giải pháp trọng tâm được ông Tú Anh đưa ra, đó là thúc đẩy đầu tư công nhưng phải tạo thêm được nhiều việc làm.
"Đó là mũi tên trúng 2 đích, vừa làm tăng tính cạnh tranh quốc gia, vị thế trước bạn bè quốc tế, mà lại tạo thêm sinh kế cho người dân", ông nói.
Còn bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự kết hợp giữa hành động sớm, có dự báo và linh hoạt của Chính phủ và những sáng kiến của người dân, là chìa khóa thành công của Việt Nam trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19, cũng như giảm thiểu những tác hại về mặc kinh tế-xã hội của đại dịch.
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB cho rằng, Việt Nam vẫn trong giai đoạn ứng phó, chưa phục hồi. Vì thế, trong thời gian tới, dù tập trung phục hồi là đúng, nhưng cũng cần mạnh mẽ hơn tập trung cho việc làm, cho doanh nghiệp. Về giải ngân, theo ông Cường, ngoài ưu tiên công trình lớn, cần chú ý tới dự án tạo ngay công ăn việc làm cho người dân, tạo ngay thu nhập cho người dân.
"Ngoài tập trung cho tăng trưởng, lúc này, cần sự nhấn mạnh hơn cho ổn định cs, công ăn việc làm, đối tượng dễ bị tổn thương", ông Cường chỉ rõ../.
Bình luận