Tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2015 có thể đạt 6,0-6,5% GDP
Tăng thuế, phí có thể gây nhưng hệ quả tiêu cực
Cụ thể, thu ngân sách quý I ước đạt 226 nghìn tỷ đồng (tăng 10% yoy), kìm thâm hụt ngân sách ở mức 37.000 tỷ đồng (tương đương 4,6% GDP). Thu nội địa tăng 20% nhờ hoạt động kinh tế gia tăng và tính mùa vụ của quý I.
Mức tăng trong thu ngân sách (10%) thấp hơn mức tăng trong chi tiêu (12%) một phần bởi hụt thu từ xăng dầu.
Theo Bộ Tài chính, mức hụt thu trong xăng dầu quý I khoảng hơn 9.000 tỷ đồng so cùng kỳ 2014 (-36% yoy) do giá bình quân chỉ đạt 58 USD/thùng so với giá 100 USD/thùng trong dự toán ngân sách.
Tốc độ cải thiện thu ngân sách trong 3 quý còn lại sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động sản xuất khi sức mua có sự điều chỉnh.
Trong ngắn hạn, phần tăng thu ngân sách do hoạt động kinh tế gia tăng sẽ chưa bù đắp được phần giảm thu do giá năng lượng thấp, cán cân ngân sách đối mặt với khả năng thâm hụt thêm 45.000-64.000 tỷ đồng.
Theo tính toán của VEPR, với các yếu tố khác không đổi, mức giảm thu ngân sách sẽ dao động từ 45.000 tỷ đồng với giá dầu thô 60 USD/thùng và 64 nghìn tỷ đồng với giá dầu trung bình 40 USD/thùng.
Tình thế này có thể buộc Chính phủ giảm chi đầu tư để kìm chế thâm hụt như năm 2014 (nhưng phải hy sinh tăng trưởng trung hạn), hoặc tăng xuất khẩu hàng thô sơ chế, nhưng chấp nhận thiệt về giá (như dầu thô hay quặng kim loại), hoặc chấp nhận thâm hụt và tăng vay mượn, điều sẽ gây ảnh hưởng tới thị trường vốn.
“Bù đắp ngân sách bằng tăng thuế và phí, trong khi không tăng cường tiết chế chi thường xuyên sẽ gây hệ quả tiêu cực tới tiêu dùng nếu người dân tiếp tục kỳ vọng thuế và phí tăng và sẽ tăng cường tiết kiệm thay vì chi tiêu”, báo cáo chỉ rõ.
Lần đầu tiên thâm hụt thương mại
Năm 2015 có thể ghi nhận thâm hụt thương mại lần đầu tiên sau 3 năm ghi nhận thặng dư. Độ lớn của nhập siêu, chủ yếu do gia tăng trong nhập khẩu, sẽ làm giảm thặng dư cán cân vãng lai và cán cân thanh toán tổng thể.
Cán cân thanh toán có thể thặng dư khoảng 4 tỷ USD (xấp xỉ 2% GDP), so với mức 11 tỷ USD (gần 6% GDP) năm 2014. Thặng dư cán cân tổng thể hàm ý Ngân hàng Nhà nước phải duy trì mua vào ngoại tệ đi cùng với hoạt động trung hoà để duy trì kiểm soát lên tỷ giá.
Cán cân thanh toán đạt thặng dư khoảng 2,8 tỷ USD trong quý I. Vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối bù đắp mức thâm hụt từ trao đổi thương mại.
Cán cân thương mại chuyển sang trạng thái thâm hụt, nhưng cán cân tổng thể vẫn đạt thặng dư vừa phải nhờ sự bù đắp từ vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối.
Mức thặng dư sẽ khiêm tốn hơn, vào khoảng 4 tỷ USD, tương đương 1/3 thặng dư năm 2014.
Tín dụng tăng trưởng theo nhịp phục hồi của nhu cầu tín dụng doanh nghiệp và hiệu quả của quá trình xử lý nợ xấu, dự báo đạt 15% cả năm.
Không nên theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá
Do kinh tế thế giới chứa đựng nhiều bất trắc về xu hướng hồi phục, lựa chọn chính sách giữa các nền kinh tế và các hậu quả đến dòng chu chuyển vốn và tương quan giữa các đồng tiền, nên VEPR khuyến nghị, cần lựa chọn chính sách theo hướng cân bằng giữa tăng trưởng và ổn định vĩ mô sẽ nuôi dưỡng các hành vi kinh tế lành mạnh và khuyến khích tăng trưởng bền vững hơn các chính sách chỉ thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn.
Với các giới hạn hiện tại, nền kinh tế không thể hoàn thành một số chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch 5 năm 2011-2015, do đó, thay vì theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá, các chính sách cần tạo ra môi trường vĩ mô lành mạnh và thể chế kinh tế hoà hợp cho các tầm nhìn dài hạn.
Dự báo, việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP sẽ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới thay đổi.
Mục tiêu lạm phát (5% yoy) có thể không đạt được (mức dự báo chỉ 3%), trong khi thâm hụt ngân sách (mục tiêu 5% GDP) và nhập siêu (5% xuất khẩu) nhiều khả năng cao sẽ bị phá.
“Do đó, tái cân đối các cán cân vĩ mô trong năm 2015 đòi hỏi sự sắp xếp các ưu tiên, cân nhắc lại mục tiêu và quan điểm điều hành trong các nghị quyết giữa năm”, các chuyên gia của VEPR khuyến nghị./.
Bình luận