Tăm tre cũng bị làm giả

Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), 9 tháng đầu năm 2015, cơ quan quản lý thị trường cả nước đã phát hiện và xử lý 13.458 vụ liên quan đến hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ, qua đó phạt tiền 41,2 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm bị tịch thu là 25,8 tỷ đồng. Riêng tại Hà Nội, cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra xử lý 894 vụ, phạt tiền 6,8 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm bị tịch thu là 4,8 tỷ đồng. Tại TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra xử lý 403 vụ, phạt tiền 5,4 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm là 4,3 tỷ đồng.

Tại cuộc tọa đàm về thực thi quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của báo chí diễn ra tại TP. Đà Nẵng ngày 28/10/2015, ông Nguyễn Đăng Khoa (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, vấn nạn nổi lên của hàng giả, hàng nhái là các sản phẩm thực phẩm chức năng, phân bón giả xảy ra rất phổ biến.

Trong khi đó, Đại tá Hoàng Văn Trực (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an) thông tin: “Tất cả mặt hàng ở Việt Nam đều bị làm giả cả. Đơn giản như tăm tre cũng bị làm giả cho tới các mặt hàng phức tạp khác”. Ông Hoàng Văn Trực cũng cảnh báo là có tới 98% rượu ở cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) là giả.

Hiện nay, tại các vùng nông thôn, tình trạng hàng nhái, hàng giả vẫn được bán công khai. Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, có một thực tế đáng buồn là không ít bà con khu vực nông thôn đang phải sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng và thực chất họ đang phải mua hàng với giá cao, không phải hàng giá rẻ.

Vì sao hàng giả, hàng nhái có đất sống?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến hàng giả tung hoành. Và giá rẻ chính là một trong những nguyên nhân khiến người dân dễ dàng mua loại hàng này.

Bên cạnh đó, tâm lý người Việt Nam rất sính hàng ngoại, thích hàng mẫu mã đẹp. Để minh chứng cho tình trạng người Việt sính ngoại nhưng "dính" hàng giả, hàng nhái, tại buổi Tọa đàm về thực thi quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của báo chí nói trên, Đại tá Hoàng Văn Trực chia sẻ: “Người Việt Nam chúng ta rất thích hàng ngoại, thích hàng mẫu mã đẹp. Mua phải hàng giả cũng tặc lưỡi dùng được là được rồi mà chưa ý thức được quyền của mình. Nhận thức về quyền sỡ hữu trí tuệ rất kém”.

Ngoài ra, các lực lượng thực thi đang gặp khó khăn vướng mắc từ cơ chế đến pháp luật, kể cả công tác phối hợp xử lý, như: cơ chế cũng còn bất cập; pháp luật cũng còn chung chung khi áp dụng vào thực tiễn thì gặp rất nhiều khó khăn; nhận thức liên quan đến vấn đề này giữa các cơ quan thực thi cũng rất còn khác biệt.

Theo Bộ Công Thương, khi lực lượng chức năng tiến hành vào cuộc điều tra các vụ việc liên quan đến hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ thì rất nhiều vụ các doanh nghiệp từ chối không chịu làm việc. Thậm chí, dù mặt hàng của họ bị xâm phạm nhưng họ vẫn không hợp tác. Họ sợ khi lên báo chí thì dù thế nào cũng bất lợi nên im cho qua.

Quả thực, vấn nạn hàng giả, hàng nhái không chỉ khiến cho doanh nghiệp đối mặt với tổn thất nặng nề về uy tín thương hiệu, suy giảm doanh số mà cả người tiêu dùng cũng không khỏi hoang mang khi mua sắm tiêu dùng và buộc lòng "sống chung với lũ" khi chưa trang bị được những kỹ năng tự bảo vệ mình..

Tem mã vạch chống hàng giả “made in Vietnam” đầu tiên sắp ra mắt

Có thể thấy, công tác chống hàng giả chẳng khác nào một “cuộc chiến trường kỳ” và không thể kết thúc chỉ trong một sớm một chiều. Để chống lại hàng giả, hàng nhái, cần có nhiều biện pháp đồng bộ và sự vào cuộc của cả cơ quan chức năng và người tiêu dùng.

Theo khuyến nghị của Bộ Công Thương, các giải pháp chống hàng giả cụ thể mà các doanh nghiệp hiện nay có thể thực hiện, như: thường xuyên thay đổi bao bì, dán tem chống giả..; tuyên truyền đặc điểm phân biệt hàng thật hàng giả cho người tiêu dùng và các cơ quan chức năng..

Biện pháp mang tính chất trung hạn là câu chuyện liên quan đến vấn đề quản lý và xử lý vi phạm các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Theo đó, cần có sự hoàn thiện hơn về hệ thống luật pháp trong công tác chống giả, bảo vệ thương hiệu, cũng như “tập trung sức mạnh” giữa các cơ quan ban, ngành có liên quan trong công tác chống giả như quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, hải quan, các mặt trận chống buôn lậu, các chuyên gia tư pháp…

Bên cạnh đó, một trong những biện pháp cần thực hiện trong công tác chống hàng giả, hàng nhái là nâng thật cao các mức phạt, đồng thời tạo điều kiện pháp lý để có thể mở rộng điều tra và khởi tố hình sự các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả hàng nhái, đặc biệt đối với các vụ sản xuất hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.

Sau cùng, biện pháp mang tính chất dài hạn, bền vững trong công tác chống hàng giả, hàng nhái nằm chủ yếu ở văn hóa tiêu dùng và nằm trong tay của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng là mục tiêu mà vấn nạn này nhắm đến, nhưng đồng thời cũng là những người “nắm quyền tối thượng” trong việc quyết định sự “sống còn” của hàng giả, hàng nhái bởi là người đưa ra quyền quyết định cuối cùng: có mua hay không mua sản phẩm.

Ngày 02/11/2015, Trung tâm Tin tức VTV24 đưa tin, tem mã vạch chống hàng giả “made in Vietnam” đầu tiên sắp ra mắt. Chỉ cần quét mã vạch bằng điện thoại thông minh, người tiêu dùng sẽ có đầy đủ thông tin về sản phẩm.

Tiếp đó, khi cào nhẹ, lớp mã vạch thứ hai sẽ cho biết đó có phải là sản phẩm chính hãng được bảo hộ hay không.

Để có thể ứng dụng trong cuộc sống, con tem này đã được thay đổi, chỉnh sửa qua rất nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. Sắp tới, 500.000 con tem chống hàng giả đầu tiên sẽ được dán lên các sản phẩm đang có nguy cơ bị làm giả, làm nhái trên thị trường.

Hy vọng đây sẽ là một trong những công cụ hữu hiệu để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong thời gian tới./.

Tài liệu tham khảo

http://vtv.vn/thi-truong/tem-ma-vach-chong-hang-gia-made-in-vietnam-dau-tien-sap-ra-mat-20151102161326485.htm

http://phapluattp.vn/kinh-te/o-viet-nam-den-cai-tam-tre-cung-bi-lam-gia-587552.html

http://enternews.vn/cong-bo-quy-trinh-xac-thuc-chong-hang-gia.html