Vì sao Đức rút vàng về nước?
Vì sao Đức chọn thời điểm này để rút vàng về nước?
Theo CNN Money, sau khi đã chuyển 583 tấn vàng khỏi New York và Paris, Đức sẽ đưa về Frankfurt một nửa số vàng họ gửi ở nước ngoài vào cuối năm 2017, nhanh hơn 3 năm so với thời hạn 2020. Phần còn lại sẽ tiếp tục được người Đức gửi tại kho chứa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại New York và Ngân hàng Trung ương Anh ở London.
Cụ thể, Đức sẽ để lại 1.236 tấn vàng ở New York và 432 tấn vàng ở London. Số còn lại được giữ trong kho chứa của Ngân hàng Trung ương Đức - Bundesbank tại Frankfurt. Toàn bộ số vàng Đức gửi tại Paris sẽ được đưa về nước. Năm 2015, để làm an lòng người dân, Bundesbank đã phải công bố danh sách dài 2.300 trang về chi tiết các thỏi vàng mà họ đang sở hữu ở trong và ngoài nước.
Hiện tại, châu Âu liên tiếp phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng, điều này khiến công chúng Đức cảm thấy khó chịu khi gửi vàng của mình ở nước ngoài. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, quốc gia dự trữ vàng lớn thứ 2 thế giới cần sử dụng đồng tiền riêng của mình thay vì dùng đồng tiền chung Euro như hiện nay.
Vào thời điểm Chiến tranh lạnh, Đức đã gửi ở nước ngoài 3.378 tấn vàng (tương đương 150 tỷ USD), thay vì đưa về nước do tình hình địa chính trị trong khu vực vô cùng bất ổn. Đây là số vàng mà Tây Đức có được nhờ thặng dư thương mại trong những năm 1950 và 1960.
Số vàng trên trở thành biểu tượng cho sự đi lên của nền kinh tế Đức và cũng trở thành người bảo vệ cho sự ổn định của quốc gia này. Việc Đức chuyển vàng về nước được xem là một sự công nhận rằng thời thế đã thay đổi: người Đức không còn lo phải giữ dự trữ vàng quốc gia khỏi những nguy cơ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Vào thời điểm Chiến tranh lạnh, Đức đã gửi ở nước ngoài 3.378 tấn vàng
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xuất hiện nhiều tin đồn và thuyết âm mưu ở Đức về dự trữ vàng của nước này. Nhiều người đặt câu hỏi liệu dự trữ vàng quốc gia cất ở nước ngoài đã bị mất hoặc hao hụt? Vấn đề này đã dần nổi lên thành một vấn đề chính trị lớn ở Đức, khiến Tòa án Kiểm toán Liên bang Đức yêu cầu thanh tra dự trữ vàng quốc gia cất ở nước ngoài vào năm 2012.
Song một số quan sát cho thấy, Đức dường như đang e ngại chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ có can thiệp hoặc tác động tới một phần nào đó làm giảm xuống rủi ro về giá trị của số vàng trên.
Thực tế, thị trường tài chính đang biến động mạnh mẽ bởi những chính sách khác biệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính sách mới của Tổng thống Donald Trump về cấm nhập cảnh tạm thời với công dân 7 nước, hủy bỏ chương trình Obamacare, xây hàng rào với Mexico, rút khỏi TPP… tiếp tục là tâm điểm tranh cãi của chính trường Mỹ, kéo theo lo ngại của nhà đầu tư về cuộc chiến pháp lý có thể nổ ra thời gian tới.
Thêm vào đó, việc chuyển vàng diễn ra trong bối cảnh đồng tiền chung châu Âu đang có dấu hiệu bất ổn và người dân một số quốc gia muốn rời Eurozone.
Chính trường châu Âu cũng đang hé lộ những bất ổn khi quá trình Brexit của nước Anh không suôn sẻ, việc bầu cử Tổng thống Pháp có sự đua tranh gay gắt, cũng như biến động trước đó từ cuộc bầu cử sắp tới ở Đức… Tất cả những bất ổn này kèm theo sự giảm giá của đồng USD khiến giới đầu tư lo ngại, tăng cường trú ẩn vào vàng.
Trước những lo ngại của cộng đồng thế giới, ông Carl-Ludwig Thiele, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank, khẳng định việc hồi hương vàng là động thái bình thường, không liên quan tới việc thay đổi chính quyền ở Mỹ.
Ông Thiele cũng khẳng định, mối quan hệ giữa Đức và Mỹ vẫn tốt đẹp đồng thời Bundesbank vẫn luôn tin tưởng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Những tiền lệ ở châu Âu
Hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn dự trữ một lượng vàng nhất định như một sự đảm bảo cần thiết cho trụ cột của nền kinh tế. Thế nhưng chưa khi nào, vàng lại có ảnh hưởng mang tính quyết định đến vận mệnh một nền kinh tế như hiện nay.
Có thể thấy rõ qua việc các nước ồ ạt rút vàng dự trữ quốc gia khỏi kho chứa ở Mỹ và Anh, vốn đã xảy ra vài năm trở lại đây. Nguyên nhân là do các nước này đã thấy trước hệ thống kinh tế dựa vào đồng USD đang đi đến hồi kết và khi đó, vàng sẽ trở lại vị trí thống lĩnh của nó.
Dấu hiệu đầu tiên xuất hiện khi Hà Lan bất ngờ chuyển 120 tấn vàng dự trữ của mình từ Mỹ về Amsterdam vào tháng 11/2014. Giải thích hành động này, Ngân hàng Trung ương Hà Lan tuyên bố điều này sẽ khiến người dân cảm thấy yên tâm hơn.
Không ai nói ra, nhưng tất cả đều hiểu Hà Lan làm điều này là để đề phòng trường hợp xấu nhất, khi cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Khi có vàng trong tay, Hà Lan vẫn có thể gượng dậy nếu khu vực đồng tiền chung tan vỡ, vì lượng dự trữ vàng luôn có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong việc phát hành đồng tiên riêng của mỗi quốc gia.
Lần lượt các quốc gia Áo và Thụy Sĩ cũng đã yêu cầu chính phủ đưa vàng về nước, trong khi Pháp thì đòi kiểm kê lượng vàng dự trữ trong kho. Cũng giống như Hà Lan, tất cả các nước châu Âu muốn đưa vàng dự trữ về nước đều cảm thấy nguy cơ ở khu vực đồng tiền chung đang gia tăng và có thể nhấn chìm các quốc gia thành viên nếu họ không chuẩn bị từ trước.
Sở dĩ như vậy vì vàng vẫn đang là một trong những yếu tố mấu chốt cấu thành sức mạnh tài chính của mỗi quốc gia. Các quốc gia coi dự trữ vàng giờ đây không chỉ như một hình thức đa dạng quỹ dự trữ, mà nó còn là một bộ phận quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến sức mạnh tài chính quốc gia, như thanh khoản và tác động đến giá trị đồng nội tệ.
Khi tài chính của một quốc gia có vấn đề, thì việc quốc gia đó sở hữu bao nhiêu vàng sẽ có ý nghĩa lớn trong việc có thể xử lý rắc rối đó được hay không. Khác với tiền giấy, vàng là món hàng luôn có sự ổn định cao về giá trị và có thể giao dịch bất cứ lúc nào, kể cả khi đồng nội tệ có vấn đề.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ 2007 lại càng khẳng định vai trò quan trọng của vàng, khi Mỹ in thêm tiền để giải cứu hệ thống tài chính của mình dẫn đến việc đồng USD mất giá đã khiến hàng loạt các quốc gia chuyển dần một phần dự trữ sang vàng để đảm bảo an toàn.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh châu Âu hiện nay, thì việc các nước thành viên EU rút vàng về nước là điều không khó hiểu. Khi đồng Euro chưa được đưa vào sử dụng như một đồng tiền chung, thì các nước tự kiểm soát hệ thống tài chính và đồng nội tệ của mình, việc để xảy ra khủng hoảng tài chính là rất khó, do vậy có để vàng ở nước ngoài cũng không sao.
Nhưng một khi đồng Euro đã đưa vào sử dụng và các nước không còn có quyền tuyệt đối kiểm soát đồng tiền đang lưu hành, thì thiệt hại sẽ là không đong đếm được nếu khủng hoảng xảy ra. Để giảm thiểu thiệt hại nếu nguy cơ này xảy ra, việc các quốc gia nắm vàng trong tay sẽ là biện pháp đảm bảo cần thiết, dù chưa chắc có thể giải quyết toàn bộ vấn đề./.
Tham khảo từ các nguồn:
http://bnews.vn/duc-cho-hoi-huong-216-tan-vang-trong-nam-2016/35061.html
http://money.cnn.com/2017/02/10/investing/germany-gold-reserves-foreign-new-york/
http://www.dutchnews.nl/news/archives/2014/11/dutch-bring-120-tonnes-of-gold-back-to-amsterdam-from-new-york/
https://www.rt.com/business/209591-gold-europe-gold-repatriation/
Bình luận