Những lý do khiến TTCK Việt Nam giảm mạnh

VinaCapital: Chứng khoán Việt Nam về mức rất hợp lý cho đầu tư dài hạn
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành Khối đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu, VinaCapital

Chia sẻ với nhà đầu tư ngày 21/4/2022, bà Nguyễn Hoài Thu cho biết, kể từ đầu tháng 4/2022, một số sự kiện và thông tin không tích cực đã tác động lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN-Index giảm từ 1.492,2 điểm vào cuối tháng 3/2022 xuống 1.384,7 điểm vào ngày 20/4/2022, tương đương mức giảm 7,2%. Như vậy, tính từ đầu năm 2022 đến nay, VN-Index đã giảm 7,6%.

Theo VinaCapital, việc TTCK Việt Nam giảm đến từ một số nguyên nhân sau:

Ngày 29/3/2022, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt giữ với cáo buộc thao túng và che giấu thông tin chứng khoán. Tiếp theo đó, ngày 5/4/2022, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị khởi tố với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan đến việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của các nhà đầu tư thông qua các công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỉ đồng của 3 Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung Điện Mùa Đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Vụ việc của Tập đoàn FLC và Tập đoàn Tân Hoàng Minh khiến các nhà đầu tư lo lắng việc điều tra sẽ được mở rộng sang các công ty khác, nhất là đối với các công ty bị nghi ngờ về thao túng giá cổ phiếu và các công ty có tình hình tài chính không tốt, không minh bạch trong việc phát hành trái phiếu. Hàng loạt các cổ phiếu mang tính chất đầu cơ, đã tăng nóng từ giữa năm 2021 trong khi kết quả kinh doanh không có chuyển biến tích cực, đồng loạt bị bán tháo và giảm mạnh. Điều đó dẫn đến việc bán giải chấp cổ phiếu (margin call) trên diện rộng trong những ngày qua. Ngay cả những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt cũng bị đem ra bán giải chấp để trả tiền vay mua chứng khoán, ảnh hưởng đến toàn thị trường chung.

Cùng với đó, tình hình vĩ mô không có nhiều hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán trong thời gian qua: Xung đột giữa Nga và Ukraina làm gián đoạn nguồn cung về một số loại hàng hóa cơ bản, đẩy nguy cơ lạm phát lên cao. Tại Mỹ, lạm phát tháng 3/2022 đã lên tới 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cao sẽ khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất. Một số chuyên gia dự báo Fed sẽ còn tăng lãi suất thêm 6 lần trong năm 2022. Ngoài ra, tình hình dịch COVID-19 bùng phát tại một số nơi ở Trung Quốc, lệnh phong tỏa ở Thượng Hải cũng ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thế giới. Tính từ đầu năm đến ngày 19/4/2022, chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu đã giảm 8%.

Với việc chỉ số VN-Index đã giảm 7,6% từ đầu năm, VinaCapital cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn. Tại ngày 20/4/2022, VN-Index đang có mức P/E năm 2022 là 12,2 lần, thấp hơn hẳn so với mức trung bình 5 năm gần nhất (14,5 lần). Với sự phục hồi của kinh tế Việt Nam sau dịch COVID-19, các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang được dự báo sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình 22% trong năm 2022, theo thống kê của Bloomberg. Đây là động lực quan trọng nhất để thị trường có thể vượt qua những sự kiện tiêu cực trong ngắn hạn và diễn biến tích cực hơn trong phần còn lại của năm 2022.

Nếu nhìn lại những sự kiện tác động đến thị trường chứng khoán nêu trên, có thể thấy hầu hết những sự kiện này sẽ không kéo dài. Các ngân hàng trung ương trên thế giới có những công cụ hiệu quả để kiểm soát lạm phát. Hiện tại, giá cổ phiếu đã phần nào phản ánh ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất. Theo thống kê trong quá khứ, việc Fed tăng lãi suất thường chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu trong 1-2 tháng, thị trường 1 năm sau đó hầu như đạt được mức cao hơn thời điểm trước khi tăng lãi suất.

Việc điều tra, xử lý những vi phạm trên thị trường chứng khoán, tuy có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, nhất là đối với các cổ phiếu thuộc diện đầu cơ tăng nóng, sẽ là yếu tố tích cực cho sự phát triển của thị trường chứng khoán trong dài hạn. Việc xử phạt nghiêm minh sẽ làm tăng niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm đến triển vọng nâng hạng chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Tại VinaCapital, bà Thu cho biết, Công ty luôn duy trì một quy trình đầu tư chặt chẽ, kỷ luật, xây dựng các danh mục đầu tư bao gồm những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và khả năng tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Đồng thời, mức độ rủi ro của danh mục luôn được duy trì thấp hơn thị trường chung. Tính từ đầu năm đến ngày 20/4/2022, mặc dù chỉ số VN-Index giảm 7,6%, hai quỹ đầu tư cổ phiếu VESAF và VEOF của VinaCapital vẫn tăng được 4,4% và 4,0%, Quỹ cân bằng VIBF tăng được 3,1%. Kết quả tích cực này là minh chứng cho chiến lược đầu tư đúng đắn cùng với việc quản lý rủi ro chặt chẽ của VinaCapital.

“Chúng tôi kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ diễn biến tích cực hơn trong những tháng còn lại năm 2022, mặc dù con đường đi lên sẽ không bằng phẳng. Nếu nhìn lại những năm vừa qua, mỗi năm luôn có vài sự kiện tiêu cực tác động lên thị trường chứng khoán, nhưng với triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam và của các doanh nghiệp niêm yết, thị trường luôn vượt qua khó khăn để tăng lên những mức cao mới”, bà Hoài Thu nói.

Chính phủ quyết tâm giữ an ninh, an toàn hoạt động thị trường

VinaCapital: Chứng khoán Việt Nam về mức rất hợp lý cho đầu tư dài hạn
Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM
Trong chỉ đạo mới nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp ổn định thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán.

Ngày 20/4/2022, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp ổn định thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán.

Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan theo chức năng và nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt, hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 03 tháng 12 năm 2021, Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2022, Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 14/TTg-KTTH ngày 14 tháng 4 năm 2022.

Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin theo đúng quy định pháp luật; trường hợp phát hiện công bố thông tin không rõ ràng, không chính xác thì yêu cầu cải chính và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Thực hiện ngay việc công bố và cung cấp thông tin chính thức, trung thực về vụ việc và tình hình, triển vọng phát triển kinh tế-xã hội đất nước cho các cơ quan báo chí và nhà đầu tư để nhà đầu tư tin tưởng, yên tâm tiếp tục thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật.

Về phía cơ quan trực tiếp điều hành TTCK - Bộ Tài chính, chia sẻ với báo chí mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã và đang có rất nhiều động thái quyết liệt trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thị trường và liên tiếp đưa ra các cảnh báo đối với các nhà đầu tư nhằm giúp TTCK và thị trường TPDN phát triển an toàn, bền vững. Với nỗ lực đó, cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra rất lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam, thể hiện qua nhiều phiên mua ròng gần đây.

Cũng theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các bên đảm bảo vừa ủng hộ, cũng vừa giám sát kiểm tra tránh vấn đề thao túng thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường cổ phiếu như đưa thông tin sai lệch hay dùng nhiều tài khoản giao dịch bất thường, những hành vi thao túng phải được xử phạt nghiêm minh. Nhưng những doanh nghiệp thực hiện đúng quy định thì phải ủng hộ hết mức để thị trường chứng khoán phát triển bền vững./.