Kinh tế có những dấu hiệu sáng sủa

Trong Báo cáo mới nhất “Điểm lại: Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam” công bố ngày 2/12, Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đã ứng phó tương đối tốt trước những biến động của môi trường kinh tế bên ngoài. WB đánh giá triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam là tích cực. Theo dự báo của định chế tài chính này, GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,5% trong cả năm 2015 và tăng trưởng GDP trong năm 2016 có thể đạt 6,6%.

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhận định, cầu nội địa mạnh hơn, xuất khẩu vẫn được duy trì, cùng với lạm phát thấp và niềm tin được củng cố đã tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong kỳ trung hạn của Việt Nam.

Báo cáo cho thấy, đầu tư tăng mạnh nhờ tăng FDI và tăng chi đầu tư cơ bản của chính phủ trong giai đoạn kết thúc kế hoạch 5 năm hiện tại. Trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng đầu tư tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù tăng trưởng thương mại toàn cầu vẫn còn yếu kém, nhưng tình hình xuất khẩu của Việt Nam vẫn đáng ghi nhận. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 120 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp chế tạo vẫn tăng nhanh nhưng tốc độ tăng tổng giá trị xuất khẩu đã chậm lại do tác động của sụt giảm xuất khẩu hàng hóa cơ bản và nông nghiệp. Ngược lại, nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên liệu và hàng hóa trung gian tăng mạnh cho thấy nhu cầu đầu tư gia tăng và tỉ lệ nhập khẩu đầu vào cao trong hàng hoá xuất khẩu.

Trong lĩnh vực sản xuất, tăng trưởng nhiều nhất diễn ra trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc ngành công nghiệp chế tạo và trong ngành xây dựng do thị trường bất động sản đã bắt đầu hồi phục và được đầu tư nhiều hơn.

WB đánh giá một cách tổng quát rằng, kinh tế Việt Nam hiện đã khá tốt so với cả quá khứ và thế giới. Đáng chú ý là lạm phát ở mức thấp lịch sử với lạm phát toàn phần khoảng 0,7%, so với 4,6% năm ngoái. Lạm phát rất thấp do giá cả hàng hóa và năng lượng ở mức thấp giúp Ngân hàng Nhà nước duy trì được được chính sách thích ứng.

Hiện nay lãi suất chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước là 4,5% và lãi suất tái cấp vốn là 6,5%. Mặc dù không có những dấu hiệu rõ rằng về chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm nay nhưng tín dụng đã tăng trưởng mạnh, đạt mức 12% (tính từ đầu năm đến tháng 9/2015) mức tăng trưởng cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2011.

Bội chi ngân sách dự kiến sẽ vẫn cao trong năm nay nhưng sẽ được điều chỉnh dần bởi các biện pháp thắt chặt nhằm tránh tăng nợ công. Dù nợ công vẫn ở mức bền vững nhưng phụ thuộc nhiều vào kết quả thực hiện chương trình thắt chặt tài khoá và các rủi ro khác.

Cần cẩn trọng với những rủi ro

Tuy đánh giá kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu tích cực, song WB cũng cảnh báo kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro bất lợi. Do khoảng đệm chính sách còn hạn chế nên các cú sốc bên ngoài và trong nước có thể ảnh hưởng lên sự ổn định kinh tế vĩ mô. Tiến trình tái cơ cấu chậm chạp trong nước gây ra nhiều rủi ro đáng kể đối với viễn cảnh tăng trưởng trung hạn.

Ngoài ra, áp lực tăng chi bắt nguồn từ chi thường xuyên, kể cả áp lực tăng lương, sẽ gây khó khăn cho việc cắt giảm thâm hụt ngân sách. Các rủi ro tài khoá còn trở nên trầm trọng hơn bởi trách nhiệm trả nợ liên đới liên quan đến các món nợ của các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nhà nước.

Cùng với tăng trưởng tín dụng, kể cả tăng trưởng nóng, các rủi ro trong ngành ngân hàng cũng sẽ tăng lên nếu không được quản lý cẩn trọng và có thể gây ra một đợt mất ổn định mới và tác động tiêu cực lên tăng trưởng.

Ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế Cao cấp của WB tại Việt Nam cho hay: “Môi trường bên ngoài nói chung là thuận lợi đối với Việt Nam, nhưng những rủi ro mới nảy sinh đòi hỏi phải tiếp tục quản lí vĩ mô tốt nhằm bảo vệ nền kinh tế an toàn trước các cú sốc có thể xảy ra. Thắt chặt tài khoá, chính sách tỉ giá linh hoạt hơn và tăng cường dự trữ ngoại tệ sẽ giúp khắc phục các yếu kém”.

Trong Báo cáo Doing Business của WB cho thấy thứ hạng Môi trường Kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện từ 93 (2015) lên 90 (2016) trong số 189 nền kinh tế. Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo nhiều thách thức vẫn đang tồn tại trong môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Cải cách pháp lý liên quan tới môi trường kinh doanh chưa được tiến hành một cách triệt để, luật lệ và qui định nhiều khi được áp dụng thiếu đồng bộ và tùy tiện. Cụ thể, quản lí thuế còn phiền hà và gây lãng phí lớn cho các doanh nghiệp tư nhân. Đăng kí kinh doanh đã có tiến bộ, nhưng qui định về bảo vệ nhà đầu tư thiểu số và khung pháp lí về phá sản vẫn còn yếu và làm suy giảm nhiệt tình của nhà đầu tư. Thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam có độ mở cao và đang hướng tới qui chế một cửa ASEAN nhưng thủ tục hải quan vẫn chưa hiệu quả như ở nhiều nước ASEAN khác./.