Xung đột tại Ukraine đã khiến trật tự kinh tế quốc tế bị đảo lộn
Một sự thay đổi đa tầng trong trật tự kinh tế quốc tế đã xuất hiện |
Một sự thay đổi đa tầng trong trật tự kinh tế quốc tế đã xuất hiện
Trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, trật tự kinh tế quốc tế đang trải qua những thay đổi đa tầng về lý luận, thể chế, chiến lược và chính sách. Ở cấp độ lý luận, quá trình toàn cầu hóa kinh tế do phương Tây khởi xướng lại trở thành động lực thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển, từ đó mang lại sự thay đổi trong mô hình quyền lực thế giới.
Tại Mỹ, không chỉ từ bỏ việc ủng hộ lập trường thương mại tự do, dư luận nước này thậm chí còn đổ lỗi cho toàn cầu hóa đã làm mất việc làm trong nước, khiến trào lưu chống toàn cầu hóa trong dân chúng Mỹ đã trở nên thịnh hành. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cố gắng xây dựng một nhóm thương mại chính trị hóa lấy ý thức hệ làm tiêu chuẩn, với mục tiêu duy trì quyền bá chủ, từ bỏ chủ nghĩa đa phương về mặt lý luận và đi chệch khỏi các nguyên tắc thương mại tự do.
Ở cấp độ quy tắc và thể chế, các cuộc đàm phán thương mại tự do đa phương theo hệ thống Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã bị cản trở và được thay thế bởi các cuộc đàm phán và sắp xếp thương mại khu vực, đa phương nhỏ và song phương. Một loạt quy tắc mới được tạo ra trong các hiệp định thương mại tự do khu vực, với tiêu chuẩn quy tắc cao hơn và phạm vi bao phủ rộng hơn so với WTO.
Những tiến triển này có thể là một bổ sung hữu ích cho hệ thống đa phương, nhưng trong quá trình chuyển đổi hệ thống thương mại tự do từ toàn cầu hóa sang khu vực hóa, Mỹ và một số nước phát triển đã đơn phương đưa ra "tiêu chuẩn cao, quy tắc mới" đối với các cơ chế đa phương và tham vấn liên quan của WTO để nỗ lực tiếp tục thống trị trật tự kinh tế quốc tế. Theo đó, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) bằng Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA). Mỹ coi thỏa thuận này là bản mẫu cho các thỏa thuận thương mại trong tương lai, các điều khoản mang tính bài xích và phân biệt đối xử trong thỏa thuận đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản của thương mại tự do đa phương.
Ở cấp độ chiến lược và chính sách, Mỹ và phương Tây thúc đẩy chính trị hóa hợp tác kinh tế quốc tế, vận dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương hoặc đe dọa sử dụng các biện pháp trừng phạt để ép buộc các quốc gia khác chấp nhận chủ trương của họ. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden không chỉ kế thừa chính sách thương mại của chính quyền ông Trump, mà còn ra sức lôi kéo các đồng minh truyền thống liên thủ đối trọng lại với Trung Quốc. Chính phủ Mỹ tích cực thúc đẩy chuỗi cung ứng "trở lại địa phương, sản xuất gần nhà và sản xuất ở những nước hữu nghị".
Mỹ và phương Tây thúc đẩy chính trị hóa, vận dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương |
... và trở nên rõ nét hơn sau những xung đột địa chính trị
Trong bối cảnh đó, sự tiếp tục của cuộc xung đột Nga-Ukraine không chỉ làm sâu sắc thêm tình hình trên, mà còn mang lại những thay đổi mới theo 3 hướng sau:
Thứ nhất, đẩy nhanh sự thay đổi của bố cục năng lượng và bố cục tiền tệ quốc tế. Mâu thuẫn giữa các nhà cung cấp năng lượng và người tiêu dùng đã trở nên trầm trọng hơn. Châu Âu tìm cách hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và đẩy nhanh quá trình chuyển sang năng lượng sạch. Nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng của Nga cũng tìm hướng chuyển hướng sang châu Á và thế giới phi phương Tây.
Mỹ và châu Âu cắt đứt sự liên hệ giữa các tổ chức tài chính lớn của Nga và Mạng lưới Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng (SWIFT), đóng băng dự trữ ngoại hối của nước này, gây ảnh hưởng đến đồng USD và hệ thống tài chính quốc tế lấy Mỹ làm trung tâm. Do đó, tốc độ tìm kiếm các lựa chọn thay thế đang tăng nhanh ở các quốc gia khác nhau, điều này tác động sâu sắc đến quyền bá chủ của đồng USD. Gần đây, sự đa dạng hóa tiền tệ xuất khẩu dầu của Saudi Arabia đã tăng tốc và mối quan hệ giữa đồng USD và dầu mỏ cũng bị suy yếu. Về lâu dài, sự thống trị của đồng USD có thể bị xói mòn dần và những thay đổi mang tính cấu trúc có thể xảy ra trong hệ thống tiền tệ quốc tế.
Thứ hai, Mỹ thúc đẩy điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, giá lương thực và hàng hóa quan trọng đã tăng lên, một số nước thắt chặt xuất khẩu, làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát ở nhiều nước, gây xáo động hệ thống tài chính quốc tế. Mỹ đã tận dụng cơ hội xung đột để thúc đẩy sự “tách rời” chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Nga và Trung Quốc. Vào tháng 5/2022, Mỹ đã hợp tác với 12 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương để giới thiệu Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), lấy "tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng" làm trung tâm.
Thứ ba, trật tự kinh tế quốc tế bước vào giai đoạn tái cấu trúc và hiện tại nói chung là một hệ thống do chủ nghĩa đa phương làm chủ đạo, và có một số cơ quan quản trị lớn, như: WTO, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ và châu Âu đã hủy bỏ đãi ngộ tối huệ quốc mà Nga được hưởng trong hệ thống WTO và thậm chí hủy bỏ tư cách thành viên WTO của Nga. IMF và WB đã đình chỉ các hợp tác dự án với Nga. Trong khi Nga là một thành viên quan trọng của hệ thống kinh tế quốc tế hiện có, vì thế các biện pháp trừng phạt và chống trừng phạt, trò chơi chiến lược Nga - Mỹ và phương Tây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống kinh tế quốc tế của chủ nghĩa đa phương. Ngoài ra, Chính phủ của Tổng thống Biden đã giới thiệu IPEF không chỉ nhằm mục đích bổ sung cho những khuyết thiếu của "chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", mà còn cố gắng xây dựng một nền kinh tế và thương mại mới trong chuỗi cung ứng và cuối cùng xây dựng một trật tự kinh tế và thương mại mới.
Đối mặt với tình hình phức tạp và nghiêm trọng, từ xu hướng phát triển, quy mô kinh tế và ảnh hưởng của thế giới phi phương Tây đang tăng lên. Tuy vậy, Mỹ vẫn là một siêu cường, nhưng nước này không thể duy trì quyền bá chủ của riêng mình và cần sự hợp tác của các nước phát triển khác. Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển có thể đóng một vai trò tích cực hơn trong việc giảm xung đột quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế, tuân thủ chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế cởi mở, bao trùm, phổ quát, cân bằng và cùng có lợi. Đồng thời, thúc đẩy xây dựng một nền kinh tế thế giới mở, ngăn chặn chính trị hóa, phân loại hóa và nhóm hóa nền kinh tế thế giới cho sự phát triển của trật tự kinh tế quốc tế theo hướng công bằng và hợp lý hơn./.
Linh Thanh
Bình luận