Hội nhập kinh tế Đông Á: Để biến thách thức thành cơ hội
Khu vực hội nhập lớn và sôi động
Sáng 22/8, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức Hội thảo Hợp tác và Hội nhập kinh tế quốc tế 2015 với chủ đề Hội nhập kinh tế Đông Á và hàm ý cho doanh nghiệp Việt Nam.
Theo TS. Trịnh Minh Anh, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, từ năm 2005 đến nay, hợp tác ASEAN+3 là cơ chế hợp tác thường xuyên của ASEAN nhằm thực hiện các biện pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa ASEAN với 3 nước đối tác. Hội nhập Đông Á hiện nay là chủ đề rất được quan tâm, trong bối cảnh có nhiều xu hướng hội nhập đan xen trong khu vực như các hiệp định thương mạng tự do song phương, hội nhập trong ASEAN, ASEAN+3, RCEP và TPP.
TS. Trịnh Minh Anh nhấn mạnh, Việt Nam đã mở rộng hội nhập quốc tế và xoay trục thị trường ra toàn thế giới, bắt đầu từ Đông Á sang EU, châu Á Thái Bình Dương… Tuy nhiên trong tất cả các chiến dịch xoay trục, thì Đông Á vẫn là sân nhà mà Việt Nam luôn chú trọng, bởi ASEAN+3 là bước đệm để hội nhập tốt hơn vào khu vực và trên thế giới, đối phó với nhứng thách thức toàn cầu. Và quan trọng hơn, ASEAN+3 giúp đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế, đặc biệt trong phát triển nguồn nhân lực nhằm tạo cơ sở vật chất cho sự hợp tác trong các lĩnh vực khác cho các nước trong khu vực.
Đánh giá về Việt Nam trong hội nhập đầu tư ASEAN+3, TS. Nguyễn Anh Thu, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, kinh tế Việt Nam mặc dù rất tích cực mở cửa và hội nhập với bên ngoài, song chưa giải quyết được vấn đề tạo môi trường kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp, điều này khiến cho doanh nghiệp Việt Nam bất lợi so với doanh nghiệp nước ngoài.
Đồng tình với quan điểm này, Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận xét, Đông Á đang là khu vực hội nhập lớn và sôi động nhất của Việt Nam. Đây không chỉ là nguồn cung nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị cho doanh nghiệp Việt Nam, mà còn là thị trường rộng lớn cho hàng hóa, đặc biệt là nông sản của Việt Nam.
Tuy vậy, doanh nghiệp Việt chưa thực sự được hưởng lợi từ các FTA ở khu vực này như kỳ vọng, bởi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, thiếu chủ động… Đối với thị trường Trung Quốc, nhiều sản phẩm của nước này đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, đồng thời gian lận thương mại diễn ra thường xuyên khiến doanh nghiệp Việt cạnh tranh rất khó khăn. Còn Hàn Quốc và Nhật Bản là thị trường xuất khẩu nông sản tiềm năng, nhưng khó tính do yêu cầu cao và khắt khe trong các quy định về SPS, TPT…
Biến thách thức thành cơ hội
Để tận dụng các cơ hội mà hội nhập kinh tế Đông Á đem lại, TS. Trịnh Minh Anh kiến nghị, về phía nhà nước, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý, chính sách và quy định để chủ động, tích cực hội nhập theo chiều sâu, không chỉ phù hợp với khuôn khổ hợp tác trong ASEAN mà còn trong các FTA ASEAN+1 với từng đối tác Đông Bắc Á, cũng như ASEAN+3.
Chính phủ cũng cần xây dựng và phát triển quan hệ phối hợp chính sách với từng đối tác để tạo khả năng thích nghi lẫn nhau, đẩy mạnh thực hiện các thỏa thuận hợp tác song phương và khu vực đã ký kết trong ASEAN và với các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc về các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng…
Quan trọng không kém, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu để hạn chế những bất lợi và tối đa hóa lợi ích đạt được hợp tác song phương và đa phương trong ASEAN+3; phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giảm thiểu chi phí giao dịch để có thể khai thác tối đa các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác kinh tế từ các quỹ ASEAN+3, nhất là Thỏa thuận đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai (CMIM).
Về phía doanh nghiệp, cần tìm hiểu kỹ và theo dõi các biến động trên thị trường khu vực Đông Á để hiểu rõ xu hướng vận động trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để có kế hoạch xuất khẩu và đầu tư phù hợp.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp để mở rộng quy mô, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ. Xây dựng các chuỗi cung ứng để tận dụng cơ hội liên kết trong khu vực.
Cuối cùng, tự đổi mới công nghệ và sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài để hiện đại hóa công nghệ trong nước nhằm sản xuất sản phẩm chất lượng cao, chi phí hợp lý, đồng thời quan tâm phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng./.
Bình luận