Ngày 30/4/1975, nhân dân ta kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, gian khổ và ác liệt nhất trong lịch sử kháng chiến của dân tộc. 46 năm đã trôi qua, nhưng trang sử hào hùng và chói lọi chiến công của dân tộc vẫn là sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục trên con đường phát triển mới của đất nước.

Trong không khí hào hùng của lễ kỷ niệm 46 năm Ngày thống nhất đất nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo đôi điều về những khát vọng ấy, đặc biệt sau khi Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, đất nước đang trong hành trình mới, với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Từ khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước

PV: Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 chính là thắng lợi của khát vọng hòa bình, độc lập. Đây cũng là khởi đầu của khát vọng vươn lên của đất nước phải không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn - của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước của Nhân dân ta. Thắng lợi này kế tục thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phát huy thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), là trận đánh quyết định nhất của cuộc chiến đấu 30 năm (1945-1975) gian khổ, ác liệt, giành lại và giữ vững nền độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc.

Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Báo cáo Chính trị do Tổng Bí thư Lê Duẩn trình bày tại Đại hội lần thứ IV của Đảng ngày 14/12/1976 đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. Từ đây, cả dân tộc tiến vào kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu, tạo lập cuộc sống ấm no, hạnh phúc, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bốn mươi sáu năm đã trôi qua kể từ mốc son vĩ đại ấy, nhưng ý nghĩa lịch sử trọng đại của Đại thắng Mùa Xuân 1975 đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Khát vọng chiến thắng đói nghèo, lạc hậu

PV: Sau khi đất nước thống nhất, đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục bước tiếp hành trình khát vọng, đó là chiến thắng đói nghèo, lạc hậu và đã đạt được nhiều thành tựu. Xin Thứ trưởng điểm lại những thành tựu chính của nước ta trong giai đoạn này?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Sau khi đất nước thống nhất, tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, với khát vọng chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, nhân dân đồng lòng tin theo Đảng tiến hành sự nghiệp đổi mới.

Trong giai đoạn 1976-1985, khi ấy Tổ quốc mới thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, công cuộc cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế trở thành nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân ta. Nhân dân sôi nổi thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980) và kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981-1985). Mặc dù đạt được một số thành tựu, nhưng nhìn chung nền kinh tế nước ta thời kỳ trước đổi mới có nhiều hạn chế, kinh tế kém phát triển, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.

Trước bối cảnh khó khăn của đất nước, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta vượt qua khó khăn, thử thách và giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Sau khi bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới đất nước, từ năm 1986 đến nay, chúng ta đạt được những thành tựu rất quan trọng, tạo được những tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sau 35 năm đổi mới (1986-2021), từ một quốc gia lạc hậu, thiếu đói thường xuyên, Việt Nam đã vươn lên thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển. Tiềm lực và quy mô kinh tế ngày càng tăng lên, quy mô GDP đến năm 2020 ước đạt 268,4 tỷ USD, tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên mức 27%-28%, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, đạt mức kỷ lục là 39 tỷ USD (năm 2019), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá tăng 1,7 lần. Năng suất lao động đến năm 2020 tăng gần 1,5 lần so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 5,8%/năm. Đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Từ một quốc gia nông nghiệp lạc hậu Việt Nam đã trở thành một một thị trường mới nổi với trọng tâm là sản xuất thương mại, tham gia vững chắc vào thị trường thế giới qua chính sách thương mại tự do và chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19, xuất khẩu đã vượt 280 tỷ USD, với 31 mặt hàng trên 1 tỷ USD, 6 mặt hàng trên 10 tỷ USD.

Trên mặt trận ngoại giao, Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, tham gia nhiều thỏa thuận thương mại tự do quan trọng như Hiệp định thương mai tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực RCEP… Từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, Việt Nam đã khẳng định vị thế mới trên trường quốc tế, trở thành thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế, thiết lập quan hệ mở rộng với 189 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và hơn 500 tổ chức phi chính phủ, xây dựng mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có 17/20 nước thành viên G20 và toàn bộ các nước ASEAN. Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đảm nhiệm các trọng trách quốc tế quan trọng như Chủ tịch ASEAN 2020.

Đặc biệt, năm 2020, đại dịch Covid-19 gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội, song nhờ phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, đất nước ta đã kiểm soát có hiệu quả đại dịch Covid-19; từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội; ổn định đời sống nhân dân; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; khẳng định bản lĩnh, ý chí, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, dân tộc ta.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII hội tụ ý chí và khát vọng toàn dân tộc

Đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

PV: Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, lần đầu tiên trong chủ đề của Đại hội và trong các báo cáo chính trị đề cập đến "khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc". Đây là một điểm rất mới thể hiện tư duy, nhận thức mới của Đảng ta, xin Thứ trưởng cho biết rõ hơn về điểm nhấn quan trọng này?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta. Trong Đại hội lần thứ XIII có 2 điểm nhấn phản ánh quan điểm mới của Đảng về sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới đó là: khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và đổi mới sáng tạo. Lần đầu tiên trong chủ đề của Đại hội và trong các báo cáo chính trị đề cập đến "khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc". Đây là một điểm rất mới và là một điểm nhấn quan trọng.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII hội tụ ý chí và khát vọng toàn dân tộc, đã xác lập hành trình cho chặng đường mới, đó là: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Cần nhắc lại là Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không chỉ là mơ ước, mà là khát vọng mang sức sống hiện thực, được hình thành, bồi đắp trên một nền tảng hiện thực rõ ràng. Khát vọng này kế thừa, phát triển và hoàn thiện những mục tiêu đã được xác định từ những đại hội Đảng trước đây; căn cứ vào điều kiện, khả năng thực tế của đất nước và xu thế phát triển của thế giới.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII lần này đã thổi bùng lên khát vọng dân tộc, đặt nền tảng quan trọng cho khát vọng 100 năm từ một nước đói nghèo nô lệ, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao, người dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Bên cạnh những thời cơ và vận hội mới, con đường đi về phía trước còn không ít chông gai, thách thức, đòi hỏi sự bình tĩnh, kiên nhẫn, niềm tin, tinh thần đoàn kết, sáng tạo và đồng lòng chung sức của toàn Đảng, toàn dân.

Năm 2021, năm khởi động chặng đường mới gặp khó khăn do Covid-19

PV: Trong năm 2021, năm khởi động mới của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cũng là năm đầu tiên của Chính phủ mới, chúng ta vẫn phải đối mặt với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Bối cảnh dịch bệnh khiến nhiệm vụ trong năm 2021 là rất nặng nề, xin Thứ trưởng cho biết những nhiệm vụ ưu tiên cùng những giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế năm nay?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Đúng là chúng ta có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng trong năm 2021 và những nhiệm vụ đó thể hiện tính cấp bách của nhu cầu thực tiễn cũng như cả những mục tiêu chiến lược và dài hạn của đất nước.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, thì những mục tiêu được Đảng và Nhà nước đặt ra và được Chính phủ cụ thể hóa trong các nghị quyết, các chỉ thị rất cụ thể về việc tiếp tục kiểm soát thật chặt chẽ và có hiệu quả dịch Covid-19. Mục tiêu đặt ra là đảm bảo an toàn cho tính mạng của người dân, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, phối hợp với cộng đồng quốc tế đẩy lùi dịch Covid-19, đồng thời tiếp tục khôi phục, phát triển kinh tế ở một tầm cao mới.

Chính vì vậy, đầu tiên, chúng ta cần phải thống nhất, đó là yêu cầu một cách nghiêm ngặt nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh phải được quán triệt, thống nhất và tổ chức một cách chặt chẽ và có hiệu quả nhất ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Các hoạt động nhằm phát triển, khôi phục, đưa kinh tế trở lại trạng thái bình thường phải dựa trên nền tảng đảm bảo kiểm soát dịch bệnh một cách chặt chẽ và hiệu quả. Đó là một nguyên tắc sống còn của chúng ta trong năm 2021 và những năm tới.

Thứ hai là tiếp tục khôi phục, phát triển kinh tế phải được đặt trong bối cảnh mới của năm 2021 có đầy đủ cả cơ hội với những điều kiện thuận lợi, cũng như ý thức được đầy đủ về những thách thức và áp lực. Thực tế, biến số Covid-19 đã được tính đến trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ nhìn dưới tác động xấu, mà cần nhìn vào những cơ hội mới. Dịch bệnh làm tăng trưởng chậm, tạo ra thay đổi lớn về phương thức sản xuất, về tăng năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh là thách thức, nhưng cũng là cơ hội nếu nắm bắt được, biến rủi ro, hóa giải rủi ro như đã làm trong năm 2020.

Trong bối cảnh dịch bệnh, sự đồng lòng, đoàn kết của người dân và văn hóa Việt Nam chính là yếu tố nền tảng để giúp kinh tế nước ta vượt qua khó khăn. Điều này được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới với 3 mũi đột phá là khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và văn hóa Việt Nam.

PV: Tăng trưởng GDP quý I/2021 tăng 4,48%, thấp hơn 0,64 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, nên áp lực cho tăng trưởng 3 quý còn lại của năm rất lớn để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Vậy động lực cho tăng trưởng những tháng tiếp theo là gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Tăng trưởng quý đầu của năm nay thấp hơn kịch bản điều hành đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, một phần vì lý do khách quan là dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số địa phương, như: Hải Dương và Quảng Ninh..., có tác động tương đối lớn đến tăng trưởng chung của cả nước. Kết quả này đòi hỏi các quý sau phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết 01/NQ-CP, mà theo kịch bản điều hành tại Nghị quyết, quý II tăng trưởng 7,11%. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng phải tập trung thực hiện.

Tôi cho rằng, đóng góp lớn nhất trong cơ cấu GDP vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo, nên ngành này vẫn là động lực tăng trưởng chủ yếu. Bên cạnh đó là sự tăng trưởng tốt của các ngành sản xuất kim loại, đặc biệt là thép… Ngành dịch vụ công nghệ và dịch vụ tài chính cũng tăng trưởng tốt, như ngành bảo hiểm.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 3 tháng đầu năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là khá tích cực, bằng 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ (13,09%). Nếu không tính những khoản vốn chưa được phép phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 129/2020/QH14 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương như đã nêu ở trên, thì tỷ lệ giải ngân thực tế đạt 15,88%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 và các năm trước. Xuất khẩu vẫn là điểm sáng với tỷ lệ xuất siêu hơn 2 tỷ USD. Nhìn chung, các động lực cho tăng trưởng mang tính đột phá chưa xuất hiện. Đây là điểm đáng chú ý cho công tác điều hành những quý còn lại của năm.

PV: Có thể thấy, ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục “phủ bóng” lên nền kinh tế. Vậy, chúng ta cần làm gì để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, từ đó tạo động lực cho nền kinh tế hồi phục, phát triển trong năm 2021, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và đề xuất các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2021. Triển khai nhiệm vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi các bộ liên quan, gồm: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước... đề nghị nghiên cứu, tổng kết, đánh giá và đề xuất giải pháp tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế cùng với cách thức triển khai thực hiện trong lĩnh vực mình phụ trách để từ đó xây dựng chính sách tổng thể chung.

Về định hướng chung, chính sách hỗ trợ sẽ được xây dựng trên cơ sở làm rõ các vấn đề: Yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế, có cần hỗ trợ không và hỗ trợ đối tượng nào, triển khai thực hiện ra sao? Trước hết, cần đánh giá hiệu của các giải pháp đã thực hiện trong năm 2020.

Về giải pháp hỗ trợ thông qua chính sách tiền tệ, các giải pháp giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ của hệ thống ngân hàng được đánh giá là rất hiệu quả, có tác dụng tạo dòng tiền cho doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục hồi tốt trong những tháng cuối năm 2020.

Về phía cầu, cũng phải đánh giá nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Mặc dù nguồn vốn hỗ trợ đã dễ tiếp cận hơn, nhưng doanh nghiệp có vay hay không còn phải dựa vào thị trường đầu ra để cân nhắc việc vay nợ ở mức hợp lý, an toàn.

Tình hình dịch Covid-19 còn rất phức tạp và tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta và còn có thể kéo dài thêm một số năm sau đó. Vì thế, các giải pháp trực tiếp hỗ trợ nền kinh tế cần phải được nghiên cứu chi tiết, có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và phù hợp với các hoàn cảnh cụ thể của năm 2021. Trên cơ sở nắm bắt tình hình tác động của dịch Covid-19 và các khó khăn của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất các kịch bản ứng phó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đưa ra những giải pháp hiệu quả, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, từ đó tạo động lực cho nền kinh tế hồi phục, phát triển và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2021.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Phương Anh (Thực hiện)

Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 11, tháng 4/2021