ADB: Dự báo tăng trưởng Việt Nam đạt 6,8% năm 2019
ADB dự báo tăng trưởng Việt Nam đạt 6,8% năm 2019
Theo báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2019 vừa được ADB công bố sáng nay (25/9), tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã giảm nhẹ từ 7% trong 6 tháng đầu năm 2018 xuống 6,8% trong cùng kỳ năm nay. Bên cạnh đó, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa giảm xuống mức 7,2% trong 6 tháng đầu năm. Tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa cùng kỳ cũng giảm từ mức 10,7% xuống 8,9%, làm cho thặng dư cán cân vãng lai thu hẹp một nửa, từ mức tương đương 3,5% GDP năm 2018 xuống còn khoảng 1,7%.
Tốc độ tăng trưởng của tất cả các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều giảm xuống mức 8,9% trong 6 tháng đầu năm. Đáng chú ý, do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi, biến đổi khí hậu... đã kéo tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp từ mức 3,8% trong nửa đầu năm 2018 xuống mức 2,4% cùng kỳ.
Giải ngân vốn FDI ước tính tăng 8,1% trong nửa đầu năm 2019, đạt 9,1 tỷ USD, tương đương 8,4% GDP. Đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng phản ánh niềm tin của doanh nghiệp được cải thiện, tăng gần gấp đôi trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2018, đạt 8,1 tỷ USD.
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick nhận định: “Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu bị chững lại do xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc kéo theo sự sụt giảm của thương mại toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhờ cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì. Triển vọng về tiêu dùng trong nước tiếp tục sáng sủa, được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm, và lạm phát duy trì ở mức thấp”.
Theo báo cáo của ADB, nhu cầu trong nước gia tăng sẽ bù đắp cho sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Đặc biệt, việc tiêu dùng nội địa tăng nhờ lạm phát thấp, lượng cung hàng hóa tốt, nhiều công ăn việc làm sẽ là yếu tố tích cực giữ cho nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Đồng thời, những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cùng với xếp hạng tín nhiệm quốc gia được cải thiện sẽ kích thích đầu tư tư nhân.
Ngoài ra, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mở ra khả năng tiếp cận thị trường và tăng các khả năng thương mại và đầu tư. Luật Đầu tư sửa đổi cũng sẽ giúp cải thiện hoạt động đầu tư công, tạo điều kiện giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn.
Trên cơ sở đó, ADB nhận định Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng vững vàng trong năm nay và năm sau, tương ứng là 6,8% và 6,7%. Dự báo lạm phát được điều chỉnh giảm từ 3,5% xuống còn 3,0% trong năm 2019 và từ 3,8% xuống còn 3,5% cho năm 2020.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho rằng, Chính phủ vẫn cần tập trung vào việc tiếp tục cải tổ vấn đề nợ xấu; Ngân hàng Nhà nước cũng cân nhắc các chính sách về điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, đặc biệt là trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ đang ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây./.
Bình luận