Trần Thế Cường, Bùi Văn Quang, Đỗ Trường Lâm, Nguyễn Thọ Quang Anh

Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT:

Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích định lượng nhằm đánh giá ảnh hưởng của thu nhập phi nông nghiệp đến sinh kế hộ gia đình tại miền Trung và Tây Nguyên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thu nhập phi nông nghiệp không tạo ra sự khác biệt trong lao động gia đình cho hoạt động chăn nuôi, trong khi làm giảm đáng kể lao động gia đình cho hoạt động lao động đi thuê, hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung. Bên cạnh đó, thu nhập nông nghiệp cũng chưa tạo ra sự khác biệt trong đầu tư trồng trọt và các hạng mục đầu tư chăn nuôi, như: giống, thức ăn, thú y, ngoại trừ một số hạng mục khác như chuồng trại chưa được xem xét. Ngoài ra, thu nhập phi nông nghiệp có xu hướng làm giảm thu nhập nông nghiệp của hộ gia đình do sự chuyển dịch lao động cũng như giảm tính hàng hoá của sản phẩm nông nghiệp.

Từ khóa: thu nhập phi nông nghiệp, sinh kế hộ gia đình, miền Trung, Tây Nguyên

GIỚI THIỆU

Qua hơn gần 35 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng vào thị trường quốc tế, đạt mức tăng trưởng cao và ổn định trong một thời gian dài; cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực. Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng kinh tế, nông nghiệp đã trở thành "trụ đỡ" cho nền kinh tế cả nước và là nền tảng cho dịch vụ phát triển. Tuy vậy, theo xu hướng phát triển chung, tỷ trọng GDP nông nghiệp có xu hướng giảm dần. Cơ cấu nông nghiệp thay đổi theo hướng phát huy lợi thế so sánh của các vùng và hình thành các khu sản xuất nông nghiệp lớn. Cơ cấu kinh tế nông thôn cũng chuyển dịch mạnh theo hướng gia tăng các hoạt động phi nông nghiệp.

Sử chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh chóng này tất yếu dẫn tới sự thay đổi các nguồn lực sinh kế cũng như chiến lược sinh kế của nông hộ. Xu hướng chung là nguồn lực lao động chuyển dịch ngày càng mạnh sang các hoạt động phi nông nghiệp, từ đó các chiến lược sinh kế của nông hộ cũng chuyển dịch từ chiến lược sinh kế bao gồm nhiều hoạt động nông nghiệp sang bao gồm các hoạt động phi nông nghiệp. Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp vẫn là một trong những hoạt động quan trọng và trong nhiều trường hợp là không thể bỏ của nông hộ; và các hoạt động, cũng như thu nhập từ phi nông nghiệp có thể có những tác động ngược trở lại việc đầu tư hay hiệu quả của hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông hộ.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu ảnh hưởng của hoạt động phi nông nghiệp đến sinh kế của hộ gia đình nông thôn tại Việt Nam chưa được thực hiện nhiều. Chính vì vậy, việc thực hiện nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của thu nhập phi nông nghiệp đến sinh kế nông nghiệp của các hộ gia đình nông thôn tại miền Trung và Tây Nguyên là cần thiết.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Nghiên cứu của Ji và cộng sự (2012), Yin và cộng sự (2016) và Zhu và cộng sự (2019) cho thấy, các hoạt động phi nông nghiệp có ảnh hưởng nhất định tới việc gia tăng đầu tư trong lâm nghiệp, sự suy giảm trong đầu tư máy nông nghiệp cỡ nhỏ và sự gia tăng hiệu quả tưới tiêu của các nông hộ.

Yang và cộng sự (2014) phân tích dựa trên khảo sát 2.000 nông hộ tại 5 tỉnh của Trung Quốc chỉ ra rằng, nhập cư và hoạt động phi nông nghiệp không có tác động tiêu cực tới hiệu quả kỹ thuật của sản xuất lúa mạch.

Dedehouanou và cộng sự (2016) nghiên cứu về cơ hội cho hoạt động phi nông nghiệp tự thân tại nông thôn Nigeria chỉ ra rằng, việc tham gia các hoạt động phi nông nghiệp làm gia tăng chi tiêu cho nông nghiệp, như: đầu vào đi mua, thuê lao động. Nghiên cứu cũng đề xuất các chính sách phát triển lĩnh vực phi nông nghiệp ở nông thôn giúp điều hoà quá trình phát triển nông nghiệp.

Phương pháp nghiên cứu

Số liệu sử dụng trong phân tích thu thập từ khảo sát nông thôn của dự án nghiên cứu "Impact of shocks on the vulnerability to poverty: Consequences for development of emerging Southeast Asian Economies" (DFG FOR 756). Vùng khảo sát bao gồm 3 tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế ở miền Trung và Đắk Lắk ở khu vực Tây Nguyên. Khảo sát được thực hiện vào năm 2007, 2008, 2010, 2013 và 2016. Số liệu của 2200 nông hộ từ 220 thôn bản của ba tỉnh thu thập trong hai năm 2013 và 2016 được sử dụng trong phân tích của nghiên cứu.

Nhằm đánh giá sự thay đổi của các hoạt động phi nông nghiệp tới đầu tư và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp trong nông hộ. Mô hình hồi quy sử dụng phương pháp ước lượng bình phương nhỏ nhất (Ordinary Least Square – OLS) giúp đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau đến một biến phụ thuộc nhất định. Mô hình hồi quy tổng quát như sau:

Trong đó:

Yi: là biến phụ thuộc của quan sát thứ i (i=1, 2,…, n).

Xki với k = 2, 3, …, k là các biến độc lập của quan sát thứ i, đại diện cho các yếu tố ảnh hưởng đến phụ thuộc.

ui: là sai số ngẫu nhiên, phản ánh ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài mô hình.

Trong nghiên cứu này, nghiên cứu sử dụng số liệu năm 2016 để xem xét ảnh hưởng của các yếu tố, như: vùng, miền, trình độ học vấn, sự đa dạng trong sản xuất nông nghiệp và hoạt động phi nông nghiệp (đại diện là thu nhập từ phi nông nghiệp) đến sinh, như: lao động thuê trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư trong trồng trọt, chăn nuôi. Kết quả ước lượng các mô hình hồi quy cho phép đánh giá tác động của hoạt động phi nông nghiệp đến đầu tư và hiệu quả hoạt động nông nghiệp (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Về Lao động nông nghiệp

Lao động trong nông nghiệp được chia thành ba nhóm để xem xét, gồm: Lao động gia đình cho hoạt động trồng trọt (Y1i , ngày công); Lao động gia đình cho hoạt động chăn nuôi (Y2i , ngày công); và Lao động thuê nói chung (Y3i , nghìn đồng). Trong đó, các yếu tố đánh giá bao gồm:

X2i: Thu nhập phi nông nghiệp (nghìn đồng/hộ).

X3i: Vùng miền = 1 nếu là miền Trung; = 0 nếu là Tây Nguyên.

X4i: Dân tộc = 1 nếu là Kinh; = 0 nếu là nhóm dân tộc khác.

X5i: Số năm đi học bình quân của lao động (năm).

Bảng 1: Kết quả hồi quy đối với lao động trong nông nghiệp

Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp

Kết quả ước lượng hồi quy (Bảng 1) cho thấy, không có sự khác biệt về lượng công lao động gia đình cho hoạt động chăn nuôi giữa các hộ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của các yếu tố rõ ràng hơn đối với lao động trong hoạt động trồng trọt và lao động đi thuê.

Về sự khác biệt giữa hai khu vực miền Trung và Tây Nguyên, do sự phát triển của các cây trồng công nghiệp như cà phê, bông…, nên lượng công lao động gia đình và thuê ngoài của các hộ gia đình ở Tây Nguyên có sự khác biệt rất lớn so với các hộ ở miền Trung. Các hộ gia đình người Kinh cũng sử dụng ít lao động gia đình cho hoạt động trồng trọt hơn và ngược lại, họ cũng thuê lao động ngoài nhiều hơn so với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Các hộ gia đình có trình độ học vấn cao hơn cũng có xu hướng đầu tư nhiều lao động hơn so với các hộ khác.

Bên cạnh đó, thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp có tác động khá rõ rệt lên việc sử dụng lao động gia đình và lao động thuê ngoài. Các hộ gia đình có thu nhập phi nông nghiệp cao hơn sử dụng cả lao động gia đình và lao động thuê ngoài. Điều này có thể được lý giải do sự thoái lui của lao động trong hoạt động nông nghiệp, cũng như các hộ gia đình có thể dần coi sản xuất nông nghiệp mang tính chất đảm bảo an ninh lương thực - thực phẩm của hộ hơn là một hoạt động sản xuất hàng hoá. Tác động đến việc sử dụng máy móc, công nghệ sẽ được xem xét trong đánh giá về đầu tư trong nông nghiệp.

Về đầu tư trong nông nghiệp

Để đánh giá tác động của thu nhập phi nông nghiệp đến đầu tư trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, một số yếu tố được sử dụng để đánh giá, bao gồm:

X2i: Thu nhập phi nông nghiệp (nghìn đồng/hộ).

X3i: Vùng miền = 1 nếu là Miền Trung; = 0 nếu là Tây Nguyên.

X4i: Dân tộc = 1 nếu là Kinh; = 0 nếu là nhóm dân tộc khác.

X5i: Số năm đi học bình quân của lao động (năm).

X6i: Số loại cây trồng trong hộ.

X7i: Số loại vật nuôi trong hộ.

Đầu tư trong hoạt động trồng trọt

Các khoản mục đầu tư trong hoạt động trồng trọt được xem xét bao gồm: Chi phí chung cho trồng trọt (Y4i , nghìn đồng/1.000m2); Chi phí đầu tư máy móc (Y5i , nghìn đồng/1.000m2) và Chi phí đầu tư phân bón (Y6i , nghìn đồng/1000m2).

Bảng 2: Kết quả hồi quy đối với chi phí đầu tư trong trồng trọt

Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp

Kết quả hồi quy (Bảng 2) cho thấy, các hộ gia đình ở Tây Nguyên có mức chi phí đầu tư cho trồng trọt nhìn chung cao hơn so với khu vực miền Trung. Các hộ gia đình người Kinh cũng chi đầu tư cho hoạt động trồng trọt nói chung cao hơn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác. Đặc biệt, tính đa dạng về cây trồng trong trồng trọt của các hộ có thể đảm bảo tính rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng có xu hướng hạn chế đầu tư thâm canh (gồm máy móc và phân bón) trong trồng trọt.

Phân tích cũng cho thấy, thu nhập phi nông nghiệp không có sự tác động đáng tin cậy tới mức đầu tư trong trồng trọt bao gồm cả máy móc và phân bón. Các hộ có thu nhập phi nông nghiệp cao hơn không có sự khác biệt trong đầu tư máy móc, phân bón cho trồng trọt so với hộ có thu nhập phi nông nghiệp thấp hơn.

Đầu tư trong hoạt động chăn nuôi

Các khoản mục đầu tư trong hoạt động chăn nuôi được xem xét bao gồm: Chi phí thức ăn chăn nuôi (Y7i , nghìn đồng/loại vật nuôi); Chi phí đầu tư giống vật nuôi (Y8i , nghìn đồng/loại vật nuôi); Chi phí thú y (Y9i, nghìn đồng/hộ) và Tổng chi phí đầu tư cho chăn nuôi (Y10i , nghìn đồng/loại vật nuôi).

Bảng 3: Kết quả hồi quy đối với chi phí đầu tư trong chăn nuôi

Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp

Kết quả phân tích (Bảng 3) cho thấy, nhìn chung, các hộ gia đình ở Tây Nguyên đầu tư cho chăn nuôi cao hơn so với các hộ gia đình ở miền Trung. Tương tự, các hộ người Kinh cũng đầu tư cho chăn nuôi cao hơn các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khác. Nhóm hộ có trình độ học vấn cao hơn cũng đầu tư cho chăn nuôi nhiều hơn.

Tuy vậy, về chi phí đầu tư trong chăn nuôi, tác động của thu nhập phi nông nghiệp chưa rõ ràng. Kết quả hồi quy cho thấy, có sự khác biệt đáng tin cậy giữa tổng chi phi chí đầu tư bình quân cho một loại vật nuôi do sự khác biệt về thu nhập phi nông nghiệp tạo ra. Tuy nhiên, tác động này không đáng tin cậy ở từng khoản mục đầu tư như con giống, thức ăn và thú y. Điều này cho thấy, có thể chi phí đầu tư chăn nuôi trong năm 2016 của các hộ rơi vào các khoản mục khác, ví dụ như chuồng trại, máy móc. Điều này cũng tương ứng với mức đầu tư cao hơn hẳn của hộ vào năm 2016 so với năm 2013. Đây có thể là thời điểm nhiều hộ gia đình bắt đầu mở rộng hoạt động chăn nuôi, tuy nhiên do số liệu chưa tách biệt rõ ràng nên nhóm nghiên cứu chưa thể khảo sát sâu hơn.

Thu nhập từ nông nghiệp

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu khảo sát hồi quy đối với tác động của thu nhập phi nông nghiệp đến thu nhập nông nghiệp của các hộ gia đình (Y11i , nghìn đồng/hộ). Bên cạnh thu nhập phi nông nghiệp, các yếu tố khác cũng được xem xét mức độ ảnh hưởng đến thu nhập nông nghiệp của hộ gia đình, bao gồm:

X2i: Thu nhập phi nông nghiệp (nghìn đồng/hộ).

X3i: Vùng miền = 1 nếu là miền Trung; = 0 nếu là Tây Nguyên.

X4i: Dân tộc = 1 nếu là Kinh; = 0 nếu là nhóm dân tộc khác.

X5i: Số năm đi học bình quân của lao động (năm).

X6i: Số loại cây trồng trong hộ.

X7i: Số loại vật nuôi trong hộ.

Bảng 4: Kết quả hồi quy đối với thu nhập nông nghiệp

Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp

Kết quả hồi quy (Bảng 4) cho thấy, thu nhập nông nghiệp của các hộ gia đình tại miền Trung thấp hơn khá nhiều so với các hộ gia đình ở Tây Nguyên. Trong khi đó, sự khác biệt về thu nhập nông nghiệp do sự khác biệt về dân tộc, trình độ học vấn nhìn chung dễ dự đoán. Hệ số của số lượng vật nuôi, cây trồng cũng cho thấy tính chất sản xuất nông nghiệp ở hai khu vực trên phần nào đó chưa mang tính hàng hóa cao, khi việc đa dạng hoá các loại cây trồng vật nuôi vẫn đảm bảo thu nhập cao hơn. Điều này có thể làm chậm quá trình chuyên môn hoá, chuyên canh trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt với các địa bàn có điều kiện chuyên canh như Tây Nguyên.

Phân tích cũng cho thấy, hộ gia đình có thu nhập phi nông nghiệp cao hơn, thì có có mức thu nhập nông nghiệp thấp hơn. Điều này cho thấy, sự suy giảm của sản xuất nông nghiệp khi việc làm, thu nhập phi nông nghiệp tăng lên trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở các địa phương. Trong giai đoạn này, các hộ có thể dần coi sản xuất nông nghiệp chủ yếu để đảm bảo lương thực - thực phẩm cho hộ gia đình, mà không phải nguồn thu nhập phục vụ các chỉ tiêu nâng cao đời sống tinh thần. Bên cạnh đó, năm 2016 cũng chứng kiến các sự cố lớn phần nào ảnh hưởng đến thu nhập nông nghiệp của hộ, như: sự cố môi trường biển ở miền Trung, dịch bệnh trong chăn nuôi lợn ở Tây Nguyên.

KẾT LUẬN

Nghiên cứu cho thấy, sự thay đổi rõ nét các nguồn lực sinh kế nông nghiệp của các hộ gia đình tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Với lực lượng lao động dồi dào, lao động tại các hộ gia đình có xu hướng chuyển dịch nhanh sang các hoạt động làm thuê và tự làm phi nông nghiệp khác với nhiều hoạt động, ngành nghề đa dạng. Trong khi đó, đầu tư vào các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, cũng như phi nông nghiệp có sự tăng lên rõ nét, tuy nhiên tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hoá phân phối ra thị trường chưa nhiều, mức độ tăng chưa tương xứng với mức tăng đầu tư. Điều nay cho thấy, sản xuất nông nghiệp chủ yếu đóng vai trò đảm bảo an ninh lương thực - thực phẩm tại các hộ gia đình, đặc biệt là khu vực miền Trung.

Các kết quả phân tích hồi quy với số liệu 2016 cho thấy, tác động của thu nhập phi nông nghiệp lên lao động, chi phí đầu tư trong nông nghiệp và thu nhập nông nghiệp. Thu nhập phi nông nghiệp không tạo ra sự khác biệt trong lao động gia đình cho hoạt động chăn nuôi, trong khi có làm giảm đáng kể lao động gia đình cho hoạt động và lao động đi thuê cho hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung. Đây là chỉ dấu cho thấy, có sự thoái lui của hoạt động sản xuất nông nghiệp như một hoạt động mang định hướng thị trường. Bên cạnh đó, thu nhập nông nghiệp cũng chưa tạo ra sự khác biệt trong đầu tư trồng trọt và các hạng mục đầu tư chăn nuôi, như: giống, thức ăn, thú y, ngoại trừ một số hạng mục khác như chuồng trại chưa được xem xét.

Cuối cùng, thu nhập phi nông nghiệp có xu hướng làm giảm thu nhập nông nghiệp của hộ gia đình do sự chuyển dịch lao động cũng như giảm tính hàng hoá của sản phẩm nông nghiệp./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dedehouanou, Senakpon F. A. and Ousseini, Aichatou and Harouna Abdoulaziz, Laouali and Jabir, Maimounata (2016). Spillovers from Off-Farm Self-Employment Opportunities in Rural Niger, PEP working paper serie 2018-08

2. Ji Y., X. Yu, and F. Zhong (2012). Machinery Investment Decision and Off-Farm Employment in Rural China, China Economic Review, 23(1),71-80

3. Su, W., Eriksson, T., Zhang, L., & Bai, Y. (2016). Off-farm employment and time allocation in on-farm work in rural China from gender perspective, China Economic Review, 41, 34-45

4. Yang, Jin and Wang, Hui and Jin, Songqing and Chen, Kevin and Riedinger, Jeffrey and Chao, Peng, (2014). Migration, Local Off-Farm Employment, and Agricultural Production Efficiency: Evidence from China, IFPRI Discussion Paper 01338

5. Yin, N., Huang, Q., Yang, Z., & Wang, Y. (2016). Impacts of Off-Farm Employment on Irrigation Water Efficiency in North China, Water, 8(10), 452

6. Zhu, Z., Xu, Z., Shen, Y., Huang, C., & Zhang, Y. (2019). How off-farm work drives the intensity of rural households investment in forest management: The case from Zhejiang, China, Forest Policy and Economics, 98, 30-43

Summary

The study employs quantitative method to assess the impact of non-agricultural income on household livelihoods in the Central region and Central Highlands. The outcome indicates that non-agricultural income does not make a difference in family labor for animal husbandry activities, while there is a significant reduction in family labor in terms of hired labor, and agricultural activities in general. In addition, there is no difference in agricultural income in farming investment and livestock investment such as breeds, feed and veterinary medicine, except for some other unregarded items such as breeding facilities. Moreover, non-agricultural income tends to reduce agricultural income due to labor mobility as well as reduce the commodity attributes of agricultural products.

Keywords: non-agricultural income, household livelihood, Central region, Central Highlands

(Đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 15 tháng 5/2020)