Bà Kamala Harris mang đến nhiều kỳ vọng lạc quan cho Việt Nam
Vì sao Việt Nam là điểm đến được lựa chọn?
Lý giải câu hỏi của nhiều người: “Vì sao Việt Nam là điểm đến được lựa chọn?”, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói một cách ngắn gọn: “Không có gì khác ngoài những thành công và các kết quả đã đạt được trong quan hệ Việt - Mỹ những năm gần đây”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đón tiếp bà Kamala Harris tại Hà Nội vào ngày 25/8/2021 |
Trước khi bà Kamala Harris đến Việt Nam, vào tháng 11/2020, Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien đã đến thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Tại cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, hai bên nhất trí đánh giá quan hệ hai nước chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, cùng khẳng định quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau và cùng có lợi.
Tiếp nối chặng đường 25 năm phát triển quan hệ Việt - Mỹ, tại buổi tiếp bà Kamala Harris, Phó Tổng thống Mỹ ngày 25/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện để các doanh nghiệp Hoa Kỳ kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam, khuyến khích, thúc đẩy và mong muốn Hoa Kỳ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tiềm lực, thế mạnh của Việt Nam đầu tư vào những lĩnh vực Hoa Kỳ có nhu cầu. Thủ tướng dẫn câu chuyện của VinGroup dự định đầu tư lĩnh vực xe điện và pin xe điện, với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, sẽ góp phần tạo cân bằng trong đầu tư, thương mại song phương giữa hai nước. Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định khung về Thương mại và đầu tư (TIFA) và xem xét khả năng thiết lập khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại mới để thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại song phương hài hòa, bền vững, cùng có lợi…
Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về kinh tế - thương mại, biến đổi khí hậu, khoa học - công nghệ, hợp tác không gian dân sự, y tế, công nghiệp dược. |
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm 2021, đạt 62,5 tỷ USD (tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020) là một minh chứng cho thấy, dòng chảy thương mại đang ngày càng bền vững giữa hai quốc gia. Trong chuyến thăm Việt Nam, Phó Tổng thống Kamala Harris khẳng định, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về kinh tế - thương mại, biến đổi khí hậu, khoa học - công nghệ, hợp tác không gian dân sự, y tế, công nghiệp dược.
Cùng với đó, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nâng cao năng lực an ninh hàng hải và hỗ trợ hợp tác phát triển với Việt Nam...
Trong chia sẻ với báo chí nhân sự kiện bà Kamala Harris thăm Việt Nam, TS. Phan Hữu Thắng dẫn tựa đề cuốn sách “Không gì là không thể: Tiến trình hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam” của cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam ông Ted Osiu, để chia sẻ niềm vui khi nhớ về những năm tháng Việt Nam bắt đầu thực hiện đường lối mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài. Theo TS. Phan Hữu Thắng, thách thức nội tại lớn nhất trong giai đoạn đầu mở cửa này là đổi mới tư duy về thu hút đầu tư nước ngoài, tuy đã thực hiện được bằng việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài 1987, nhưng các thách thức, khó khăn còn lại cũng không nhỏ: cơ sở hạ tầng nền kinh tế bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, đời sống người dân khó khăn chồng chất khó khăn, lương thực, hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày thiếu, các cơ sở giáo dục đào tạo nguồn nhân lực phải xây dựng lại từ đầu… Cùng với đó là các thách thức từ bên ngoài là đất nước bị bao vây cấm vận bởi các nước tư bản chủ nghĩa, nên không có nhà đầu tư nước ngoài nào dám đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông Thắng, lớp cán bộ lúc đó thuộc biên chế của Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác đầu tư (SCCI) được thành lập để làm đầu mối quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, đã theo sát từng ngày tiến trình đi đến xóa bỏ cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam. “Ngay sau khi nghe tin Mỹ đã chính thức bỏ cấm vận với Việt Nam, chúng tôi đã nhảy lên vui mừng, thật khó tả hết cảm xúc của từng người lúc đó, có những giọt nước mắt đã chảy… Cơ hội và vị thế của Việt Nam từ giờ phút đó đã thay đổi”, ông chia sẻ.
Từ bao vây cấm vận về kinh tế, đến vị thế đầu tư của Mỹ đứng trong TOP 10 quốc gia có đầu tư lớn nhất tại Viêt Nam hiện nay cho thấy, với quan hệ Việt - Mỹ, không gì là không thể. |
Sau khi nước Mỹ bỏ cấm vận với Việt Nam (năm 1994), Việt Nam đã tiếp tục đổi mới tư duy, tận dụng cơ hội, từng bước tao điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong một số năm sau đó, Việt Nam đã tiến hành việc mời gọi các tập đoàn lớn, có công nghệ cao của nước ngoài vào Việt Nam, và Mỹ đã tạo cơ hội cho Việt Nam đột phá, điển hình là việc mời gọi tập đoàn Intel.
“Thời điểm đó, chúng tôi được biết Việt Nam đã lọt được vào TOP 3 quốc gia mà Intel sẽ chọn 1 để vào đầu tư, đó là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Chính phủ thời gian đó đã thành lập Tổ công tác Intel. Tổ công tác đã có nhiều buổi họp nội bộ, rồi làm việc, trao đổi, với Intel, sang cả Thượng Hải xem cụ thể dự án của Intel tại đấy. Cuối cùng Intel đã chọn Khu công nghệ cao TP. HCM là điểm đầu tư và đến nay, Intel đã thành công trong đầu tư tại Việt Nam”, ông Thắng kể.
Đầu tư của Intel đã mở đầu cho các dự án có công nghệ cao, quy mô lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Kết quả thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm 2021, đầu tư của Mỹ đã đứng thứ 7 trong TOP 10 nước có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với 28 dự án cấp mới tổng vốn đăng ký 300,64 triệu USD và 6 dự án điều chỉnh tăng 6,59 triệu USD.
Từ bao vây cấm vận về kinh tế, đến vị thế đầu tư của Mỹ đứng trong TOP 10 quốc gia có đầu tư lớn nhất tại Viêt Nam hiện nay cho thấy, với quan hệ Việt - Mỹ, không gì là không thể, đúng như câu nói của cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam. TS. Phan Hữu Thắng chia sẻ.
Kỳ vọng lạc quan cho Việt Nam
TS. Vũ Xuân Thanh, Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ, để đi đến ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, nước ta đã phải tiến hành sửa gần 70 dự án luật để tiến gần và phù hợp với các quy định của thương mại quốc tế. Điều đáng mừng là sau gần 3 năm thực hiện Hiệp định, kim ngạch ngoại thương Việt Nam - Hoa Kỳ đã vượt ngưỡng 5 tỉ USD năm 2003, gấp 15 lần mức 300 triệu USD vào năm 1994 - năm đầu tiên nước Mỹ bỏ cấm vận với Việt Nam. Đến năm 2020, kim ngạch ngoại thương Việt Nam - Hoa Kỳ vượt qua mốc 90 tỷ USD và đang hiện thực hóa con số 100 tỷ USD vào năm 2021.
Cũng theo TS. Vũ Xuân Thanh, bên cạnh việc nâng tầm quan hệ thương mại với Mỹ, việc Việt Nam đàm phán thành công Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (có hiệu lực từ ngày 1/8/2020) cũng đang và sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế Việt, phát triển và nâng tầm.
Cảm nhận về việc Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Việt Nam, TS. Donald K. Emmerson, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Shorenstein thuộc Trường đại học Stanford, Mỹ đã chia sẻ với báo chí rằng, quan hệ Việt - Mỹ đã có những cải thiện rõ rệt và ổn định trong những năm gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh. Cùng với đó, theo Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương tại Philippines, việc Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Việt Nam cho thấy, tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong chính sách của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. “Chuyến thăm cho thấy Việt Nam đang nổi lên nhanh chóng như một đối tác kinh tế và an ninh lớn của Mỹ", ông nói.
Với sự ủng hộ của Mỹ và các đối tác quan trọng khác trong việc cung cấp vaccine, dịch bệnh tại Việt Nam sẽ sớm được đẩy lùi và kinh tế của Việt Nam sẽ tăng tốc trở lại, kỳ vọng bắt đầu từ quý IV/2021. |
Tại Việt Nam, ở góc nhìn của doanh nhân đã hỗ trợ trên 1.000 doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng sang thị trường quốc tế, ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty TNHH VIETGO ví chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Harris như “một liều thuốc vaccine mạnh nhất hỗ trợ Việt Nam vượt qua đại dịch và tiến tới trở thành một đối tác quan trọng của Mỹ, chiếm vị trí không nhỏ trong chuỗi cung ứng toàn cầu”. Những thành tựu về xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2021 như tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gần 30%, vươn lên vị trí thứ hai thế giới về lĩnh vực xuất khẩu dệt may… là tín hiệu bước đầu cho khả năng phát triển vượt bậc trong tương lai gần để vươn lên thành một nhà sản xuất lớn, chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Việt, châu Á đang là châu lục sản xuất lớn nhất thế giới, nắm hầu hết chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng là điểm khởi đầu của đường biển huyết mạch cung cấp hàng hoá ra thế giới. Trong những năm qua, đặc biệt dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc được coi là thế lực đáng quan tâm nhất của Mỹ. Chính phủ nước này đã tạo ra làn sóng di chuyển những tập đoàn rời khỏi Trung Quốc để tìm một quốc gia khác nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng mới. Mặt khác, trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden, thì việc hoàn thành chuỗi cung ứng mà không phụ thuộc vào Trung Quốc đang và sẽ là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, ASEAN là mảnh đất màu mỡ còn lại, quan trọng nhất trong vai trò sản xuất ở châu Á. Trong ASEAN, Việt Nam nổi lên là quốc gia có lợi thế nhất để Mỹ đặt mối quan hệ chiến lược lâu dài.
Bên cạnh lợi thế về địa lý, dân số và độ phủ Internet, Việt Nam có lợi thế đặc biệt khi có thể chế chính trị ổn định, có uy tín lớn trong ASEAN, nên rất có tiếng nói với các nước thành viên. “Đây là điều vô cùng quan trọng với nhà đầu tư để họ yên tâm gây dựng cơ sở sản xuất cũng như dễ dàng kiểm soát vốn và tài sản đầu tư”, ông Việt chia sẻ.
Lợi thế lớn khác ở chỗ, Việt Nam là đối tác chiến lược lâu năm với hai đồng minh lớn của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc. Với Nhật Bản, Việt Nam có quan hệ hợp tác song phương trên 20 năm; với Hàn Quốc là trên 10 năm. Hai quốc gia này đã mang cả “đàn con cưng” của họ là các tập đoàn kinh tế lớn nhất nhì ngành công nghiệp sang Việt Nam để gửi gắm như Toyota, Honda, Yamaha, Huyndai, Samsung… Ngoài ra, Việt Nam còn là đối tác đặc biệt quan trọng của Nhật Bản, Việt Nam là đất nước Nhật đầu tư vốn ODA lớn nhất thế giới với hơn 1,7 tỷ USD, bỏ xa quốc gia đứng thứ ba là Ấn Độ với hơn 700 triệu USD. “Chính vì thế, việc hai đồng minh lớn của Mỹ đang hợp tác sâu rộng lâu năm với Việt Nam cũng là một yếu tố không nhỏ để Mỹ chọn tiếp tục tin cậy Việt Nam”, ông Việt nói.
Việc bà Kamala Harris khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Hà Nội vào ngày 25/8/2021 và tặng thêm 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam cho thấy chương trình ngoại giao vaccine của Việt Nam đang ngày càng hiệu quả. Ở góc nhìn của một doanh nhân, ông Việt cho rằng, các chính phủ, các tập đoàn kinh tế lớn có các cơ sở sản xuất của họ đang hoạt động tại Việt Nam chắc chắn sẽ hỗ trợ nhiệt tình cho Việt Nam sớm có đủ vaccine chống dịch. “Hãy hình dung, khi những đứa “con cưng” của các cường quốc kinh tế đều đang ở Việt Nam và cần duy trì sản xuất trong chuỗi sản xuất toàn cầu của các cường quốc ấy, họ chắc chắn ưu tiên vaccine cho Việt Nam”, ông Việt nói.
Theo dự báo của ông Việt, với sự ủng hộ của Mỹ và các đối tác quan trọng khác trong việc cung cấp vaccine, dịch bệnh tại Việt Nam sẽ sớm được đẩy lùi và kinh tế của Việt Nam sẽ tăng tốc trở lại, kỳ vọng bắt đầu từ quý IV/2021./.
Bình luận