Summary

The implementation of environmental targets in the socio-economic development plan in our country is especially important and has great influence, a relation and an interaction with the implementation of economic and social targets in the sustainable development process, because either economy, society or environment plays an important role in determining the sustainable development of the country. Research results on the ability to implement environmental targets in our country's 5-year socio-economic development plan 2021-2025 show that, out of 5 targets, 4 targets will be reached, in which in which most of the targets will be exceeded. Entering the 5-year period 2026-2030, the aim to fulfill these targets higher will require effective solutions and implementation efforts of the entire society to solve the significant problems.

Keywords: ability to complete, socio-economic development plan 2021-2025, environmental targets, sustainable development

ĐẶT VẤN ĐỀ

Môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Đây chính là quan điểm xuyên suốt của nước ta. Vì vậy, việc chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu là mục tiêu tổng quát về môi trường mà Nghị quyết số 16/2021/QH15, ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã đề ra. Để góp phần thực hiện mục tiêu tổng quát nêu trên, Nghị quyết đã xác định 5 chỉ tiêu về môi trường cần phấn đấu đạt được cho 5 năm 2021-2025, cụ thể như sau: (1) Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100% và nông thôn là 93-95%; (2) Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; (3) Tỷ lệ khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%; (4) Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; (5) Tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.

Có thể thấy, việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 nói chung, các chỉ tiêu về môi trường nói riêng của nước ta trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, như: cạnh tranh chiến lược, tranh giành các nguồn tài nguyên giữa các nước ngày càng quyết liệt; biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về cả tác động và cường độ; các yêu cầu về bảo vệ môi trường trên bình diện quốc tế ngày càng cao, đòi hỏi nước ta phải có những hành động mạnh mẽ hơn để đảm bảo đạt được tối đa các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu đã đề ra, nên việc thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường đã bị ảnh hưởng không nhỏ bởi yếu tố khách quan và chủ quan đan xen nhau. Tuy nhiên, nhờ vào sự nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nên việc thực hiện kế hoạch phát triển hàng năm trong các năm từ 2021-2023 của nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường, tạo đà cho phát triển vững chắc hơn cho 2 năm còn lại trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN VÀ KHẢ NĂNG HOÀN THÀNH CÁC CHỈ TIÊU VỀ MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2021-2025[1]

Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị và nông thôn

An ninh nguồn nước đang là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với nước ta bởi nước ta không chỉ là quốc gia thiếu nước, mà nguồn nước của nước ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về ô nhiễm, khan hiếm, cạn kiệt, đe dọa trực tiếp đến an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững quốc gia [11].

Hơn nữa, nước ta cũng là một trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, khiến cho tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng, khó lường, dẫn đến việc thiếu nước ngày càng gia tăng, nguy cơ mất an ninh nguồn nước là rất đáng báo động. Trong bối cảnh đó, nước sạch, nước hợp vệ sinh là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống, sinh hoạt của người dân và luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đối với khu vực nông thôn đã có nhiều chương trình cấp nước sạch từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 [8], trong đó tập trung vào việc nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch đạt quy chuẩn. Ngoài ra, Chiến lược quốc gia cấp nước sạch, vệ sinh nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn 2045 [9], Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình xóa đói giảm nghèo, Chương trình 30a; viện trợ của tổ chức Unicef, chính phủ Nhật Bản, Úc, Đan Mạch, Hà Lan, WB, ADB, ODA… đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là nước sạch, nước hợp vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn.

Đối với khu vực đô thị, các hệ thống văn bản liên quan đến lĩnh vực sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch đô thị luôn được bổ sung, hoàn thiện, do đó, việc sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh tại các đô thị được cải thiện cả về số lượng và chất lượng, tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh không ngừng gia tăng và luôn duy trì ở tỷ lệ cao.

Đáng chú ý, trong các năm 2021-2023, đã có nhiều dự án, công trình cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây mới, nâng cấp. Đến hết năm 2023, ước tính có khoảng 4.500 hệ thống cấp nước tập trung lớn, nhỏ cho cả đô thị và nông thôn với tổng công suất cấp nước thiết kế đạt khoảng 10,9 triệu m3/ngày. Điều này đã góp phần đưa tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của cả dân cư thành thị và nông thôn tăng lên đều đặn qua các năm.

Kết quả thực hiện các năm 2021-2023 cho thấy, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị năm 2021 đạt 98,6%, đến năm 2022 đạt 98,82% và năm 2023 ước đạt 98,9%; dự báo 2 năm 2024-2025 đạt tương ứng 99,0% và 99,2%. Về tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn năm 2021 đạt 96,2%, đến năm 2022 đạt 97,0% và năm 2023 ước đạt 97,0%; dự báo 2 năm 2024-2025 đạt 97,1% và 97,2%.

Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi ngày nước ta thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Trên 70% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh hàng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Ngoài ra, trong số 30% lượng rác thải được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp, có đến 2/3 là được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí.

Vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn ở các thành phố lớn, như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng…, do những khó khăn trong vấn đề quản lý và xử lý rác thải. Trung bình lượng rác thải sinh hoạt đô thị phát sinh tại Hà Nội là khoảng 7.000 tấn/ngày, tại TP. Hồ Chí Minh khoảng 10.000 tấn/ngày, tại Hải Phòng là khoảng 700-800 tấn/ngày. Cách thức xử lý chất thải sinh hoạt tại các thành phố này chủ yếu vẫn là sử dụng phương pháp chôn lấp, tuy nhiên, hiện các bãi rác đều trong tình trạng quá tải, đặt ra nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng [4].

Tính chung cả nước, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu vực đô thị trong năm 2021 đạt 87,2%. Năm 2022, tỷ lệ này đạt kết quả cao vượt bậc, đạt 96,37%. Sang năm 2023, tỷ lệ này ước đạt khoảng 95%.

Đạt được những kết quả nêu trên là tổng hợp nỗ lực rất lớn của toàn xã hội, từ quá trình quản lý của các cấp, ngành, cho tới thực hiện của người dân. Hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm thu hồi năng lượng đã và đang được các địa phương đẩy mạnh thực hiện. Công tác phân loại chất thải tại nguồn được các cấp, các ngành quan tâm và chỉ đạo tổ chức thực hiện, góp phần giảm thiểu lượng chất thải phải xử lý và tăng cường tái chế, tận dụng tài nguyên. Năm 2022, ngành công nghiệp tái chế trong nước đã phát triển với mức tăng trưởng đạt 11,3% so với năm 2021, đưa nước ta trở thành quốc gia đứng thứ 10 trên thế giới về tái chế kim loại, nhựa, giấy và thủy tinh, bước đầu đặt nền móng cho phát triển kinh tế tuần hoàn [10]. Hiện nay, cả nước có khoảng 1.712 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm: 467 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 38 dây chuyền sản xuất phân compost, khoảng 1.207 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt [12]. Dự báo trong 2 năm 2024-2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu vực đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ duy trì ở mức trên 95%. Như vậy, tỷ lệ này sẽ vượt mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra cho giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Tỷ lệ KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường

Trong thời gian qua, các KCN, KCX ở nước ta ngày càng phát triển với số KCN, KCX đi vào hoạt động tăng từ 291 khu vào năm 2021 [2] lên 296 khu vào năm 2023 [3], dẫn đến lượng nước thải phát sinh từ các KCN, KCX cũng ngày càng tăng. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trong KCN, KCX có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường.

Thực tế cho thấy, song song với việc xây dựng các KCN, KCX, chính quyền các địa phương luôn quan tâm, đôn đốc việc xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung trong khu vực này. Cùng với đó, các công trình xử lý nước thải tập trung và mạng lưới đường ống dẫn nước thải trong KCN, KCX đã được chú trọng xây dựng. Ngoài ra, các dự án có lượng nước thải lớn trong KCN, KCX đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải sơ bộ trước khi xả vào hệ thống xử lý nước thải tập trung giúp giảm tải cho công trình xử lý nước thải.

Tỷ lệ KCN, KCX có hệ thống xử lý nước thải tập trung có xu hướng tăng lên qua từng năm trong giai đoạn 2021-2023. Năm 2021 có 264 KCN, KCX có khu xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn trong tổng số 291 KCN, KCX đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ 90,5%; năm 2022, tỷ lệ này đạt 91% và ước thực hiện năm 2023 đạt 92% KCN, KCX có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn. So với mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, năm 2021 kết quả thực hiện chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng các năm 2022, 2023 chỉ tiêu này đã đạt kế hoạch đề ra[2]. Nguyên nhân là trong năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số công trình xử lý nước thải KCN, KCX phải dừng thi công. Đồng thời, sau đại dịch, một số KCN, KCX gặp khó khăn chưa thu xếp được nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, tỷ lệ các KCN, KCX có công trình xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động ngày càng gia tăng do lĩnh vực này ngày càng được quan tâm. Bên cạnh đó, đến năm 2030 sẽ có từ 40%-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8%-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới [1]. Do vậy, dự báo 2 năm 2024-2025, tỷ lệ KCN, KCX có hệ thống xử lý nước thải sẽ đạt 92,1% vào năm 2024 và khoảng 92,3% vào năm 2025. Như vậy, kết quả thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ KCN, KCX có hệ thống xử lý nước thải tập trung mà Quốc hội đã đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 sẽ vượt chỉ tiêu.

Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý

Trên phạm vi cả nước, hiện nay, có nhiều cơ sở thuộc nhiều nhóm ngành, lĩnh vực gây hậu quả ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó, bệnh viện và bãi rác là những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chủ yếu (bệnh viện chiếm khoảng 36,8%; bãi rác chiếm khoảng 26,2%[3]).

Các cơ sở y tế và bệnh viện có tỷ lệ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cao nhất so với các nhóm ngành, lĩnh vực khác; rác thải của những cơ sở này được xem là khá nguy hại vì tính chất phức tạp và khả năng lây nhiễm cao. Ước tính mỗi ngày có khoảng 440,7 tấn rác thải rắn y tế phát sinh tại Việt Nam, trong đó khoảng 71,5 tấn rác thải xếp vào nhóm nguy hại. Đáng chú ý, khối lượng rác thải y tế chưa được phân theo đúng chủng loại, chưa được khử khuẩn trước khi thải bỏ còn tương đối lớn. Bên cạnh đó, các hoạt động trong ngành này còn thải ra trung bình 130.000 m3 nước thải mỗi ngày [7]. Nước thải của một số bệnh viện ô nhiễm nặng, vượt rất nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, nhiều cơ sở y tế chưa quan tâm đúng mức đến việc xử lý chất thải y tế và chưa có công trình xử lý nước thải đạt chuẩn.

Ô nhiễm tại nhiều bãi rác nước ta hiện nay cũng rất nghiêm trọng. Mặc dù tỷ lệ thu gom hàng năm tăng nhưng do lượng phát sinh lớn, năng lực thu gom và phân loại rác còn hạn chế nên số lượng rác thải tập kết ở các bãi rác liên tục tăng, đặc biệt ở các đô thị và thành phố lớn. Mặt khác, hơn 70% bãi rác chôn lấp cả nước chưa hợp vệ sinh, thiếu quy hoạch tập trung. Phần lớn các bãi rác này làm không khí và nguồn nước xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Việc đẩy nhanh tiến độ để xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ngày càng được chú trọng, đặc biệt là các cơ sở nằm trong khu dân cư, vùng đô thị và các khu, cụm công nghiệp tập trung.

Năm 2021, xét trên phạm vi cả nước, có 370/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành xử lý triệt để, chiếm 85,06%. Như vậy, so với chỉ tiêu đề ra là 100%, thì chỉ tiêu này năm 2021 không đạt yêu cầu. Sang năm 2022, số lượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý tăng nhẹ lên 372/435 cơ sở, chiếm 85,52%. Tỷ lệ này ước đạt khoảng 87% vào cuối năm 2023. Dự báo năm 2024 và 2025, việc thực hiện chỉ tiêu này đạt 100% là tương đối khó, nhưng sẽ có sự tăng mạnh, 2 năm 2024-2025 sẽ đạt tỷ lệ lần lượt là 90,2% và 93%.

Tỷ lệ che phủ rừng

Trước thực trạng diện tích rừng tự nhiên ngày càng giảm nhanh và chất lượng rừng suy thoái nghiêm trọng, nước ta đã ban hành các chính sách và thực hiện nhiều chương trình “trồng cây, gây rừng”. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” và Quyết định số 523/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Kết quả là, năm 2023, cả nước đã trồng được khoảng 250.000 ha rừng (đạt 102% kế hoạch năm 2023), tiến hành phục hồi được 4.000 ha rừng ngập mặn… Đây là những con số cho thấy những nỗ lực trong việc bảo vệ và phát triển rừng ở Việt Nam những năm gần đây.

Trong 3 năm 2021-2023, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc vẫn giữ được ổn định ở mức 42,02%, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Kết quả này có được phần lớn là do các quy định pháp lý, chính sách, cơ chế về bảo vệ rừng ngày càng hoàn thiện đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cũng như tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát, khai thác và xử lý các vi phạm liên quan đến bảo vệ rừng. Các chính sách bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được thực hiện, cùng với việc phát huy các thành tựu đã đạt được trong 3 năm 2021-2023, dự báo 2 năm 2024-2025, tỷ lệ che phủ rừng vẫn sẽ được duy trì ở mức 42,02%, vượt chỉ tiêu đề ra.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG VIỆC XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU VỀ MÔI TRƯỜNG TRONG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2026-2030

Vấn đề nước sạch, nước hợp vệ sinh của cư dân thành thị, nông thôn

Bảo đảm nguồn nước sạch, nước hợp vệ sinh luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp và đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đời sống, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì tỷ lệ nước sạch, nước hợp vệ sinh trong những năm tiếp theo đặt ra nhiều thách thức cho các nhà quản lý, cụ thể là:

- Về kinh phí thực hiện đầu tư các công trình nước sạch thành thị, nông thôn: Hiện nay, việc đầu tư các công trình cấp nước là do Nhà nước thực hiện đầu tư, trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn nên chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu của người dân, nhất là khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, việc áp dụng các ứng dụng khoa học -công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng nguồn nước đòi hỏi có nguồn lực đầu tư lớn.

- Việc cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh nông thôn còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng bãi ngang, hải đảo, vùng khó khăn về nguồn nước. Hơn nữa, chất lượng nguồn nước chưa bảo đảm do hệ thống đường ống dẫn nước bị xuống cấp gây vỡ, rò rỉ và nguồn nước bị ảnh hưởng bởi thiên tai, ô nhiễm.

- Hiện vẫn còn thiếu cơ chế cụ thể khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình nước sạch nông thôn, các dự án, công trình phục vụ cho cộng đồng. Cơ chế giá nước sạch giữa đô thị và nông thôn còn có sự chênh lệch nên khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư các dự án cấp nước.

Bàn về khả năng hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Việt Nam

Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Yên Binh, TP. Phổ Yên (Thái Nguyên) xử lý 60.000m3 nước thải/ngày - đêm

Vấn đề thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị

Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt luôn là vấn đề nhức nhối, đặt ra nhiều thách thức cho các nhà quản lý trong quá trình phát triển đô thị và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một số vấn đề vẫn còn tồn tại có thể kể đến như:

- Khó khăn trong thu gom chất thải rắn đô thị. Hiện nay, công tác phân loại rác tại nguồn còn hạn chế, có nơi đã thực hiện nhưng chưa thực sự hiệu quả. Hệ thống, quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa tốt và thiếu các tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật [5]. Việc chưa thực hiện triệt để phân loại rác tại nguồn gây khó khăn trực tiếp cho quá trình xử lý, tạo ra áp lực lớn về thu gom, xử lý khối lượng chất thải cao mà đáng lý ra có thể giảm thiểu nhờ những quy trình phân loại, tái chế, tái sử dụng. Bên cạnh đó, quá trình thu gom, vận chuyển chất thải chưa đồng bộ cũng ảnh hưởng đến quá trình áp dụng công nghệ để xử lý rác thải.

- Khó khăn trong lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng địa phương. Một số yếu tố ảnh hưởng đến công nghệ quản lý, xử lý chất thải rắn có thể kể đến, như: tình hình phát triển của địa phương, quy mô xử lý, mức độ phân loại rác tại nguồn, nguồn lực kinh tế và môi trường… Do đặc thù chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam có độ ẩm cao, lẫn nhiều tạp chất, công tác thực hiện phân loại tại nguồn chưa tốt…, nên rất cần áp dụng những công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam, đồng thời có giá thành đầu tư phù hợp.

- Thiếu cơ chế cụ thể khuyến khích các nhà khoa học, doanh nghiệp, khối tư nhân tham gia đầu tư vào công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ bám sát với thực tiễn, chưa hướng dẫn cụ thể về phương pháp định giá dịch vụ xử lý, chưa rõ danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt được khuyến khích, cơ chế khuyến khích các dự án đốt rác phát điện chưa được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn; quy định pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn bất cập, thiếu các cơ chế cụ thể để khuyến khích cho các nhà khoa học, các doanh nghiệp khối tư nhân yên tâm và có động lực để tham gia đầu tư vào công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Vấn đề KCN, KCX hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường

Dự kiến trong giai đoạn 2026-2030, số lượng KCN, KCX trên phạm vi cả nước sẽ không ngừng tăng lên. Vì vậy, việc thực hiện chỉ tiêu KCN, KCX có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn có thể gặp một số rủi ro, thách thức như:

- Số KCN, KCX đăng ký đầu tư tăng nhanh nhưng một số chủ đầu tư KCN, KCX có tiềm lực tài chính hạn chế dẫn đến chậm trễ trong đầu tư hạ tầng xử lý nước thải.

- Tại một số KCN, KCX ở các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, số dự án đầu tư vào KCN, KCX còn ít, tỷ lệ lấp đầy thấp dẫn đến tình trạng chủ đầu tư KCN, KCX không sẵn sàng đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

- Việc thỏa thuận giá xử lý nước thải giữa đơn vị xử lý nước thải và các dự án trong KCN, KCX cũng có thể phát sinh vướng mắc làm ảnh hưởng đến nỗ lực nâng cao tỷ lệ KCN, KCX có hệ thống xử lý nước thải.

Vấn đề cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý

Do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng sẽ ngày càng tăng nên việc thực hiện xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thể gặp một số thách thức như:

- Số lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày có xu hướng tăng nhanh. Dự báo đến năm 2030, lượng chất thải phát sinh của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, từ 27 triệu lên 54 triệu tấn [6]. Trong khi đó, việc lựa chọn công nghệ và các biện pháp xử lý rác thải theo phương thức hiện đại còn gặp nhiều khó khăn.

- Vấn đề huy động kinh phí là một thách thức không nhỏ để giúp các cơ sở gây ô nhiễm có thể sớm hoàn thành việc xử lý triệt để, đặc biệt là các cơ sở thuộc khu vực công ích, như: bãi rác, cơ sở y tế tuyến huyện. Cùng với đó, do thiếu kinh phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống xử lý chất thải, nên sau khi được đầu tư xây dựng, nhiều cơ sở hoạt động trong một thời gian ngắn đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng và có nguy cơ tái gây ô nhiễm môi trường.

- Việc di dời cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng khỏi khu dân cư cũng được xem là thách thức không nhỏ trong việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm.

Vấn đề che phủ rừng

Việc giữ vững tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42% như Quốc hội đề ra hoặc việc thực hiện đạt được chỉ tiêu này ở mức cao hơn có thể gặp phải một số rủi ro, thách thức như sau:

- Tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật để lấy đất canh tác; khai thác rừng trái phép; tranh chấp đất lâm nghiệp ở một số địa phương còn gay gắt, chưa được xử lý dứt điểm. Hiện nay, trên cả nước vẫn còn điểm nóng về khai phá rừng và khai thác lâm sản trái phép.

- Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể làm tăng nguy cơ cháy rừng, đặc biệt là vùng Tây Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên.

- Cơ sở vật chất và trang thiết bị cho bảo vệ rừng chưa được đầu tư đúng mức và còn hạn chế, nhất là tại các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp. Ngoài ra, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng bỏ việc, thôi việc xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực khó tuyển dụng lao động mới.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2026-2030

Về sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của cư dân thành thị, nông thôn

- Tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng hoàn thiện hệ thống các công trình cấp nước theo hướng trọng điểm, đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý vận hành, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước gắn với ổn định đời sống dân cư. Kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi có điều kiện phù hợp thuận lợi để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thuỷ lợi, hồ chứa cho cấp nước sinh hoạt. Thực hiện triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu mạng lưới cấp nước đảm bảo chính xác có thể tự động kết nối với nhau để cập nhật, đồng bộ dữ liệu.

- Có chính sách trợ giá nước sạch cho khu vực khó khăn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước và người sử dụng nước. Xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình, thích ứng với biến đổi khí hậu cho dân cư vùng sâu vùng xa, chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước.

- Đẩy mạnh xã hội hoá, phát triển thị trường nước sạch và nước hợp vệ sinh nông thôn, huy động các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân đầu tư phát triển cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh.

Về thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị

- Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về phân loại rác tại nguồn, phổ biến tới đông đảo cộng đồng sự cần thiết phải tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, đưa công tác phân loại rác tại nguồn thực sự hiệu quả và đi vào thực chất cuộc sống. Giảm thiểu rác thải tại nguồn, gia tăng các hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải là những biện pháp hữu hiệu nhất giúp giảm trực tiếp khối lượng rác thải cần phải chôn lấp, xử lý, từ đó giúp tiết kiệm các loại nguồn lực, tài nguyên, giảm thiểu các nguy cơ về môi trường.

- Các cơ quan quản lý cần sớm đưa ra các tiêu chí, bộ tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chú trọng tới điều kiện đặc thù của từng địa phương để công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các nhà máy đạt được hiệu quả tối đa.

- Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp tiên phong trong hoạt động thu gom, tái chế chất thải rắn để tăng cường sự tham gia của khối tư nhân vào công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Về KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường

- Nghiên cứu lập và ban hành bổ sung quy định pháp lý, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường trong KCN, KCX. Trong đó cần tập trung nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thu gom, xử lý chất thải, nước thải. Đồng thời, đảm bảo các thủ tục thẩm định, phê duyệt công trình xử lý nước thải cần được thực hiện nhanh gọn, đúng quy trình.

- Nghiên cứu xây dựng quy định về hợp tác giữa dự án đầu tư trong KCN, KCX và chủ đầu tư KCN, KCX nhằm đảm bảo nước thải phát sinh được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Có cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư các KCN, KCX tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý, như: vay vốn tín dụng ưu đãi, các quỹ bảo vệ môi trường để đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải trong KCN, KCX. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư KCN, KCX cũng cần chủ động thu xếp nguồn vốn, phương án đầu tư, phối hợp với các dự án trong KCN, KCX và với chính quyền địa phương nhằm sớm hoàn thành, đưa các công trình xử lý nước thải vào hoạt động.

- Định kỳ kiểm tra, thanh tra, rà soát, đánh giá tình hình phát sinh nước thải và hệ thống xử lý nước thải trong các KCN, KCX trên phạm vi cả nước nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm hoặc có biện pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác xử lý nước thải trong các KCN, KCX.

Về cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát; ngăn chặn tình trạng phát sinh mới các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

- Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong giai đoạn xử lý triệt để; hướng dẫn các cơ sở này thực hiện nghiêm các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm cũng như xây dựng kế hoạch xử lý của cơ sở mình để báo cáo cơ quan chỉ đạo.

- Tăng cường huy động nguồn vốn xã hội hóa và cơ chế hợp tác công - tư, huy động vốn ODA, vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, bố trí vốn ngân sách nhà nước để xử lý triệt để các cơ sở thuộc khu vực công ích gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với phần thuộc trách nhiệm của Nhà nước.

Về che phủ rừng

- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhằm từng bước hoàn thiện chính sách, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia vào việc bảo vệ và phát triển rừng.

- Xây dựng cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù cho mỗi vùng, địa phương theo hướng khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng. Đồng thời, cần nâng mức hỗ trợ tương ứng cho việc bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm tạo động lực khuyến khích người dân tích cực bảo vệ, phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo, bảo đảm việc coi người làm rừng thực sự là một nghề.

- Các chính sách phát triển kinh tế nông lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân nên tiếp tục được triển khai trong giai đoạn tới hoặc được lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Đẩy mạnh xã hội hoá việc tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương, đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, nhất là cho người dân làm nghề rừng./.

TS. Nguyễn Văn Thuật - Trưởng ban, Ban Chiến lược phát triển bền vững và Môi trường, Viện Chiến lược phát triển

ThS. Nhữ Lê Thu Hương, ThS. Lý Quỳnh Anh, ThS. Nguyễn Hà Linh, ThS. Phạm Minh Hiền, ThS. Đặng Đức Anh - Ban Chiến lược phát triển bền vững và Môi trường, Viện Chiến lược phát triển

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 05, tháng 03/2024)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Báo cáo tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển KCN, KKT.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Báo cáo tình hình thành lập và phát triển KCN, KKT năm 2021.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Báo cáo tình hình thành lập và phát triển KCN, KKT năm 2023.

4. Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam (2023), Góc nhìn: Rác thải sinh hoạt tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp, truy cập từ https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=82916.

5. Hải Yến (2023), Xử lý chất thải rắn cần lựa chọn công nghệ phù hợp với từng địa phương, truy cập từ https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-giam-sat.aspx?ItemID=83429.

6. Ngân hàng Thế giới (2022), Báo cáo “Phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam”.

7. Phạm Kiên (2023), Xử lý chất thải, nước thải y tế của Việt Nam và những con số, truy cập từ https://congnghiepmoitruong.vn/xu-ly-chat-thai-nuoc-thai-y-te-cua-viet-nam-va-nhung-con-so-10428.html.

8. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 263/QĐ-TTg, ngày 22/02/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

9. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1978/QĐ-TTg, ngày 24/11/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050..

10. Trang tin điện tử Tuyên giáo (2023), Hướng tới 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý, truy cập từ https://www.tuyengiao.vn/huong-toi-96-chat-thai-ran-sinh-hoat-do-thi-duoc-thu-gom-xu-ly-147777.

11. Vân Khánh (2023), Thực trạng sử dụng tài nguyên nước ở Việt Nam, truy cập từ https://moitruong.net.vn/thuc-trang-su-dung-tai-nguyen-nuoc-o-viet-nam-58777.html.

12. Vũ Thương (2024), Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom ở đô thị đạt 95%, truy cập từ https://thiennhienmoitruong.vn/ty-le-chat-thai-ran-sinh-hoat-duoc-thu-gom-o-do-thi-dat-95.html.


[1] Số liệu dự báo năm 2024 và 2025 của Ban Chiến lược phát triển bền vững và Môi trường.

[2] Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của năm 2021, năm 2022 và 2023, mục tiêu tỷ lệ KCN, KCX có khu xử lý nước thải tập trung lần lượt là 91%, 91, 92%.

[3] Tính toán dựa theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg, ngày 01/10/2013 về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.